Một bài viết nhan đề “Nỗi bẽ bàng của ông Vua không ngai họ Tập” với lời giới thiệu “bài viết khá hay” mới được truyền đi trong giới giang hồ điện tử. Tác giả là ông Bùi Tín, con nhà quan lại, nhưng đủ khôn ngoan để không bị tù đầy hay trù ếm cho nằm không, đói dài một xó, như nhiều người cùng nguồn gốc gia đình, trong suốt thời chuyên chính vô sản Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, mà trở thành cán bộ tuyên vận và trèo dần lên giữ chức phó tổng biên tập cơ quan ngôn luận chính thức của VC là báo Nhân Dân. Năm 1990 nhân một chuyến công tác tại Pháp, ông xin tị nạn chính trị, không hiểu vì thấy tình hình VC lao đao khó gượng vì sự đổi thay chiến lược của Gorbachev mà chạy, hay vì được cho đi dò đường cho đảng thay đổi. Ông hăng hái chỉ trích chế độ và Lê Duẩn với Lê đức Thọ nhưng đã dè dặt đối với Hồ chí Minh, và chừng mực ca tụng Võ nguyên Giáp. Có người cho rằng là ông sửa soạn cho tay Cộng sản gộc, cốt lõi này phất cờ lãnh đạo nhóm CS biến thái, khi thời cơ đến. Sau khi Liên sô sụp đổ, khối Đông Âu tan vỡ, ông đã hoạt động mạnh trong giới người Việt Đông Âu. Tuy mọi toan tính đều không thành, nhưng ông Bùi Tín đã một thời được một số người hải ngoại coi là CS phản tỉnh và chuyên viên về các vấn đề VC, được chào mời o bế bởi nhiều nhà chính trị. Cái tên Bùi Tín nay tuy không còn hấp dẫn, vì những điều dự đoán CS tan rã chắc như đinh đóng cột do tình trạng cung đình VCrối loạn của ông đã chỉ là những hoang tưởng nghe qua rồi bỏ. Tuy thế nhưng bài viết của ông lâu lâu xuất hiện cũng còn có người đọc. Riêng bài viết mới đây “Nỗi bẽ bàng của ông Vua không ngai họ Tập” được giới thiệu là “ khá hay” -có lẽ vì dựa trên tin tức các báo ngoại quốc như Phượng Hoàng ở Hồng Kông, Want China Timesở Đài Loan, Le Monde ở Pháp và Financial Times ở Anh.
Ông Bùi Tín cho biết rằng đầu tháng 6, theo nguồn tin các báo này, chuyến đi làm việc ở Hoa Kỳ của Vương Kỳ Sơn, người được coi là quyền hành chỉ sau có Tập Cận Bình dù rằng vai vế chính thức là đứng thứ 6 trong số 7 ủy viên ban thường trực bộ chính trị, ‘’không thành, bị hoãn không thời hạn, có thể bị hủy bỏ’’.
Bài viết cho biết Vương Kỳ Sơn từ hơn hai năm nay là bí thư Ban Kiểm tra Kỷ luật của Trung ương Đảng CSTQ, là cánh tay phải của họ Tập trong chiến dịch «diệt hổ đập ruồi» truy lùng tham nhũng ở Trung Cộng. Cơ quan có quyền lực không hạn chế này, có thể xông vào mọi nơi, bắt giam mọi công dân, xem xét mọi hồ sơ, điều tra và truy tố mọi nghi can, bất kể người đó là ai, «không có một ngoại lệ nào». Ông Bùi Tín dẫn nguồn tinbáo Hồng Kông kể rằng Vương Kỳ Sơn “đã sờ gáy hơn 20 vạn đảng viên quan chức, tất cả đều điêu đứng, đến độ có người kêu lên rằng «thà gặp con quỷ còn hơn là phải gặp lão Vương!». Ông Chu Vĩnh Khang, một cựu Ủy viên Thường Vụ Bộ Chính trị, trùm sỏ ngành dầu khí, rồi trùm sỏ ngành an ninh, hét ra lửa một thời, vừa bị kết án tù chung thân trong một phiên xử kín ở Thiên Tân.
Ông Tín cũng viết “theo dự đoán của giới báo chí Anh và Pháp, ông Vương sẽ yêu cầu phía Mỹ hỗ trợ đắc lực cho chiến dịch «diệt hổ, đập ruồi và săn cáo» đang được mở rộng để truy lùng số viên chức đảng viên CSTQ hiện đang trốn tránh với tài sản cực lớn trên đất Hoa Kỳ. Phía TQ hy vọng các cơ quan an ninh tình báo CIA, FBI, các cơ quan tư pháp, các ngân hàng Hoa Kỳ sẽ hợp tác với Ban Kiểm tra Kỷ luật của Trung ương Đảng CSTQ của ông Vương để truy lùng tội phạm, bổ sung hồ sơ, cung cấp và trao đổi tài liệu, thu hồi đến mức cao nhất tài sản bị thất thoát bởi các quan chức tham nhũng và thân nhân, bộ hạ của họ. Và hai bên sẽ ký một hiệp ước dẫn độ.
Bài viết của ông Tín coi sự thiếu hợp tác của Mỹ trong chuyến đi của Vương Kỳ Sơn là một thất bại bẽ bàng của Tập Cận Bình. Bởi vì những chiến dịch chống tham nhũng không có cơ sở luật pháp nghiêm minh, dân chủ, chỉ là phe cánh đấu đá tranh quyền, dưới chiêu bài «chống tham nhũng». Các cuộc điều tra, truy tố, xử án đều mù mờ, không có luật sư, không có báo chí tự do, không có quan sát quốc tế.
Giải thích như thế là vì ông Tín đã dựa trên cái tiền đề rằng Mỹ quan tâm chủ yếu đến chuyện làm sao cho Tầu có luật pháp nghiêm minh, có tự do dân chủ, làm sao cho không có đấu đá tranh quyền trong giới lãnh đạo vân vận. Luận cứ này có nhiều điểm không vững và mâu thuẫn.
Thứ nhất thì thuần lý mà nói, không một nước nào có cái quyền xem lấn vào nội bộ điều hành nước khác, cho nên nếu mà chính phủ Mỹ không hợp tác với Vương Kỳ Sơn là công cụ của phe Tập Cận Bình để tiêu diệt phe đối lập, bị coi là tham nhũng (mà bài viết cho rằng là vì đấu đá tranh quyền) thì chẳng có gì là sai trái, mà chỉ là khách quan. Cùng trên cái mạch suy nghĩ chính trị này, giúp Vương Kỳ Sơn có nghĩa là hùa theo họ Tập. Còn không giúp Vương Kỳ Sơn, có nghĩa là hỗ trợ phe bên kia, làm bẽ mặt Tập Cận Bình.
Nhưng có thật là Mỹ giúp phe đối lập chống Tập Cận Bình hay không? Không, bởi vì Tập Cận Bình đang là đối tác cần thiết cho Mỹ, tuy không phải là đồng minh với Mỹ. Trung Quốc cũng không phải là một nước nhược tiểu để Mỹ có thể dễ dàng giúp nhà chính trị này, nhân vật đối lập nọ hòng lũng đoạn. Quá lắm thì chỉ thổi lớn những ý kiến bất đồng. Chứng cớ cụ thể ở ngay trong bài viết của ông Tín có nêu ra. Là tháng 2 năm 2912, trùm công an Trùng Khánh là Vương Lập Quân đã chạy vào lãnh sự quán Hoa Kỳ xin cư trú chính trị, mang theo vô số tài liệu tuyệt mật và khai báo không biết bao nhiêu điều cơ mật cho phía Hoa Kỳ, đặc biệt là những tin tức về thâm cung bí sử Bắc Kinh trong 20 năm qua, liên qua đến các phe nhóm của Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang, Tăng Khánh Hồng, Từ Tài Hậu, Giang Trạch Dân. Vương bị phía Hoa Kỳ trao cho TQ. Theo báo Anh Financial Times (2/6), chính Phó Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã giao tận tay Tập Cận Bình một số tài liệu do Vương Lập Quân nộp tại lãnh sự quán Hoa Kỳ.
Thế thì tại sao Mỹ không hợp tác với Vương Kỳ Sơn để cho Tập lấy lại những tiền của và tài sản cực lớn của những đầu lãnh TC tham nhũng cất giấu ở Hoa kỳ? Đơn giản chỉ là vì lý do tài chính và kinh tế. Tiền đô labất cứ từ nguồn gốc nào, để trong ngân hàng Mỹ thì giúp cho các ngân hàng này có vốn cho vay hay đầu tư kiếm lời. Bất động sản trên đất Mỹ mua bằng tiền từ ngoài đem tới thì làm cho thị trường nhà đất ở Mỹ có sinh khí. Vì thế cho nên người ta mới thấy rằng truyền thông hay chính giới Mỹ và Tây phương thì tố giác các lãnh tụ ngoại quốc tham nhũng thối nát hàng tỉ đô la. Nhưng khi những người này ra đi hay bị lật đổ thì tiền nằm nguyên ở Mỹ hay ở các ngân hàng Tây phương, chẳng bao giờ mà được trả về cho nước gốc. Thành ra, tham nhũng thối nát bị chỉ trích chê bai rất mạnh. Nhưng chẳng có biện pháp nào để giúp chặn tẩu tán tiền tham nhũng thối nát ra ngoài.
Trong vụ Vương Kỳ Sơn này, Tập Cận Bình chẳng bẽ bàng gì. Họ Tập vẫn sẽ được tiếp đãi trịnh trọng như thường lệ. Tiền tham nhũng thối nát của những kẻ tiền nhiệm họ Tập nằm đâu vẫn nằm đó ở Mỹ. Truyền thông Mỹ vẫn tiếp tục đưa tin chỉ trích các tham nhũng hiện nay dưới triều họ Tập. Đọc để bàn tán cho vui thôi. Tham nhũng thối nát cũng như đĩ điếm là chuyện ngàn xưa dính liền với con người. Chẳng cứ gì ở Tầu hay chỉ ở những nước nhược tiểu. Cố tổng thống Reagan thuộc đảng Cộng hoà được tôn sùng một thời, sau khi rời chức, được mời sang Nhật đọc một bài diễn văn chừng nửa giờ và được trả 2 triệu đô la. Vợ chồng cựu tổng thống Dân chủ Bill và Hillary Clinton, lúc rời toà Bạch cung được truyền thông cho biết là trong tình trạng trắng tay, nợ nần mấy triệu đô la. Chẳng mấy lâu sau thì hai người được mời đi đọc diễn văn mỗi bài giá trả từ trăm ngàn đô la trở lên, Tính ra, mỗi chữ diễn văn giá trị đắt hơn vàng. Chưa kể rằng hiện nay hai người cùng với cô con gái Chelsea, là chủ công ty Bill, Hillary and Chelsea foundation có hàng trăm triệu đô la tiền đóng góp từ ngoại quốc. Tại sao lại có chuyện này? Chẳng phải vì để trả những ân huệ đã ban phát khi quyền thế trong quá khứ và những dễ dàng sẽ cho nữa trong tương lai sao?
Rồi Obama và Tập cận Bình sẽ gặp nhau mặt mày tươi rói cho mà xem.
Thạch Trung Ẩn
(ngày 15 tháng 7/2015)