Bộ trưởng kỹ nghệ Christopher Pyne trong chính phủ liên hiệp hai đảng Tư do và Dân Tộc Úc trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình đã nhận định rằng “hiện tượng Trump là môt vấn đề thực sự cho Hoa kỳ, làm cho sự dân chủ của nước này có vẻ như là kỳ cục. Dân chủ ngày nay phải mạnh chứ không thể là bạo lực”. Chính giới Úc ít khi mà có phê phán về những cuộc bầu cử các nhân vật lãnh đạo Hoa kỳ, bởi vì Úc là một nước xa xôi ở Nam Bán cầu, tuy rằng có liên hệ gần gạnh với Mỹ đặc biệt là về phương diện chiến lược quân sự. Nhìn cho kỹ thì những sô sát và lời qua tiếng lại dữ dằn trong những cuộc vận động tranh cử của Donald Trump đã không tạo ra những đổ máu hay những thiệt hại vật chất như những cuộc biểu tình chống kỳ thị ở Mỹ trước đây. Điều gì thực sự làm cho bộ trưởng Pyne chú ý về Trump? Những lời ăn nói bặm trợn và khích động nẩy lửa của Trump, chủ trương trục xuất những người di dân bất hợp pháp, tạm thời cấm chỉ người Hồi giáo vào Mỹ, hay là xây tường dọc biên giới với Mexico, vân vân, nói cho cùng chỉ ảnh hưởng đến dân Mỹ và các nhân vật chính trị hai đảng Dân chủ và Cộng Hòa Hoa kỳ đã bị Trump qua mặt và trở thành một đồi thủ đáng sợ trong cuộc chạy đua vào dinh cơ của vị trí quyền lực hạng nhất của Hoa kỳ là Bạch cung, vào tháng 11/2016. Thực thế, xây tường ngăn cách hai nước không phải là chuyện lạ và chẳng mấy ai nói tới, như Do Thái xây tường chặn xâm nhập vào những vùng Do Thái đã chiếm của Palestine, Ai Cập lập hàng rào chặn thông thương với giải Gaza.
Đã có rất nhiều và liên tiếp những bình luận về Trump trong truyền thông và chính giới Mỹ. Để giải thích làm sao mà Trump vượt xa các đối thủ thế giá có tên tuổi mà đảng Cộng hòa sửa soạn để đưa ra tranh cử vào ghế tổng thống. Nào là Trump mị dân. Nào là vì sự giận dữ của quần chúng đảng Cộng hòa nghèo đối với chính khách Cộng hòa phục vụ tài phiệt. Nào là sự dối trá, lươn lẹo tham những của các chính trị gia qua những lời nói tốt đẹp cửa miệng. Nào là vì Trump giầu có nên người ta nghĩ rằng không bị mua bởi tài phiệt. Cũng có cả những tấn công vào đời sống và cá tính của Trump như ghét đàn bà, kỳ thị, lường gạt vân vân.. Nhưng tất cả những điều này khó mà có thể gọi là “kinh khủng đáng sợ”, và đều thấy có ở những nhân vật chính trị Dân chủ, trước đây và bây giờ. Như bà Hillary Clinton nhân vật số một của cuộc bầu cử tổng thống hiện nay của đảng Dân chủ và chống bà tổng thống Clinton trước đây. Cả hai đều nổi tiếng là nói dối như cuội, và đầy tai tiếng trong đời sống công cũng như tư.
Xét cho cùng thì khích động nẩy lửa trong chính trị không phải là một điều đáng sợ kinh khủng. Ngược lại, điều đáng sợ là những hứa hẹn hão huyền ru ngủ, để mà sau mỗi kỳ bầu cử là xong, mọi sự trì đọng như cũ, chờ bốn năm sau nghe hứa hẹn tiếp. Kết cục là dẫn đến tình trạng đa số dân không quan tâm đến chính trị, không đi bầu, trừ những người mà có những công ăn việc làm hay quyền lợi liên hệ đến giới chính trị chuyên nghiệp. Vì thế hiện nay ở Mỹ người ta biết chỉ có chừng trên dưới 50% cử tri đi bầu. Obama cách đây 8 năm đã tranh cử với khẩu hiệu “chúng ta có thể thay đổi”, với hàm ý nổi bật là người da mầu có thể làm tổng thống, và khích động được một số đông đảo quần chúng vốn chán ngán với sự trì đọng chính trị. Kỳ này Hillary Clinton tính “bản cũ soạn lại” theo khẩu hiệu “người phụ nữ đầu tiên làm tổng thống” có vẻ như không ăn đối với một số những người hoạt động xã hội chính trị, là những người có đi bầu, vì thành tích “chính trị nhà nghề lâu năm”, vừa có “tai tiếng” vừa có “danh tiếng” của Hillary. Donald Trump đã khích động được một số quần chúng giận dữ nòng cốt, và đấy là điều đáng sợ, ít ra là cho những nhà chính trị muốn giữ nguyên trạng “nói mà không làm” để hưởng lợi.
Có thể vì thế mà Trump đã khẳng định rằng ông ta sẽ thắng trong cuộc đối đầu với Hillary Clinton. Nhưng bỏ ra ngoài chuyện ai thắng ai bại trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa kỳ, thì sự “kinh khủng đáng sợ’ trong hiện tượng Trump không phải chính là cá nhân và tác phong tư thái của Trump. Mà là tình trạng có đông đảo quần chúng hưởng ứng những lời Trump kêu gọi, ngay cả bằng những lời bặm trợn. Nó cho thấy một số điều. Một là đámg quần chúng này đã chán ngán với cái thực tại họ trải qua. Hai là lo ngại về cái viễn tượng họ cho rằng sẽ tới. Để mà theo Trump thay đổi, “làm cho Mỹ quốc lại vĩ đại như cũ”.
Hillary Clinton đã nhanh chóng đáp lại bằng khẳng định “Mỹ quốc vẫn là vĩ đại” chỉ lọt tai cho những người có đầu óc đà điểu. Thực thế, dân Mỹ vẫn tiêu thụ nhiểu, vì thế vẫn có ảnh hưởng lên các nước cung cấp hàng tiêu dùng, nhưng với mức nợ khó thanh toán. Vẫn có thể hàng năm viện trợ cho nước đồng minh cật ruột Do thái 3,1 tỉ Mỹ kim ngoài các khoản cho vay nhẹ lãi hay không lãi nhiều chục tỉ. Vẫn có mặt trên biền Đông, Trung đông, Bắc Phi và đang trở lại Thái bình dương. Vẫn có khả năng can thiệp chính trị xã hội tại các vùng đất cần có ảnh hưởng bằng chiến lược kết hợp chiến tranh đặc biệt với tình báo kỹ thuật và điện tử vân vân…
Thành ra, sự đáng sợ kinh khủng, nếu có, là ngay ở trên nước Mỹ và cho nước Mỹ, với sự đối đầu không chấp nhận nhau giữa các xu hướng quần chúng đối nghịch, lộ ra không phải chỉ bởi Trump phía đảng Cộng hòa khích động mà còn bởi Bernie Sanders là nhóm dân chủ xã hội phía đảng Dân chủ. Đó là lý do người ta thấy có những quan điểm giống nhau ở cả hai bên. Sự đối đầu này từ trước vẫn có nhưng đã giải quyết được nhờ sự giầu có và phương tiện dồi dào của Mỹ. Tình trạng giàu có này như chúng ta biết đã giảm và tản ra ngoài Mỹ vì tình hình kinh tế toàn cầu sau chiến tranh lạnh. Phương tiện thực tế đã không dồi dào như xưa, chưa kể những mâu thuẫn xã hội Mỹ ngày càng phức tạp hơn, do đó khó giải quyết hơn. Đó là tình trạng bế tắc giữa hai đảng Cộng hòa với Dân chủ trong ít nhất là từ hai nhiệm kỳ tổng thống Obama vừa qua.
Với Hillary Clinton thắng, mọi sự sẽ cho xuống dưới thảm. Với Trump thắng, sẽ có một số xu hướng kinh tế xã hội Cộng hòa lấn lên, nhưng sức mạnh tài phiệt thì vẫn vậy. Lời Bernie Sanders kêu gọi “cách mạng chính trị” sẽ chẳng xẩy ra. Donald Trump, Hillary Clinton hay Bernie Sanders sẽ chẳng làm thay đổi bao nhiêu tư thế chính trị toàn cầu của Mỹ. Sự sôi nổi nếu có chỉ là trong tranh cử. Tinh thần “không đánh được thì hòa” của người Mỹ sẽ tiếp tục. Sự “đáng sợ kinh khủng” chi thực sự có trong lý luận, ít nhất là trong thực tế Hoa kỳ.
Thạch Trung Ẩn
(Ngày 18 tháng 3/2016)