Một bài viết trên đài Tiếng nói Hoa Kỳ VOA ngày 29 tháng 7/2015 đã tạo chú ý vì cái tựa đề là câu hỏi “Nhạc Trung quốc đã vào bộ quốc phòng Việt Nam?”. Tác giả Khánh An cho biết rằng nhân ngày “Thương binh liệt sĩ” 27 tháng 7 một chương trình nghệ thuật có tên “Khát vọng đoàn tụ” đã diễn ra tại bộ quốc phòng, với sự tham dự đông đảo của các giới chức cao cấp VC, đứng đầu là chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam...và gần 500 giới chức đảng và nhà nước. Chương trình nghê thuật này được trực tiếp truyền đi trên hệ thống truyền hình trong nước, và theo Khánh An, thì kể như là để giới thiệu lại Phùng quang Thanh sau một thời gian vắng mặt tạo nhiều bàn tán là đã bị thủ tiêu. Chỉ có thế thôi thì cũng không có gì đáng nói cho lắm, nếu khi Trương Tấn Sang lên đọc diễn văn không có một đoạn nhạc trổi lên, mà có người nhận ra là bài hát “Ca ngợi tổ quốc”, một bài hát được xem là “quốc ca thứ hai” của Trung Quốc. Bài hát này do ông Vương Tân, người Vô Tích, Giang Tô, Trung Quốc, sáng tác vào tháng 9/1950, sau khi Mao Trạch Đông chiếm được Hoa lục. Đài VOA tiếng Việt đã phỏng vấn ông Phan Tất Thành, một cựu chiến binh đã từng có một thời gian được học tập, nuôi dạy tại Quế Lâm, là người đầu tiên nhận ra bài hát này.
Báo Quân đội Nhân dân đã viết "trong quá trình thực hiện chương trình truyền hình trực tiếp đã không kiểm soát được nội dung để xảy ra sai sót là sử dụng một đoạn nhạc nước ngoài vào trong chương trình". Nhưng lấy một đoạn nhạc chính trị nặng ký, loại quốc ca thứ hai của nước lớn là Tầu để làm nhạc hiệu tạo chú ý giới thiệu diễn văn của chủ tịch nước không thể kể là vô tình, sai sót. Chỉ có thể là cố tình. Cố tình này có thể là do chủ quan của người xếp đặt chương trình vì mê say ngưỡng mộ nước Tầu vĩ đại và chủ tịch nước Cộng hoà xã hội VN mà ngôn ngữ VC gọi là có “bề dầy cách mạng”. Cố tình này có thể là của phe đối địch với Sang nhằm tạo ấn tượng mạnh là Trương Tấn Sang đã theo Tầu, để cô lập bôi xấu Sang trước cái tư tưởng chống Tầu bành trướng đang lên trong dân chúng. Hai là vì chính Sang muốn khẳng định cái lập trường trung thành với Bắc Kinh của mình mà ra lệnh cho tay chân làm như thế, để trấn những dư luận lao nhao hùa theo Mỹ những thời gian gần đây để tìm chỗ dựa chống TC ở biển đông.
Báo Quân đội Nhân dân còn cho biết "Cơ quan cấp trên có thẩm quyền đã tiến hành kỷ luật: Khiển trách đối với Ban Giám đốc Trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội và chỉ đạo xử lý nghiêm túc kíp thực hiện chương trình". Tùy theo mức độ kỷ luật thi hành nặng nhẹ, người ta có thể đoán được bên ôm chân Mỹ hay bên cõng Tầu thắng thế trong cuộc đấu đá đang diễn ra trước đại hội đảng sắp tới vào năm 2016. Nếu quả thật chỉ là khiển trách xuông thì so sánh lực lượng chỉ là bên tám lạng bên nửa cân. Bởi vì “kẻ xấu”làm một việc tày trời như thế mà chỉ bị sơ sơ đánh phủi bụi, là khiển trách.Và trả lời câu hỏi tự nhiên nẩy ra Phe nào sẽ bị loại sẽ chẳng có gì khó khăn.
Những nhà chính trị chầu rìa sẽ mong (và cho) rằng phe cõng Tầu sẽ bị loại. Bởi vì như thế thì họ sẽ có chân, trong sự hoang tưởng rằng phe ôm chân Mỹ sẽ thay đổi dưới áp lực Mỹ, mở rộng cho có đa nguyên đa đảng tức là có những thành phần đứng ngoài chờ bấu xấu. Nghĩ như thế tức là bỏ qua một sự thực hiển nhiên, là họ đã hoàn toàn đứng ngoài “hóng gió” chẳng có ký lô nào trong suốt thời gian Nguyễn Tấn Dũng là nhân vật thứ ba trong bộ chính trị, và được cho là thân Mỹ, đã làm thủ tướng tám năm, cho tới nay và cùng với bọn thân Tầu cai trị VN.
Thực tế sẽ là chẳng có phe nào bị loại, mà cả hai phe cùng tình trạng cá mè một lứa, sẽ tiếp tục nắm giữ quyền hành tức là quyền lợi. Tương tự như là chuyện đấu đá ồn ào trước đây không lâu giữa một bên là Nguyễn Tấn Dũng và bên kia là Nguyễn Phú Trọng với Trương Tấn Sang, mà Dũng tưởng là đã phải ra đi vì những vụ tham nhũng thối nát khủng khiếp Vinashin, Vinalines vân vân. Nhưng Nguyễn Tấn Dũng, với danh hiệu đồng chí X, vẫn trụ lại cho tới nay, và cái nhãn thân Mỹ và tiến bộ càng ngày càng được tô vẽ, trang điểm, nhắc đi nhắc lại. Sự thay đổi nếu có thì chỉ là về mặt đổi ghế cá nhân, sắp lại quyền lợi. Đảng vẫn có cái chỗ của đảng, như là chuyện Obama đã gặp tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ở Bạch cung, tuy rằng Trọng không có vị trí chính thức nào trong chính phủ VC. Tất cả ý nghĩa của cuộc gặp chỉ là một khẳng định của Mỹ, gián tiếp công nhận cái nguyên tắc “đảng lãnh đạo nhà nước quản lý” của Hà nội. Để cho đối tác lớn của Mỹ là TC yên lòng rằng Mỹ không phá bỏ cái cơ chế cho phép TC lũng đoạn tại VN. Cái lý do thứ hai để nói rằng chẳng có gì thay đổi về căn bản, vì nó nằm ngay trong lời tuyên bố của đại sứ Mỹ tại Hà nội Ted Osius, sau khi tiếp xúc với cộng đồng VN ở Orange county để giải thích chính sách Mỹ. Tin đài Tiếng nói Hoa kỳ VOA tiếng Việt tường thuật rằng ‘Nhà ngoại giao của Mỹ cho biết rằng trong cuộc gặp song phương ở phòng Bầu dục trong Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Barack Obama và ông Trọng đã khẳng định sẽ “tôn trọng hệ thống chính trị của nhau”.
Và câu nói được trích dẫn của Osius là:
“Tôi đã nhận được câu hỏi rằng Mỹ sẽ có chương trình gì để thay đổi chính phủ Việt Nam và tôi đã trả lời thẳng rằng đó không phải là chính sách của Mỹ. Chính sách của Mỹ là tôn trọng sự khác biệt trong hệ thống chính trị của các quốc gia khác. Cách duy nhất để có thể tăng cường lòng tin giữa hai nước là phải nói rõ sự tôn trọng của chúng tôi đối với một hệ thống chính trị khác biệt. Đó không phải là câu trả lời mà những người đó muốn nghe, nhưng đó là chính sách của nước Mỹ và điều đó đã được Tổng thống Hoa Kỳ nói nhiều lần. Lợi ích của Mỹ là chúng tôi muốn thấy một nước Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng, độc lập, tôn trọng dân chủ, nhân quyền và pháp quyền. Việt Nam thành công thì điều đó cũng nằm trong lợi ích của Mỹ”.
Bản tin còn giải thích “Ông Osius nói thêm rằng không cần phải có một hệ thống chính trị giống hệt nhau thì mới có được quan hệ sâu rộng”.
Những người đeo kính mầu hồng sẽ cãi rằng nhà chính trị Mỹ nói vậy mà không phải vậy. Vì nói sao làm vậy thì không phải là làm chính trị. Cứ cho rằng nhận định này là đúng đi. Thì câu hỏi là nếu ông Osius không làm như ông ấy nói thì ông ấy làm thế nào? Chẳng lẽ là làm theo như cái hoang tưởng của người chầu rìa đeo kính mầu hồng?
Sau chót, thì tại sao lại cứ tiếp tục kéo dài các thêu dệt và bình luận quanh một cái chuyện mất tích của Phùng Quang Thanh? Có hai lý do. Một là để củng cố cái tin tưởng thời chiến tranh lạnh rằng Mỹ đẩy mạnh tự do dân chủ trên toàn thế giới. Hai là để tạo sự tin chắc rằng Nguyễn Tấn Dũng là thủ lãnh phe thân Mỹ, có tiền có việc để ban phát, cho nên được đa số cán bộ đảng viên ủng hộ, và do đó là người sẽ nắm toàn quyền trong đại hội đảng VC sắp tới. Ba là chủ trương của Mỹ nhằm nắm lấy chế độ Hà nội, loại bọn thân Tầu ra. Tất cả chỉ nhằm làm cho một số người thích ăn bánh vẽ đổi thay nơi Dũng, ngồi yên trong hy vọng một tương lai tốt đẹp để cho tay Cộng sản kỳ cựu biến thái này tiếp tục suôi chèo mát mái một thời gian vài mươi năm nữa cho tới khi chết già như Võ Nguyên Giáp. Hay là cho tới khi những thế lực phi dân tộc thấy cần tạo một chút sinh khí cho một xã hội Việt Nam kiệt lực trong tha hoá đồi trụy để có thể tiếp tục khai thác thì tội tham nhũng thối nát kinh khủng của Dũng và phe đảng lại được lôi ra trở lại để đuổi Dũng đi cho cái gọi là “máu mới” thay thế, mà bản chất thi mọi sự vẫn như cũ.
Thạch Trung Ẩn
(ngày 5 tháng 8/2015)