1/TXN. Kính chào quý vị thính giả. Chào TV, Chào ĐT. Để mở đầu, xin mời quý vị và các bạn nghe một đoạn âm thanh băng hình được truyền đi rộng rãi trên mạng truyền thông điện tử VN và trên các chương trình ngoại quốc phát thanh Việt ngữ mà ban biên tập chương trình bàn chuyện thời sự nhận được nhiều lần, lai rai cho tới nay.
2/.Clip audio xe ủi đất cán người ở Cẩm Giàng.
3/TV. Đó là âm thanh một đoạn video thu tại chỗ cuộc biểu tình phản đối việc bồi thường nhà đất không thỏa đáng để lấy đất, gọi là để phát triển. Máy ủi đất đã được dùng để dẹp biểu tình và một phụ nữ, bà Lê thị Châm đã bị máy ủi xông tới đẩy ngã xuống đất và tiếp tục bị lưỡi ủi lướt qua. May mắn nạn nhân không chết, mà chỉ bị gẫy xương gò má, xương chân và tay và đã được đưa đi bệnh viện. Sau đó thì bản tin truyền hình nhà nước đã cho biết rằng ủy ban nhân dân tỉnh đã họp và khẳng định là không có chuyện xe ủi cán qua người. Hình xe ủi cán người là do những kẻ xấu ghép vào. Tuy nhiên lời cải chính không có mảy may giá trị vì hình ảnh bà Châm nằm bệnh viện đã được đưa lên mạng. Ngoài ra còn có âm thanh phát biểu và tường trình tại chỗ của quần chúng. Nhìn cảnh xe ủi cán lên người cũng như những cố gắng vô vọng của người dân luýnh quýnh đẩy xích xe ủi, hy vọng cứu người bị ủi mà thấy đau lòng.
Bác sĩ N và chị ĐT có cảm nhận gì về cái thái độ dùng máy ủi để trấn áp người biểu tình của chính quyền VC trong nước hay không?
4/ ĐT xin kính chào tái ngộ quý vị thính gỉa. Xin kính chào BS Ninh. Thân ái chào TV. Thưa các vị, Trong thời gian vắng mặt trong chương trình bcts, thì ĐT có được đọc nhiều tin tức nóng trên internet, nhưng có lẽ tin làm ĐT xúc động nhất, là tin một phụ nữ vì muốn bảo vệ tài sản của mình, đã bị xe ủi đất của chính quyền cán qua thân thể, làm gẫy xương sườn và xương tay chân. Vụ này nhắc ĐT tới vụ thảm sát ở Thiên An Môn bên TQ cách đây gần hai thập niên. Ngày đó, phong trào đòi dân chủ ở TQ ngày một dâng cao. Cả 100,000 sinh viên tụ tập ở Quảng trường Thiên An Môn, để đòi hỏi cải cách chính trị. Khí thế cuộc biểu tình lên rất cao, và được nhiều sự ủng hộ của các giáo sư Đại học, và các nhà trí thức TQ. Để đối phó lại, chính quyền TQ do Đặng Tiểu Bình chủ trương, đã dùng các xe thiết giáp lao thẳng vào đám sinh viên để giải tán. Hành động bạo lực này đã làm rung động cả thế giới vì đã gây rất nhiều tổn thất nhân mạng và thương vong cho đám sinh viên biểu tình. Ngoài ra, trong cuộc chiến giữa Do Thái và Palestine, một xe ủi đất của chính quyền Do Thái khi tiến hành ủi nhà cửa của người Palestine, đã cán qua người một cô sinh viên Hoa Kỳ, ủng hộ viên cho Palestine, khi cô này can đảm dứng dang tay trước mũi xe ủi đất, để kêu gọi họ ngưng tiến. Nhưng chiếc xe ủi đất đã cán qua người cô, làm cô bị dập phổi và gẫy nát xương sườn và qua đời. Tài xế xe ủi đất ra trước tòa án Do Thái, cứ nằng nặc khai là vì tầm nhìn bị che khuất bởi đống đất quá cao, nên không nhìn thấy cô gái. Kết quả rồi cũng chẳng đi tới đâu. Qua câu chuyện xe ủi đất cán người ở Cẩm Giàng, thì ĐT thấy quả là tàn bạo, nhưng nhìn lại gần 70 năm CS VN cầm quyền, thì có thiếu gì cảnh còn tàn bạo hơn, như trong những vụ cải cách ruộng đất ở miền Bắc, rất nhiều địa chủ đã bị chôn sống, hoặc đi mò tôm, hay hành hình bằng cách chôn nửa người xuống đất, rồi cho lưởi bừa cắt ngang cổ...Tàn bạo, và sắt máu vẫn là chủ trương của CS.
5/TXN. Hai trường hợp tuy biểu kiến giống nhau, nhưng theo tôi ý nghĩa có khác. Do Thái và Palestine là hai giống dân khác nhau, kẻ thù của nhau. Tàn nhẫn với nhau, tiêu diệt nhau thì hiểu được. Cho nên dân Palestine tuyệt vọng ôm bom cảm tử để giết dân Do Thái và quân Do Thái dùng máy bay không kích giết dân Palestine để trấn áp. Nếu hiểu theo nguyên tắc bình thường rằng ủy ban nhân dân huyện Cẩm Giàng và dân Cẩm Giàng không phải là kẻ thù, thì chuyện này khó có thể biện minh được. Tuy nhiên, chính quyền VC bản chất là những kẻ thống trị, có quyền, nhân danh phát triển để cướp nhà cướp đất của dân, bán cho tài phiệt mà lấy tiền bỏ túi, thì chẳng có gì khó hiểu, vì đã từng xẩy ra từ bắc chí nam. Ngoài ra, thì trong quá khứ dưới thời Hồ chí Minh VNDCCH, nếu đã có thể xẩy ra những chuyện chém giết hành hạ dã man những người vô tội bị quy là địa chủ để đấu tố trong tiến trình thực hiện chuyên chính vô sản thì bây giờ chuyện dùng máy ủi húc người không lạ. Thêm nữa, chuyện này cũng không lạ nếu mà biết rằng từ thập niên 50, chủ nghĩa Mác Lê và Cộng sản đã được nhồi vào đầu óc con người như là một tôn giáo, với hình ảnh Mác, Lê Nin Staline và Mao trạch đông được treo khắp chốn cùng với hình Hồ chí Minh thì sự cuồng tín chỉ là tự nhiên, nhất là khi chém giết được coi là một thái đô phục vụ đáng ca tụng, theo như bài thơ thúc giục của trùm tuyên vận Tố Hữu:
“Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ,
Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong,
Cho đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng,
Thờ Mao Chủ tịch, thờ Sít-ta-lin bất diệt.”
6/TV. Tóm tắt lại thì từ cổ chí kim, từ đông sang tây, chúng ta có thể thấy rằng sự cuồng tín thật là đáng sợ. Nó biến con người thành hung bạo, dã man không tưởng nổi.
7/TXN. Một bản tin ngày 21 tháng 7 của hãng tin AP cho biết rằng trong năm tới, một trạm hàng không dành riêng cho đủ loại thú vật bay đi hay bay đến từ khắp nơi trên thế giới sẽ được khánh thành tại phi trường Kennedy New York. Trạm này xây cất tốn 48 triệu đô la trên một diện tích 178,000 bộ vuông tức là chừng 20,000 m2, để tiếp nhậnsố 70,000 thú vật xử dụng phi trường. Trạm được đặt tên là ARK, lấy từ chuyện chiếc tầu của ông Noe trong thánh kinh, và do công ty tư nhân ARK Development sở hữu. Trạm có khu biệt lập dành riêng cho thú vật cần lưu lại trong một thời gian theo luật lệ y tế để tránh truyền bệnh. Điều đặc biệt là trạm có những tiện nghi để làm cho thời gian ở tại trạm của thú vật thoải mái tối đa, trước khi được bay đi hay là được chủ tới nhận. Thí dụ như chó thì có khách sạn mà giá cao nhất là 100 đô la một ngày, với hồ bơi hình khúc xương, có chỗ đi dạo hay xem truyền hình, có chỗ thoa bóp và làm móng với các móng mầu sắc đủ loại. Mèo thì có cây để trèo. Khu dành cho bò hay ngựa thì có máy điều hoà không khí và chỗ tắm bông sen, với cỏ khô xếp thành từng dẫy có thể phục vụ cho 70 ngựa và 180 trâu bò. Chim Xí nga (penguin) có nơi dành riêng để làm tình riêng tư tự nhiên không bị quấy rầy. Ngoài ra thì dê, cừu, heo, vân vân, đều có chuồng. Ngoài ra còn có một bệnh xá thú y do trường đại học Cornell phụ trách với thú y sĩ trực 24/24. Nói tóm lại thì mọi thú vật đều có chỗ trú thích hợp, tiện nghi và ngay cả sang trọng nữa. Tưởng cũng nói thêm ở đây là chuyên chở thú vật bằng đường hàng không không rẻ. Một con chó đi từ New York đến London tốn 1000 Mỹ kim tiền chuyên chở, cộng với tiền cũi, tiền phí tổn phi trường và giấy chứng nhận thú y. Còn các chi phí chở một con ngựa tổng cộng lên tới 10,000 đô la. ĐT và TV có ý kiến gì hay không?
8/ĐT. Thưa BS Ninh và TV, người ngoại quốc đối xử rất nhân từ với thú vật. ĐT nghe nói, ở Mỹ mà đánh đập tàn nhẫn, hoặc bỏ đói thú vật, nếu có bằng chứng, thì cũng bị đem ra tòa. Thực là trái ngược với VN, con vật gì cũng bị đập đầu làm thịt ăn nhậu công khai. Con chó là giống nhiều tình cảm và trung thành với chủ nhất, nhưng khi cần nhậu, thì cũng chọc tiết thẳng tay. Các giống dơi, rắn, mãng xà cũng bị chặt cổ, hứng máu uống cho bổ dương. Con chim quốc đang khoẻ mạnh, cũng bị mấy nữ đại gia móc mắt nuốt, cho sáng mắt. Ở Mỹ thì ngược lại, nuôi thú vật cảnh (pet) là một kỹ nghệ lớn và phát triển đều đều ở Mỹ. Theo thống kê thì năm 1994 tổng số chi tiêu cho thú vật cảnh là 17 tỉ đô la. Ước tính chi tiêu năm nay 2015, tức là 20 năm sau, là 60.59 tỉ đô la, nghĩa là gấp 3 lần. Trong số chi tiêu này thì khoảng 23 tỉ là cho thực phẩm. Còn thuốc men và chăm sóc sức khỏe là 30 tỉ. Chỗ ở, trang điểm, giữ gìn chăm sóc lông lá trên 5 tỉ. Số 48 triệu đô tiền xây trạm hàng không thú vật ở Nữu Ước là trong khoảng chi này. Tiền mua thú vật cảnh là trên 2 tỉ. Tính ra thì số 60 tỉ đô la bỏ ra để phục vụ cho một tập thể sinh mạng trị giá 2 tỉ này thì cũng không phải là quá đáng. Sự đối xử với xúc vật khác biệt giữa hai xã hội Âu và Á có phải là do giàu nghèo khác biệt, hay do sự khác biệt về văn minh và chậm tiến ? BS Ninh và TV nghĩ sao?
9/TV. Sự khác biệt giầu nghèo, theo TV nghĩ cũng rất là quan trọng. Có dư tiền dư bạc thì mới có tiền mua thú vật làm cảnh, còn nếu mà ăn còn chưa có tiền mua thực phẩm cho đủ no thì lấy đâu ra tiền nuôi thú cảnh? Riêng việc đối xử với thú vật thế nào là phải, thì đó là một vấn đề rất chủ quan, không giải thích được bằng tình trạng văn minh hay chậm tiến. Người Anh người Mỹ thì đi săn cáo, săn hươu để làm vui, săn bò rừng để lấy lông làm áo ấm. Người Pháp thì nuôi ngan bằng cách nhồi cho ăn suốt ngày để cho gan to đầy mỡ, gọi là foie gras là một món ăn quý giá đắt tiền mùa giáng sinh. Người Tầu và VN uống máu rắn, để bổ dương, ăn thịt chó, thịt chim, để có chất đạm, so sánh ra thì chẳng khác gì nhau, chẳng khác gi người Tây phương ăn thịt bò, thịt heo, người Ả Rập ăn thịt cừu, thịt dê. Tất cả đều phục vụ cho cái thích của người, mà đa số là những người dư ăn dư mặc. Nghĩ cho kỹ, tuy nhiên, số tiền tiêu ra trong kỹ nghệ thú vật cảnh, cũng là số tiền đã tạo công ăn việc làm cho nhiều người, từ thành phần cắt lông, sửa móng, đến các thú y sĩ chăm sóc sức khỏe. Thú vật trong chuyện này dĩ nhiên là cũng có được những tiện nghi nhờ chủ ban phát. Nhưng TV thì vẫn không tránh được suy nghĩ cảm tính một chút khi thấy số tiền to lớn dùng cho thú vật cảnh, vì nghĩ đến đa số người Việt nam mình trong nước sống vất vả ngược suôi để kiếm mỗi ngày vài đô la, và những phụ nữ phải tình nguyện đứng trần truồng cho người ta xem và lấy bất cứ ai có khả năng chi ra một hai ngàn đô la, để thoát cảnh sống đói nghèo dưới chế độ VC sa đoạ.
10/TXN. Trong chuyện này, tôi thấy có hai yếu tố, một là văn hoá, hai là thương mại. Yếu tố thương mại thì ĐT đã nói rồi. Cái gì ra tiền thì người ta làm. Dắt chó đi chơi hay đi tiêu tiểu ở New York tính ra mỗi giờ là 50 đô la. Lương này nếu so sánh thì còn cao hơn lương của cô giáo mẫu giáo nữa. Về yếu tố văn hoá thì văn hoá coi khinh chó của thế kỷ trước đã qua rồi. Ở Mỹ ngày nay, tôi thấy người ta có những cái thích kỳ lạ; như thích thạch thùng, thích rắn rết, thích heo để nuôi làm cảnh, ngoài chuyện thông thường là thích chó mèo. Đặc biệt là chó mèo thì lại còn có chuyện hôn hít ôm ấp nữa. Ở VN trước đây thì tôi chỉ thấy người ta nuôi những loại thú cảnh đẹp đẽ như chim, cá. Mới đây tôi có đọc một bài báo nói rằng chó còn quý hơn chồng hay vợ. Vì rằng chó không làm phiền mình. Để chứng minh, tác giả bài báo đặt câu hỏi rằng cứ thử để vợ hay chồng ngồi chờ trong xe hơi trời nắng một giờ đồng hồ thì biết. Hay cứ đi làm về chậm một chốc rồi biết, trong khi con chó hay con mèo dù về chậm nhiều hay ít thì nó cũng chạy ra vẫy đuôi mừng rối rít. Cho nên phi trường quốc tế Kennedy ở Nữu Uớc mà có xây cất một trạm hàng không cho thú vật sang trọng tiện nghi đầu tiên trên thế giới thì cũng không lạ, bởi vì Nữu Ước vốn được biết là trung tâm chính trị tài chính văn hoá sinh động và tiên tiến số 1 của nước Mỹ. Rồi sẽ có những trạm hàng không thú vật tương tự mọc lên ở các phi trường lớn khác ở nước Mỹ cho coi.
11/ ĐT nghĩ chưa biết chừng chẳng bao lâu nữa ở Hà Nội và Sàigòn, sẽ có trạm hàng không thú vật “hoành tráng” hơn, nói theo danh từ của VC. ĐT còn nhớ một hình ảnh rất khó coi là mẹ cô Lê Thị Công Nhân, khi sang Paris quảng cáo cho người anh thư dân tộc, thì hai tay ôm khư khư một chú chó kiểng, y hệt như các cô đào chiếu bóng Âu Mỹ. Cảnh một người đàn bà bình dân, đứng tuổi, bế con chó kiểng, thái độ không tự nhiên, Coi thực là....chướng mắt. Không biết ai đã đạo diễn cái cảnh kệch cỡm này? Từ ngày nước VN đổi chủ, đã có nhiều chuyện ...rởm xảy ra, như chuyện nhà nước muốn nổi nên cố gắng tạo những kỷ lục trên thế giới như nấu nồi phở đủ 7,000 người ăn, gói cái bánh chưng giỗ mẹ bác Hồ đủ cho 3,000 người ăn, làm cái nem dài thườn thượt cho 2,000người ăn. Trong khi nợ nần chồng chất, thì Nguyễn Tấn Dũng ký cho xây tháp truyền hình cao nhất thế giới, lập chương trình biến Phú Quốc thành sòng bài quốc tế. Còn chuyện ...vô duyên nhất là tạc bức tượng Hồ chí Minh, đặt bên cạnh tượng Đức Phật trong chùa để Phật tử cúng lễ. ĐT thấy hết thuốc chữa rồi !
12/TV. Nhân bác sĩ N nói có những người thích các loại thú như rắn rết thì TV xin đưa ra một tin mới đọc. Là có người tên là Todd Fassler ở San Diego, tự chụp hình chung với một con rắn rung chuông thì bị nó mổ cho một cái vào tay, làm sưng u tím ngắt. Anh này đi vào nhà thương, được cứu sống nhưng tổng số tiền nhà thương đòi phải trả là 153,000 đô la. Trong đó có 83,000 đô la tiền thuốc chủng chống nọc rắn. Một người khác ở North Carolina năm ngoái phải trả 89,000 đô la tiền thuốc chủng. Tháng năm năm nay, một người ở Missouri bị rắn rung chuông cắn đã chết, vì không có tiền mua thuốc. Người phóng viên viết tin kết luận rằng không nên tự chụp hình chung với thú vật. Và cái số tiền điều trị khổng lồ để chữa một vết rắn cắn này đã được loan đi để nói về cái bất thường của nền y tế Hoa kỳ. Bác sĩ N và chị ĐT thấy sự bất thường này không?
13/TXN. Kể là bất thường thật, vì thuốc chủng chữa nọc rắn đắt quá lố, và như TV nói, đã có một người không có tiền mua để mà bị chết, trong một nước giầu mạnh hàng nhất thế giới, mà y khoa hàng đầu thế giới, là Mỹ. Thế nhưng nếu đọc kỹ bài báo, thì chẳng có gì bất thường. Bởi vì nếu thuốc chủng trị rắn mà có đắt thì chỉ là do có độc nhất một nhà sản xuất CroFab ở Ăng Lê cung cấp thuốc chủng cho Hoa kỳ, với số trường hợp rắn cắn xẩy ra hàng năm là từ 7,000 đến 8,000. Giá mỗi chai thuốc chủng là 2,300 đô la. Liều thuốc cần dùng trungbình cho mỗi trường hợp rắn cắn là 5 đến 6 chai, tức là chừng trên một chục ngàn đô la tiền thuốc. Tính ra thương vụ hàng năm là chừng 100 triệu đô la. Điều bất thường ở đây là tiền nhà thương lên tới 153,000 đô la. Nhưng mà nếu nhìn dưới quan điểm nền tảng ở xã hội tư bản Mỹ coi việc điều trị chăm sóc bệnh nhân là một thương vụ thì lại chẳng có gì là bất thường.
14/ĐT. Có lẽ vì thế mà tuy y khoa Hoa kỳ là hàng đầu thế giới, nhưng y tế Hoa kỳ thì lại không hay hơn gì bao nhiêu so với nhiều nước Tây phương khác, vì tốn kém, vì số tử vong trẻ con cao, nhiều người không được chăm sóc sức khỏe đúng mức vì không có bảo hiểm sức khỏe .., và vì thế cho nên đã có những yêu cầu cải tổ hệ thống chăm sóc sức khỏe. Và mới đây thì đã có chương trình Obamacare nhưng xem ra thì cũng còn nhiều trục trặc thực hiện cũng như là những than phiền, chưa kể là chống đối quyết liệt. Trục trặc than phiền thì không có gì lạ, vì có thay đổi thì có trục trặc. Nhưng chống đối quyết liệt, thì ĐT thấy khó hiểu. Bác sĩ N trong ngành có thể cho biết lý do vì sao không?
15/TXN. Tất cả như tôi đã nói, chỉ vì đặt tổ chức chăm sóc sức khỏe Hoa kỳ trên nền tảng căn bản là thương mại. Ở xã hội tiêu thụ Mỹ, bác sĩ, y tá và chuyên viên cũng như kỹ thuật gia các ngành y khoa đều là những người cung cấp dịch vụ (providers) cho các người cần dịch vụ (là bệnh nhân). Không có tiền trả thì dịch vụ không được cung cấp. Dịch vụ cung cấp mà không hài lòng thì kiện đòi bồi thường, tất cả mọi người liên hệ, từ bác sĩ liên hệ tới nhà thương và nếu cần thì cả nhà sản xuất thuốc men dụng cụ vân vân…Những chống đối cải tổ hệ thống y tế chẳng qua là do những phe đương khai thác dịch vụ này sợ mất đặc quyền đặc lợi. Obama mà ra luật cải tổ y tế được, là bởi vì điều đình thoả thuận được với một số tài phiệt chấp nhận cộng tác, đứng trung gian ăn hớt tiền chính phủ chi ra cho việc chăm sóc sức khoẻ quần chúng, qua những hình thái “tập hợp y tế kỹ nghệ” tương tự như tập hợp quân sự kỹ nghệ thời tổng thống Eisenhower.
16/TV. Nghe những chữ tập hợp y tế kỹ nghệ và tập hợp quân sự kỹ nghệ, TV thấy sự hiểu biết của mình thật là mơ hồ. Xin nhờ Bác sĩ N giải thích thêm.
17/TXN. Trong vấn đề y tế, thì có các nhóm quyền lợi khác nhau, cùng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ. Đó là những công ty dược phẩm, những công ty bảo hiểm y tế, những nhà thương, những bác sĩ, chuyên viên các ngành, những cơ quan chính quyền liên bang và tiểu bang, những luật sư và những nhà chính trị đại diện cho quyền lợi của các thành phần khác nhau này. Mà nói chung người ta gọi là tập hợp y tế kỹ nghệ, tranh cãi với nhau nhân danh lợi ích quần chúng, nhưng thực tế là lợi ích riêng. Lấy trường hợp thuốc chủng trị nọc rắn đắt quá đáng vì chỉ có một nhà cung cấp với thương vụ 100 triệu đô la như chúng ta biết. Các nhà sản xuất khác không chen vào được, vì phải qua chấp thuận của cơ quan FDA với vô số các đòi hỏi mà muốn vượt qua thì cần thời gian và tiền bạc. Các đòi hỏi, theo nguyên tắc là để bảo vệ sức khoẻ và an toàn dược phẩm nhưng cũng được xử dụng để ngăn chặn cạnh tranh, vì những vận động chính trị hợp pháp ở Mỹ gọi là lobby. Và đó cũng là một lý do tại sao mà thuốc ở Mỹ và chi phí y tế ở Mỹ đắt một cách khủng khiếp.
18/TV. Có một tin nhỏ nhưng TV chú ý là tin tổng thống Obama đi thăm Kenya, vừa với tính cách công vừa với tính cách tư. Chuyện công là bàn về chuyện chống khủng bố thì không nói làm gì vì không có gì đặc biệt. Nhưng chuyện tư thì TV thấy có hai điều muốn có ý kiến. Một là ông Obama đã ngay sau khi đáp xuống phi trường thì đã được thân nhân ra đón và sau đó thì ông đã mời cả gia đình họ hàng 36 người tới ăn tối tại khách sạn ông ở. Ông ngồi giữa bà nội kế và cô em gái và đã nói đùa thân mật rằng ông đi Kenya vì không thể không nghe lời bà nội. Hình ảnh kế tiếp thật là dễ thương với cô em gái cùng cha khác mẹ với tổng thống Obama đã sờ cổ ông một cách thân mật. Nhưng có điều TV hơi thắc mắc là tại sao bà vợ và hai con gái của ông không đi cùng. Bởi vì nếu cả mấy người này đi thì thật là đẹp biết mấy. BS N v à chị ĐT nghĩ sao?
19/ĐT. Trên internet có chuyện có người luật sư Kenya gửi thư qua toà đại sứ Mỹ xin cầu hôn với con gái lớn Malia 16 tuổi của ông Obama với 50 con bò, 70 con cừu và 30 con dê. ĐT không biết đây là chuyện thực hay gỉa ? Nếu là thực, thì có thể ông Obama không cho con gái đi, để tránh khỏi phải trả lời thẳng với chàng luật sư nọ. Còn bà vợ ông Obama không đi, thì có thể là bà này không thích cái xứ Kenya là mấy, mà cũng có thể bà ngại phải chích ngừa một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tại châu Phi, vừa đau mà cũng có thể sinh ra những biến chứng nguy hiểm, tuy rằng rất hãn hữu.
20/TXN. Tôi nghĩ rằng bà Michelle tuy là nhờ ông Obama mà thành đệ nhất phu nhân, nhưng có vẻ như bà ấy hơi dữ và không coi trọng ông Obama là mấy. Và vì thế bà ấy coi thường gia đình họ hàng ông Obama cho nên bà ấy không đi Kenya. Nhìn ảnh bà ấy cau có và đổi chỗ ngồi khi thấy ông Obama tươi cười với bà thủ tướng Đan Mạch ngồi cạnh, khi đi họp ở Âu châu là biết bà Michelle là loại dữ.
21/ ĐT thấy tuy bà Obama nhờ có ông chồng làm Tổng Thống, mà được trở thành Đệ Nhất phu nhân, nhưng xét ra, bà ấy rất xứng đáng với cương vị này. Bà ấy cũng là luật sư, tốt nghiệp đại học Harvard danh tiếng, có công ăn việc làm tốt, nuôi dạy 2 cô con gái ngoan. Đời tư và phẩm cách của bà ấy, chưa hề bị tai tiếng gì. Còn chuyện nổi tam bành lục tặc khi thấy chồng cười tí toét với người đẹp khác, cũng chỉ là tâm lý bình thường của phụ nữ, có thể thông cảm đươc. Có điều ĐT thấy, nếu bà đừng tỏ thái độ trước mặt bàng quang thiên hạ, mà nên về nhà đóng cửa dậy nhau, thì đẹp hơn. Như bà Hillary, một chính trị cao thủ, hành xử rất ‘cool’, và giải quyết vấn đề rất êm thắm. Vừa giữ được ghế cho chồng, vừa giữ được chồng, và hàn gắn hạnh phúc gia đình. Nhiều người cho là bà Hillary đóng kịch, nhưng trong hoàn cảnh khó khăn ấy, mấy ai còn bình tĩnh mà đóng kịch được ? ĐT rất thích cách xử sự của bà Hillary. Còn bà Michelle Obama, đôi khi có dữ với ông Obama, thì cũng là để bảo vệ hạnh phúc gia đình. Còn đối với người ngoài, ĐT chưa hề nghe ai than phiền là bà ấy dữ. ĐT không có vấn đề gì với bà Obama cả !
22/TXN. Đến đây thì chương trình bàn chuyện thời sự hôm nay phải tạm ngưng. Xin kính chào tạm biệt quý vị thính giả. Chào ĐT, Chào TV và xin cám ơn hai bạn. Mong được gặp lại tất cả quý vị và các bạn trong một kỳ tới.
23/ ĐT xin kính chào tạm biệt quý vị thính gỉa. Xin kính chào BS Ninh. Thân ái chào TV. Xin hẹn lại quý vị trong kỳ bcts tuần tới.
24/ TV kính chào BS N, chị ĐT và than ái kính chào tạm biệt quý vị thính giả cùng các bạn toàn cầu đang theo rõi chương trình BCTS.