Ngày 11 tháng 8/2015, một bản tuyên cáo của cộng đồng người Việt quốc gia liên bang Hoa kỳ do bác sĩ Đỗ Văn Hội ký đã làm người ta nhớ lại vụ đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius cách đây một tháng tới California để trình bầy về chính sách của Mỹ đối với VN. Bản tuyên cáo này đã đưa ra mấy điểm về chuyến đi California của Osius là:
Trong các buổi gặp gỡ này, Ted Osius đã yêu cầu không cho treo lá cờ vàng ba sọc đỏ trong hội trường với lý do “ngoại giao” và chức vụ Đại Sứ của mình. Ngoài ra, Ông luôn luôn đeo trên ve áo huy hiệu kỷ niệm 20 năm bang giao Việt (CS) – Mỹ có hình cờ CSVN, cờ mà người Việt tỵ nạn Cộng Sản không thể chấp nhận vì nó là cờ của đảng CSVN, không đại diện cho đất nước và nhân dân Việt Nam.
Riêng cuộc gặp gỡ tại San Jose, ngoài việc không treo cờ vàng ba sọc đỏ, ban tổ chức còn yêu cầu cô Đỗ Minh Ngọc gỡ bỏ dây đeo cổ có hình cờ vàng ba sọc đỏ và cờ Hoa Kỳ.
Để kết luận rằng:
Việc đeo huy hiệu có cờ Cộng Sản khi tiếp xúc với người Việt từng trốn chạy Cộng Sản là hành động thiếu tế nhị, có thể được xem như khiêu khích đối với họ.
Những sự kiện nêu trên đã thực sự xúc phạm đến Cộng Đồng người Mỹ gốc Việt tại Hoa Kỳ cũng như khắp thế giới.
Vì vậy, Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Liên Bang Hoa Kỳ:
Phản đối những sự kiện đã xảy ra nói trên,
Đề nghị Cộng Đồng Người Việt ở khắp nơi - nhất là những vị Lãnh Đạo - cần có thái độ chính trị thích nghi đối với bất cứ chính phủ hoặc cá nhân nào chủ trương:
Bênh vực và tiếp tay cho chế độ CSVN mà quên quyền lợi của trên 90 triệu người dân Việt Nam đang cần tự do dân chủ;
Xúc phạm đến biểu tượng lá cờ Vàng ba sọc đỏ của người Việt tỵ nạn Cộng Sản tại hải ngoại.
Cộng đồng người Việt quốc gia liên bang Hoa kỳ là hội đoàn độc nhất lên tiếng về chuyện này, trong khi các cá nhân (trừ có một ông Ngô Kỷ) hay tổ chức đấu tranh khác đều đã im lặng chẳng nói gì, chỉ đã ngồi nghe Osius. Một số đã đặt các câu hỏi mà truyền thông VN truyền đi cho thấy rằng chỉ muốn biết rõ quan điểm của Hoa kỳ quanh vấn đề nhân quyền, tham nhũng, Trung Cộng vân vân. Bản chất là chờ mong có một sự giúp đỡ nào đó của Hoa kỳ trong vấn đề VN. Ted Osius đã nói thẳng: “Chính phủ Hoa Kỳ không có kế hoạch thay đổi chế độ, nhưng có kế hoạch dùng ảnh hưởng để thay đổi về nhân quyền, điều kiện lao động, ...” Nếu Việt Nam muốn tham gia TPP thì họ bắt buộc phải cam kết cải thiện vấn đề nhân quyền. …
Có người đã cho thái độ chờ mong này là thái độ của những nhà chính trị đèn xanh.Lại có người cho rằng đó là điển hình của những nhà chính trị quận hay phường, vì không hiểu chính sách Hoa kỳ ở VN qua những sự kiện thời sự khác như những chuyến đi VN cũng như những tuyên bố của các nhân vật Mỹ như vợ chồng Clinton hay các nhà lãnh đạo quân sự chính trị cao cấp khác và những chuyến công du Hoa kỳ của các lãnh đạo trong bộ chính trị VC mà Osius nói là đã gia tăng trong thời gian qua. Có thể nói rằng Ted Osius đã làm tròn nhiệm vụ của một viên chức chính phủ khi về quận giải thích đường lối chính sách gia tăng trao đổi hợp tác buôn bán làm ăn giữa hai bên để gọi là giúp cải thiện Việt Nam. Ông Osius chứng minh sự thành công bằng cách đưa ra con số 500 triệu đô la thương mai trước đây 20 năm và con số 40 tỉ đô la trong năm tới sau 20 năm bang giao, trong đó có 13 tỉ bán máy bay thương mại cho Viet jet và Vietnam airlines, tạo ra rất nhiểu việc làm cho Hoa kỳ. Và ông đã nói nhiều lần đến khẩu hiệu “hướng về tương lại” và cơ hội cho giới trẻ. Vấn đề bánh vẽ nhân quyền tôn giáo chính trị cũng được nêu ra chung chung để giải quyết cho những đấu tranh cảm tính. Vì vậy Điều Cầy được Ossius lôi ra hỏi để ông này lên tiếng ủng hộ VN vào TPP và nhắc đến nhân quyền, một cách dư thưa và vô ích đối với những người biết rằng VN đã ký hiệp ước song phương với tất cả 11 nước, mà Hoa kỳ là một, khi đi dự hội nghị về TPP mới đây ở Hawai.
Trở lại với sự phản đối của Công đồng liên bang Hoa kỳ về việc ông Osius không cho treo cờ vàng trong hội trường và đeo huy hiệu hai lá cờ Mỹ và VC trên áo, thì chẳng có gì đáng nói. Vì đó là quyền tự do chọn thái độ của cộng đồng, cũng như ông Osius có tự do và cần bày tỏ quan điểm của chính phủ Hoa kỳ chủ trương hợp tác với VC, để mà gọi là giúp VN. Coi đó là sự khiêu khích và xúc phạm đến công đồng người Việt tỵ nạn là một cảm tính có thể hiểu được, không khác gì thái độ quyết liệt dứt khoát của dân Do Thái đối với chủ thuyết và con người phát xít Nazi. Nhưng vấn đề chính là phản ứng đối với cái chủ trương này là ra sao. Người ta đã biết trong cử toạ đã có những câu hỏi cảm tính, hay những thỉnh cầu, , chờ mong nơi Mỹmà không có những trình bày có khả năng thuyết phục, chỉ ra sai trái của chủ trương hợp tác với VC.
Nếu mà có tình trạng này thì là vì không biết rõ mình đứng ở lập trường nào, người Mỹ, người Việt, hay người Mỹ gốc Việt, người đấu tranh hay người đi buôn.
Lâm Phong
(ngày 14 tháng 8/2015)