Ngày 4 tháng 4/2016 hầu như tất cả những cơ quan truyền thông lớn Âu Mỹ, đều nhất loạt đưa tin rằng mười một triệu rưởi hồ sơ mật của hãng luật Mossack Fonseca ở Panama bị tiết lộ. Hãng luật này chuyên trách giúp thiết lập các hang ổ trốn thuế ở ngoại quốc cho các chính trị gia, các đại tài phiệt, các nhân vật giầu có, thế giá mọi giới trong xã hội. Tính ra là khoảng 150 tên tuổi lớn thuộc 50 nước trên toàn cầu với số tiền trốn thuế lên đến nhiều ngàn tỉ (trillion) đô la. Riêng con số hồ sơ tiết lộ đủ làm mọi người choáng váng, vì nó nhiều lần lớn hơn con số 3 triệu công văn của bộ ngoại giao Mỹ trong vụ Wikileaks. Những tên tuổi liên lụy đầu tiên đưa ra cũng làm cho khối người giật mình, chờ đợi những hệ quả sẽ đến cho những nhân vật quyền lực dính líu như: tổng thống Nga Putin, chủ tịch TQ Tập Cận Bình, nhiều thành viên trong ủy ban thường trực bộ chính trị TQ, tổng thống Argentina Mauricio Macri, tổng thống Brazil Dilma Roussef, thân phụ đương kim thủ tướng Anh David Cameron, thủ tướng Iceland Sigmundur Gunnlaugsson, vua Salman của Saudi Arabia, cầu thủ bóng tròn nổi danh và thuộc hàng lực sĩ giầu nhất thế giới Lionel Messi, chưa kể các nhân viên các hội bóng tròn quốc tế và Âu Châu, vân vân.. Đặc biệt là không có nhân vật chính trị hay tài phiệt Mỹ nào. Nhiều người cho rằng lý do có thể là vì họ không dùng hãng luật này, chứ không phải là họ không xử dụng những khe hở luật pháp để trốn thuế.
Tại sao các tài liệu này đã bị tiết lộ. Cứ theo như ông Fonseca, thì hệ thống máy điện tử của ông bị xâm nhập.
Về câu hỏi tài liệu đã được loan đi cách nào thì chính người đầu tiên nhận tin là một phóng viên 38 tuổi, phụ trách làm phóng sự điều tra của nhật báo Nam Đức (Süddeutsche Zeitung), kể rằng có một nhân vật bí mật đã gọi điện thoại cho ông ta vào cuối năm 2014. Người gọi điện thoại đã hỏi xem ông ta có muốn nhận những tài liệu này đề nghiên cứu và truyền đi hay không. Dĩ nhiên, là người phóng viên trẻ tuổi chưa có bao nhiêu tên tuổi này đã nhận lời, và anh cho biết rằng anh đã tiếp tục thảo luận với người bí mật này, mà anh nói là có khi nhiều hơn cả thời gian nói chuyện với vợ anh. Nhưng cuối cùng thấy rằng một mình không kham xuể, cho nên anh đã liên lạc với Tập hợp Các Phóng viên Điều tra Quốc tế ở Washington DC, gồm trên 100 tổ chức thông tin khác nhau. Sau cả năm làm việc, vụ Panama mới được phóng đi.
Người đầu tiên lãnh hậu quả là thủ tướng nước nhỏ xíu Iceland dân số trên 300,000 dân, ở trên diện tích 100,000 km2, đã từ chức. Riêng Thủ tướng Anh Cameron bị kêu gọi từ chức nhưng đã ở lì, vì ông chỉ nhận tiền lời, từ chuyện thân phụ ông trốn thuế mà thôi..
Những tên tuổi lớn như tổng thống Putin thì không sao, vì trong các dịch vụ này, chỉ có người nhạc sĩ đàn cello nổi tiếng và là bạn ông từ nhỏ là có tên. Tập Cận Bình cũng vậy, vì không có tên tuổi trong hồ sơ, còn các nhân vật bộ chính trị thì chưa thấy có chuyện gì xẩy ra. Dù sao thì những người đứng ngoài thì ai cũng nghĩ rằng ông Putin có dính líu. Ba ngày sau khi vụ Panama nổ ra trên truyền thông, ông Putin đã lên tiếng nói rằng vụ Panama Papers là một âm mưu của Mỹ để tạo bất ổn ở Nga. Ông nói “Có những nỗ lực để làm yếu chúng ta từ bên trong, làm cho chúng ta phải dễ bảo hơn theo quan điểm của họ. Cách nào dễ nhất để làm điều này? Đó là reo rắc sự mất lòng tin tưởng nhau giữa các giới chức thẩm quyền với những cơ chế quyền lực trong xã hội, và làm cho dân chúng người nọ chống người kia”.
Luận cứ này có ai nghe và tin không? Về phía Âu Mỹ thì ít nhất có tờ New York Times cho rằng đó là lối đổ lỗi quen thuộc của Nga cho rang các thế lực bên ngoài phá hoại. Về phía dân Nga thì những thăm dò mới nhất cho thấy uy tín Putin không hề hấn gì, mà lại còn đã lên tới đỉnh cao 82%. Trong trường hợp Trung quốc thì không thấy có nhiều bàn tán và tin tức nào đáng kể.
Dưới Nam bán cầu, ở Úc châu, thì ngày 20 tháng 4 tin loan đi cho biết, có 40 nhà chính trị tiếng tăm đã ký một thư ngỏ gửi thủ tướng Malcolm Turnbull, là phải có hành động. Thư viết: “Thưa thủ tướng, ông có thể đặ ra ngoài vòng pháp luật những công ty bình phong dấu tên chủ nhân và các phương pháp trốn thuế khác”. Sở thuế Úc đã thấy ra được tên của hơn 800 người Úc trong tài liệu của hãng luật Mossak Fonseca, và đã mở cuộc điều tra. Hệ quả lớn nhất là các đảng phái Úc đang bàn thảo xem chính phủ Úc đã ra các biện pháp đầy đủ để đóng những khe hở luật pháp chưa.
Không đi thêm vào những chi tiết khác tại một số nước khác trên toàn cầu trong danh sách ở tài liệu tiết lộ của hãng Mossak Fonseca, nhưng có thể nói rằng đấy là tất cả các loại hệ quả tiếp theo vụ tiết lộ. Các tên tuổi lớn không hế hấn gì, ngoại trừ một nhân vật không mấy quan trọng trên trường chính trị thế giới là thủ tướng Iceland.
Nhân vật ai cũng chờ mong sẽ “gặp vấn đề”, là Putin, thì đã có phản ảnh ngược lại, làm uy tín tăng gia hơn đối với người dân nước Nga. Người ở ngoài có ghét thêm Putin nữa cũng thế thôi. Tập Cận Bình thì vẫn bình chân như vại. Cho nên nếu mà nghĩ tiết lộ tài liệu Panama là một chuyện lớn thì cho tới nay, phải thấy rằng nó không thể nào so sánh với sự chú ý của dư luận bằng vụ Wikileaks. Và truyền thông Âu Mỹ chẳng còn thấy đả động gì nhiều hơn nữa, dầu rằng thời gian trôi qua mới chưa đầy một tháng. Và cũng không thấy dấu hiệu gì sẽ có gây cấn ở Nga hay ở Tầu. Argentine thì đang có điều tra đương kim tổng thống Mauricio Macri, còn riêng ở Brazil thì đàng nào Dilma Roussef cũng không có quyền lực. nữa.
Và đã có bài viết trên internet rằng rất có thể tài liệu Panama bị tiết lộ, chính là bởi tình báo Nga với Putin. Nghe kể là hơi lạ.
Vậy thì vụ Panama papers là một trái bom tịt ngòi, hay là một cái pháo cối bị sịt? Câu trả lời chính xác là chỉ có kẻ chủ mưu mới biết, tùy theo cái ý định của người này hay nhóm này là chủ yếu nhắm vào ai. Putin, hay Tập Cận Bình hay vua Saudi Arabia…
Lâm Phong
(ngày 20 tháng 4/2016)