TXN. Kính chào quý vị thính giả. Chào NK. Chào TV. Trên truyền thông và trên mạng điện tử tiếng Việt cứ thấy tiếp tục lai rai quanh cái tin viên đại tướng bộ trưởng quốc phòng VC Phùng Quang Thanh chết hay bị ung thư hoài nghe phát chán. Bởi vì một tên PQT có chết thì sẽ có không thiếu gì tên tương tự thay thế để giữ nguyên quyền lực cho đảng VC biến thái. Chuyện tổng bí thư Nguyễn phú Trọng sang Mỹ cũng thế, bàn tán vô bổ quanh chi tiết NPT thực sự được Mỹ tiếp đón như thế nào, ý nghĩa chuyến đi là gì, Trọng mang mưu kế TC để lừa Mỹ ra sao, với những luận cứ đưa ra chẳng có gì minh chứng. Thêm vào đó thì là viễn cảnh thắng thế của phe thân Mỹ mà Nguyễn Tấn Dũng kể là cầm đầu, sẽ nắm hết quyền hành trong đại hội đảng sắp tới. Dẫn tới sự thay đổi lớn và tự do dân chủ đa nguyên đa đảng sẽ được thiết lập tại VN. Tất cả chỉ thuần là hoang tưởng chủ quan, bỏ qua mọi thành tích của NTD theo đảng từ năm 12 tuổi, nắm các chức chính ủy từ tiểu đoàn tới trung đoàn. Luôn luôn được tín nhiệm giao phó giữ các chức vụ quan trọng, lên tới thống đốc ngân hàng nhà nước và hiện là nhân vật thứ ba bộ chính trị. Dũng là ủy viên bộ chính trị và thủ tướng trẻ nhất của VC. Làm thủ tướng từ 2006, và luôn luôn được dán nhãn hiệu đổi mới vả tiến bộ, nhưng Dũng khẳng định rõ ràng rằng “trong suốt cuộc đời theo đảng và cách mạng tôi luôn luôn tuân hành các chỉ thị của tổ chức”. Trong suốt thời gian Dũng cầm quyền, là sự sa đoạ hỗn loạn xã hội, là các vụ tham nhũng khổng lồ Vinashin, Vinalines, khai thác bauxit, TC hoành hành ở biển đông vân vân, Dũng đã hoàn toàn theo đảng biến thái, yên lặng với thành tích của mình và với nhãn hiệu tiến bộ được mang để đóng vai đối tác đắc lực cho mọi thế lực tài phiệt thế giới khai thác đất nước và dân tộc, đi ngược lại tất cả những hứa hẹn công khai nói ra. Không thể nào một con người như vậy mà có lòng vì dân tộc mà thay đổi. Cho nên chúng ta hôm nay sẽ không nói tới những suy diễn hoang tưởng về những đấu đá giành quyền lợi cá nhân phe nhóm vẫn diễn ra trong đám lãnh đạo VC trước các kỳ đại hội đảng.
1/NK.Trước hết, NK xin kính gửi lời chào tới quý vị thính giả đang theo dõi chương trình BCTS hằng tuần với Bs TXN, TV và NK ngày hôm nay. Xin kính chào Bs N và thân kính chào chị TV. NK đề nghị mình nên bắt đầu với một vấn đề có liên hệ trực tiếp đến đời sống một số đông quần chúng ở Mỹ. Đó là tin tóm tắt từ đài truyền hình Fox News và báo the New Yorker được truyền đi truyền lại trên mạng điện tử cho biết sẽ xẩy ra một trận động đất với cường độ rất mạnh là 9.2 độ Richter ở vùng tây bắc Hoa kỳ. Mạnh hơn cả trận động đất tại Nhật năm 2011 đã làm thiệt mạng 15,000 người. Trận động đất này có thể xẩy ra bất cứ lúc nào vì theo tính toán của các chuyên viên điạ chất thì chu kỳ xẩy ra động đất lớn ở đáy Thái bình dương là 243 năm, như vậy đã quá 72 năm rồi. Bản tin trên cho biết cả một giải đất phiá tây quốc lộ liên bang số 5 từ Vancouver Canada xuống đến San Francisco sẽ bị chìm xuống biển, mất dấu tích. Tức là gồm các thành phố lớn như Seatle, Portland, Sacramento. Một cơn sóng thần dài 70 dặm và cao 100 feet sẽ xuất hiện cuốn trôi mọi thứ. Đài truyền hình Fox News đã phỏng vấn giáo sư Michio Kaku thuộc đại học City College New York để đưa ra những dữ kiện lý thuyết chứng minh xác xuất xẩy ra của cuộc động đất. Bản tin tiếng Việt truyền đi trên mạng điện tử còn kèm theo những lời khuyên là nên mua sắm những vật dụng cần thiết để dùng nếu may mắn sống sót sau trận động đất. Bác sĩ N và TV có ý kiến gì về tin này?
2/TV. TV kính chào BS N, anh NK, và thân ái kính chào quý vị thính giả cùng các bạn toàn cầu. Những thiên tai như động đất, bão lụt, cuồng phong, lốc xoáy vân vân, theo TV nghĩ nếu xẩy ra là xẩy ra, không thể nào tránh, không thể nào ngừa. Những tiên đoán động đất dựa theo tính toán chu kỳ là một lối suy luận không có gì chính xác. Và cho tới nay thì theo TV biết, trong lịch sử thế giới chưa có lần nào mà động đất xẩy ra tiên đoán được. Hồi mới tới Mỹ cách đây mấy chục năm nhân một kỳ động đất, TV có nhớ rằng người ta đã nói tương tự rằng động đất lớn ghê gớm sẽ xẩy ra, và TV cũng đã chuẩn bị thực phẩm khô và đồ dùng phòng hờ cho trận động đất có thể xẩy ra bất chợt đó, nhưng mà từ đó đến nay chỉ thấy lai rai những động đất nhỏ, và dần dà, TV không còn chú ý đến tin này là bao nhiêu. Và cũng chẳng mua sắm gì theo như lời khuyên nhủ trong bản tin tiếng Việt trên net. Đó là TV, nhưng có lẽ cũng không thiếu gì những người nghe theo những khuyên nhủ này, tương tự như sự tiên đoán tận thế vào thời đầu thế kỷ 21, đã đưa đến việc mọi người thi nhau mua đèn, nước, gạo, muối, vân vân, để tích trữ.
3/TXN. Nói thiên tai ghê gớm thì đúng, nhưng theo tôi thì cũng chưa có thiên tai nào giết người nhiều bằng “nhân tai”, tức là tai hoạ do chính con người gây ra. Nghĩa là chiến tranh. Nhìn lại thế giới đi. Hai quả bom nguyên tử năm 1945 giết bao nhiêu người Nhật tại chỗ và lai rai tiếp theo vì nhiễm phóng xạ? Thế giới đại chiến thứ hai giết mấy triệu dân Âu châu? Chế độ Cộng sản Nga Tầu thời Staline, Mao trạch Đông đã giết mấy chục triệu người nhân danh thực hiện công bằng xã hội? Cuộc chiến VN mà Hồ chí Minh và VC mở ra để bành trướng chế độ CS vào miền Nam giết mấy triệu dân Việt cả hai miền Nam Bắc? Cuộc chiến Iraq Mỹ mở ra để xây dựng tự do dân chủ kiểu mẫu cho nước này, như lời tổng thống Bush con nói, cuộc chiến Syria mà thế giới đổ võ khí vào 4 năm nay để gọi là chống chế độ độc tài Bashir Assad đã làm chết mấy trăm ngàn người rồi? Vân vân và vân vân, chưa kể tới những cuộc chiến nhỏ hơn ở Phi Châu, ít được nói tới hơn nhưng mà cũng đã có khi tiêu diệt gần hết cả một bộ lạc. Cho nên tôi nghĩ rằng nếu mà muốn nghĩ và muốn giải quyết thì giải quyết vấn đề nhân tai đi. Thiên tai không giết người nhiều bằng nhân tai đâu. Nghĩ về thiên tai làm gì.
4/NK. Tình hình tranh cử làm đại diện cho đảng Cộng hoà trong cuộc bầu tổng thống Mỹ năm 2016 cho tới nay không có gì tạo hấp dẫn vì các ứng cử viên đều không có gì đặc biệt. Thế nhưng mà không ngờ đã bất ngờ trở thành tạo chú ý. Vì nhà tài phiệt Donald Trump, có thói quen ăn nói ngổ ngáo, coi thường người khác, có lẽ vì cái tài sản to lớn của ông. Sau khi mà ông Trump nhân đề cập đến vấn đề di dân đã chê bai người Mễ Tây Cơ là xì ke ma túy hiếp dâm vân vân thì đã bị thượng nghị sĩ vai vế kỳ cựu John McCain, phê bình là người đã “làm hăng tiết những kẻ điên khùng ngu xuẩn” (fired-up the crazies). Trong cuộc thảo luận Lãnh đạo gia đình (Family leadhership summit) ở Ames, Iowa, ông Trump đã choang lại ngay và đặt câu hỏi McCain có phải là anh hùng không, rồi trả lời “McCain là anh hùng bởi vì ông ta đã bị địch bắt. Tôi thích những người không bị bắt giam.” Nhìn lại tiểu sử McCain, người ta biết rằng vụ McCain bị VC giam gần 6 năm đã được khai thác kỹ và cái danh hiệu anh hùng đã được khoác cho McCain để ông từ một người vô danh, con rể một nhà phân phối bia ở Phoenix Arizona, tranh cử và thắng cử làm dân biểu năm 1982 rồi sau đó làm thượng nghị sĩ từ năm 1986. Đảng Cộng hoà và các ứng viên Cộng hoà đã nhanh chóng công kích Trump về phát biểu này. Ủy ban quốc gia đảng Cộng hoà ra tuyên cáo khẳng định: “Thượng nghị sĩ John McCain là một anh hùng của Mỹ vì rằng ông đã phục vụ quốc gia và hy sinh hơn mọi người có thể tưởng tượng. Chấm hết. Không có chỗ trong đảng chúng ta và đất nước chúng ta cho những lời coi thường xem rẻ những người đã phục vụ một cách đáng trọng”. Các ứng cử viên Cộng hoà cũng không ngần ngại chỉ trích Donald Trump, ngược lại với trước đây, đã ngần ngại lên tiếng đối với lời chê bai người Mễ tây cơ của ông Trump. Bác sĩ N với TV nghĩ sao về vụ này và có coi ông McCain là anh hùng hay không?
5/TV. Người Mỹ có thói quen không ngần ngại lời khen, nhưng cái danh hiệu “anh hùng” dành cho những quân nhân bị bắt làm tù binh thì thật sự là họ coi trọng. Cho nên nếu mà ông McCain có vì bị VC bắt mà được gọi là anh hùng thì cũng không có gì lạ. Người Việt quốc gia của mình thì hai chữ anh hùng được dùng một cách kỹ lưỡng chọn lọc hơn, và thường thì chỉ dùng để trao cho những người hy sinh thân mình cho một lý tưởng cao quý, điều này khác với VC, từ anh hùng đã được xử dụng một cách vô tội vạ, thí dụ như anh hùng bắt cướp, anh hùng lao động, vân vân. Về ông McCain thì có người nhận xét ông là một phi công tức là làm nhiệm vụ của một quân nhân. Ông không may bị bắt thì cũng như nhiều quân nhân khác bị bắt. Một sự kiện bị bắt và bị giam không đủ để được gọi là anh hùng.
6/TXN. Tôi đồng ý với sự suy nghĩ của TV về hai chữ anh hùng mà người VN mình dùng. Nó có giá trị rất lớn, rất cao. Bác sĩ Ben Carson là một chuyên gia giải phẫu thần kinh người Mỹ da đen hồi hưu và cũng là một ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hoà, cũng nghĩ tương tự như thế. Khi được hỏi ông McCain có phải là anh hùng không thì đã trả lời rằng là “tùy theo định nghĩa thế nào là anh hùng”. Tức là cái danh hiệu anh hùng của ông McCain không phải là ai cũng đồng ý. Và bác sĩ Carson chỉ nói “Tôi nghĩ rằng thượng nghị sĩ McCain đã làm được một số điều kỳ diệu”. Ông Carson cũng chê rằng trả lời của Trump là “ngu xuẩn”. Về điểm này thì tôi nghĩ rằng mình phải xem lại. Bởi vì sau khi tuyên bố về người Mễ đã tạo nhiều chê bai thì ông Trump đã vọt lên trên Jeb Bush, nghĩa là đứng đầu sổ các ứng viên Cộng hòa, với tỷ số 18%. Nhà báo có tiếng Peggy Noonan, trên tờ Wall Street Journal nhận định rằng số người ủng hộTrump sẽ còn lên cao nữa vì ông này đã nói lên những điều mà nhiều người thấy phải nhưng không tiện nói. Noonan cho biết trong số những người khoái Trump có cả những người thuộc đảng Dân chủ và những người có xu hướng độc lập. Nhân tiện thì tôi cũng xin cho biết rằng Noonan là một người giỏi, bởi vì bà nguyên là phụ tá đặc biệt và viết diễn văn cho cố tổng thống Reagan. Trong vụ Trump và McCain này, các nhà chính trị đã nhẩy vào ngay để mà mua lòng, mị các cựu chiến binh bằng cách ca tụng McCain và tất cả cựu chiến binh là anh hùng. Bởi vì sự nói thẳng về McCain của Trump đã gián tiếp cho người nghe thấy hấp dẫn hơn là cái lối phát biểu ca tụng mị dân của các chính trị gia bằng những lời lẽ khoa trương.
7/NK. Nếu nói như thế thì phải chăng là bác sĩ cho rằng Trump sẽ thắng? Và TV thì nghĩ sao?
8/TV. TV nghĩ Trump không thể thắng được, tuy rằng Trump là người nói năng ngổ ngáo, tạo thích thú cho một số người có đầu óc tự do, và những người không tin tưởng ở các chính trị gia, như là Peggy Noonan nhận xét. Nhưng Trump không nhất thiết là có sức thu hút rộng rãi và được bỏ phiếu cho làm tổng thống, bởi vì nói chung thì đa số quần chúng là có tinh thần chung chung vừa phải, không chọn lựa những gì quá đáng quá lố, ra ngoài khuôn khổ quen thuộc.
9/TXN. Donald Trump không thể thắng, vì truyền thông không ủng hộ và các nhà chính trị Cộng hoà dĩ nhiên là chê bai Trump không tiếc lời vì sự nổi bật của Trump làm lộ ra cái tính chất ù lì cơ chế của họ. Chỉ cần xem cách truyền thông loan tin, bình luận và đặt câu hỏi cho Trump, là thấy. Cụ thể là có báo điện tử Huffington post đã thông báo rằng sẽ không loan tin về Trump trong phần tranh cử mà để ở trong phần giải trí, nghĩa là cho độc giả nghe mà giải trí. Nói khác đi là đã gạt Trump ra ngoài số những ứng cử viên đáng xem xét chọn lựa. Theo tôi nghĩ thì truyền thông đóng một vai trò chủ yếu để nhào nặn dư luận, hướng quần chúng bỏ phiếu theo tính toán của những thế lực kiểm soát họ. Thí dụ như đảng Dân chủ thì Hillary Clinton đã được sửa soạn để trở thành ứng viên Dân chủ và để mà thắng cử, thay cho Obama từ mấy năm nay rồi. Cho nên mọi bài viết, bình luận dù có chê Hillary thì cũng là chê nhẹ cho qua. Còn phiá Cộng hoà chưa có ứng viên nào có giá và nổi bật thì Trump với cái lối nói thẳng tuột, do bản tính của Trump ngông cuồng vì giầu có, đã tạo chú ý nơi quần chúng Cộng hoà thủ cựu, cũng như là ở những thành phần chống lại cái ì tính của cơ chế, mà nhẩy vọt lên đầu. Chủ trương của truyền thông là tạo điều kiện để nói cho hả khi tranh cử, nhưng mà làm thì chẳng bao nhiêu, nghĩa là giữ nguyên trạng. Vì thế Obama năm 2008 đã thắng lớn với khẩu hiệu “thay đổi” (change), và “chúng ta có thể” (we can). Nhưng chỉ sau khi nhận chức không bao lâu thì Obama bỏ tất cả các lời hứa hẹn.
Chúng ta còn nhiều dịp để nói và tìm hiểu về tranh cử Hoa kỳ vì còn hơn một năm nữa mới đến ngày bầu cử tổng thống. Thời sự quốc tế có những tin khác hấp dẫn có thể tìm hiểu học hỏi. Như chuyện thoả hiệp nguyên tử với Iran tuy đã xong nhưng vẫn có vẻ còn nhiều khó khăn. Hay như nhượng bộ của thủ tướng Hi lạp để chấp nhận những yêu cầu của các chủ nợ trong khối Liên Âu mà chưa biết kết quả ra sao. Như chuyện Saakhasvilli nguyên tổng thống Georgia, thủ lãnh cách mạng hoa hồng đã trở thành công dân Ukraine và được phong chức thống đốc thành phố Odessa giáp giới vùng ly khai Donetsk và bán đảo Crimea đã sát nhập vào Nga.
10/NK. Nếu mà theo dõi thời sự trên truyền thông Mỹ thì tin tức gay cấn tiếp tục liên miên xuất hiện về Iran và Hy Lạp. Nào là giáo chủ Khamenei, lãnh tụ tối cao Iran tuyên bố thoả hiệp chỉ là về vấn đề hạt nhân, còn chính sách của Iran đối với nước Mỹ ngang ngược (arrogant) không thay đổi. Ông này nói tại một buổi lễ trong một đền thờ Hồi giáo rằng “chính sách của Mỹ ở trong vùng là 180 độ khác với chúng ta” Và “Cho dù thoả hiệp được chấp nhận hay không, chúng ta không bao giờ ngưng giúp đỡ các bạn chúng ta trong vùng như Palestine, Yemen, Syria, Iraq, Bahrain and Lebanon. Chúng ta không có gì để thảo luận với Mỹ về các vấn đề thế giới và trong vùng. Chúng ta không có vấn đề song phương để thảo luận”. Thủ tướng Do Thái Netanyahu kịch liệt chống thoả hiệp từ đầu và tuyên bố Do Thái không bị ràng buộc bởi thoả hiệp, còn bộ trưởng ngoại giao Do Thái thì nói Do Thái sẽ dùng đủ mọi phương tiện ngoại giao để ngăn thoả hiệp được chấp thuận. Liệu rút cục sẽ ra sao khi mà hai phiá đối đầu cứng rắn như vậy?
11/TV. Theo TV thì phản đối của Do Thái không ăn thua gì. Bởi vì tất cả lãnh tụ các nước lớn trên thế giới đều hoan hỉ tán thành. Tổng thống Nga Putin nói “thế giới thở phào trút gánh nặng”. Hai ông Obama và Putin đã điện thoại cám ơn nhau về sự hợp tác để hiệp ước được ký kết. Và hội đồng bảo an Liên hiệp quốc ngày 20 tháng 7 đã nhất chí thông qua quyết nghị bỏ chế tài đối với Iran và lập một ủy ban để cứu xét việc nhập cảng các kỹ thuật nhậy cảm từng trường hợp một. Tuy nhiên cấm vận võ khí vẫn tiếp tục. Tin cho biết rằng quốc hội Mỹ có thể làm khó dễ đối với chính phủ Obama, nhưng theo TV nghĩ thì đây là một vấn đề nội bộ của Mỹ, do ảnh hưởng nặng nề của thế lực vận động chính trị Do Thái lên các chính trị gia Mỹ. Vì thế bộ trưởng quốc phòng Mỹ đã phải sang Do Thái điều đình và đã có tin tức cho biết rằng Mỹ phải viện trợ mỗi năm trên 3 tỉ đô la cho Do Thái trong mười năm liên tục. Chuyện này không khó giải quyết vì đa số các dân cử Mỹ cả Cộng hoà lẫn Dân chủ đều có truyền thống ủng hộ Do Thái nên sẽ sẵn sàng chi tiền, cho dù rằng ngân sách Mỹ không dư dả bao nhiêu thì cũng dứt bỏ các chi tiêu khác để chuyển cho Do Thái. Vì thế, TV nghĩ rằng thoả hiệp sẽ được thi hành.
12/TXN. Mình ở đây không đi vào chi tiết thoả hiệp để xem bên nào lợi bên nào thiệt làm gì nhưng mà nhìn rộng ra tình hình toàn cầu thì thoả hiệp này bản chất chỉ là vì Mỹ phải chấp nhận cái vai trò thực tế của Nga và Tầu hiện nay trên thế giới nói chung và ở Trung Đông với Bắc Phi nói riêng, và Mỹ không thể tiếp tục cái tư thái cường quốc độc nhất như sau khi Liên sô sụp đổ năm 1991. Người ta đã biết rằng điều này làm cho Putin được dân Nga ủng hộ mạnh mẽ, với tỷ số trên 80% theo các thăm dò, mặc dầu các khó khăn kinh tế tại Nga như các nguồn tin Âu Mỹ cho biết. Lý do là Putin đã phần nào lấy trở lại được cái tự hào dân tộc cho họ, qua những vụ can thiệp ở Georgia, Ukraine, Syria, chống sự bành trướng của Mỹ và khối Bắc Đại Tây Dương. Trong tình hình này, về mặt nội bộ Mỹ thì ảnh hưởng Do Thái đối với chính giới sẽ vẫn mạnh mẽ, nhưng mà sẽ như trở lại giống như thời thập niên 90 trở về trước, khi Liên sô cứng cỏi ủng hộ tổ chức PLO của Arafat và một số nước Ả Rập ở Trung đông, mà không còn như kiểu Netanyahu lúc nào đến Bạch cung hay là vào quốc hội cũng được.
13/NK. Như vậy, bác sĩ N có nghĩ rằng thực tế chiến tranh lạnh đã trở lại không? Nhất là khi ông Saakhasvilli, thủ lãnh cách mạng hoa hồng và cựu tổng thống Georgia mới được tổng thống Ukraine Porochenko cấp cho quốc tịch Ukraine và bổ nhiệm làm thống đốc thành phố Odessa ngay sát vùng ly khai Donetsk theo Nga. Tin tức cũng cho biết rằng ông Saakhasvilli là người đã tích cực tham dự trong các cuộc biểu tình ở công trường Maidan trung tâm thủ đô Kiev dẫn đến chuyện tổng thống thân Nga Yanukovych phải bỏ chạy ra khỏi dinh tổng thống, và mất chức luôn.
14/TXN. Đặc điểm thời chiến tranh lạnh thứ nhất là hai phe đối nghịch tư bản và Cộng sản ngăn cách nhau bởi bức màn tre và bức màn sắt. Phía Cộng sản tích cực bành trướng sang phiá tư bản bằng các hoạt động phá hoại và len lấn, dưới chiêu bài chiến tranh giải phóng ở các nước nhược tiểu Á Phi. Chiến tranh lạnh chấm dứt thì các bức màn tre bao quanh TC và bức màn sắt - đóng kín Liên sô và các nước Đông Âu - không còn. Thông thương qua lại dễ dàng giữa hai bên tư bản và Cộng sản. Phe Tư bản lấn lên, bành trướng dưới dạng phát triển kinh tế và thiết lập cơ chế chính trị Âu Mỹ qua các cuộc cách mạng hoa hồng, hoa cam, mà lãnh đạo là những thành phần thân Âu Mỹ. Những cuộc thay đổi có kết quả hỗn độn, vừa thành công vừa thất bại, và đó là lý do để mà Putin chống lại, qua sự can thiệp ở Georgia năm 2008 và Ukraine năm ngoái. Đặc điểm thứ hai của chiến tranh lạnh là: mâu thuẫn nền tảng thời chiến tranh lạnh là mâu thuẫn chủ nghĩa, dứt khoát tiêu diệt nhau theo khẩu hiệu chôn vùi chủ nghĩa tư bản. Ngày nay, những mâu thuẫn chủ yếu là tranh giành quyền lợi trong một nền kinh tế thị trường toàn cầu. Điạ bàn đấu tranh chính trước đây là các nước tiểu nhược Á Phi. Điạ bàn đấu tranh bây giờ không chỉ ở các nước thứ ba Á Phi mà nằm ngay ở các nước Âu Mỹ, vì những quan hệ chòng chéo giữa các thành phần tư bản hai bên, cho nên sự giải quyết khó khăn phức tạp hơn nhiều, như ta thấy trong vụ Ukraine và biển Đông. Đặc điểm thứ ba của tình hình ngày nay còn là vì sự trỗi dậy của những thành phần cực đoan thánh chiến Hồi giáo mà cả Âu Mỹ lẫn Nga và Trung quốc đều phải vừa đối phó vừa muốn dùng cho những mục đích chính trị khác nhau. Nga thì ở Chechen, Tầu thì ở Uighur, Tân Cương, Âu Mỹ thì là chiến tranh khủng bố và mùa Xuân Ả Rập. Phức tạp nhất thì là Trung Đông và Bắc Phi, với cấu trúc đa dạng mâu thuẫn từ các nguồn gốc khác nhau. Thứ tư, đặc điểm của tình hình ngày nay là cái khác ở trong ngôn từ đối với nhau: thời chiến tranh lạnh thì CS dùng ngôn từ sỉ mạ tư bản. Thời nay thì chính thức cả hai bên đều dùng ngôn từ nhẹ nhàng tốt đẹp trên căn bản tự do dân chủ quyền con người, xã hội dân sự vân vân đấu lý với nhau. Như trong vụ Snowden, vụ Ukraine vân vân. Thực tế thì những cuộc biểu tình có khả năng lật đổ là những cuộc biểu tình kết hợp cảm tính quần chúng với các hoạt động của các thành phần đóng vai quần chúng nhưng có khả năng xử dụng kỹ thuật chiến tranh đặc biệt như ở Ukraine, với sự trợ giúp tiền bạc và truyền thông điện tử các kiểu. Đến đây thì chương trình bcts hôm nay phải tạm ngưng. Xin kính chào tạm biệt quý vị thính giả. Chào TV, Chào NK và cám ơn hai bạn. Xin hẹn gặp lại tất cả quý vị và các bạn trong một kỳ bcts tới.
15/NK. NK xin kính gửi lời chào tạm biệt đến quý vị thính giả đang theo dõi chương trình BCTS hằng tuần với Bs TXN, TV và NK ngày hôm nay. Xin kính chào tạm biệt Bs N và thân kính chào tạm biệt chị TV.
16/TV. TV kính chào BS N, anh NK, và thân ái kính chào tạm biệt quý vị thính giả cùng các bạn toàn cầu đang theo dõi chương trình BCTS.