1/ Vài suy nghĩ quanh cuốn Phim “Terror in Little Saigon”
(Tuệ Vân)
Câu chuyện về cuốn phim “Terror in Little Saigon” đã đi qua trong khoảng hai tháng nay với nhiều trao đổi, cả trên mạng điện tử lẫn trong dư luận quần chúng Việt Nam. Những nhân vật xuất hiện trong phim cũng như người làm phóng sự “Terror In Little Saigon” là ký giả AC Thompson của công ty truyền thông ProPublica đã được báo chí và các đài truyền hình Việt Ngữ tại hai miền Nam và Bắc California phỏng vấn. Những trả lời của các nhân vật liên quan đến cuốn phim đều mang tính chủ quan nhằm bênh vực cho mình.
Theo lời giải thích của ký giả Thompson thì ông ta đã bỏ ra hai năm làm cuốn phim “Terror in Little Saigon” là chỉ vì muốn đi tìm công lý cho những người đã nằm xuống, mà ông ta gọi là đồng nghiệp của ông ta, như Dương Trọng Lâm, Nguyễn Đạm Phong, Phạm Văn Tập, Đỗ Trọng Nhân và Lê Triết.
Kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa, một trong những người đã được nhóm của Thompson phỏng vấn 3 lần và đã xuất hiện trong cuốn phim “Terror in Little Saigon” của Thompson, thì nói rằng ký giả Thompson và nhóm của ông ta đã bóp méo những lời phát biểu của ông.
Ký giả Hà Giang của báo Người Việt đã có bài viết về cuốn phim “Terror in Little Saigon” và những bài phỏng vấn các ông Nguyễn Xuân Nghĩa, Hoàng Cơ Định, và Thompson với những câu hỏi đặt ra khá rõ ràng cụ thể.
Xem cuốn phim, đọc những bài viết phỏng vấn, và ba cuộc phỏng vấn thâu hình do đài Người Việt TV thực hiện với ông Nguyễn Xuân Nghĩa, người theo rõi có thể rút ra cho mình một số chi tiết như sau:
1. Từ đầu, cuốn phim “Terror In Little Saigon” đã tạo được ấn tượng nơi người xem rằng cộng đồng người Việt, qua những cựu quân nhân VNCH, mang tính cực đoan, muốn tiếp tục một cuộc chiến đã chấm dứt, vẫn nuôi dưỡng tư tưởng muốn chống lại, và lật đổ chính phủ Việt Cộng hiện nay.
2. Nhóm AC Thompson vô cớ gán ghép tổ chức Việt Nam Diệt cộng Hưng Quốc Đảng, tổ chức mà đã tự xác nhận là chủ mưu trong việc ám sát Dương Trọng Lâm, là tổ chức ngoại vi của Mặt Trận.
3. Dù không có bằng chứng cụ thể, AC Thompson vẫn cố tình đưa ra khẳng định rằng K9 dưới sự điều hành của MTQGTNGPVN đã là thủ phạm giết chết Dương Trọng Lâm, Nguyễn Đạm Phong, Phạm Văn Tập, Đỗ Trọng Nhân và Lê Triết. Thompson bất chấp sự thực là Dương Trọng Lâm đã bị giết trước khi Mặt Trận được mọi người biết đến.
4. Cuốn phim “Terror in Little Saigon” được thực hiện với chủ ý xóa bỏ hình ảnh dấn thân cứu nước của các kháng chiến quân trong MT mà đứng đầu là phó đề đốc Hoàng Cơ Minh.
5. Terror in Little Saigon khiến cho người ngoài cuộc không biết gì về cuộc chiến Việt Nam, trong đó có những giới trẻ Việt Nam sinh ra sau cuộc chiến trong nước cũng như lớn lên tại hải ngoại, khi xem sẽ có nhận định sai lạc và xấu, về tổ chức MTQGTNGPVN nói riêng, và cộng đồng Việt Nam nói chung. Tương tự như những cuốn phim giải trí thương mại về mafia khiến người xem khi nói đến người Ý là nghĩ đến mafia, nghe đến người Tầu là nghĩ đến hình ảnh một người đội nón cu li nói năng ồn ào, cười hề hề lố bịch nịnh nọt người da trắng thời sang Mỹ làm đường xe lửa, người Ái nhĩ Lan là say sưa rượu chè, người da đen là bạo hành lười lĩnh…
6. Nhóm AC Thompson đã khai thác các câu trả lời ỡm ờ của Trần Văn Bé Tư về K9, và bóp méo những lời kể của ông Nguyễn Xuân Nghĩa về liên hệ cốt yếu giữa cố đại tá Phạm Văn Liễu với bộ phận K9 và sự “thoát xác” của K9, nếu có, sau khi ông Phạm Văn Liễu rời khỏi tổ chức MT (K9 nguyên thuỷ chỉ là nơi tập họp của những nhân vật có vai vế quan trọng trong chế độ VNCH cũ do ông Liễu dựng ra và liên lạc thẳng).
7. Để buộc tội MT, nhóm AC Thompson đã lấy một số dữ kiện về ông Liễu và K9 mà bỏ qua chi tiết quan trọng trong lời kể của ông Nghĩa về lý do rời khỏi tổ chức MT của ông Liễu và của K9. Nhóm AC Thompson tiếp tục cột ông Liễu với K9 vào với tổ chức MT và biến nhóm ông Liễu trở thành nhóm cực đoan sẵn sàng giết người không cùng quan điểm trong MT.
8. Nhóm của AC Thompson muốn chứng minh rằng tướng Minh là tay sai của Mỹ, tức là cuộc đấu tranh đưa dân tộc khỏi chế độ Cộng Sản của tướng Minh và MT là do Mỹ giật dây để từ đó mà xóa đi chính nghĩa cuộc đấu tranh của các kháng chiến quân Việt Nam, và xóa bỏ đi hình ảnh các anh hùng dân tộc, những người tị nạn với lòng yêu nước nồng nàn đã thoát ra khỏi Việt Nam, nhưng bỏ ý định định cư mà tình nguyện làm kháng chiến quân, quay về diệt Cộng cứu nước. Ý là thế nhưng nhóm AC Thompson rất tiếc đã thất bại trong mục tiêu vì họ đã không tìm được các bằng chứng sau hai năm miệt mài truy tìm tài liệu về sự liên hệ giữa chính phủ Mỹ và đoàn quân kháng chiến của MT.
9. Nhóm của AC Thompson đã bỏ qua phát biểu của những người trong cộng đồng khẳng định rằng trong giai đoạn của thập niên 80s và 90s, lòng người Việt tỵ nạn đầy phẫn uất với sự tàn bạo của chế độ Cộng Sản Việt Nam, người Việt tỵ nạn cộng sản không ai có thể chịu nổi khi đối diện một kẻ ca ngợi Cộng Sản trên mảnh đất tự do mà họ đang có mặt. Tức là ai cũng có thể là thủ phạm lấy đi tính mạng của kẻ thân cộng. Và đó là một lý do khiến những cơ quan an ninh Mỹ với những phương tiện điều tra tinh xảo tối tân đã không thể tìm ra những “con sói đơn độc” (lone wolf) này và đóng hồ sơ lại.
Từ những khía cạnh trên, người tìm hiểu, suy nghĩ có thể thấy dần ra vấn đề, tại sao nhóm của AC Thompson lại làm ra cuốn phim “Terror in Little Saigon” trong giai đoạn này? Tại sao họ lại nhắm vào sự triệt hạ uy tín của MTGQTNGPVN và phó đề đốc Hoàng Cơ Minh, nay đã không còn nữa? Tại sao họ lại lấy cái tên “Khủng bố ở Little Sàigon” để dù muốn dù không cũng gây ấn tượng cộng đồng Việt nam là khủng bố, để mà tránh xa chính trị, tránh xa quá khứ, giúp cho những kẻ trong thành phần thắng cuộc nhờ bạo ác, giầu có nhờ tham nhũng thối nát, đang chuyển tiền ra sống ở hải ngoại có thể bớt mặc cảm về những hành động tội phạm bán nước hại dân đất trời không dụng thứ. Bởi vì Little Sàigon, dù khởi đầu chỉ là tên của cộng đồng Nam California, nhưng đã trở thành tiếng chỉ cộng đồng VN ở Mỹ, nếu không muốn nói là hải ngoại. Người ta đã thấy điều này khi có những vận động dai dẳng chống tên Little Sàigon ở San Jose của những kẻ muốn làm ăn với VC (nhưng thất bại). Người ta đã thấy điều này khi ở San Francisco cũng có tên Little Saigon…
Cũng qua thú nhận của Thompson rằng ý tưởng làm phim của ông ta nẩy ra do quen biết và có sự hỗ trợ của Tony Nguyễn,- mà nhiều người biết là thiên tả, - thì có người không khỏi nghĩ rằng động cơ thúc đẩy ban đầu của Thompson chỉ là do nhu cầu cần có một thành phẩm nộp cho chủ, là một công ty truyền thông hạng B mới thành lập được vài năm, là ProPublica, muốn xử dụng những loại phóng sự điều trahấp dẫnđể đi vào lãnh vực truyền thông gồm vài hãng khổng lồ giầu có - hầu như chiếm trọn vẹn thị trường giải trí thông tin ở Mỹ. Yêu cầu thực hiện cuốn phim đã đẩy Thompson theo con đường dễ dàng ma đạo dựa trên một số những luận cứ thiên tả Mỹ đầy rẫy về cuộc chiến VN của Việt Cộng. Rằng đó là một cuộc đấu tranh giải phóng, thống nhất đất nước, mà bỏ qua đi bản chất của nó là cuộc chiến bành trướng Cộng sản Hồ chí Minh mở ra năm 1960 phá đi sự yên bình phát triển của miền Nam, mà quân và dân miền Nam đã đổ xương máu ra gìn giữ, cho tới khi Dương Văn Minh ra lệnh đầu hàng ngày 30 tháng 4/1975. Những cố gắng vo tròn bóp méo để phục vụ tiền đề cuốn phim, bất chấp sự thực, đã làm cho Thompson rơi vào tình trạng bị động, lúng túng giải thích trong những cuộc phỏng vấn của người Việt Nam từng là nhân chứng và nạn nhân của cuộc chiến. Không khác gì trường hợp những kẻ vì tư lợi mà chống tên Little Sàigon cách đây không lâu ở San Jose.
“Terror in Little Saigon” là thêm một trường hợp nữa giật sập huyền thoại “truyền thông trung thực” ở người Việt Nam của cái kỹ nghệ giải trí thông tin Âu Mỹ. Chưa mấy ai quên những hình ảnh trên truyền thông Mỹ chụp từ vệ tinh các đoàn xe chở phòng chế tạo võ khí sát hại tập thể của Saddam Hussein để tổng thống Bush con có cớ mở ra chiến tranh Iraq. Cũng không mấy ai không biết tin các người biểu tình nhờ buổi tối đọc sách dậy đấu tranh bất bạo động của tiến sĩ Sharp ngay tại quảng trường Tahrir square trung tâm thủ đô Cairo Ai Cậpmà lật đổ được tổng thống độc tài Hosni Mubarak 30 năm cầm quyền! hay tổng thống Obama là người theo đạo Hồi giáo.
Tuệ Vân
(Ngày 7 tháng 1/2016)
--------------------
2/ Phải chăng phe thân Mỹ lên cầm quyền tại VN là một sự thay đổi, sinh ra cơ hội tốt hơn?
Trần Xuân Ninh
Chương trình tiếng Việt đài BBC vừa cho phổ biến một bài viết nhan đề “Chuyện đảng và chuyện đất nước” (Việt Nam,) gửi đến từ Sàigòn, ký tên Nguyễn An Dân. Tác giả có vẻ như là một người lý luận rành rọt.
Thí dụ như chỉ ra thẳng tuột rằng đảng không phải là nhà nước, vì bí mật của dảng không phải là bí mật của nhà nước. Nhận định này rất đúng về mặt thuần lý, ở các nước mà cơ chế dân chủ vững chãi, không có một đảng độc tài. Thí dụ như tổng thống Hoa kỳ Obama hết nhiệm kỳ ra đi, người khác làm tổng thống, thể chế tam quyền phân lập vẫn còn, để điều hoà quân bình các quan điểm chính trị xã hội khác nhau giữ cho đời sống nước Mỹ hài hoà ổn định. Nhưng không đúng trên thực tế hiện nay tại Việt Nam, vì nếu đảng VC tiêu vong thì cái nhà nước do đảng độc tài bố trí sắp đặt điều hành hiện nay tiêu vong. Trên cái nền quyền lực này, các lãnh đạo đảng dù là tướng Công an Trần đại Quang, hay tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, hay thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đều hiểu rằng đảng mà tan rã thì quyền lực mình đang có (nhờ cơ cấu tổ chức đảng trong trường hợp tổng bí thư Nguyễn phú Trọng) hay nhà nước (qua các bộ các sở đối với thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng) không thể còn. Đó là lý do tại sao mà Nguyễn Phú Trọng (về phiá đảng) đã luôn luôn khẳng định phải củng cố đảng. Còn Nguyễn Tấn Dũng mà hệ thống tuyên truyền chế độ bôi đi vẽ lại khoác cho cái hình ảnh thân Mỹ, tiến bộ và thay đổi từ cả trên chục năm nay thì công khai khẳng định mình từ đầu đến cuối chỉ là đảng viên Cộng sản, tuân hành chỉ thị đảng. Tuyên bố như thế thì một là nhấn mạnh tính đảng trung kiên của cá nhân mình để che chắn các tấn công, hai là để đẩy lùi các bất đồng nếu có, xuống mức cá nhân phe phái, chiến thuật, chứ không trên mặt rộng lớn chiến lược đảng. Và ba là để cho hệ thống tuyên truyền có cớ bẻ quanh diễn dịch rằng Nguyễn Tấn Dũng đổi mới nhưng mà bị bao vây bởi phe thủ cựu thân TQ.
Vắn tắt là: Nếu nhìn vào cụ thể thực tế thì chỉ có thể nói rằng cái nhà nước mà Nguyễn Tấn Dũng cầm đầu chính là đảng. Còn quốc hội thì chỉ là một địa bàn đấu đá lặt vặt nối dài qua các đại diện được chọn là gà của phe này hay phe kia. Sức mạnh của nhà nước, tức là sức mạnh của Nguyễn Tấn Dũng là do tiền bạc, dịch vụ và thương vụ các loại mà nhà nước trách nhiệm lo toan xếp đặt. Sức mạnh của đảng theo cơ chế hành chính thực tế khi đi vào đổi mới không thể lớn bằng, mà chỉ là do nhường nhịn phân chia tiền bạc tử phía nhà nước. Sự mâu thuẫn giành ăn này giữa đảng và nhà nước đã bắt đầu từ khi chế độ VC đổi mới, đi vào thị trường, giao tiếp với bên ngoài, hiển lộ ra trong những bài viết từ các thành phần kể là cấp tiến hay là bất đồng lúc đó. Dần dần đã hình thành một lề thói cộng sinh giữa đảng và nhà nước để phân chia quyền lực và quyền lợi cho tới nay. Trong sự cộng sinh này, luôn luôn có đấu đá –không chỉ về mặt quyền lợi vật chất- mà còn về mặt lý thuyết quan điểm chính trị, hay là nhân danh quan điểm chính trị. Những đấu đá này luôn luôn bùng lên trước những kỳ đại hội đảng.
Bài viết của Nguyễn An Dân đã đưa ra bốn điểm chính:
1. Nguyễn An Dân đã viết về sự tranh chấp trước đại hội 12 sắp tới này là “Chưa bao giờ sự tranh chấp về đường lối của đảng kéo dài và căng thẳng như lần này. Ở các lần trước, kể cả thời kỳ tranh chấp về Đổi Mới 1986, cũng không kéo dài và căng thẳng như bây giờ. Điều đó cho thấy tương quan lực lượng giữa các bên là cân bằng, chính vì vậy mà nó phải kéo dài, và phải đợi phút 90 tan trận đấu, mốc là Đại Hội Đảng 12, để có kết quả chính thức”.
2. Cuộc tranh chấp là cuộc tranh chấp giữa “thân Trung” và “thân Mỹ.”
3. Nếu coi xu hướng thân Trung Quốc là điều phải có và bất biến của đảng, thì việc phe thân Mỹ lên cầm quyền là một sự thay đổi. Trong trạng thái bất động chuyển sang thay đổi của đảng nó sẽ tạo ra động tính làm nảy sinh cái mới, và vì cái cũ đang là cái mà mọi người phê phán chỉ trích, thì cái mới nó sẽ làm tình hình khác đi, và biết đâu từ đó sinh ra cơ hội tốt hơn.
4. Trong toàn thể bức tranh đang bị dư luận coi là rối loạn, có một điểm sáng, đó là việc các ủy viên trung ương đảng đã vì phân vân mà kéo dài việc ra quyết định trong việc phải ủng hộ đường lối nào.
Cho rằng Chưa bao giờ sự tranh chấp về đường lối của đảng kéo dài và căng thẳng như lần này là một nhận định cá nhân không cần tranh biện đúng sai, nếu tác giả Nguyễn An Dân không từ nhận định này để đi đến kết luận là: 1/các ủy viên trung ương đảng đã vì phân vân mà kéo dài việc ra quyết định trong việc phải ủng hộ đường lối nào.và 2/ “Bất kể vì động cơ gì, tư duy phân vân này của họ là điều tôi cho rằng tích cực và cần được ghi nhận.”
Ở đây chỉ cần nhắc sơ lại rằng thời Võ Văn Kiệt Đỗ Mười Lê đức Anh, đã có những tấn công nhau sát ván. Kiệt bị (hay được tùy giai đoạn và tùy thành phần khai thác các luận cứ được tung ra là của Kiệt) coi là đổi mới. Mười bị kể là ngu dốt (hoạn lợn) thủ cựu. Anh bị tố là cặp rằng tay chân của chủ đồn điền Pháp hồ sơ lý lịch gian lận, mù mờ. Lê Khả Phiêu bị phanh phui là bất tài, dâm đãng, trai gái. Nông đức Mạnh là con hoang của Hồ chí Minh, vô tài bất tướng vân vân… Sau chót thì mọi sự đâu vào đấy. Bởi vì cái quy luật sửa soạn đại hội đảng VC biến thái chỉ là chửi nhau xả láng, rồi sau đó hoà cả làng. VÀ bởi vì cá mè một lứa, bên tám lạng bên nửa cân. Nếu bây giờ mà Nguyễn An Dân nói là căng thẳng và kéo dài thì chỉ là vì sự phát triển của các mạng điện tử xã hội mà mọi phía đều dùng tùy yêu cầu giai đoạn, từ Quan làm báo, đến Dân làm báo, đến Chân dung quyền lực và vô số các mạng cỏ dại khác đếm không xuể, sao đi tẩm lại các bài viết.
Nguyễn An Dân cho sự phân vân của các ủy viên trung ương đảng là một điểm sáng chỉ là vì coi họ là những người độc lập suy nghĩ vì dân tộc mà lờ đi cái bản chất họ được tuyển chọn trên căn bản cá nhân phe phái. Do đó, nếu họ không có quyết định ngay thì chỉ vì các điểu đình dàn dựng quyền lợi chưa xong giữa các xếp lớn.
Các kết luận dựa trên những tiền đề sai, như vừa chỉ ra ở trên đã là phương cách để Nguyễn An Dân quảng cáo cho một kết quả sẽ đến của đại hội, và vận động cho phe thay đổi, tứclà “thân Mỹ” mà Nguyễn An Dân cho là và mong là sẽ thắng.
Nhưng cho dù rằng là có những đương sự trong cuộc muốn dựa vào Mỹ để thay đổi thực, theo như cái quan điểm của Nguyễn An Dân rằng: Một nguyên tắc chính trị là nếu có tranh chấp về phe nhóm trong nội bộ, thì phe đòi thay đổi phải hướng về việc tìm đồng minh ở bên ngoài, mà đài BBC coi là quan trọng trích riêng ra, thì cái luận cứ giải thích sự tìm ủng hộ ngoại quốc này đã làm cho người ta thấy rằng sự thay đổi không vững, không an toàn cho đất nước. Bởi vì một cách khách quan, phải thấy rằng sự ủng hộ của Mỹ hay của bất cứ một thế lực bên ngoài nào cho một phe chính trị yếu thế ở VN chẳng phải là vì Việt Nam, cho VN có tự do dân chủ hay là giầu mạnh như tuyền truyền trên miệng. Riêng trong trường hợp Mỹ thì chỉ cần nhìn xa ra một chút để thấy Mỹ ủng hộ phe gọi là đấu tranh cho tự do dân chủ ở Syria, ở Ai cập, ở Lybia, ở Iraq vân vân đã mang lại gì cho các nước này?
Bài viết của Nguyễn An Dân còn nhiều khuyết điểm tương tự nhưng không nêu hết ra ở đây vì không cần thiết, nếu đã nhìn thấy rõ cái sai lầm của những kết luận nói ở trên, vì tuy cách lý luận (có vẻ như rành rọt) nhưng trên những tiền đề hư hỏng, trật lấc.
Muốn giải quyết vấn đề VN, chỉ có cách căn bản là người Việt lo lấy vấn đề của mình, không thể dựa vào ngoại quốc. Nếu để cho lãnh đạo đảng VC và đảng viên lo trên tiền đề vì quyền lợi của họ, với cái tâm lý vọng ngoại ăn sâu từ thời Hồ chí Minh tới nay, thì thay đổi nếu có chỉ là như đã thấy, đem đất nước ra làm tín dụng tiêu sài theo chủ nghĩa tư bản tiêu thụ, nợ nần truyền tử lưu tôn, lâu lâu lại được các nước giầu có đem ra bàn tính xoá nợ sau khi tiền lời trả hàng năm đã vượt quá nhiều lần nợ cái. Nếu tự mình không dám lo, không có khả năng lo, thì cứ ngồi chơi có gì sài nấy, chẳng tốn hơi đâu mà đóng góp thêm cho những kẻ rước voi về giầy mả tổ, bán đất bán nước nhượng biển để mà giữ quyền giữ lợi.
Trần Xuân Ninh (ngày 8 tháng 1/2016)