Bàn chuyện thời sự ngày 29 tháng 01 / 2016 (Bác Sĩ Trần Xuân Ninh, Nguyên Kim, Khánh Vân)

1/NK. Trước hết NK xin kính gửi lời chào tới quý vị thính giả đang theo dõi chương trình BCTS hằng tuần với Bs TXN, KV và NK ngày hôm nay. Xin kính chào Bs N và thân kính chào chị KV.

Mời quý vị  thính giả nghe một bài viết ngắn với đề tựa Mẹ xin lỗi con được truyền đi trên mạng giang hồ điện tử. Bài viết này là của một phụ nữ có chồng Pháp đưa con gái 2 tuổi rưỡi về thăm VN, đáp xuống phi trường Nội Bài, gần Hà nội

Nguồn Internet

Nguồn Internet

2/KV

Mẹ xin lỗi con!

Sau những phút bịn rịn chia tay bố ở phi trường CDG Paris, con theo mẹ lên máy bay của hãng hàng không VNA về sân bay Nội Bài, Hà Nội.

Con sốt cao từ hai hôm trước nên con khá mệt trên chuyến bay dài.

Rồi máy bay cũng hạ cánh, theo chân mẹ con đi lấy hành lý và đến cửa khẩu nhập cảnh.
Vì con chỉ có hộ chiếu Pháp, nên bố đã đặt làm giấy tờ cho con trên mạng internet, lấy visa ngay tại cửa khẩu Nội Bài

Ở đó, hai mẹ con gặp một chú công an hải quan cửa khẩu, họ nói rằng "Xin cháu mấy chục đồng để uống nước" thì sẽ được cấp visa ngay, còn không thì xin mời xếp hàng đợi. (chục đồng ở đây là đồng euro hoặc dollar)

Mẹ bảo họ mẹ không có tiền mặt ở đây, cháu mới hai tuổi rưỡi làm gì có tiền mà chú xin cháu tiền uống nước và thế là hai mẹ con vào hàng đợi làm thủ tục.

Còn những người chấp nhận bỏ vài chục đồng cho họ uống nước thì được giải quyết ngay và luôn cho dù không hề có luật nào như thế.

Con mệt và ngơ ngác, con muốn đi vệ sinh nhưng con vẫn xếp hàng, con không hiểu tại sao hai mẹ con phải đợi.

Mẹ xin lỗi con gái, mẹ vô cùng thất vọng và không muốn tiếp tay cho những người tham lam kia.
Vì thế dù vài chục euro là một số tiền không quá lớn, nhưng mẹ đã để con phải đợi cùng mẹ.
Con gái thân yêu, đây là đất nước của mẹ và quê hương của con đấy. Mẹ rất xấu hổ nhưng đúng là thế.

Một đất nước mà đồng tiền đã vận hành đến tận xương tủy.

Một nơi mà con người nhìn nhau chỉ thấy tiền bạc và lợi ích thô bỉ.

Ở quê cha con được chào đón bằng những nụ cười thân thiện, bằng những ưu đãi dành riêng cho trẻ nhỏ.

Ở quê mẹ con bị chặn đứng bằng "chục đồng uống nước" trắng trợn.

May mắn là con rất ngoan, con mệt nhưng con không khóc lóc, con nằm dựa vào hai chiếc vali kiên nhẫn chờ tới lượt.

Hai chiếc vali chứa rất nhiều quần áo cũ hai mẹ con đã xắp xếp hôm trước để mang về gửi tặng các bạn nghèo vùng cao.


Mẹ xin lỗi con!


https://www.facebook.com/ChongTayVoDong/posts/452131544980527:0

3/ NK. Người mẹ này có một người bạn ở VN. Nghe chuyện, người này đã viết vài lời giới thiệu và chuyển bàibà mẹ viết xin lỗi này đi. Bài viết như sau:

Con mang một nửa dòng máu Việt, nhưng con không được chào đón ở cửa khẩu quê hương.
https://www.facebook.com/ChongTayVoDong/posts/452131544980527:0


Câu chuyện này của bạn tôi, khi cô ấy đưa con về thăm ông bà ngoại, và đón Tết cổ truyền Việt Nam ở Hà Nội.

Nhưng ngay tại sân bay Nội Bài, hai mẹ con đã bị vòi "tiền uống nước" từ cán bộ cửa khẩu nếu muốn lấy visa nhập cảnh nhanh hơn. Vì không đưa "tiền uống nước" cho cán bộ Việt Nam như các hành khách khôn ngoan khác, nên cô bé 2 tuổi rưỡi đã xếp hàng chờ cùng mẹ để lấy visa.

Một vài lời gửi các anh chị cán bộ nhập cảnh ở sân bay Nội Bài:

Các anh chị thân mến,

Các anh chị chỉ biết nhìn vào bữa ăn hôm nay mà không nghĩ đến tương lai của xã hội cho con cái các anh chị ngày mai.

Thái độ và sự vòi vĩnh của các anh chị chính là một phần của một lượng lớn khách du lịch không muốn quay trở lại Việt Nam. Một thiệt hại không thể đo đếm được ngay lập tức.

Chúng tôi là những người con của đất nước này, chúng tôi về chơi vì đó là quê hương, là gia đình, là bạn bè thân thương.

Còn khách du lịch, họ đến, họ mang công việc, mang lợi nhuận đến cho các anh chị, thế giới này rộng lớn và đẹp vô cùng, họ có tiền, họ có rất nhiều lựa chọn.

Không Việt Nam thì sẽ là Thái Lan, Lào, Campuchia, ở đâu chào đón thì họ sẽ tới nhiều hơn.
Còn khi bị đối xử tệ, họ sẽ cười khẩy, chấm cho cái cần câu cơm của các anh chị 1 sao và nhờ sự lan truyền trên internet, nó sẽ thành lời cảnh báo chân thực nhất làm nản lòng những ai có ý định du lịch Việt Nam.

Chắc các anh chị đều biết sử dụng Facebook, hãy vào "Noi Bai International Airport" và nhờ ai đó biết tiếng Anh dịch hộ những đánh giá.

Hãy nhìn sang những nước láng giềng và tự hỏi tại sao họ phát triển hơn chúng ta?

Vì những người cán bộ nhà nước của họ khôn ngoan hơn các anh chị, họ biết rằng "vài chục đồng xin xỏ" ngày hôm nay có thể làm họ rủng rỉnh vài tuần nhưng về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến tương lai họ và cả con cháu họ.

Vì những người cán bộ nhà nước của họ biết xấu hổ, nhục nhã, không tham lam vô liêm sỉ.
Hãy động não suy nghĩ đi các anh chị.


Nội Bài 13/1/2016


https://www.facebook.com/ChongTayVoDong/posts/452131544980527:0

4/KV. Bài giới thiệu có thêm lời giải thích một số thắc mắc nẩy ra nơi người nghe chuyện. Đó là


*Tại sao bạn tôi không bỏ tiền hối lộ, để con bé vạ vật chờ?

-Xin nói thế này, chúng tôi rất thương con, nhìn con ốm chờ đợi cũng xót lắm chứ, nhưng nếu ai cũng có lý do riêng, dùng lý do riêng để thỏa hiệp với cái xấu và những thứ chướng mắt, thì bao giờ xã hội mới tiến bộ được.

Tôi hối lộ vì con tôi mệt, cần gấp, bạn hối lộ vì bạn đang vội công việc, anh kia hối lộ vì bố ốm đang đợi ở nhà, chị nọ hối hộ để được nhanh hơn vì mẹ già mấy năm không gặp đang trông ngóng... Ai cũng có lý do và ai cũng tìm cách thỏa hiệp bằng tiền, đấy là lý do xã hội ta ngày càng phát triển ngược xu hướng chung của thế giới.

Vì thế bạn tôi, cô ấy nhất quyết không thỏa hiệp với cái xấu.

*Tại sao chúng tôi không đưa ảnh nhân viên, hay ghi âm lời vòi vĩnh. Trong câu chuyện này, chúng ta có thể thấy đó là hiện tượng chung, là sự sâu mọt của cả một ban ngành chứ ko phải lỗi của một cá nhân đơn lẻ.

- Chúng tôi muốn loại đi những hành động không đẹp và tìm một sự công bằng để đất nước và quê hương đi lên, chứ ko phải để hạ bệ các cá nhân. Quan trọng là nhìn thấy cái sai, cái tiêu cực để sửa chữa. Đó là điều chúng tôi mong muốn khi viết lại câu chuyện này.
Mong là câu chuyện sẽ đến tai những vị lãnh đạo ngành để họ chấn chỉnh lại cán bộ nhân viên của họ.

5/NK. Tiếp theo NK xin mời quý vị nghe một vài nhận định của Lâm Phong về chuyện này

Vắn tắt câu chuyện chỉ là lời than phiền của một phụ nữ lấy chồng Tây dẫn con gái hai tuổi rưỡi về thăm nhà ăn tết vì không chịu nộp tiền trà nước cho người công an làm giấy ở phi trường Nội Bài cho nên đã bị bắt chờ đợi lâu. Lời than phiền này đuợc phóng lên mạng điện tử bởi một người bạn thuộc thành phần con người mới xã hội chủ nghĩa,  được đảng "quang vinh" giáo dục liên tục và sống trong chiến dịch "học và làm theo gương bác Hồ vĩ đại" kéo dài nhiều chục năm nay. Theo lời người này, thì “chưa đầy 24 tiếng đồng hồ trên mạng chuyện đã nhận được gần 95 ngàn lần người thích (like) và gần 50 ngàn lần người share (chia xẻ)”. Trong số những người này chắc chắn là có những người khoan khoái vì thấy rằng “con người xã hội chủ nghĩa là như thế đấy”, và rằng “đã có những kẻ sáng mắt ra như nhạc sĩ Văn Vĩ” khi VC vào đến miền Nam năm 1975. Nhìn chung thì tất cả đều mang nặng cảm tính, và chủ quan. Tại sao lại nói thế?

Bởi vì đòi tìền lót tay hay hối lộ là chuyện kéo dài công khai từ khi nhà nước đổi mới mở cửa cho người Việt hải ngoại đi về tiêu sài và chuyển sang kinh tế thị truờng theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tức là thực hiện mua bản theo quy luật tư bản bởi những con người cai trị theo quy luật độc tài cộng sản.  Và ngay tại Việt nam trên đường phố, công an cảnh sát chặn xe đòi phạt ngang xương vô cớ để kiếm tiền cà phê cà pháo chẳng phải là chuyện hiếm. Thế mà chẳng có ai dư thì giờ cho lên mạng để mà có người like và người share. Nhìn rộng và xa hơn nữa thì các quan chức đảng và chính phủ từ những cấp lãnh đạo cao cấp nhất tham nhũng thối nát đầy rẫy trước mắt, ai cũng biết từ những đại công ty đến những đại ngân hàng đủ loại tiền mất hàng tỉ mà chẳng sao. Tất cả chỉ là những chuyện “ngàn lẻ một đêm cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, nghe qua rồi bỏ và không bao giờ chấm dứt.

Vài chục euro không chịu bỏ ra đổi lấy vài tiếng chờ đợi cho dứa con gái nhỏ đã khiến bà mẹ kết luận Một đất nước mà đồng tiền đã vận hành đến tận xương tủy. Một nơi mà con người nhìn nhau chỉ thấy tiền bạc và lợi ích thô bỉ.

và khiến bạn người mẹ ra lời dậy dỗ những người công an ở phi trường Nội Bài rằng

"Các anh chị chỉ biết nhìn vào bữa ăn hôm nay mà không nghĩ đến tương lai của xã hội cho con cái các anh chị ngày mai."

Đúng quá. Và người này có nhìn thấy được cái động cơ thúc đẩy chuyện vòi tiền đơn giản chỉ là miếng ăn. Nhưng mà cả người mẹ lẫn người bạn đều không hiểu hay cố tình không hiểu rằng nếu không có tiền nộp lên các cấp chức quyền trả nợ mua chỗ thì làm sao mà có lương để nuôi cho con cái lớn lên? Mà nếu không có bữa ăn hôm nay cho mình và con cái để sống thì làm gì còn ngày mai để lo cái nợ tương lai của xã hội?

Người bạn phổ bíến rộng rãi câu chuyện này cũng biết rằng không phải chỉ là chuyện cá nhân, khi ông ta viết

 Trong câu chuyện này, chúng ta có thể thấy đó là hiện tượng chung, là sự sâu mọt của cả một ban ngành chứ ko phải lỗi của một cá nhân đơn lẻ.

Chúng tôi muốn loại đi những hành động không đẹp và tìm một sự công bằng để đất nước và quê hương đi lên, chứ ko phải để hạ bệ các cá nhân. Quan trọng là nhìn thấy cái sai, cái tiêu cực để sửa chữa. Đó là điều chúng tôi mong muốn khi viết lại câu chuyện này.
Mong là câu chuyện sẽ đến tai những vị lãnh đạo ngành để họ chấn chỉnh lại cán bộ nhân viên của họ.

Lại đúng nữa. Nhưng mà ban ngành làm sao có thể sửa được khi nhân sự ban ngành là do trên chỉ định sắp sếp? Tức là cả một hệ thống gắn kết quyền lực với quyền lợi. Giới hạn sự chỉ trích phê phán vào ban ngành ở dưới do đó không phải là phương cách giải quyết. Có phê binh cho rằng người này rõ ràng là chỉ muốn né tránh cái tội tấn công chế độ. Tuy nhiên, coi sự né tránh tấn công chế độ là né tránh cái tội có thể là một cách suy diễn không hẳn đúng. Bởi lẽ người này lớn lên và được huấn luyện trong tinh thần con người mới xã hội chủ nghĩa. Cho nên nếu mà tấn công chế độ thỉ chẳng hóa ra là tấn công chính mìnhhay sao? Vất bỏ chính mình hay sao! Có thể rằng vì thế trong những thời gian vừa qua những người bất đồng ý kiến, phê phán những sai trái hư hỏng của chế độ không phải là ít, nhưng mà đòi hỏi phế bỏ lãnh đạo này lãnh đạo kia và dẹp bỏ chế độ thì không.

Sau chót, nếu mà tôn trọng chế độ thì tức là tôn trọng cái lề thói làm việc, vận hành của chế độ, mà quy luật vận hành là tham nhũng thối nát trấn áp luồn lách. Cụ thể là nếu người mẹ gốc vốn là thuộc giai tầng con người mới xã hội chủ nghĩa, nhanh nhảu đưa ra vài chục euro và kèm theo cho vài đồng boa (tip) thì chắc chắn cái kinh nghiệm về nhà ăn tết sẽ là vô cùng thú vị. chứ không phải là như đã viết trong lá thư Mẹ xin lỗi con. Thí dụ như không những có giấy tờ xong xuôi mau chóng mà chưa bíết chừng lại còncó người tình nguyện xách dùm mấy cái va li to đầy quần áo cũ tính để cho người nghèo, ra tận xe taxi nữa.

Làm con người mới xã hội chủ nghĩa được bác Hồ và đảng đào tạo thì có cái hãnh diện rằng đi đâu cũng gặp anh hùng, ra ngõ cũng gặp anh hùng, hãnh diện “nước ta rừng vàng biền bạc đất phì nhiêu và các nước anh em giúp đỡ nhỉều”, và hãnh diện là có nhiều lãnh đạo đỉnh cao trí tuệ loài người. Nhưng có cái thiệt là không biết lời ông bà đã cổ hủ dậy rằng “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”. Lại cũng không biết rằng “nhập gia tùy tục, quá giang tùy khúc”. Nghĩa là vào nhà người ta thì phải theo lệ nhà người ta (nếu không thì bị mắng); qua sông thì phải tùy khúc kẻo mà chìm. Và cũng không biết cái nguyên lý vận hành của xã hội Hoa kỳ là “tiền nói” (money talk). Các lãnh đạo đảng và nhà nước đã và đang nỗ lực ráo ríết học và áp dụng đấy. Cho nên đồng nguyên của Tầu cũng quý, mà đồng đô la của Mỹ cũng trọng.

Lâm Phong

(ngày 29 tháng 1/2016)

NK. Thay mặt cho ban thực hiện chương trình BCTS ngày hôm nay, xin kính gửi lời chào tới quý vị thính giả đã theo dõi chương trình BCTS.