1/TXN. Kính chào quý vị thính giả. Chào NK. Chào TV. Chào KV. Chào ĐT. Chuyện tranh cử sơ bộ tổng thống Mỹ đã đến hồi kết cục. Phía Cộng hòa thì Donald Trump không còn đối thủ cho nên nhiều phần là sẽ trở thành đại diện đảng Cộng hòa, tuy rằng là vẫn còn có những tin tức loan đi rằng vẫn còn có chống đối trong đảng. Vấn đề theo tôi chỉ là chờ kết quả điều đình hậu trường giữa Trump và những người trong cơ chế đảng Cộng hòa, để kiếm cho ra một thỏa hiệp chấp nhận được. Nó nằm trong sự chọn lựa phó tổng thống, và trong một số những chính sách kinh tế tài chính và ngoại giao. John McCain người chống Trump kịch liệt đã xuống giọng hứa hẹn giúp Trump nếu mà Trump xin lỗi cựu chiến binh về lời tuyên bố “tôi không thích người bị bắt tù” để chê cái nhãn hiệu anh hùng được khoác cho McCain vì đã từng ở tù VC. Ngoài ra thì cựu thượng nghị sĩ Joe Lieberman ứng viên phó tổng thống trong liên danh Gore để tranh với tổng thống Bush con năm 2000, đã cùng với Jon Huntsman cựu thống đốc tiểu bang Utah lập một nhóm gọi là No Labels, không nhãn hiệu, không Dân chủ mà cũng không Cộng hòa, và mời được một ứng viên Dân chủ đứng hạng ba là Martin O’Malley và 5 ứng viên Công hòa ký vào danh sách những người hứa giải quyết vấn đề, là — Ben Carson, Chris Christie, John Kasich, Rand Paul, và Donald Trump. Những hứa hẹn này là nếu trúng cử tổng thống thì trong vòng một tháng sẽ triệu tập một hội nghị hai đảng mà nhóm No Labels đưa ra là: tạo ra 25 triệu công việc làm trong 10 năm tới, giữ cho quỹ An sinh xã hội bền vững 75 năm nữa, quân bình ngân sách vào năm 2013 và làm cho Mỹ an toàn về mặt năng lượng vào năm 2014. Ai cũng biết lời hứa chỉ là lời hứa, nhưng khi Trump ký vào thì là một biểu tỏ biết điều và hợp tác chứ không chỉ có chống cơ chế như từ đầu tới nay. Và như thế thì sự chống đối quyết liệt của cơ chế đảng Công hòa sẽ dịu để cho Trump làm đại diện.
2/NK. NK, Trước hết, NK xin kính gửi lời chào đến thính giả đang theo dõi chương trình BCTS hằng tuần với Bs TXN, ĐT, TV, KV và NK ngày hôm nay. Xin kính chào Bs N và thân kính chào chị ĐT, TV, KV. Cho tới nay thì NK vẫn thấy khó hiểu chuyện Trump thắng được các ứng viên cộng hòa thế giá và tên tuổi của đảng. Bởi vì ấn tượng Trump tạo ra cho dân chúng nói chung là ông ta ngang ngược, ngạo mạn, bị chê bai là không có cung cách làm tổng thống. Thêm vào đó là truyền thông cho rằng ông ta không hiểu biết gì về ngoại giao và chính sách nội trị thì kỳ thị phân hóa sắc tộc. Như thế thì không thể làm tổng thống. Thế mà ông ta đã thắng lớn. Và có vẻ như đảng Cộng hòa không có cách nào khác hơn là thỏa hiệp với ông. Dấu hiệu cụ thể sau cùng nhất là dân biểu Paul Ryan chủ tịch khối đa số Công hòa hạ viện vốn chống đối Trump đến cùng, sau khi họp với Trump ngày thứ năm hôm qua đã tuyên bố rằng cả hai đều đồng ý xây dựng đoàn kết trong đảng.
Câu hỏi của NK là trong tình trạng như thế thì liệu đảng Công Hòa có hy vọng gì thắng cử hay không, nhất là những ứng viên Cộng hòa trong lúc tranh cử với nhau dã có những cung cách tấn công nhau rất thấp?
3/KV. Dạ, trước hết thì KV xin được kính chào quý thính giả. Kính chào chị ĐT, lâu lắm rồi, hôm nay mới lại được BCTS với chị ĐT đấy cơ. KV xin chào BS N, anh NK và chị TV nhé. Nói về chuyện bầu cử thì xưa nay KV vẫn thường bầu cho đảng Công Hòa, thế nhưng lần này thì KV không biết bầu cho ai nữa. Cả Trump và Hillary đều không nằm trong tầm mắt của KV. Từ lúc mới bắt đầu vào cuộc bầu cử thì Trumptất nhiên là không có lá phiếu của KV rồi. Còn đảng Dân chủ thì KV không thể nào bầu cho Hillary Clinton, là một người làm chính trị lươn lẹo và đầu môi chót lưỡi. Bernie Sanders hứa hẹn nâng đỡ dân nghèo, và chống đại tài phiệt. Nhưng lại là người ủng hộ từ lâu trong quá khứ kỹ nghệ bán súng. Và KV thì không thích cái cảnh ai cũng có thể mang súng ngờ ngờ đi ngoài đường. Cho đến bây giờ thì KV không còn để ý xem Cộng hòa hay Dân chủ, phe nào sẽ thắng nữa. Tuy nhiên, ngày bầu cử cũng sẽ đi bầu thôi. Sống ở xứ này cũng nên làm bổn phận của một người dân, nhất là phải cho những người bản xứ thấy được là mình không làm ngơ trước vấn đề của đất nước, là mình cũng có quan tâm đến quê hương thứ hai này. Tuổi đời của KV sống ở đây đã hơn rất nhiều tuổi đời KV sống ở nơi KV được sinh ra đấy cơ.
4/TV. TV kính chào BS N, chị ĐT, anh NK, thân chào KV, và thân ái kính chào quý vị thính giả cùng các bạn toàn cầu. Đã có suy nghĩ chung là bà Hillary Clinton qua sự ủng hộ tận tình của các đại tài phiệt và nhờ truyền thông quảng cáo đề cao từ mấy năm nay, sẽ thắng cuộc chạy đua vào ghế tổng thống Hoa Kỳ. Tuy nhiên trong những thời gian gần đây thì những điều bất lợi cho bà đã được nhắc đi nhắc lại, và đã có tin là bà bị một ông tòa đang xét dến việc bà phải khai báo chính thức về vụ email. Việc này đang tạo nên nhiều câu hỏi. Ngoài ra thì thượng nghị sĩ Bernie Sanders đang thắng tại nhiều nơi với nhãn hiệu đứng về phía quần chúng và được đa số sự ủng hộ của người lợi tức thấp cũng như những người chán cái tình trạng chính trị ù lì của Washington DC và muốn thay đổi nghĩa là muốn làm một “cuộc cách mạng chính trị” như Bernie Sanders nói. Thành ra trong kỳ bầu cử này Trump đã thắng nhờ những người Cộng hòa bảo thủ, thiên hữu mà bất mãn, chán cái tình trạng ù lì, nói một đàng làm một nẻo của các chính trị gia. Còn Bernie Sanders thì lôi được những quần chúng dân chủ thiên tả, bất mãn, trong đó có thành phần nữ giới trẻ mà Clinton tưởng là nắm được. Nếu mà Trump đối đầu với Hillary Clinton thì những người bất mãn này dù tả hay hữu muốn thay đổi chưa biết chừng sẽ bỏ cho Trump. Và do đó chưa biết chừng Trump sẽ thắng. BS N, chị ĐT, anh NK, và KV nghĩ sao?
5/ ĐT xin kính chào tái ngộ qúy vị thính giả. Xin kính chào BS Ninh và anh NK. Thân ái chào TV và KV. ĐT vốn không mấy quan tâm về chuyện bầu cử Tổng thống Mỹ, vì ngay từ đầu, ĐT đã có ý định bầu cho bà Hillary Clinton. Nhiều người chê bai bà ta là thủ đoạn, là mánh mung, là nói dối, nhưng ĐT lại thấy bà ấy có nhiều kinh nghiệm trên chính trường. Vả lại, khi chọn người làm chính trị , không thể chọn những người chân chỉ hạt bột, hay hiền lành chân chất, cắn hạt cơm không bể, mà phải chọn một người cao tay ấn để đương đầu với những tay …ma đầu chính trị cỡ Putin, hay Tập Cận Bình. ĐT nghĩ, chỉ có Hillary Clinton mới có đủ những bản lãnh này. Tuy nhiên, đề tài hôm nay ĐT muốn đưa ra thảo lluận, không phải là đề tài về bầu cử, mà là một đề tài Phật gíáo.
ĐT có được đọc bài nói chuyện của BS Ninhtrong chương trình thảo luận về Phật giáo tại chùa Pháp Luân bên Houston ngày 7 tháng 5, với đề tài “Thái độ của người phật tử trước hiện tình rối ren của GHPGVNTN”. Trong bài, BS không nói thẳng ra là người phật tử có nên tham dự vào việc giải quyết những rối ren của giáo hội hay không? hay nói rộng ra, là “đạo” có nên tham dự vào chuyện “đời” hay không ? Nhưng qua sự trình bày của BS, về những sự kiện lịch sử như thái độ của một vua Trần Nhân Tông, một vị vua tu hành, cầm quân ra trận khi quốc biến, và hội nghị Diên Hồng của các bô lão VN, mà ĐT đoán rằng các bô lão này đều là những phật tử, vì thời nhà Trần là thời toàn thịnh của Phật giáo. ĐT đoán là BS ủng hộ cho thái độ kết hợp giữa “đạo” và “đời” nghĩa là dù đi tu, nhưng vẫn có thể can dự vào quốc sự khi đất nước lâm nguy. Như vậy có đúng không ạ?
6/TXN. Trước khi đề cập đến chuyện GHPGVNTN thì tôi xin có ý kiến về suy nghĩ của TV cho rằng Trump sẽ thắng bởi những người chán đến cùng tình trạng ù lì của Washington DC cả tả lẫn hữu sẽ dồn phiếu cho Trump. Hiện tượng này giống như hiện tượng cả tả lẫn hữu trong hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đã ủng hộ Ed Snowden khi anh này tố cáo cơ quan an ninh quốc gia NSA lạm quyền. Và cách đây mấy tháng, tôi đã nói trong chương trình này rằng nếu Trump được chọn đại diện đảng Cộng hòa thì muốn thắng bà Hillary phải chọn Bernie Sanders làm phó trong liên danh. Nghĩa là sẽ không mất nhiều những thành phần tả khuynh trong đảng Dân chủ. Và đã có những dấu hiệu là cả hai phe Bernie Sanders và Hillary không tìm cách hạ nhau sát ván, mà Bernie chỉ tiếp tục là để còn thăm dò tình thế xem Trump chọn ai làm phó.
Sang vấn đề GHPGVNTN thì tôi đã viết bài như là làm một bài luận đưa ra cho thí sinh. Tôi hiểu rằng đề tài này là muốn xem tình trạng rối ren của GH được giải quyết ra sao? Cho nên bài viết đã có hai phần. Một là tại sao rối ren, vì có hiểu tại sao thì mới có cách giải quyết. Và hai là nguyên tắc giải quyết. Trong bài trình bầy tôi đã chỉ rõ ra là Phật giáo có vô số cách tu, nghĩa là rất nhiều hệ phái (nhiều pháp môn). Phật giáo tại VN cũng vậy. Riêng tại VN thì đặc biệt là có môn phái Trúc Lâm Yên Tử vua Trần Nhân Tông sáng lập ra gắn kết việc giải khổ cho mình (cá nhân) với việc cứu khổ cho người, cho dân tộc (tha nhân). Vì tinh thần này mà có sự đồng lòng nhất chí của toàn dân để quân dân nhà Trần có thể đánh đuổi được quân Mông Cổ bách chiến bách thắng từ Á sang Âu. Cái tinh thần tu hànhtôi cho là đặc điểm của Phật giáo Việt Nam này, bắt đầu từ đời Trần. Theo tôi, nếu tu Phật mà không gắn kết đạo vì dân tộc, cho dân tộc thì chỉ là đạo Phật mà không phải là Phật giáo VN. Nhìn suốt giòng lịch sử dân tộc thì tôi thấy chỉ có Phật giáo Tứ Ân Bửu Sơn Kỳ Hương do Phật Thầy Tây An sáng lập ra năm 1849, là có đặc tính này, khi nêu rõ ra 4 ân đức phải đền đáp là Ân tổ tiên cha mẹ, Ân đất nước, Ân Tam bảo và Ân đồng bào nhân loại. Tháng 1 năm 1964, GHPGVNTN được thành lập cũng đề ra khẩu hiệu Đạo Pháp và Dân tộc thì theo tôi là cũng có tinh thần nối kết đạo với đời từ thời Trần của vua Trần Nhân Tông. Nói cho rõ là có nhiều pháp môn Phật giáo tại Việt nam mà GHPGVNTN là một tông phái Phật giáo ở VN chứ không phải là tổng thể Phật giáo tại Việt Nam. Và theo tôi thì việc gắn kết đạo Phật với dân tộc và đất nước là đặc thù tại VN cho nên tôi mới dùng 4 chữ PHẬT GÍAO VIỆT NAM. Giáo hội Phật giáo VN của VC lập ra là một chiêu bài để nằm trong một công cụ chính trị VC là Mặt Trận Tổ quốc. Về câu hỏi của ĐT là đạo có nên tham dự vào đời hay không thì câu trả lời của người Phật tử tu theo tông phái Phật giáo Việt nam tất nhiên là: có. Nhưng ở chỗ này, về câu ĐT hỏi nguyên văn là “thái độ kết hợp giữa “đạo” và “đời” nghĩa là dù đi tu, nhưng vẫn có thể can dự vào quốc sự khi đất nước lâm nguy có đúng không” thì tôi muốn nói rõ thêm một chút. Là tăng sĩ đi tu theo tông phái PGVN thì đưa quan điểm lớn hay lập trường về những vấn đề của đất nước. Còn Phật tử tu theo tông phái PGVN thì tùy vị trí của mình trong xã hội mà thực hiện quan điểm của giáo hội mà tăng sĩ lãnh đạo đã đưa ra. Nói cho đơn giản thì cũng chẳng khác gì trường hợp một giáo hội tổ chức lâu đời là Công giáo La Mã. Giáo hoàng đưa quan điểm, tu sĩ và giáo dân theo đó mà thi hành. Thí dụ như sau 1975, giáo hội không chủ trương chống chế độ VC nên các nhà thờ và giáo dân né tránh các hoạt động đụng chạm đến VC, với lý do tôn giáo không làm chính trị. Nhưng trước năm 1975, khi giáo hội chống Cộng thì các nhà thờ và giáo dân là các lực lượng chống Cộng rõ ràng.
7/KV. Dạ qua những gì BS Ninh vừa nói thì KV thấy sự phân biệt rõ ràng GHPGVNTN không phải là tất cả Phật giáo, không phải là tổng thể Phật giáo tại VN, là rất đúng. Theo KV được biết thì GHPGVNTN khi thành lập, gồm 13 tổ chức Phật giáo từ Nam chí Bắc. Mà con số này theo như KV nghĩ thì không phải là toàn thể các chùa, các phái Phật giáo gồm những người nghĩ rằng đi vào chùa tu là để lánh đời, là tìm quên do thất bại hay thất tình, hay là đi tu là để sửa soạn cho kiếp sau được tiếp dẫn vào cõi Tây phương cực lạc đâu cơ ạ.
8/TV. Nói đến chuyện tu hành có nhiều cách, nhiều pháp môn thì TV cũng đồng ý vì người VN mình có nói rằng thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa. TV có những bậc chú bác hay nói “ăn mặn nói ngay còn hơn ăn chay nói dối” là trong tinh thần tu tại gia, theo đường ngay nẻo chính của đạo pháp, bởi vì không hẳn thấy phục tất cả những người mặc áo tăng sĩ. Những chú bác này không phải là những Phật tử thường xuyên đi chùa. Ngay cá nhân TV cũng không mấy khi đi chùa trừ một số dịp đặc biệt, nhưng ở nhà thì có để tượng thờ Phật và đi ra đi vào đều có cung kính niệm Phật. Trong trường hợp GHPGVNTN, thì TV nghĩ rằng Phật tử đi chùa thuộc giáo hội bởi vì họ ủng hộ quan điểm đạo phục vụ dân tộc đất nước của giáo hội. Và TV ủng hộ quan điểm của đại lão hòa thương Thích Quảng Độ là đạo gắn kết với đời, giải khổ cho cá nhân mà cũng cứu khổ cho dân tộc. Ngài đã bảo vệ quan điểm này mấy chục năm trời, bất kể mọi hình thức trấn áp của VC, từ tù giam đến quản chế tại Vũ Đoài Thái Bình là quê của ngài, đến tình trạng bị cô lập hiện nay tại Thanh Minh thiền viện trong một căn gác nhỏ. TV cũng đã từng tham gia ký giấy yêu cầu thả các thượng tọa Tuệ Sỹ và Trí Siêu khi những vị này bị bắt và lên án tử hình.
9/NK. chỉ xin có một đóng góp nhỏ. Là trong trường hợp Phật giáo, bác sĩ Ninh nói đặc thù của tông phái Phật giáo VN là không tách rời cứu khổ con người ra khỏi cứu khổ tha nhân là rất đúng. Nhưng nếu nhìn rộng ra tôn giáo Tây phương thì Thiên chúa giáo đã không hề thoát ra khỏi cuộc đời, mà từ thời trung cổ đã ảnh hưởng hay cấu kết chặt chẽ với vua chúa. Ngày nay, tại Mỹ, các nhà thờ Tin Lành đã có ảnh hưởng lớn và đôi khi là quyết định trong vấn đề chính trị nước Mỹ.
10/ ĐT có được đọc một số bài trên báo chí, và internet, các tác giả lập luận rằng khi đã tu, thì nên chuyên tâm trau dồi Phật pháp, chớ đừng nên dính dấp tới chuyện ngoài đời, nhất là những chuyện về chính trị, vì như vậy sẽ khiến tâm bị “động”, gây thế sự xáo trộn, không đúng phật pháp. Họ đưa bằng cớ, là thời Đệ Nhất Cộng Hòa, các sư sãi lấy cớ chống chính quyền đàn áp Phật giáo, để khích động phật tử biểu tình, mang bàn thờ xuống đường, hô hào bãi công, bãi thị, tạo nên nhiều biến động, rối ren, đưa tới sự sụp đổ nền Đệ Nhất Cộng Hòa. Tới thời Đệ Nhị Cộng Hòa cũng vậy, những thượng Tọa Thích trí Quang, Thích Đôn Hậu, ni cô Huỳnh Liên chống đối chính quyền kịch liệt. Và khi tấm màn hạ xuống vào năm 1975, thì những người này hiện nguyên hình là tay sai của CS. Họ bị CS giật dây và lợi dụng Phật tử làm công cụ, để phục vụ cho mục đích của họ. Như vậy thì có nên tách “đạo” ra khỏi “đời” hay không ?
11/TXN. Theo tôi nghĩ, lý luận này là một lối ngụy luận, ngụy giải về sự sụp đổ của VNCH đệ nhất và đệ nhị. Và cũng là vì không hiểu Phật pháp là gì. Hay là hiểu ở một góc tiêu cực rằng chùa là nơi dành cho những người chán đời, thất bại đi tu. Suy nghĩ rằng chùa dành cho những người lánh đời tôi không muốn nói là sai, nhưng chỉ là một cách tu cho một số người hiểu Phật pháp là như thế, và làm như thế. Còn lý luận về sự sụp đổ của VNCH như trên tôi nói là ngụy luận, ngụy giải. Bởi vì nguyên nhân không phải là đơn giản như vậy, theo tôi hiểu vì chứng kiến sống qua. VNCH sụp đổ không phải chỉ vì có những vụ xuống đường, mà có nhiều nhân tố khác to lớn hơn. Là chính sách bành trướng CS vào miền Nam, đặc biệt là từ sau khi Hồ Chí Minh tuyên bố thành lập MTDTGPMN năm 1960. Là sự can thiệp ngoại quốc trong đó Mỹ có vai trò quan trọng nhất vào miền Nam để lũng đoạn, mà bây giờ người ta biết rõ là chủ trương đảo chính tổng thống Diệm ngày 1/11/1963. Chưa kể rằng có vô số đảng phái chính trị có những chủ trương tranh quyền cho phe nhóm, tạo nên sự xáo trộn. Cũng không ai nói đến một nhân tố vô cùng quan trọng là khả năng lãnh đạo và hiểu biết của những người ở các vị trí quyền lực miền Nam. Ngoài ra những cái gọi là bãi công bãi thị thì thật sự tôi biết chẳng có bao nhiêu người hưởng ứng và chẳng có làm hư hại gì cuộc sống miền Nam nói chung. Những vụ đem bàn thờ xuống đường ở miền Trung theo tôi biết chỉ làm trò cười. Nói Thích Trí Quang, Thích Đôn Hậu là nguyên hình tay sai CS năm 1975 thì cũng chỉ là nhìn một góc vấn đề. Tay sai VC mà sao Thích Trí Quang lại được cho vào tòa đại sứ Mỹ tá túc trong thời kỳ Phật giáo đấu tranh? Tay sai VC mà tại sao TT Thích Thiện Minh bị tù và chết trong tù? Vì sự kiện thượng tọa Thích Đôn Hậu ở Huế rồi sau tết Mậu Thân biến mất và tiếp theo là làm đại biểu quốc hội VC, mà người ta kết tội là VC, hay là tay sai VC. Nhưng ai có bằng cớ rằng Thích Đôn Hậu đi theo hay bị VC bắt đi? Thích Đôn Hậu bị làm đại biểu quốc hội VC hay là được làm đại biểu quốc hội VC như là một chậu kiểng? Còn những người Công giáo thì sao? Nguyễn ngọc Lan, Chân Tín và một số linh mục giòng chúa Cứu thế khác cũng biểu tình chống Mỹ cứu nước vậy? Chân Tín về sau này một thời gian dài được coi là chống Cộng cho tới lúc chết là tại sao? Tôi nói thế không phải là để bênh hay chê ai. Mà chỉ muốn nói rằng không thể dựa vào vài điều xẩy ra trong quá khứ để kết luận, hay kết án. Tôi chỉ muốn nói rằng tình hình rất phức tạp, vì có rất nhiều yếu tố đan chen không biết hết mà thật vắn tắt thì gồm có VC, VNCH, Mỹ, các tôn giáo và các tổ chức chính trị đủ loại. Kết luận vội vã dựa trên một sự kiện và cảm tính thì không đúng. Và không ích lợi gì, nếu mà không muốn nói là có hại.
12/ ĐT thấy rằng đa số các vị lãnh đạo tinh thần của các tôn giáo, đều có quyền lực với con chiên, mạnh hơn cả cha mẹ hay chính quyền, nhất là ở các nước kém tiến bộ. Chính CS đã nhận rõ điều này nên một mặt họ chống phá các tôn giáo trong nước, nói : “tôn giáo là thuốc phiện”, một mặt họ lợi dụng các vị lãnh đạo tôn giáo của các chính quyền đối lập để chống phá. ĐT thấy rằng tách rời được ảnh hưởng của các vị lãnh đạo tinh thần ra khỏi sự vâng lời mù quáng của các tín đồ, cũng là góp phần trong việc gỡ bỏ bớt các rối ren trong nội bộ tôn giáo. BS Ninh và các vị có đồng ý với ĐT không ?
13/KV. Dạ thưa tình trạng tín đồ nghe theo tu sĩ là chuyện không thể tránh được. Và có thể nói đó là lẽ rất tự nhiên thôi. Bởi con người bản chất là yếu đuối và bất lực trước những thách đố, những khó khăn của cuộc sống, cho nên cần có một chỗ dựa để an ủi. Như tin ở một đấng quyền năng để cứu giúp mình. Khi gặp nguy biến con người cầu chúa, niệm Phật ... vân vân cho bớt sợ. Trong trường hợp bình thường thì cầu chúa cầu Phật để đời sau được sướng, được lên thiên đường, lên niết bàn. Các tu sĩ là những người đại diện cho các đấng thiêng liêng cho nên được tôn kính. Mà cũng là vì các tu sĩ qua lời giảng thuyết được coi là người hiểu đạo cho nên vì thế không thể tách ảnh hưởng của các vị này lên tín đồ được. Tuy nhiên, ở đây chúng ta cũng không thể vơ đũa cả nắm là tất cả các tu sĩ đều như thế. KV biết cũng có những vị vẫn thường khuyên là không nên tin đạo, tin thầy một cách mù quáng, không dùng sự hiểu biết của mình mà tìm cách ảnh hưởng lên những tín đồ để chỉ làm những chuyện như lên chùa cầu nguyện. Ngược lại, những vị này biết hướng dẫn đệ tử của họ đi theo con đường học đạo, biết khai mở chân tâm để tìm thấy sự an lạc, thanh thản qua cách nhìn vào cuộc sống và thấu hiểu vấn đề, rồi từ đấy quân bình bản ngã trên phương diện xuất tục nhập thế sao cho hài hòa đấy ạ.
14/TV. TV có suy nghĩ rằng sự rối ren trong các tổ chức tôn giáo có hay không, nhiều hay ít là tùy theo cơ cấu tổ chức và tùy theo nhân sự của tôn giáo, và tùy theo hoàn cảnh mà tổ chức tôn giáo đó hoạt động. Trong trường hợp GHPGVNTN thì cái hoàn cảnh mà giáo hội hoạt động ngày xưa trước 1975, cũng như bây giờ, là một hoàn cảnh rối ren. Nghĩa là có những yếu tố khách quan từ ngoài chen lấn vào để tác động. Có khả năng ngăn ngừa hay triệt tiêu các nhân tố từ ngoài hay không, và có thể giải quyết vấn đề nhân sự nội bộ giáo hội hay không, là những câu hỏi mà bản thân TV không dám có câu trả lời.
15/TXN. Đến đây thì chương trình bcts hôm nay phải tạm ngưng. Xin kính chào tạm biệt quý vị thính giả. Chào NK, ĐT, TV, KV và xin cám ơn các vị. Xin hẹn gặp lại tất cả trong một kỳ tới.
16/ĐT xin kính chào tạm biệt qúy vị thính giả, xin kính chào BS Ninh và anh Nguyên Kim. Thân ái chào TV và KV. Xin hẹn gặp lại các vị trong kỳ bcts tuần tới.
17/ KV. Dạ, KV cũng xin được tạm chào quý thính giả. Xin được hẹn gặp lại quý thính giả cùng BS N, chị ĐT, chị TV và anh NK vào lần tới ạ.
18/ NK. K xin kính chào tạm biệt quý vị thính giả đang theo dõi chương trình BCTS hằng tuần với Bs TXN, KV và NK ngày hôm nay. Xin kính chào tạm biệt Bs N và thân kính chào tạm biệt chị ĐT, TV và KV.
19/TV. TV xin kính chào BS N, anh NK, thân chào KV, và thân ái kính chào tạm biệt quý vị thính giả cùng các bạn toàn cầu đang theo dõi chương trình bàn chuyện thời sự.