1/TXN. Kính chào quý vị thính giả. Chào TV. Chào Khánh Vân. Đặc biệt xin chào mừng KV trở lại với chương trình vì nghe nói là chuyến bay của KV bị trục trặc máy móc và phải hạ cánh khẩn cấp. KV có thể kể chuyện trục trặc này ra sao cũng như phản ứng mọi người và tâm trạng KV tại chỗ không?
2/KV. Dạ, trước hết thì KV xin được kính chào quý thính giả, kính chào BS N và chị TV. KV rất là xin lỗi vì không thể kể rõ ràng chi tiết về chuyến bay bị trục trặc trong chuyến đi chơi xa của KV, đơn giản là bởi vì trong lá thư xin lỗi và tìm cách đền bù, thì hãng máy bay không cho mình nói gì về chuyến bay đó nếu mình chấp nhận sự đền bù này. KV chỉ có thể nói rằng KV và những hành khách trên chuyến bay đã rất may mắn khi có được những người phi công giỏi, họ đã đáp xuống an toàn. Khi máy bay vừa đáp, nhìn ra khung cửa sổ, KV thấy những chiếc xe cứu hỏa đã chờ sẵn để đề phòng những chuyện đáng tiếc có thể xảy ra. Nghĩ lại thì thấy mình vẫn còn may mắn, vẫn còn ngồi đây để bàn chuyện thời sự cùng BS N, chị TV và quý thính giả thì đó đã là một hạnh phúc rồi đấy ạ.
3/TV. TV kính chào BS N, thân chào KV, và thân ái kính chào quý vị thính giả cùng các bạn toàn cầu. Nghe chuyện máy bay trục trặc thì có ngán, nhưng theo TV biết thì đi máy bay nói chung là an toàn hơn đi xe hơi trên xa lộ Mỹ. Bởi vì theo thống kê, hàng năm số người chết vì tai nạn trên xa lộ ở Mỹ là 50,000 người hay hơn, trong khi chưa bao giờ mà số người chết vì tai nạn máy bay trong một năm lại nhiều như thế. Nhưng ngắn gọn đơn giản thì TV nghĩ rằng sống chết là “có số”. Vì có trường hợp ở Mỹ, người ngủ trong nhà bị xe chạy ngoài đường húc vào nhà, làm sập tường mà chết trong giường ngủ. Cũng có người ngủ trong nhà, máy bay rơi trúng nhà mà chết luôn. Cũng cách đây không lâu có trường hợp máy bay rơi, cả nhà chết hết chỉ có một em bé gái khoảng bẩy tám tuổi sống sót và đi bộ tới một cái nhà gần đó trong rừng. Ngoài ra thì cũng mừng là chuyến bay của KV chỉ trục trặc máy móc sơ sơ làm hãi sợ một tí thôi chứ không sao hết. Bây giờ quay lại chương trình bàn chuyện thời sự hôm nay thì TV thấy có nhiều tin tức về đại hội đảng VC đang diễn ra đáng chú ý lắm. Thí dụ như những tin tức và bình luận cho tới nay trên các mạng điện tử giang hồ và của các đài phát thanh ngoại quốc tiếng Việt cho thấy rằng Nguyễn Tấn Dũng được nói tới rất nhiều trong một thời gian dài, ít nhất là cả hơn một năm qua. Và đã có nhiều dự đoán là Nguyễn Tấn Dũng sẽ là tổng bí thư. Nguyễn Tấn Dũng cũng được nhắc đi nhắc lại là người có đầu óc đổi mới, cải cách, chống Tầu, thân Mỹ, không những bởi các cây viết giang hồ trên mạng, mà còn bởi các người được gọi là chuyên gia, phân tích gia, nghiên cứu gia Việt Nam trong nước, và ngay cả những chuyên gia giáo sư ngoại quốc như Jonathan London ở Hồng kông, Carl Thayer ở Úc vân vân… Thế nhưng những tiết lộ mới nhất lọt ra ngoài lại cho biết rằng Nguyễn Tấn Dũng có thể bị lọt sổ, sẽ phải nghỉ. Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp tục là tổng bí thư. Trường hợp này liệu giải thích là “có số” được hay không, bác sĩ N và KV nghĩ sao?
4/TXN. Dĩ nhiên là có thể giải thích bằng cái số. Vì giải thích bằng cái số thì không phải chứng minh gì cả. Ngoài chuyện nếu muốn thì chỉ việc nói rằng sao tốt nào gặp sao xấu gì, vào cung gì, hành gì, khắc hay sinh vân vân là xong. Nhưng mà cũng có thể gỉải thích bằng sự kiện. Thí dụ như Nguyễn Tấn Dũng có nhiều tay chân vì ở vị trí thủ tướng thì có thể ban phát nhiều quyền lợi, qua những giao kèo béo bở hay chức vụ có quyền có tiền cho tay chân, cho nên được những thành phần này ủng hộ. Tuy nhiên cái cơ chế quyền lực của VC không chỉ nằm trong tay chính phủ mà còn trong tay đảng, ở các cấp từ trung ương tới điạ phương, để làm cho nếu chính thức phiá chính phủ có lợi này thì phiá đảng nắm quyền kia, nghĩa là ngang ngửa. Ngoài ra thì trong suốt mấy chục năm dài sống trong tuyên truyền “chống Mỹ cứu nước”, đế quốc Mỹ xấu thế này, tư bản Mỹ bóc lột thế kia, cái hình ảnh thân Mỹ của Nguyễn Tấn Dũng chưa hẳn là thực sự có lợi cho Nguyễn Tấn Dũng đối với mọi thành phần đảng và cán bộ, tuy rằng hàng Mỹ, phim Mỹ, là thứ hàng được ưa chuộng, chưa kể chuyện mê say đô la Mỹ. Có thể rằng cái hình ảnh thân Mỹ của NTD có lợi cho các chính trị gia thời cơ hải ngoại, cho rằng có thể hợp tác với NTD để gọi là thay đổi chế độ qua tiếp cận. Nhưng những chính trị gia này là thiểu số nhỏ nhít và không có khả năng lôi kéo quần chúng là bao nhiêu. Cho nên vắn tắt theo tôi sự được thua của NTD chỉ chủ yếu là kết quả của những tính toán quyền lợi, ở cấp cao nhất chứ không phải là sự cân nhắc chính trị thân Mỹ hay thân Tầu. Vì từ đầu tới giờ NTD đã chỉ khẳng định rằng ông ta là một đảng viên CS, tuân hành chỉ thị đường lối của đảng. Và điều quan trọng tôi cho rằng không thể bỏ qua là trong cơ chế lãnh đạo đảng VC được kể là tương đối chặt chẽ, không thể có một người thân Mỹ, theo Mỹ mà làm thủ tướng trong cả chục năm và đứng hàng thứ ba trong bộ chính trị.
5/KV. KV nghĩ rằng hiện nay chỉ có một đảng VC mà các nhóm lãnh đạo cấu kết với nhau để giữ quyền lực. Nhưng trong quá trình cấu kết này thì có đụng chạm quyền lực, vì khác biệt quyền lợi. Và sinh đấu đá. Các đấu đá này gia tăng cường độ mỗi khi có đại hội đảng, để tính chia chác lại các ảnh hưởng và quyền lợi. Các đấu đá này càng ngày càng phức tạp, vì điạ bàn tranh chấp gia tăng, cả trong nội địa VN lẫn từ ngoài lấn tới, (gồm đủ loại thế lực chính trị và tài phiệt trên toàn thế giới, từ Trung cộng tới Mỹ tới Nhật, tới Âu châu). Kết quả ra sao thì chỉ có ảnh hưởng trong nội bộ VC, còn dân chúng và đất nước chẳng có hy vọng gì để gọi là khá hơn cả. Vì tất cả những giàn xếp, điều đình là trên căn bản các quyền lợi của lãnh đạo và đảng với ngoại bang, chứ không vì đất nước và dân tộc. Cho nên KV không quan tâm bao nhiêu đến những tin tức chi tiết sát phạt nhau giữa phe này với phe kia. Nói cụ thể là trong tình hình hiện nay, Nguyễn Tấn Dũng đi hay ở thì cũng thế thôi. Nhưng mà ở đây KV xin mở ngoặc hỏi cho vui rằng tuy đại hội đảng chưa họp, nhưng tin tức đưa ra, hay là lọt ra cho biết là Nguyễn Tấn Dũng sẽ bị về vườn. Theo bác sĩ và chị TV thì có thật rằng Nguyễn Tấn Dũng sẽ bị về vườn hay không cơ ?
6/TV. Theo TV thì nếu chỉ căn cứ vào các tin tức và bình luận của các người ngoại quốc kể là chuyên gia thì nhiều phần là Nguyễn Tấn Dũng sẽ về vườn. Vì những nội dung nhận định của họ có tính cách giải thích cho sự việc, chấp nhận tình trạng y nguyên như cũ, để mà có thể tiếp tục chuyện bàn tán về thân Mỹ, thân Tầu, tự do dân chủ nhân quyền nữa trong tương lai. Những nội dung này là:
Thứ nhất là chuyên gia Jonathan London ở City University Hồng Kông cách đây ít hôm đã ca tụng Nguyễn Tấn Dũng hết lời cũng như ảnh hưởng sâu rộng của ông trong đảng, hàm ý về sự thắng thế tất yếu của NTD, nay đã nói về tin Nguyễn Tấn Dũng ra đi và Nguyễn Phú Trọng được đề cử ở lại rằng“tính quyết tâm của ông Nguyễn Phú Trọng” lần này đã khiến các đối thủ của ông “bị bất ngờ”. Tức là công nhận những tin lọt ra ngoài là thực.
Thứ hai, một chuyên gia khác về VN giáo sư Zachary Abuza thuộc trường đại học chiến tranh Hoa kỳ tuyên bố rằng “Tôi không trông đợi những thay đổi lớn dù lãnh đạo mới là ai đi chăng nữa đơn giản là vì lãnh đạo Việt Nam thường rất thận trọng và họ không muốn có những thay đổi lớn đột ngột trong chính sách”. Theo TV nghĩ thì đây là một câu nói “đẹp”, có tính cách “phải đạo chính trị” (politically correct), để chấp nhận cái quyết định có thể kể là thủ cựu của lãnh đạo VC, vì không như là Mỹ mong chờ. Ngoài ra thì ông Abuza còn nói “Tôi đã có trông đợi nhiều là Việt Nam sẽ tiếp tục quá trình đổi mới kinh tế tiếp theo sau đại hội lần này nhưng bây giờ tôi không còn nhiều lạc quan như thế nữa sau khi biết được về sự lựa chọn nhân sự mới”. Mấy chữ “sau khi biết được về sự lựa chọn nhân sự mới” có nghĩa rằng tin lọt ra về nhân sự là đúng, tuy rằng chưa có sự biểu quyết của đại hội đảng vì chưa họp, bởi vì ai cũng biết rằng đại hội đảng bỏ phiếu chỉ là hình thức.
Thứ ba là phát biểu của ông David Brown, một nhân viên ngoại giao Mỹ làm việc ở Sàigòn trước 1975. Ông này giải thích sự thất bại của NTD như sau: “chiến thuật của ông Dũng không được lòng của một khối đáng kể các đảng viên kỳ cựu. Có ý kiến nói ông ấy không thực sự trung thành với việc duy trì kiểm soát của Đảng đối với mọi tầng nấc quyền lực”. Thành ra không ngạc nhiên khi xảy ra phản ứng “ai lên cũng được, trừ ông Dũng”.
7/TXN. Tôi vốn không quan tâm từ đầu, từ lâu đến chuyện bàn tán chọn lựa lãnh đạo trong những kỳ đại hội đảng. Vì đối với tôi thì ai lãnh đạo chế độ VC cũng thế thôi, cũng để giữ quyền giữ lợi. Cho nên, những điều TV nói về kết quả chọn lãnh đạo trong đại hội đảng VC hiện nay, qua dẫn chứng các phát biểu của các nhân vật kể là chuyên gia ngoại quốc đủ rồi. Tôi chỉ muốn có một nhận xét nhỏ, là trong vụ này, không phải như người ta nói là “phe thân Trung Cộng thắng thế”. Mà đúng ra thì phải nói là nỗ lực ảnh hưởng vào sự chọn lựa lãnh đạo VC qua những tin tức hay bài viết truyền đi trên các chương trình Việt Ngữ của các đài phát thanh ngoại quốc tiết lộ những chi tiết đấu đá nội bộ VC, hay là trên các trang điện tử như Chân dung quyền lực, như Dân làm báo, đã thất bại. Nguyên do sâu xa của sự thất bại là việc Bạch cung mời Nguyễn Phú Trọng sang Mỹ. Mà thông điệp rõ ràng cho VC được hiểu trong vụ này là “Mỹ sẵn sàng làm việc với cơ chế quyền lực đảng và nhà nước của quý vị”. Vì thế chúng ta thấy khi Nguyễn Phú Trọng sang Mỹ thì đã có một phái đoàn tay chân đi theo ký một lô các giao kèo lớn cả tỷ đô la. Chứ không phải là chỉ có giao kèo ký khi Nguyễn Tấn Dũng sang Mỹ. Trong khi đó thì các nhà bình luận và chính trị hải ngoại hoang tưởng cho rằng Nguyễn Phú Trọng sang Mỹ để đi đêm với Mỹ mà đánh Tầu!
Đến đây thì chương trỉnh bàn chuyện thời sự hôm nay phải tạm ngưng. Xin kính chào tạm biệt quý vị thính giả. Chào KV. Chào TV và cám ơn hai bạn. Xin gặp lại quý vị và các bạn trong một kỳ tới.
8/KV. Dạ, KV xin được kính chào tạm biệt quý thính giả, kính chào tạm biệt BS N và chị TV luôn nhé. KV xin hẹn gặp lại vào kỳ tới ạ.
9/TV. TV xin kính chào BS N, KV, và thân ái kính chào tạm biệt quý vị thính giả cùng các bạn toàn cầu đang theo rõi chương trình BCTS.