1/TXN. Kính chào quý vị thính giả. Chào ĐT, chào TV, chào KV. Tình hình thời sự thế giới có nhiều điều đáng để ý. Tại Hoa kỳ, ứng cử viên ngang dạ đảng Cộng hòa Donald Trump đang vật lộn gay go với Ted Cruz để dành phần thắng tại tiểu bang Iowa trong vòng bầu phiếu sơ bộ đã bất ngờ được sự ủng hộ của Sarah Palin, nguyên ứng viên phó tổng thống trong liên danh với John McCain, một lãnh tụ cỡ lớn của Tea Party. Chuyện này tạo nhiều bàn tán về cái thế thắng của Donald Trump. Thủ tướng Anh Cameron tuyên bố là những phụ nữ Hồi giáo nhập cư vì lấy chồng quốc tịch Anh mà không học tiếng Anh và không qua được kỳ thi trắc nghiệm tiếng Anh thì có thể bị phát hoàn về nguyên quán. Tin này tạo rung động trong sắc tộc Hồi giáo ở Anh và cũng tạo bàn tán vấn đề kỳ thị hay không kỳ thị. Một thống kê mới công bố của Liên hiệp quốc cho biết trong năm 2014 và tới hết tháng 10/2015, số thường dân thiệt mạng trong cuộc chiến giữa chính phủ Iraq và lực lượng ISISlà gần 19,000 người, với chừng gấp hai lần số thương vong. Đặc sứ LHQ Jan Kubis ở Iraq đã gọi con số này là “kinh tởm” và gọi ISIS là “một đại họa” phạm “tội ác chống nhân loại”, “phạm tội diệt chủng”. Để cho quý vị thính giả không theo rõi đều đặn tình hình hình Trung đông, thì tôi xin nhắc lại ở đây rằng ISIS là một phó sản của cuộc chiến Iraq mở ra năm 2003 bởi tổng thống Bush con để lật đổ Saddam Hussein và Syria khởi đầu năm 2011 để dẹp tổng thống Syria Bashar Assad. ISIS gồm nhiều nhóm phức tạp do các thế lực đối nghịch lập ra và ủng hộ. Mới đây, tin cho biết rằng quân Peshmerga người Kurd do Mỹ ủng hộ đã phá hủy các làng Ả Rập để trừng phạt tội các dân Ả Rập đã theo ISIS khi bọn này chiếm đóng vùng này. Chuyện lựa chọn lãnh đạo cao cấp nhất trong đại hội đảng VC sắp diễn ra vẫn tiếp tục là đề tài thảo luận trong giới truyền thông tiếng Việt và giang hồ điện tử, với những luận cứ đưa hy vọng có thay đổi bất ngờ, tức là Nguyễn Tấn Dũng không bị loại theo như những tin kể là bí mật nhất bị tiết lộ. Tôi chỉ nhắc lại để biết thế thôi chứ cá nhân tôi không thấy cần chú ý đến chuyện này làm gì vì ai lãnh đạo chế độ VC thì người dân cũng vẫn thế, đất nước vẫn thế. Các quý bạn có điều gì muốn thêm thắt thay đổi thì cứ tự nhiên.
2/ĐT. ĐT xin kính chào tái ngộ quý vị thính giả. Xin kính chào BS Ninh. Thân ái chào TV và KV. Đầu năm nay, thời sự trên thế giới rất bận rộn, nhiều chuyện rất đáng chú ý, như chuyện bầu cử sơ bộ của 2 đảng Dân chủ và Cộng Hoà tại Mỹ, Đại hội đảng lần thứ 12 vào cuối tháng Giêng ở VN, chuyện những người Hồi Giáo tỵ nạn, chuyện giá dầu thô sụt giảm... v...v... Mới đây, ĐT được một người bạn chuyển cho một bài viết về Bác sĩ Trần Đông A, người bạn khi xưa ở trường Đại học Y Khoa Saigon. Bài viết này nhan đề: “BS “nhạc trưởng”, những ca mổ vang danh”. Bài viết này ca tụng bác sĩ Trần Đông A không tiếc lời, phải nói là “quá lời”, với ca mổ đầu tiên, là tách rời hai trẻ sơ sinh dính liền, rất phức tạp năm 1988. Bài viết diễn tả cuộc giải phẫu như sau: “Sau 3 tháng chữa trị tại Nhật không thành, hai anh em về nước, trong tình trạng sức khoẻ ngày càng suy yếu, nhiều lần cấp cứu trong đêm. Nếu không mổ tách rời, cả hai sẽ chết.” Và “BS Trần Đông A đã phối hợp ê kíp hơn 60 y bác sĩ bắt tay vào cuộc mổ nhiều thử thách mà ngay cả Nhật Bản, với những tiến bộ vượt bực cũng đã từ chối”. “Trong bối cảnh việc xuất ngoại bị kiểm soát gắt gao, ông liên tục được mời đi báo cáo ở nhiều nước trên thế giới như Nhật, Mỹ, Hungary…” Ngoài ra, tác giả còn ca tụng con người, trong khía cạnh khác, của Trần Đông A nữa như lời tường thuật: “Hình ảnh người bác sĩ nhỏ bé hiền lành vừa ôm đàn ghi ta, vừa hát vang những giai điệu “Tôi đi giữa trời quê hương ngày thống nhất/ Nghe lòng mình phơi phới một niềm vui/ Sài Gòn đêm nay nghìn sao xanh biếc...”
Trong bài này, người viết còn nói thêm rằng BS Trần Đông A đã hoàn thành cả cả trăm ngàn ca mổ, đủ mọi loại bệnh tật phức tạp của trẻ con, và ghép các loại nội tạng. ĐT xin hỏi BS Ninh, TV, và KV đã đọc qua bài này chưa ? và BS Ninh, từng là chuyên gia giải phẫu tiểu nhi ở Saigon trước năm 75, thì có biết gì về BS Trần Đông A không ? và có cảm nghĩ gì về bài này ? Còn phần ĐT, đã hội ý với mấy người bạn, thì họ nói rằng, những lời khen tặng, tâng bốc quá lời, làm người ta nghi ngờ về giá trị của bài viết, vì không bác sĩ nào có khả năng giải phẫu cả trăm ngàn ca, dù suốt cuộc đời, hoặc giải phẫu đủ mọi loại bệnh phức tạp, kể cả ghép nội tạng, vì mỗi bác sĩ chỉ chuyên ngành mổ về một vài loại giải phẫu nào đó thôi, chứ không thể bao dàn như những lơi quảng cáo. Có người lại nói: bài viết này có giá trị ngang với những bài viết của báo lề phải ở VN như “bộ đội dùng tay không hạ máy bay địch...” Các vị nghĩ sao ?
3/KV. Dạ, KV xin được kính chào quý thính giả, kính chào BS N, chị ĐT và chị TV.
Chị ĐT ơi, tình thật mà nói thì KV chẳng biết chút gì về mấy ngành của y khoa cả. Ngoài bài chị ĐT gửi, KV cũng có nhận được một bài viết khác, được chuyển từ một số bạn với lời bình ngắn gọn rằng “VC ca tụng bác sĩ ngụy quá chời!” Như KV đã nói là không biết chút gì về chuyện y khoa và giải phẫu nên câu chuyện của ông bác sĩ Trần Đông A thì KV không dám có ý kiến. Còn chuyện VC ca tụng "dân ngụy", thì những giai đoạn gần đây, VC vẫn thường thổi phồng, ca tụng một số các tên tuổi người Việt ở hải ngoại, đặc biệt là những người nghe theo VC, về dự một số các cuộc họp hay du lịch do chúng tổ chức. Để mà gọi là “vơ vào”. Cho nên KV càng không lấy gì làm lạ về sự ca tụng ông bác sĩ Trần Đông A. Cùng họ với BS N đấy cơ :-)
4/TV. TV kính chào BS N, chị ĐT, thân chào KV, và thân ái kính chào quý vị thính giả cùng các bạn toàn cầu. TV thì không đọc bài viết ca tụng ông Bác Sĩ Trần Đông A mà chị ĐT và KV vừa đề cập ở trên, và cũng không biết gì về ông bác sĩ Đông A này. Duy chỉ có điều nhận thấy cái lối ca tụng trí thức lên tột đỉnh là rất hiếm trong chế độ VC. Hồi ở Việt Nam TV nhớ có một ông giáo sư bác sĩ nổi danh ở ngoài Bắc là BS Tôn Thất Tùng. Báo Nhân dân VC TV đọc lúc đó viết là vị đại giáo sư này cắt gan tài giỏi mà các các danh sư Pháp không bằng và phải học ông. Và việc ông mổ tim thì bài báo nói cũng chỉ có mấy phút. Cho nên ngày nay ca tụng ông bác sĩ Đông A gốc ngụy như bài viết mà chị ĐT đề cập đến là có vẻ lạ.
5/TXN. Tôi có biết bác sĩ Trần Đông A. Từ thời còn là sinh viên, rồi làm nội trú, và tình nguyện đi làm bác sĩ trong binh chủng nhẩy dù khi ra trường. Tôi cũng nghe chuyện bác sĩ Trần Đông A trong thời gian học tập cải tạo. Và sau đó thì có gặp lại năm 1978 sau khi ra tù cải tạo. Ở Hoa Kỳ, tôi có được nghe các nhân viên điều dưỡng còn ở VN kể về chuyện bác sĩ Đông A mổ cặp song sinh dính liền Việt Đức. Và cũng biết Đông A được cho sang Tây và Mỹ sau khi VC đổi mới. Tôi cũng biết vợ của bác sĩ Trần Đông A là người khôn ngoan khéo léo. Và một số các chuyện khác nữa quanh chuyện đi hay ở của bác sĩ Đông A. Tôi nghĩ rằng đi vào những chi tiết về đời sống riêng tư không có ích gì, không khác gì những chuyện ngồi lê đôi mách. Tôi nói những điều này chỉ cho thấy rằng tôi biết và hiểu bác sĩ Đông A. Thành ra, tôi chỉ thấy nhân bài viết này có hai điều nếu muốn thì có thể nêu ra. Một là chuyện ca tụng bác sĩ Trần Đông A thì tôi nghĩ rằng nó cũng tương tự như sự ca tụng nhạc sĩ dương cầm Đặng Thái Sơn mà ông bố ruột bị chế độ trấn áp khốn khổ, khi Đặng Thái Sơn được giải Chopin với bài Fantaisie impromptu. Mục đích của sự ca tụng này chỉ là làm đẹp cho cái chế độ kinh tởm VC bíến thái. Hai là những phản ứng đối với bài viết này mà tôi thấy có hai loại: một là chê Trần Đông A phục vụ chế độ, mà câu nặng nề nhất là "Thà làm MA Việt Nam Cộng Hòa, KHÔNG làm tay sai chobọn "Cướp Chính Quyền Bán NƯỚC GiếtDân "
Hai là thích thú khi bác sĩ Trần Đông A được chế độ đề cao như lời kèm theo bài viết chuyển cho KV là “VC ca tụng bác sĩ ngụy quá chời”. Cả hai loại phản ứng theo tôi đều nặng cảm tính chủ quan. Chê ông Đông A phục vụ chế độ là những người giận dữ chế độ, có điều kiện để ra hải ngoại và có cái xa xỉ tự do phát biểu không cần nghĩ sâu. Chứ ở trong nước, không làm với chế độ không được. Cá nhân tôi, sau khi được thả khỏi trại tập trung cải tạo tôi cũng phải làm bác sĩ cho chế độ và được giao phó trách nhiệm tổ chức khu giải phẫu tiểu nhi bệnh viện Nhi Đồng II cho con cái cán bộ. Nhưng tôi không thể chịu được cái lối làm việc o ép vô lối vô lý nặng tính giai cấp và chính trị, cho nên khi có điều kiện vượt biển là đi luôn, với tư tưởng liều mạng thà chết trên biển còn hơn. Nhưng đã may mắn sống sót để định cư hành nghề ở Mỹ. Mà người nào khi đã làm dưới chế độ thì tự nhiên là không thể không phát huy khả năng của mình, nghĩa là làm chết bỏ, để mà được yên thân và giữ bát cơm củ sắn. Còn cái phản ứng khoái trá thích thú khi thấy VC đề cao “một bác sĩ ngụy” thì theo tôi cũng là biểu thị một mặc cảm. Mặc cảm ta tuy ở phía thua là VNCH nhưng hơn các ngươi. Tương tự như những người hãnh diện khi thấy VC nói đến trận đánh Hoàng sa của hải quân VNCH, hay là khi có người tưởng niệm chiến sĩ hải quân VNCH hy sinh tại Trường Sa. Cá nhân tôi, tôi không thấy cần VC công nhận hay là nói tới sự hy sinh này. Không cần những kẻ tay sai ngoại quốc, bán nước, công nhận công trạng chiến đấu cho tổ quốc. Thế thôi. Sau chót, thì vì ĐT hỏi về một trường hợp người trong y giới, nên tôi nhận định thế thôi, chứ những bài viết loại thị phi, mạt sát nặng nề hay xưng tụng thổi phồng, tôi nếu có đọc thì cũng chỉ lướt qua cho biết, chứ không còn hứng thú để xem sai đúng. Có thể vì mình bây giờ đã chịu ảnh hưởng ít nhiều lời khuyên của một thiền sư là “đừng luận đúng sai” rồi.
6/KV. Dạ, Nghe qua những gì bác sĩ Ninh vừa trình bày thì KV chợt nghĩ rằng mình phải phân biệt những người không có sự chọn lựa, phải ở Việt Nam, sống trong vòng kìm kẹp của chế độ. Khác với trường hợp của những kẻ ở hải ngoại, có tự do mà lại chọn lựa đâm đầu về phục vụ cho bọn VC, củng cố cho cái chế độ phản dân hại nước, khiến cho đất nước mình ai cũng muốn bỏ ra đi. KV nghe nhiều người đã nói , sau năm 1975, khi VC vào cưỡng chiếm miền Nam VN thì người miền Nam đã có câu “cái cột đèn mà đi được nó cũng ra đi”. Bây giờ, tin cho biết rằng trong cuộc họp tại văn phòng Quốc hội ngày 29 tháng 12 vừa qua, bàn về tình trạng các du học sinh cấp phổ thông trung học và đại học, sau khi tốt nghiệp không trở về; Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Duy Thăng đã nhìn nhận với các đại biểu Quốc hội rằng: "Tôi nghĩ con em nhiều người ngồi ở đây cũng không về. Cá nhân gia đình tôi cũng vậy, 2 đứa không về.” Và ngoài ra nhiều người trong chúng ta đều biết rằng tại các cộng đồng hải ngoại, đặc biệt là Nam California, đầy nhà cửa của các quan chức VC và tay chân để mà làm chỗ tá túc khi hết việc. Lãnh đạo VC và đảng VC biến thái đã tàn phá đất nước đến độ mà người trong chế độ còn không muốn ở thì KV nghĩ không có gì để nói thêm ở đây nữa đấy ạ.
7/ĐT. Nói vậy chứ ĐT mới đọc một bài tùy bút có những suy nghĩ khác, do đài BBC truyền đi, nhan đề “Yêu nước” của ông Ngô bảo Châu, đang là giáo sư toán ở đại học Chicago. Trong bài ông Châu nói lên mối quan tâm đến đại hội đảng của ông. Mở đầu, ông Châu kể trường hợp một đồng nghiệp người Nga có quốc tịch Mỹ, giáo sư toán đại học Yale đã quyết định không về thăm Nga vì “đối với anh ấy nước Nga cũng giống như bất kỳ một nước nào khác trên thế giới, anh không cảm thấy liên quan đến những gì hiện giờ đang xảy ra ở Nga”. Rồi ông Châu nói rằng
“Mấy tuần gần đây, dù muốn hay không, mà thực ra là không muốn, tôi cảm thấy rất quan tâm đến diễn biến chính trị ở Việt nam.
Tôi nhận thấy rất nhiều người cũng quan tâm như tôi, có lẽ quan tâm đến Đại hôi lần này hơn hẳn so với những Đại hội lần trước, dù rằng về cơ bản, chúng ta không “liên quan” gì đến Đại hội của “họ”.
Ông Châu giải thích đó là vì cái lòng yêu nước bàng bạc, của ông, qua sự thông cảm gần gạnh với những người thanh niên Nghệ An nghèo khó quê kệch mà ông thấy tại một vài phi trường khi ông đi du lịch. Riêng ĐT khi thấy những người VN tác phong tư thái tệ mạt thì chỉ tăng gia sự nổi giận với chế độ đã biến người mình thành ra như thế. Mà thấy dửng dưng với sự bầu bán lãnh đạo VC, vì ai cũng thế thôi và thời gian đã đủ dài để chứng tỏ như thế. Bác sĩ N, TV và KV thấy sao?
8/TV. TV đồng ý với suy nghĩ của chị ĐT. TV thấy thất vọng với giai cấp thống trị VN hiện nay là lãnh đạo VC chỉ biết tư lợi, và thất vọng với cả giai cấp bị trị, là người dân, chấp nhận đời sống chui luồn yên phận. Những người quan tâm, theo TV nghĩ chỉ là những người có dính líu vào trong cuộc bầu bán. Trong bài viết của ông Ngô bảo Châu BBC truyền đi TV thấy có hình ông Châu ngồi nói chuyện với Nguyễn Tấn Dũng, nét mặt hoan hỉ. Địa vị hiện nay của ông Châu là nhờ bộ óc giỏi toán của ông, và cũng còn do được nhà nước đãi ngộ, cấp nhà ở và đặc quyền vân vân. Cho nên sự quan tâm không nhất thiết vì lòng yêu nước, mà vì chế độ cho ông các thứ mà ông hài lòng. Trong kết luận của bài tùy bút, tuy nhiên ông Châu đã viết một câu như thế này: “Ngay cả khi không có lá phiếu, người dân cũng cần nói rõ về xã hội mà mình muốn. Nói được cái mình muốn không hề dễ, nó khó hơn nhiều so với nói cái mình không muốn. Nếu không nói được cái mình muốn, nó sẽ không bao giờ xảy ra.
9/TXN. Tôi chỉ muốn thêm một câu là ông Châu qua những bài viết không nhiều nhặn gì, đã nói được cái ông muốn, ở vị trí của ông. Cho nên ông quan tâm đến chuyện bầu ban lãnh đạo đảng. Người dân không nói được điều nào cả, cho nên yên lặng, không quan tâm, cho đỡ mệt thêm, ngoài những tranh cãi vật lộn hàng ngày không tránh được. Quay sang chuyện khác tại Hoa kỳ. Người ta thấy rằng có mấy điều đáng chú ý. Một là ứng cử viên tranh cử tổng thống của đảng Dân chủ Bernie Sanders đã thắng bà Hillary Clinton tại tiểu bang New Hampshire. Ông Sanders là người không có tiền phải gom nhặt từng đô la của quần chúng trong khi bà Hillary rất nhiều tiền do các thế lực tài phiệt ủng hộ và sửa soạn cho bà từ nhiều năm nay để làm tổng thống. Về phía đảng Cộng hòa thì ứng viên Donald Trump trong cuộc vận động ở University of Iowa đã bất ngờ đượcsự ủng hộ của bà Sarah Palin nguyên thống đốc Alaska và ứng viên phó tổng thống trong liên danh John McCain kỳ tranh cử năm 2008. Sarah Palin là một nhân vật bảo thủ có khá nhiều quần chúng thủ cựu trung kiên. Cho nên nhiều người cho rằng không khéo ông Trump sẽ làm nên chuyện bất ngờ tuy rằng ông là người ăn nói bỗ bã, ngang ngược, không theo khuôn thước “cho phải đạo” của những nhà chính trị chuyên nghiệp. Sự kiện một người có xu hướng tự do là ông Sanders và một người bảo thủ là ông Trump được quần chúng chú ý ủng hộ là một hiện tượng đáng suy nghĩ. TV, ĐT, KV có nhận định gì không?
10/KV. Trước giờ KV vẫn là người ủng hộ đảng Cộng hòa, Nhưng mới đây khi dân Texas được ngờ ngờ mang súng đi ra đường giống kiểu cowboy của thời xưa thì KV bỗng thấy ngao ngán quá, bây giờ thì không biết theo đảng nào đây. Tuy nhiên nếu vẫn còn theo đảng Cộng Hòa thì dĩ nhiên là KV không thể ủng hộ Donald Trump rồi. Ngoài ra thì KV cũng sợ cái xu hướng quá khích, có vẻ gia tăng trong dân Mỹ, qua những phản ứng quần chúng trong những vụ như có 4 hành khách bạn bè với nhau đi trên một chuyến bay American Airlines, bay từ Toronto về New York đã bị phi hành đoàn đuổi ra khỏi máy bay vì bộ mặt Trung đông, Hồi giáo. Mấy người này đã kiện American airlines là kỳ thị dựa trên mầu da và tư thái. Về phía đảng Dân chủ thì sự thắng thế của ông Sanders đối với một đối thủ nặng ký là bà Clinton cũng là môt điều đáng suy nghĩ. Phải chăng là dân Mỹ trở thành phân cực hơn mọi khi không cơ?
11/ĐT. ĐT không theo dõi sát tình hình bầu cử sơ bộ tại Mỹ vì rằng chính sách của Mỹ rất ổn định, ai làm Tổng Thống cũng không thể đi ra ngoài danh giới và quyền hạn của Tổng Thống, vì còn có quốc hội kiềm chế. Ở VN thì lại khác, ai làm lãnh đạo, tình hình cũng vẫn tồi tệ, vẫn phải cúi đầu phục tòng TQ để bảo vệ địa vị, vẫn tham nhũng để vơ vét cho đầy túi tham. Chuyện bầu cử ở Mỹ hiện nay, còn quá sớm, vì các ứng cử viên chưa thi thố hết tài năng để thuyết phục cử tri. Về phần ĐT, cho tới phút này, thì ĐT thấy bà Hillary Clinton là sáng giá, vì bà ấy khôn ngoan, có nhiều kinh nghiệm trên chính trường, có tác phong của một chính trị gia, phát biểu chín chắn. Có người chê bà Hillary là gian hùng, nhiều thủ đoạn, nhưng ĐT lại nghĩ đối với một chính trị gia, có thể đó là những khả năng để tranh tài với những đối thủ như Putin, Tập Cận Bình...
12/TV. TV có cảm tình với ông Sanders hơn là bà Clinton. Trong một cuốn sách mới xuất bản của một nhân viên mật vụ làm ở Bạch cung bảo vệ các tổng thống, kể chuyện về các tổng thống Hoa kỳ thì TV thấy người này nói bà Hillary Clinton là “người hai mặt”. Trước ống kinh hay đông đảo quần chúng thì lịch sự ngon lành mà sau đó rồi thì là một người đàn bà dữ dằn, kể cả việc có khi đánh ông tổng thống Clinton đến nỗi nhân viên mật vụ phải can thiệp, và nói rằng “chúng tôi có bổn phận phải bảo vệ tổng thống, ngay cả đối với bà”.
13/TXN. Về chuyện chọn tổng thống Mỹ thì có một điều là nhiều khi truyền thông đã vận động hay chê bai một ứng viên là có hay không có kinh nghiệm, nói hay hay nói dở. Thế mà có nhiều người nghe. Theo tôi thì đây là một tiêu chuẩn không vững vàng để chọn ứng viên. Vì rằng không mấy ai mà đã từng làm tổng thống khi ra ứng cử. Ngoài ra thì làm tổng thống theo tôi đòi hỏi một người có khả năng nhìn rộng, biết chọn lựa giải pháp lợi ích tối hảo cho đất nước, nói tóm lại là một người có những đặc tính lãnh đạo, chứ không phài là một nhà hùng biện, hay một người có học cao. Bởi vì tổng thống một nước lớn như Mỹ là có sự giúp lực của một ban tham mưu, chứ không phải là tình trạng như một nước VN lạc hậu độc tài, vài người lãnh đạo ngồi hút thuốc lào, uống chè quyết định theo tưởng tượng và ý thích của mình. Tình hình tranh cử kỳ này ở Mỹ cho thấy, như KV nói, một sự bực bội của cử tri, phía tả cũng như phía hữu vì những lời nói miệng phải đạo, cho có, từ lâu của các nhà chính trị. Sự bực bội này đã gia tăng vì những khó khăn kinh tế xã hội không giải quyết được làm ảnh hưởng đến đời sống của nhiều người. Mẫu số chung của những bực bội là sự thay đổi các vận hành của chính trị. Vì thế, ông Bernie Sanders đã kêu gọi một cuộc cách mạng chính trị, và ông không ngần ngại tự cho mình là người Dân chủ xã hội, tức là dân chủ có tinh thần phục vụ người nghèo. Còn Donald Trump thì thay đổi để làm cho Mỹ cường thịnh như xưa. Dù chủ trương tả hay hữu thì vấn đề là làm sao thực hiện được các kế họach chính trị kinh tế cần thíết. Đánh thuế người giầu hay giảm giúp đỡ người nghèo, là câu hỏi chưa có trả lời, nhất là trong hoàn cảnh kinh tế tài chính khó khăn hiện nay của Mỹ.
Đến đây thì chương trình bàn chuyện thời sự hôm nay phải tạm ngưng. Xin kính chào quý vị thính giả. Chào TV, chào ĐT, chào KV và xin gặp lại tất cả quý vị và các bạn trong một kỳ tới.
14/DT. Tới đây, thì ĐT xin kính chào tạm biệt qúy vị thính giả. Xin kính chào BS Ninh. Thân ái chào TV và KV. Xin hẹn tái ngộ các vị ở kỳ bcts tuần tới.
15/KV. Dạ, KV xin được gởi lời chào tạm biệt đến quý thính giả. Xin tạm biệt chào BS N, chị ĐT và chị TV ạ. KV xin được hẹn gặp lại vào kỳ tới.
16/TV. TV kính chào BS N, chị ĐT, thân chào KV, và than ái kính chào tạm biệt quý vị thính giả cùng các bạn toàn cầu đang theo rõi chương trình BCTS.