1/ Hồi Giáo và Khủng Bố (Đan Tâm)
Theo tin CNN, ngày Thứ Sáu 18 tháng 12, nhiều phụ huynh học sinh ở hạt Augusta, tiểu bang Virginia đã điện thoại chất vấn nhà trường về bài tập đem về nhà của con em họ tại lớp 9, trường trung học Riverheads, có tính cách tuyên truyền cho Hồi Giáo. Bài tập này, buộc học sinh phải chép tay lại một tuyên ngôn tiếng Ả rập về đức tin của Hồi giáo với nội dung: “Không có Thượng đế nào ngoài Allah, và Muhammad là sứ giả của Allah.” Theo cô Cheryl LaPorte, giáo viên môn học này, thì đây không phải bài tập do cô nghĩ ra, mà là một bài thực hành trong môn Địa lý thế giới lớp 9, mà cô phụ trách.
Lãnh đạo của nhà trường giải thích với phụ huynh học sinh rằng, mục đích của bài học là cho thấy sự phức tạp của thư pháp tiếng Ả rập, và ông cũng khẳng định, sẽ không có bất cứ bài tập nào liên quan đến tôn giáo như thế trong tương lai. Tuy nhiên các phụ huynh học sinh vẫn tập họp để phản đối và đòi nhà trường phải sa thải giáo viên, vì đã vi phạm vào quyền tự do về niềm tin tôn giáo.
Tuy rằng chuyện này không tạo ra những nguy hiểm cụ thể, nhưng 24 trường học ở Virginia đã phải đóng cửa như một biện pháp phòng ngừa, theo ý kiến của giới chức thi hành pháp luật Virginia.
Thời gian gần đây, những chuyện liên quan tới Hồi giáo là những sự kiện vô cùng tế nhị do những vụ khủng bố gây ra bởi các thành phần Hồi giáo, nhất là ISIS trên thế giới. Ngay sau vụ khủng bố ở Paris, ứng cử viên hàng đầu của đảng Cộng Hòa là Donald Trump khi vận động tranh cử đã thẳng thừng tuyên bố: “nếu tôi đắc cử, tôi sẽ không cho những người Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ”. Lời phát biểu này, đã gặp phản ứng mạnh mẽ từ nhiều phía, ngay cả các ứng viên Cộng Hòa tranh cử tổng thống. Lời tuyên bố này, còn bị kết tội là vi phạm hiến pháp Hoa Kỳ ! Có nhiều người nói: “nghe ông ta phát biểu thì khoái tai thực, nhưng bầu cho ông làm Tổng Thống, thì không bao giờ !”
Công bình mà nhận xét, ta thấy đạo Hồi đã hiện diện trên thế giới từ cả ngàn năm nay, có rất đông tín đồ, chỉ sau Thiên chúa giáo. Đạo Hồi sống chung hòa bình với các tôn giáo khác, không gây nhiều tai tiếng gì. Khoảng20 năm gần đây, từ khi bắt đầu có cuộc chiến ở Iraq, rồi lan qua Afghanistan, Lybia, Syria thì xuất hiện đám Hồi giáo quá khích, bắt con tin đòi tiền chuộc, chặt đầu con tin, rồi quay video gửi ra thế giới bên ngoài để cảnh cáo và hù dọa. Chiến tranh càng lan rộng, thì Hồi giáo khủng bố càng trở nên mạnh mẽ và tàn ác hơn. Ngày nay ISIS đã chiếm đóng nhiều tỉnh ở Iraq và Syria, làm chủ nhiều mỏ dầu, tàn sát cả mấy trăm tín đồ Thiên chúa giáo một lần. Cái nguy hiểm nhất, là họ chiêu dụ được nhiều giới trẻ, từ những quốc gia Hồi giáo, và không Hồi giáo, tự nguyện tới đầu quân, và đóng góp tài chánh cho họ.
Như vậy, thì chúng ta không thể nói Hồi giáo là khủng bố, mà phải nói khủng bố là một nhóm những người Hồi giáo quá khích. Còn nguyên nhân tại sao mà họ có những hành động tàn bạo, vô nhân tính như vậy? Chắc chắn là không phải kinh thánh đạo Hồi dạy họ làm vậy, mà phải là các động lực khác từ bên ngoài thúc đẩy ! Động lực nào người thường khó chỉ rõ, nhưng có thể biết rằng đó là những động lực chính trị gian ác.
Cách đây 30 năm, khi ĐT đi vượt biên tới được đảo Galang, ở Indonesia, một nước có số tín đồ Hồi giáo lớn nhất trên thế giới. ĐT sống tại đảo 13 tháng trong tình trạng an ninh, kỷ luật, và trật tự. Những người Hồi giáo trong chính quyền trên đảo đối đãi với dân tỵ nạn rất tử tế. Có người còn cho ĐT biết là đạo Hồi đòi hỏi tín đồ phải cầu nguyện 7 lần mỗi ngày, mục đích để luôn nhắc nhở tín đồ những điều hay, lẽ phải. Ngày ĐT từ giã Galang đi định cư, trong lòng mang nặng ơn nghĩa của những người Hồi giáo.
ĐT nghĩ rằng tôn giáo nào cũng dạy tín đồ làm điều phái, tránh điều quấy. Đạo Hồi khắt khe hơn các tôn giáo khác. Ăn cắp phải chặt tay, ngoại tình bị ném đá. Những hình phạt này cũng không ngoài mục đích răn đe, để người ta sợ mà tránh phạm tội. Ngày nay, nếu chỉ vì một nhóm người quá khích, mà áp đặt những chính sách khe khắt cho toàn thể dân Hồi giáo, như không nhận cho những người tỵ nạn Hồi giáo định cư, thì quả là bất công với họ. Những người dân Syria, vì hoàn cảnh chiến tranh, phải bỏ hết nhà cửa di tản để tìm con đường sống, cũng giống như những người Việt Nam khi xưa, không sống nổi dưới chế độ CS, phải vượt biên. Chúng ta nên thông cảm cho hoàn cảnh của họ, mà đừng nên đóng nốt cánh cửa cuối, của những người đang ở bước đường cùng, chỉ biết trông chờ vào lòng nhân đạo của thế giới. ĐT rất đồng ý với chính sách của chính phủ Hoa Kỳ: nhận người tỵ nạn Hồi giáo, nhưng lọc lựa thực kỹ càng, để tránh những phần tử quá khích trà trộn vào dòng người tỵ nạn để khủng bố.
Đan Tâm
12/15
2/ Phải chăng cuộc chiến Syria sắp được chấm dứt? (Trần Xuân Ninh)
Ngày 17 tháng 12/2015, các bộ trưởng tài chính của các nước thành viên hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc họp ở Nữu Ước để chấp thuận một quyết nghị cho thêm tên ISIS và mặt trận al Nusra vào danh sách các nhóm khủng bố cần phải chặn nguồn cung cấp tiền bạc. Tưởng cũng cần nhắc lại rằng danh sách này đã được thiết lập sau vụ nổ 9/11 năm 2001 mà Al Qaeda thực hiện ở Nữu Ước. Quyết nghị viết rằng “Buôn bán trực tiếp hay gián tiếp, đặc biệt là dầu hoả và các sản phẩm dầu hoả, tử lãnh thổ Da’esh kiểm soát, do đó bị cấm chỉ, cùng với buôn bán các cổ vật” Mở ngoặc ở đây rằng Da’esh là tên mà Mỹ dùng để gọi ISIS sau khi nhóm này nhanh chóng chiếm môt vùng đất rộng lớn chứa các mỏ dầu của Syria và Iraq và tuyên bố thành lập nhà nước Hồi giáo IS của thủ lãnh Abu Bakr al- Baghdadi.
Ngày hôm sau, ngoại trưởng các nước thành viên hội đồng bào an họp, thông qua một quyết nghị đặt một thời hạn để hoàn tất giải quyết chính trị cho Syria, lập một chính quyền chuyển tiếp, một hiến pháp mới, tổ chức bầu cử tự do và công bình vào năm 2017, “dưới sự giám sát của Liên hiệp quốc” để chọn một chính phủ mới, và ngừng bắn toàn quốc. Tuy nhiên, quyết nghị không nói đến chuyện ngưng bắn với Da’esch và mặt trận Al Nusra, mà lại kêu gọi các nước thành viên “xoá bỏ những nơi trú ẩn an toàn mà Da’esch và al Nusra đã lập trên lãnh thổ Syria”. Cứ theo như ngôn từ này, thì đã tới lúc Daesch hết số.
Nhiều nhà bình luận Âu Mỹ đã cho rằng đây là một dấu hiệu tốt đẹp vì rằng hội đồng Bảo an đã đồng ý giải quyết cuộc chiến Syria, kéo dài đã gần 5 năm, làm thiệt mạng trên 250,000 người, làm 4 triệu dân bỏ nhà bỏ cửa, chạy loạn tứ tán, sang Thổ nhĩ Kỳ, sang Âu châu bằng đường bộ và bằng tầu, vượt biển Điạ Trung Hải.
Người thận trọng thì cho rằng mới chỉ có đồng ý trên nguyên tắc. Bởi vì ít ra sẽ còn phải điều đình và còn bom rơi đạn nổ cho tới năm 2017. Và hai quyết nghị liên tiếp của Liên hiệp quốc chỉ là chính thức ghi lại thực tế cụ thể đã có trên thực điạ, để mà làm cái khung cho hai phe Nga với Âu Mỹ đối đầu tại Syria và Trung Đông liệu cách đối xử với nhau tránh phản ứng tai hại quá lố trong những sự kiện bất ngờ như vụ máy bay Thổ bắn hạ máy bay Nga. Chẳng khác gì thoả ước Minsk trong vụ Ukraine.
Thực vậy, cuộc chiến tại Syria đã nổ ra do sự tiếp sức của Âu, Mỹ, Do Thái, và các nước Ả Rập chư hầu, xây dựng lực lượng quân sự Free Syrian Army để lật đổ chế độ Assad, tiếp theo các cuộc biểu tình gọi là đòi tự do dân chủ của quần chúng, vừa có tính cách khích động điạ phương, vừa có tính cách vận động dư luận thế giới. Mỹ và Tây phương đã không ngần ngại nhắc đi nhắc lại khẳng định rằng Assad phải ra đi. Những cuộc đấu tranh võ trang này đã làm chính phủ Assad lâm vào thế bị động, vùng lãnh thổ kiểm soát bị thu hẹp. Nhưng mọi sự đã không diễn ra tương tự như trường hợp Khadaffi của Lybia, vì kế hoạch oanh tạc để dứt điểm do tổng thống Obama đề ra cuối năm 2013 đã bị Putin quyết liệt chặn đứng. Mặc dầu vậy, chính phủ Assad tiếp tục suy đồi do sự phát triển nhanh chóng của các lực lượng chống Assad được các thế lực đủ loại bên ngoài hỗ trợ, mà những hoạt động được kể chung là ISIS, bên cạnh mặt trận al Nusra gọi là của Al Qaeda. Cho đến lúc Assad gần sụp đổ, chỉ còn giữ ¼ lãnh thổ, thì Nga công khai tuyên bố ủng hộ chế độ hợp pháp dân cử Assad và đột ngột không kích ISIS ngày 30 tháng 9/2015 mà chi báo trước cho Mỹ một tiếng đồng hồ. Mỹ và Tây phương cùng với Thổ Nhĩ Kỳ đã tố giác rằng 90% các cuộc không kích Nga chỉ nhắm vào những nhóm chống đối Assad. Nhưng người ta biết rằng Nga đã tấn công vào các đoàn xe chở dầu đi bán của ISIS, tức là có đánh vào nguồn tài chính nuôi dưỡng ISIS, là điều mà nhóm liên hiệp các nước chống ISIS do Mỹ cầm đầu đã bỏ qua từ ngày thành lập tới nay. Thái độ này khó giải thích, khi mà Âu Mỹ lớn tiếng lên án quân ISIS hung bạo, với những hành động man rợ, chặt đầu, hiếp phụ nữ kể cả thiếu nữ, nhưng lại để mặc không đụng đến nguồn sinh lực của ISIS là dầu hoả. Với sự can thiệp của Nga, chuyện đổ bể ra rằng ISIS là mấy chữ được dùng để chỉ một tập hợp phức tạp, tiếng bình dân gọi là môt đống xà bần, mà mục đích trước mắt là xoá chế độ Assad để vẽ lại bản đồ địa lý chính trị Syria nói riêng và Trung Đông nói chung. Tiếp theo là Mỹ và Tây phương yêu cầu Nga phân biệt lực lượng chống Assad với ISIS. Hội nghị Vienna giải quyết vấn đề Syria bỏ bê từ lâu, nay được triệu tập gấp rút. Và tin đã loan đi rằng hai bên Nga Mỹ điều đình để xác định đâu là quân chống đối Assad được kể là ôn hoà, nghĩa là chấp nhận nói chuyện được, đâu là quân ISIS cực đoan phải loại bỏ. Trong một thời gian rất ngắn, ngoại trưởng Kerry cho biết rằng đã có những tiến bộ. Thủ tướng Anh cũng tuyên bố tương tự. Về phiá Nga thì cũng tán thành việc thảo luận tìm giải pháp, nhưng nhắc lại rằng phải tôn trọng ý kiến của dân chúng Syria, nghĩa là Assad phải có mặt trong các thảo luận, vì là người đã được bầu ra lãnh đạo. Tầu tiếp tục giữ thái độ đứng ngoài, nhưng có cùng quan điểm với Nga là số phận Assad phải do dân Syria quyết định. Nếu chỉ căn cứ vào những lời tuyên bố chính thức này, thi rõ ràng Nga và Tầu tuy không nói ra nhưng là cùng một lập trường đối với chế độ Assad.
Nhìn toàn cảnh những biến cố lớn thế giới, người ta thấy tại Ukraine chế độ Yanukovich thân Nga đã bị phe theo Âu Mỹ lật đổ bằng những cuộc biểu tình quần chúng, kết hợp với những hoạt động lực lượng đặc biệt thành phố. Nga đã chống trả, chặn sự bành trướng của chính quyền Kiev và Tây phương này bằng sự sát nhập Crimea và giúp phely khai thân Nga ở miền đông Ukraine. Thoả ước Minsk là hình thái thoả hiệp để trở lại những đấu đá hoà bình và lũng đoạn chính trị, như là thời Yanukovich.
Tại Syria, tuy Âu Mỹ vẫn khăng khăng đòi Assad ra đi, nhưng có vẻ như không dễ dàng gì. Assad ít ra là sẽ trong một chính phủ chuyển tiếp. Và nếu thế, thì chưa biết chừng Assad và đảng của ông sẽ vẫn có thể ở lại sau bầu cử. Thực vậy, ngoại trưởng Syria Walid al-Moualem ngày 24 tháng 12 tại Bắc Kinh trong một cuộc hội kiến với ngoại trưởng Trung quốc Vương Nghị, tuyên bố sẳn sàng ngồi điều đình với phe chống đối khi mà danh sách phái đoàn chống đối được đưa ra. (Người ta hiểu rằng danh sách đang được thảo luận ngầm, giữa hai bên Nga Mỹ). Tuyên bố như vậy của ông Moualem cạnh ngoại trưởng Tầu rõ ràng là có sức nặng không thể bỏ qua.
Trên truyền thông Mỹ có những bài viết nhắc lại và nhận định về các phát biểu đối nghịch của các ứng viên tổng thống Cộng Hoà cũng như Dân Chủ về Syria và ISIS để dẫn người ta đến suy nghĩ rằng vai trò chính của Mỹ không phải là tiêu diệt Assad, mà là ISIS. Bởi vì trong hoàn cảnh chiến thắng quân sự bế tắc vì sự can dự trực tiếp của Nga, và mối nguy đối đầu hủy diệt gia tăng với vụ máy bay Thổ hạ máy bay Nga, thì thoả hiệp là con đường phải chọn. Cuộc họp ở Geneva vào cuối tháng giêng 2016 về hoà bình Syriamà Liên hiệp quốc dự tính triệu tập do đó không phải là thêm một cuộc họp như nhiều cuộc họp xong rồi thôi khác của Liên Hiệp Quốc.
Nhìn vấn đề Syria cho rốt ráo thì rõ ràng là ở đời hễ cái gì cầm lên được thì bỏ xuống được. Chiến tranh Syria đã nổ ra từ ngoài rồi sẽ chấm dứt từ ngoài. Mà những nhân tố chủ động là Mỹ Anh Pháp Do Thái một bên và Nga với sự trông chừng cầm chịch của Tầu bên kia. ISIS có thể sẽ không kiểm soát một vùng rộng lớn như dự tính ban đầu, nhưng vẫn tiếp tục là một lực lượng khuấy phá, mà căn nguyên là trên sự chia rẽ hai xu hướng Hồi giáo Sunni và Shiite khai thác bởi các thế lực chính trị gian ác đầy thủ đoạn hiểm độc.
Trần Xuân Ninh
Ngày 25 tháng 12/2015