“Thủ tướng Benjamin Netanyahu trông thất bại. Ngày thứ ba ông mặt xám tro bên cạnh bộ trưởng ngoại giao Hoà Lan trong buổi họp báo chung ở Jerusalem; bộ dạng của ông là của một người chơi bài đã thua mất hết. Thoả hiệp hạt nhân với Iran mà ông chống mạnh mẽ và cảnh báo, đã trở thành chuyện đã rồi. Cuộc thoả thuận khiến ông mở ra cuộc chiến chính trị chống tổng thống Mỹ, phá bỏ mọi quy luật ngoại giao giữa hai nước bạn, đã trở thành sự thực, bất kể xấu tốt.
Trước khi những chi tiết thoả hiệp được biết, và không biết một chút gì về những điều sẽ có và những điều không có trong thoả hiệp, các nhân vật cao cấp đảng Likud đã bắn trái phá lên mạng điện tử. Gồm ba điểm chính là 1/Thoả hiệp là xấu, tồi tệ, và khủng khiếp. 2/ Nếu không có Netanyahu thì tình trạng đã xấu hơn, từ lâu 3/Phe đối lập phải xấu hổ là đã không ủng hộ thủ tướng, nghĩa là nhà nước Do Thái”.
Đó là nguyên văn một đoạn dịch bài báo Do Thái Haaretz sau khi thoả ước hạt nhân với Iran và 6 nước Mỹ Anh Pháp Đức Nga Tầu được ký kết.
Người ta còn nhớ ngày 3 tháng 3, Netanyahu đã sang Mỹ đọc diễn văn trước lưỡng viện quốc hội kịch liệt chống đối thoả hiệp lúc đó chưa thành hình, qua sự giàn xếp trực tiếp của đại sứ Do Thái tại Washington DC với đảng Cộng Hoà, và chỉ cho Bạch cung biết sau khi mọi sự đã xong, trái hẳn thông lệ. Ông Obama đã phản ứng lại bằng cách không gặp Netanyahu. Câu hỏi là có phải vì thế mà chính phủ Obama đã nhất quyết đi tới con đường thoả hiệp với Iran hay không? Ở vị trí cá nhân đời thường thì có thể nghĩ thế, làm thế. Nhưng ông Obama là tổng thống chịu nhiều trách nhiệm và bị ràng buộc bởi những luật lệ trong một nước có cơ chế dân chủ vận hành vững chãi thì không thể như thế. Ngoài ra thì bản chất ông Obama không phải là người cứng cỏi, bất cần, mà chỉ là một người khôn ngoan thoả hiệp cho nên đã có thể trở thành tổng thống da đen đầu tiên ở Mỹ. Người ta có thể thấy điều này khi nghe được lời tâm tình tình cờ thu vào máy ghi âm không tắt, của ông Obama với tổng thống Pháp nói về Netanyahu trong giờ nghỉ, nhân một buổi họp thượng đỉnh ở Paris, cách đây vài năm. Ấy là chưa nói đến áp lực bao trùm của Do Thái lên chính giới cũng như truyền thông Mỹ, nói chung.
Điều đáng để ý là thoả hiệp sau khi ký rồi thì cả hai bên, Iran cũng như Mỹ, bên nào cũng cho là mình thắng lợi. Mỹ thì cho là Iran đã phải chấp nhận những điều kiện khiến không thể làm võ khí hạt nhân trong thời gian ít ra là 10 năm hay ngay cả 20 năm trước mặt. Iran thì cho rằng là Mỹ đã không thể không đối thoại với Iran là một nước độc lập tự chủ. Nhìn từ xa, khách quan, thoả hiệp gồm những nội dung gì quan trọng?
Bộ trưởng ngoại giao Iran nói thoả hiệp là một giải pháp “hai bên cùng thắng” (win-win solution). Tổng thống Iran nói thoả hiệp chứng tỏ rằng “tiếp cận xây dựng là có hiệu quả. Với cuộc khủng hoảng không cần thiết này được dẹp đi, những chân trời mới sẽ hiện ra với sự tập trung vào những thách đố chung”. Tổng thống Obama cho rằng đã ký kết “một thoả hiệp lịch sử”, ngăn được Iran không làm bom nguyên tử, tức là tránh được một cuộc chiến tranh với Iran, và một cuộc chạy đua võ khí nguyên tử ở Trung đông là “vùng nguy hiểm nhất thế giới”. Ông cũng khẳng định, mà người hiểu là có mục đích để quảng cáo, rằng hiệp ước cho thấy Mỹ điều đình “ở vị trí lãnh đạo và ở thế mạnh”.
Dĩ nhiên rằng Netanyahu không đồng ý, và tuyên bố rằng Do Thái không bị ràng buộc bởi thoả hiệp. Và rằng “Chúng ta sẽ giành quyền tự bảo vệ chúng ta chống mọi kẻ thù. Chúng ta có sức mạnh, và sức mạnh này là rất lớn và mạnh mẽ”. Mặt khác thì thủ lãnh phe đối lập với Netanyahu là Isaac Herzog sẽ đi Washington để vận động viện trợ thêm cho Do Thái. Vắn tắt thì mỗi phía, bênh hay chống thoả hiệp đều có lý luận riêng của mình. Tổng thống Obama biết thế nên ngay sau khi thoả hiệp được ký, đã phái phó tổng thống Biden đến quốc hội giải thích, đặc biệt là cho các đại biểu Dân chủ. Đồng thời cũng cho biết rằng Mỹ sẽ gia tăng các trợ giúp quân sự để bảo vệ Do Thái. Với những sự kiện này, người ta có thể biết rằng chính phủ Obama đang cố gắng nỗ lực để vận động quần chúng ủng hộ hiệp ước, khiến cho quốc hội không thể không thông qua.
Liệu ông Obama có thể thắng trong cuộc vận động này không, trước sức mạnh chính trị của Do Thái ở Mỹ, khi mà đa số các dân cử Cộng hoà cũng như Dân chủ đều chịu ảnh hưởng của thế lực to lớn này? Có lẽ nếu chỉ nhìn ở nội tình nước Mỹ thì có thể nói rằng khó. Nhưng nếu nhìnrộng hơn toàn cầu, để thấy rằng Mỹ không có sức mạnh kinh tế tài chính trùm lớp như trước đây, để thấy vị trí cứng rắn của Nga trong vấn đề Ukraine và Trung đông, và tư thế của Tầu khi liên kết đỡ đần Nga trong chuyện này, cũng như tình trạng tương đối ôn hoà của khối Âu châu, thì có thể nói rằng ông Obama sẽ thắng. Bởi vì ông không thể không chia sẻ tình hình với một số dân cử cao cấp cốt lõi về thực tế thế giới, mà hiểu rằng chính sách ngoại giao Mỹ, đặc biệt là ở Trung Đông, Iran và Bắc Phi không thể tiếp tục hoàn toàn do phe diều hâu Do Thái quyết định. Vì thế quốc hội sẽ phê chuẩn hiệp ước với một đa số đơn giản. Và cho dù có không thông quahiệp ước thì ông Obama sẽ phủ quyết, để mà có thêm thời gian vận động.
Netanyahu sẽ dần dần mờ đi. Chuyến đi sang Mỹ của Isaac Herzog là dấu hiệu của một thời kỳ mới mềm dịu thực tế hơn của chính sách Do Thái. Tương tự như thời kỳ đầu thập niên 1990 Do Thái phải đi dần tới chỗ ký hiệp ước hoà bình Oslo công nhận tổ chức PLO của Yasser Arafat mà cho tới lúc đó vẫn bị coi là tổ chức khủng bố.
Lâm Phong
(ngày 17 tháng 7/2015)