1/TXN. Kính chào quý vị thính giả. Chào TV. Xin kính mời quý vị thính giả cùng chương trình bàn chuyện thời sự hôm nay duyệt lại những chuyện đáng chú ý trong toàn cảnh tình hình thế giới 2015.
Trước hết là tại Hoa Kỳ, Donald Trump là một hiện tượng đặc biệt. Ông Trump đã nhẩy vào cuộc tranh cử làm ứng viên đại diện của đảng Cộng hoà trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 năm 2016 với những lời lẽ chỉ trích nặng nề người Mễ di dân bất hợp pháp, là “những kẻ tội phạm”, “những kẻ hiếp dâm” và ông sẽ xây tường ở biên giới chặn di dân bất hợp pháp… Các ứng cử viên Cộng hoà khác đã khởi đầu dè dặt trước thái độ phi chính trị (politically incorrect) này nhưng sau đó đã không thể không phê bình Trump. Mặc dầu lối ăn nói ngang ngược và lập trường cứng rắn cực đoan, Trump đã nhanh chóng vượt qua các ứng viên khác, ngay cả bà Hillary Clinton là ứng cử viên Dân chủ số một, trong một vài đia phương. Ông Trump cũng tuyên bố cấm người Hồi giáo vào Mỹ, và quan điểm này đã hầu hết bị các nhà chính trị phê bình. Nhưng ông hiện đang dẫn đầu toàn quốc với 36% số người thăm dò ủng hộ.
2/TV. TV kính chào BS N, và thân ái kính chào quý vị thính giả cùng các bạn toàn cầu. Bà Hillary Clinton đã im lặng một thời gian nhưng sau đó thì đã nhận định về ông Trump một cách chính trị, nhưng chẳng làm ông Trump xuống điểm mà ông vẫn tiếp tục dẫn đầu. Vì thế, ông Trump đã tuyên chiến với bà Hillary Clinton là ứng cử viên Dân chủ được các thế lực mạnh mẽ đỡ đầu và truyền thông o bế tô điểm từ mấy năm nay, đến độ gần như chắc chắn bà sẽ trở thành tổng thống kế vị ông Obama. Ông Trump đã không ngần ngại tấn công bà Hillary một cách dung tục, nói thẳng rằng bà là một kẻ nói dối. Ông cũng cảnh báo rằng bà Hillary dùng con bài phụ nữ, nghĩa là chỉ thẳng ra chiến lược phe Hillary khai thác mị phái nữ. Và ông đã nói “Nước Mỹ có thể có một phụ nữ là tổng thống nhưng dứt khoát không thể là bà Hillary Clinton”. Chưa biết ông Trump sẽ nhắc đi nhắc lại những sự dối trá, những vụ tai tiếng, những lỗi lầm sai sót của bà Hillary trong thời gian làm đệ nhất phu nhân, cũng như trong thời gian làm ngoại trưởng cho ông Obama tới mức nào để mà vô hiệu hoá những luận cứ bao che, bào chữa cho bà dài dài cho tới nay. Tại sao có hiện tượng Trump ngang ngược, và phi chính trị đến độ Bạch cung phải lên tiếng nói rằng ông Trump “tự loại ông ra khỏi cái tư thế tổng thống”, nhưng ông lại là ứng viên dẫn đầu bỏ xa các ứng viên đảng Cộng hoà khác?
3/TXN. Ông Trump có một số đông người ủng hộ chỉ vì ông nói thẳng ra những điều người dân thường đơn giản nghĩ. Người bình dân chống chính sách di dân vì cho rằng những di dân chiếm việc làm cho nên họ bị thất nghiệp, mà không biết rằng người Mỹ thất nghiệp vì các đại tài phiệt, đại công ty chuyển công việc ra ngoại quốc để dùng công nhân giá rẻ hơn. Đó là một trong những lý do khiến giới nghiệp đoàn chống hiệp ước TPP tức là hiệp ước đối tác xuyên Thái bình dương, vì với hiệp ước này, các công nhân ngoại quốc giá rẻ được dùng. Sự ưa thích ông Trump cũng là vì người dân thường đã quá chán ghét cái lối nói “cho phải đạo” của các nhà chính trị, đi vòng quanh vấn đề, cũng như chán ghét những hứa hẹn đủ loại khi tranh cử, nhưng chẳng thực hiện bao nhiêu. Tình trạng này sẽ không bao giờ chấm dứt, chừng nào mà các ứng viên phải tùy thuộc vào số tiền được ủng hộ để mà tranh cử. Họ sẽ phải phục vụ cho những người, những công ty cho tiền họ nhiều hơn là phục vụ người dân thường chỉ có một lá phiếu. Đó là thực tế tranh cử bầu cử ở xã hội tư bản Mỹ, mà muốn tranh cử tổng thống thì phải có cả tỉ đô la. Tiền tỉ này ở đâu ra, thì người trúng cử tổng thống phải trả lại vào đó. Người dân thường đơn giản nghĩ rằng Donald Trump giầu cho nên không bị lệ thuộc vào tiền người ngoài.
Nói rộng ra vấn đề xã hội ở Mỹ, thì năm 2015, nhiều vụ biểu tình chống đối bạo lực cảnh sát đã xẩy ra sau những vụ bắn giết hay trấn áp gây thiệt mạng cho người Mỹ da đen, trong đó có cả thiếu niên, phụ nữ cũng như người lớn tuổi. Như tại Chicago, Laquan McDonald 17 tuổi cầm một con dao gấp nhỏ chừng 10cm, đã bị một cảnh sát viên da trắng bắn 16 phát súng từ phiá sau lưng, và ngay cả sau khi đã trúng đạn ngã xuống. Chính quyền thành phố đã tính cho chìm xuồng vụ này và đã trả cho gia đình nạn nhân 4 triệu đô la để im miệng. Nhưng một năm sau, vụ này đã trở thành công khai, vì một phóng viên nghiệp dư điều tra đòi xem các video thu hình đặt trên xe cảnh sát, lúc Laquan bị bắn và các hồ sơ tư pháp liên quan. Thì khám phá ra rằng những lời khai của cảnh sát trong cuộc điều tra nói rằng McDonald bị chết vì một viên đạn vào ngực đều là dối trá, vì video trên xe cảnh sát cho thấy viên cảnh sát đã bắn McDonald 16 phát đạn trong 17 giây trong lúc Laquan đang bước đi cách xa xe viên cảnh sát chừng 3 mét. Thị trưởng Emmanuel mới đầu bênh vực cảnh sát trưởng nhưng đã phải đảo ngược quyết định và hứa hẹn cải tổ cảnh sát sau những cuộc biểu tình phản đối kéo dài. Tại Baltimore, một thanh niên da đen bị bắt lên xe cảnh sát và sau đó về đến sở cảnh sát thì hết cục cựa vì đứt tủy sống, và chết sau đó. Tại Texas, một phụ nữ da đen bị chặn vì đổi lằn xe không làm dấu hiệu, bị cảnh sát lôi ra khỏi xe, bắt về sở cảnh sát, rồi thắt cổ tự tử chết trong lúc bị giam. Cảnh sát vô tội. Tại Ohio một thiếu niên da đen 12 tuổi một mình ngồi chơi với khẩu súng giả trong một công viên đã bị cảnh sát viên từ một xe tuần cảnh tới do báo động của 911, bắn chết trong vòng 6 giây và không bị kết tội. Tại New York, Eric Gartnermột người da đen to béo bị cảnh sát bắt vì bán thuốc lá rong, bị chẹt cổ nghẹt thở chết vân vân… Có người cho rằng đây là những vấn đề xã hội khó giải quyết, gây bất ổn cho xã hội Mỹ về lâu về dài.
4/TV. Trên nguyên tắc vấn đề kỳ thị chủng tộc tại Mỹ đã được giải quyết bởi luật pháp và chính sách xã hội từ thập niên 1960, thời tổng thống Johnson. Những vấn đề kỳ thị này tuy nhiên cho tới nay vẫn còn và không có nhiều hy vọng cải thiện thêm, bởi vì nhiều lý do rắc rối, từ tài chính tới giáo dục, tới sự thi hành không hiệu quả những chính sách xã hội có dụng ý tốt đẹp. TV nói đến lý do tài chính, bởi vì tình hình kinh tế tài chính không mấy mầu hồng của Mỹ hiện nay, mà TV không thấy có nhiều triển vọng cải thiện, dựa trên giá sinh hoạt đắt đỏ cũng như lương bổng không đi theo kịp tình trạng lạm phát và công ăn việc làm khó kiếm hiện nay nói chung. Tóm tắt là khi không có tiền, thì không có kế hoạch gì ở Mỹ thực hiện được, nghĩa là kỳ thị vẫn tồn tại vì tinh thần phe nhóm, sắc tộc.
5/TXN. Cuộc chiến Syria do Âu Mỹ và Do Thái hỗ trợ cho những người chống đối chế độ Assad, kéo dài 5 năm, gây thiệt mạng cho 250,000 người, và khiến trên 4 triệu người bỏ nhà bỏ cửa chạy loạn (theo con số Liên hiệp quốc), đang đi tới hồi chấm dứt, do sự nhẩy vào can dự của Nga, ủng hộ tổng thống Assad mà Mỹ và các nước Âu châu đã cho tới nay, đòi “phải ra đi”. Phó sản của cuộc chiến, là lực lượng nhà nước Hồi giáo ISIS mà tổng thống Obama thoạt đầu coi như chỉ là “thuộc cỡ một đội thể thao đại học”. Nhưng lực lượng này vào tháng 6 năm ngoái đã nhanh chóng chiếm một vùng dầu hoả rộng lớn của Iraq và Syria trong vòng vài chục ngày khiến tổng thống Obama phải đánh giá lại mà tuyên bố rằng vấn đề IS là một vấn đề lâu dài, rồi thú nhận tiếp rằng ông đã không có một chiến lược đối phó rõ ràng. Và có vẻ thực là như thế, khi mà Tổ chức liên hiệp các nước chống ISIS do Mỹ lập ra và đứng đầu từ hơn một năm nay, đã không làm suy chuyển gì sức mạnh ISIS sau chừng gần chục ngàn cuộc không kích. Nhưng kể từ khi Nga bắt đầu không kích ISIS tính cho tới nay là 3 tháng thì ISIS đã mất thế, quân Iraq cũng như Syria đã có thể phản công tiến chiếm một số vị trí đã mất về tay ISIS.
Nước Pháp, một đồng minh thân cận của Mỹ trong chính sách Trung Đông và Bắc Phi ngày 13 tháng 11 năm 2015 đã bị những thành phần ISIS tổ chức 7 cuộc tấn công cảm tử trong thành phố Paris, trong đó có một vụ ở sân vân động nơi tổng thống Pháp Holllande đang dự xem cuộc đấu bóng giao hữu với Đức. Mục đích của những cuộc tấn công này là để trả thù cho sự can thiệp Pháp ở Syria. Bảy cuộc tấn công ở Paris đã làm chết 230 người và nhiều người bị thương. Tổng thống Pháp đã phản ứng bằng cách cho lệnh không kích ISIS ở Syria mà một mục tiêu quan trọng là những đoàn xe chở đầu hoả đi bán mà khối liên hiệp chống ISIS chưa từng đụng đến. Về điểm này, Pháp và Nga đã trở thành ít ra là một đồng minh giai đoạn, mặc dầu trên nguyên tắc Pháp và Nga ở hai phía đối nghịch sau vụ Ukraine. Cụ thể là Pháp đã ngưng không giao hai chiếc chiến hạm tối tân chở trực thăng cho Nga đã hoàn thành để đem bán cho Ai Cập mà tân tổng thống Abdel Fatah Al Sisi là “gà” của Mỹ và Do Thái. Trước vụ khủng bố này ở Pháp thì lực lượng ISIS ngày 31 tháng 10 cũng cho nổ bom làm rơi chiếc máy bay Airbus 321 của hãng hàng không Nga Metrojet chừng 20 phút sau khi cất cánh khỏi phi trường Sharm el Sheik thuộc Ai Cập, ISIS tuyên bố rằng để trả đũa việc Nga can dự vào Syria. Điều trớ trêu là chính sách Pháp can thiệp vào Syria là để đuổi tổng thống Assad đi, còn Nga can dự vào Syria là để giúp Assad. Tại sao ISIS đánh kẻ đuổi Assad là Pháp mà lại cũng đánh kẻ bênh Assad là Nga như vậy? Trả lời giả thiết là nhóm ISIS đánh Nga khác với nhóm ISIS đánh Pháp. Theo rõi và đối chiếu tình hình đã khiến người ta hiểu rằng những lực lượng mà Nga tấn công bằng hải pháo và không quân không phải là ISIS mà Mỹ và các nước liên hiệp chống ISIS, không kích trong suốt thời gian một năm trước khi Nga can thiệp mà không có tác dụng gì, ngoài chuyện thu nhỏ vùng chính phủ Assad kiểm soát lại chỉ còn ¼ lãnh thổ. Cuối năm 2015 thì cái nút của sự rắc rối Syria ISIS bị lộ ra. Là trong những hoạt động được gọi chung là của ISIS trên truyền thông Tây phương, có những nhóm chống Assad, do Mỹ và các chư hầu Ả Rập của Mỹ hỗ trợ, mà hiện nay Mỹ đang kêu gọi Nga phân biệt là ôn hoà, có thể cho thảo luận trong những cuộc điều đình về tương lai Syria. Suy ra thì người ta hiểu rằng có lẽ những cuộc oanh tạc của Mỹ trong hơn một năm qua chỉ nhắm đánh vào những nhóm ủng hộ Assad. Còn những cuộc không kích của Nga bắt đầu mới đây thì như Âu Mỹ cùng Thổ nhĩ kỳ tố giác, đã 90% chỉ đánh vào các nhóm ISIS chống Assad do Mỹ và các nươc Ả rập chư hầu yểm trợ.
6/TV. Bây giờ thì TV hiểu tại sao những đoàn xe dài xếp hàng cất dầu và chở đi bán từ trong vùng ISIS kiểm soát, cho tới nay đã không bị lực lượng liên minh chống Assad do Mỹ lập ra, đã không bị không kích suốt một năm qua. Trong khi dầu là nguồn sinh lực của ISIS! Và TV cũng hiểu tại sao Nga lại tố giác tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và con trai tham dự và công việc buôn bán dầu kiếm lời. Đó chỉ là vì Thổ đã cho hai chiến đấu cơ F16 hờm sẵn để hạ chiếc oanh tạc cơ SU 24 của Nga trong vòng 30 giây lọt vào không phận Thổ, mà đường bay cũng như độ cao của chiếc SU 24 đã được thông báo cho Mỹ theo thoả thuận Nga Mỹ từ sau khi Nga không kích ISIS. Tin mới nhất mà TV đọc được là viên chỉ huy lực lượng chống Assad mạnh nhất đã thiệt mạng trong một cuộc oanh kích của không quân Nga ở ngoại ô thủ đô Damascus của Syria trong khi lực lượng này đang chờ đợi di chuyển đi nơi khác. TV hiểu rằng đây là những len lấn qua lại giữa hai bên Nga Mỹ ở Syria để giống như là chuyện giành dân lấn đất trước khi đình chiến. Và cuộc đình chiến để điều đình giải quyết vấn đề Syria này thì đã được hội đồng bảo an Liên hiệp quốc nhất chí thông qua ngày 18 tháng 12/2015 để mà từ nay đến 2017 sẽ có một chính phủ cho Syria. Nghĩ thật tội nghiệp cho dân Syria. Tự do dân chủ đâu không thấy, chỉ thấy 5 năm chiến tranh chết bao người, nhà cửa tan nát, và chính phủ thì do các nước giầu mạnh quyết định. Và phó sản của cuộc chiến là đám một triệu dân Syria tỵ nạn đang chờ đợi lòng thương của các nước Âu Mỹ, cũng như sẵn sàng chấp nhận một mức độ kỳ thị nào đó ở nước định cư vì cái gốc đạo Hồi giáo của mình.
7/TXN. Chuyện Syria, cũng như chuyện Lybia, Iraq, Afghanistan chỉ là hệ quả của sự sụp đổ liên bang Sô viết. Người ta nhớ rằng sau khi Sô viết tối cao của liên bang Sô viết (tức là quốc hội) tuyên bố giải tán, và tổng thống liên bang Sô viết Gorbachev từ chức vào ngày 26 tháng 12/1991, Boris Yeltsin tổng thống Cộng hoà Nga nắm quyền, thế giới đi vào một trật tự mới, theo như tổng thống Bush bố tuyên bố. Trong trật tự thế giới mới này, Mỹ là siêu cường quốc duy nhất, cầm đầu khối NATO (Bắc đại tây dương) có tiếng nói quyết định trong mọi sự. Tầu yên lặng kiếm tiền trong vai trò xưởng máy chế tạo cung cấp các hàng tiêu thụ phổ thông cho Âu Mỹ. Nga thời Boris Yeltsin, đã phân rã thành một xã hội theo kinh tế thị trường với những đại tư bản xuất thân từ hàng ngũ Sô Viết thân Tây phương. Đến khi Putin lên làm tổng thống từ năm 2000, với chủ truơng lấy lại vị trí cường quốc thế giới cho Nga, những đại tư bản thân Tây phương dần dần bị loại, bị tù hay lưu vong. Sang thế kỷ thứ 21, trật tự thế giới mới dần dần định hình với sự giầu có của Tầu do hợp tác làm ăn với Âu Mỹ, và Nga với tư thế một nước có kho võ khí nguyên tử lớn lãnh đạo bởi Putin. Bước vào năm thứ 15 của thế kỷ 21, Putin khẳng định vị trí lãnh đạo cường quốc của mình. Ở Trung Đông, liên kết với Iran giúp Âu Mỹ ký thoả ước về vấn đề võ khí hạt nhân Iran, can thiệp vào Syria giúp cho Assad, để chặn toan tính Âu Mỹ Do Thái vẽ lại bản đồ địa lý chính trị ở vùng này trong chiều hướng Do Thái độc bá quyền hành, sau khi đã chặn được sự bành trướng ảnh hưởng của Tây phương ở Georgia, Ukraine.
Rõ ràng là hiện nay Tầu cầm trịch trật tự thế giới mới vì sự giầu có, cũng tương tự như Mỹ thời sau đại chiến thứ hai có tiền bạc cho vay hay viện trợ Âu châu và thế giới qua kế hoạch Marshall. Sức mạnh hiện nay của Mỹ không ở chỗ có tiền như thời sau thế giới chiến thứ hai, mà ở chỗ tiêu thụ, qua khả năng tiêu thụ to lớn của Mỹ và quan niệm kinh tế dựa trên nền tảng tín dụng. Cho nên Mỹ có sức mạnh gián tiếp lên các nước cung ứng hàng tiêu dùng. Vì Mỹ nếu mà không tiêu thụ mạnh thì những nước sản xuất hàng tiêu dùng, đặc biệt là Tầu, kinh tế bị chậm lại. Cho nên Tầu cho dù có cho Mỹ mua chịu nhiều thì cũng phải chiều lụy Mỹ tới một mức độ nào đó. Còn Mỹ quay trục sang Thái Bình dương, không phải là chủ yếu vì vấn đề quân sự mà là kinh tế với thương mại, để lôi các nước tiểu nhược Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, ra khỏi vòng độc quyền thao túng kinh tế của Tầu. Mỹ dùng các nước này để phần nào giảm lệ thuộc vào việc mua hàng của trung tâm không lồ sản xuất hàng tiêu dùng hiện nay là Tầu. Cho nên Tầu đã không ngồi yên mà đã lập ra ngân hàng phát triển hạ tầng Á châu để đối phó, mà kết cục là đã khiến cả Quỹ tiền tệ quốc tế IMF lẫn ngân hàng thế giới WB là hai định chế tài chính Âu Mỹ phải vào tham dự, vì không muốn ở ngoài cuộc. Tóm lại trong cuộc chiến kinh tế tài chính thì Tầu đang ở thế thượng phong.
8/TV. TV thấy rằng tuy Nga với Putin tuy chiếm thượng phong đối với Mỹ và Âu châu trong vấn đề Ukraine và mới đây là Syria, nhưng có vẻ như Putin không muốn đối đầu quyết liệt với Mỹ để một mất một còn. Chuyện Nga làm hiện nay chỉ vì trong thế phải làm như thế và nếu không làm không được. Nga ủng hộ nhóm ly khai miền đông Ukraine và sát nhập Crimea là chỉ vì muốn chặn sự bành trướng của chính quyền Kiev của Ukraine thân Âu Mỹ. Mỹ và Âu cũng phải chấp nhận tình trạng này với thoả ước Minsk. Tại Syria thì quyết nghị của hội đồng bảo an Liên hiệp quốc giải quyết chiến tranh Syria và tấn công vào nguồn tài chính của ISIS chỉ là chuyện cả hai bên Nga Mỹ cần phải làm để giữ nguyên trạng. Nghĩa là Âu Mỹ và Do Thái không thể lấn chiếm hết ở Syria và phá tanh banh như là ở Lybia với những nhóm Hồi giáo mới hình thành tuyên bố trung thành với nhà nước Hồi giáo IS. Cho nên TV nghĩ rằng chuyện nhà nước IS ở Syria và Iraq sẽ thu gọn lại, không còn có ảnh hưởng rộng lớn như dự tính từ đầu do sự kiểm soát các vùng dầu hoả, mà Iraq và Syria đang chiếm lại.
Trong cuộc giằng co giữa Nga và Âu này đã diễn ra trong khi Tầu đứng ngoài, nhưng Tầu không muốn để cho Nga bị khuỵ trước các áp lực Âu Mỹ, trong khi sự can dự của Tầu cũng không tới mức độ quá đáng để mà trở thành thù nghịch với những đối tác thương mại Mỹ và Âu châu, vốn cần thiết cho nền kinh tế của Tầu. Tầu có một tiềm năng phát triển rất lớn là cái khối dân khổng lồ có thể vừa là thành phần tiêu thụ vừa là thành phần sản xuất không những cho thế giới mà cho đường lối tự chủ tự lực nếu cần. Trong khi đó thì Mỹ và Âu châu chỉ mạnh về tiêu thụ và kỹ thuật khoa học.
9/TXN.Tình hình 2015 còn một đặc điểm quan trọng là giá dầu sút giảm. Tính từ năm 2014 tới nay, giá dầu thô sút giảm tới 2/3. Ngân sách dự tính của Nga là dựa trên giá dầu 50 đô la một thùng dầu thô. Sự sút giá này là một cuộc chiến tranh tàn độc, đánh vào nền kinh tế Nga, mà lợi tức dầu là nguồn lợi quan trọng cho ngân sách Nga. Sự sụt giá này giảm đi được là bởi vì Mỹ đã dựa trên lượng dầu dự trữ chiến lược được thành lập từ thời tổng thống Carter, khi các nước sản xuất dầu tăng giá gây cảnh khan hiếm lộn xộn ở Mỹ. Tuy người ta nói thế giới ngày nay không hay là chưa, ở trong tình trạng chiến tranh lạnh, nhưng thật sự thì chiến tranh lạnh đã diễn ra quyết liệt, nhưng mà với ngôn từ đàng hoàng tử tế không giống như thời Liên sô Trung quốc và thế giới tự do, mà Cộng sản bao vây tư bản bằng cách tranh thủ các nước tiểu nhược và lạc hậu và bành trướng với khẩu hiệu tiêu diệt tư bản xây dựng thế giới đại đồng vô sản. Ngoài ra thì cuộc chiến này cũng tiến hành được nhờ các nước Ả Rập sản xuất dầu chư hầu của Mỹ. Các nước này, đặc biệt là Saudi Arabia đã không những không giảm bơm dầu để giữ giá theo như quy luật cung cầu thông thường mà còn tăng lên. Saudi và các nước Ả Rập chư hầu của Mỹ làm được thế, vì không bị áp lực quần chúng bao nhiêu do giá dầu hạ, vì rằng giới trung lưu và thượng lưu đều đa số ở trong giai cấp thống trị, gồm các hoàng tử và công chúa.
10/TV. Giá dầu hạ còn có ảnh hưởng tai hại lên các nước Mỹ châu La tinh, là Venezuela, Cuba, và Argentina. Nguồn lợi chính của Venezuela là dầu hoả. Các chương trình xã hội nâng đỡ dân nghèo đã thực hiện được từ thời cố tổng thống Hugo Chavez theo chủ nghĩa xã hội, là vì nhờ Venezuela có nguồn dầu hoả quan trọng. Tổng thống Maduro kế vị sau khi Hugo chết vì ung thư, đã không có cái may mắn này. Giá dầu xuống thấp là một yếu tố khiến quần chúng dân nghèo bất mãn, và trong cuộc bỏ phiếu vừa qua đảng đối lập của Maduro theo đường lối tư bản đã thắng và sẽ nắm chính quyền. Nhưng con đường trước mặt, năm 2016 của Venezuela sẽ không hẳn dễ dàng thoải mái. Tại Argentina, đảng thiên tả của tổng thống Cristina de Kirchsner sắp hết nhiệm kỳ cũng thua đảng đối lập của ông Mauricio Macri là một thương nhân, thiên hữu. Dân chúng không còn ưa đảng của bà Cristina mà bỏ cho Macri, vì các chương trình xã hội bị cắt giảm do thiếu hụt ngân sách mà một phần quan trọng là đến từ dầu hoả Venezuela và trợ giúp của Cuba. Xem ra thì câu tục ngữ của ta “bạc như dân bất nhân như lính” có lẽ không phải là không có lý. Dân lúc hưởng lợi thì khoan khoái phè phỡn, lúc gặp khó khăn thì bực bội phản ứng không cần biết nguyên do.
11/TXN. Riêng về tình hình VN thì chuyện tiêu cực lẻ tẻ có rất nhiều trong năm 2015, nói hoài không hết, và tôi đã nói chung tất cả là chuyện ngàn lẻ một đêm cộng hoà xã hội chủ nghĩa VN. Tất cả những chuyện VN với đầy đủ thất tình lục dục được chuyển đi trên mạng điện tử và điện thư chi phản ảnh tình trạng bi hài đấu đá, cả giả lẫn thực, giữa các phe phái quyền lợi VC, gán cho nhau các nhãn hiệu thân Tầu hay thân Mỹ, luôn luôn xẩy ra khi gần đến ngày đại hội đảng họp. Tóm tắt lại thì Nguyễn Tấn Dũng đã được nhắc đi nhắc lại là thân Mỹ còn Nguyễn Phú Trọng Trương Tấn Sang là thân Tầu, với hàm ý rằng ủng hộ kẻ thân Mỹ thì tốt hơn, vì sẽ có cải thiện tự do dân chủ. Nhưng mà chẳng ai nói đến, hay là sẳn sàng bỏ qua, một điều là Nguyễn Tấn Dũng ở vị trí quyền lực ít ra là trên mười năm nhưng đã chẳng làm nên cơm cháo gì ngoài những chuyện tham nhũng thối nát khổng lồ làm cho tài sản quốc gia mất đi nhiều tỉ đô la, mà nổi tiếng nhất là các vụ Vinashin, Vinalines…. Còn tình trạng độc tài trấn áp thì đâu vẫn còn nguyên đó. Đời sống dân chúng nói chung vẫn còn khốn khó điêu linh. Tóm lại chỉ là còn chế độ VC thì cán bộ nào nắm quyền cũng vậy, bởi vì cái truyền thống tay sai phục vụ ngoại bang kéo dài từ thời thờ Mác Lê Sit Mao Hồ đến nay vẫn thế, chỉ có tăng không có giảm. Và lãnh đạo quyền chức chỉ có một mục tiêu duy nhất là bỏ tiền vào túi càng nhiều càng tốt để phòng lúc ra đi. Bàn nhiều chỉ tốn thì giờ.
Đến đây thì chương trình bàn chuyện thời sự cuối năm phải tạm ngưng. Xin kính chào tạm biệt quý vị thính giả. Chào TV và cám ơn TV. Xin hẹn gặp lại tất cả quý vị và TV trong một kỳ tới.
12/ TV xin kính chào BS N, và thân ái kính chào tạm biệt quý vị thính giả cùng các bạn toàn cầu. Xin kính chúc BS N cùng tất cả quý vị và các bạn một năm mới Dương Lịch nhiều sức khỏe, nhiều may mắn và tài lộc và xin hẹn gặp lại trong một chương trình kế tiếp.
January 3, 2016