1/TXN. Kính chào quý vị thính giả. Chào TV. Chào NK. Thế giới tuần qua có nhiều tin hấp dẫn. Cuộc trưng cầu dân ý ở Hi lạp về vấn đề chấp nhận hay không những biện pháp kinh tế tài chính khắc khổ của các định chế tài chánh đưa ra để thanh toán nợ với Liên hiệp Âu châu, đã có kết quả là 61.5% dân chúng không chấp nhận. Đây là một chuyện không ngờ đối với các chủ nợ nhà giầu, vì thế vấn đề này nên bàn qua cho biết. Cuộc đàm phán giữa Iran và các nước Anh Pháp Mỹ Đức Nga Trung quốc về vấn đề võ khí nguyên tử Iran chưa xong, dầu đã quá hạn là ngày 30 tháng 6. Những cò kè phút chót đang diễn ra. Kết quả ra sao là điều mà chúng ta nên thảo luận cho biết. Bà Hillary Clinton, ứng cử viên tổng thống kể như chắc chắn của đảng Dân chủ vào tháng 11/2016 đã tạo bàn tán, khi đi vận động tranh cử ở New Hampshire với các phụ tá mà những người này đã chăng một vòng giây để ngăn không cho nhà báo lại gần. Đảng Cộng hoà cũng không phải là không có những dị nghị vì các ứng cử viên đã im tiếng khi nhà trọc phú Cộng hoà Donald Trump tuyên bố dân Mễ tây cơ là hiếp dâm và ma túy, làm mất lòng khối cử tri Mỹ gốc Latinh. Nhưng trước hết, mời quý vị và các bạn nghe câu chuyện về một cuộc gặp gỡ ngỡ ngàng, giữa hai người bạn học thời niên thiếu.
2/TV. TV kính chào BS N, anh NK, và thân ái khính chào quý vị thính giả cùng các bạn toàn cầu. Cuộc đời đôi khi là một sự oái ăm. Có một trường hợp đã xẩy đến với hai người bạn học cũ từ thuở nhỏ, lớn lên với hai số phận khác biệt. Câu chuyện khiến TV suy nghĩ và muốn chia xẻ cùng bác sĩ N, anh Nguyên Kim cùng quý vị và các bạn trong chương trình BCTS hôm nay. Nội dung câu chuyện là như thế này: Arthur Booth 49 tuổi, bị cảnh sát đuổi bắt được khi lái một cái xe đúng như mô tả là đã dùng trong một vụ cướp, mà không chịu ngưng. Booth đã chạy bộ để trốn sau khi cái xe bị đụng không chạy được nữa, nhưng đã bị bắt và bị truy tố với các tội cướp, trộm, chống cảnh sát thi hành luật pháp, vân vân. Booth bị đem ra trước toà để xét tiền thế chân tại ngoại. Chánh thẩm là bà Mindy Glazer ở toà Miami Dade. Nhìn Booth một lát bà chánh án hỏi “Có phải là ông đã học trường trung học Nautilus không?” Booth lúc đầu đã mỉm cười và kêu lên “Trời ơi!” nhưng rồi ngay sau đó, đã ôm đầu bật khóc và than lên “Trời ơi! Trời ơi.” Bà chánh án nói “Rất tiếc là gặp ông ở đây”. “Tôi vẫn nghĩ là không hiểu ông ra sao.” Rồi bà nói trước toà “Đây là người học sinh dễ thương nhất trong trường trung học. Người học sinh tốt nhất trường. Tôi thường chơi bóng football với anh ta, với tất cả các học trò, và vẫn nghĩ không hiểu chuyện gì đã xẩy ra cho anh ta”. Bà thêm “điều đáng buồn là chúng ta nay đã già hết cả rồi.” Và kết luận “Chúc ông may mắn. Và ra khỏi vụ này tốt đẹp. Và sống một cuộc đời hợp pháp”. Bà chánh án định tiền tại ngoại là 43,000 đô la.
Câu chuyện là như thế, bác sĩ N và anh NK có ý kiến gì không?
3/NK. Trước hết NK xin kính gửi lời chào tới quý vị thính giả đang theo dõi chưiơng trình BCTS hằng tuần với Bs TXN, TV và NK ngày hôm nay. Xin kính chào Bs N và thân kính chào chị TV. NK nghĩ đây chỉ là một chuyện oái oăm của cuộc đời. Nhìn video, hai người bạn thời trung học, một là bà chánh án da trắng ngồi xử và chàng Booth da đen là bị cáo mặc quần áo tù, ôm đầu khóc. Kể cũng buồn cho anh chàng Booth. Nhưng làm sao bây giờ. Mình làm mình chịu.
4/TXN. Nghe chuyện này, tôi nhớ lại một bài thơ giảng văn hồi còn trung học đệ nhất cấp Chu Văn An Hà nội đã tạo cho tôi một nỗi buồn man mác và một chút chua cay về cuộc đời. Bài thơ tả cuộc gặp gỡ giữa hai người bạn học. Tôi không nhớ tác giả. Bài thơ như thế này:
Bác đi ngựa, tôi đi chân
Gặp nhau cùng ngờ ngợ
Nhìn nhau ta tần ngần
Ngập ngừng không muốn hỏi
Cố nhân sợ cố nhân.
Tôi không hiểu đây là bài thơ do thi sĩ tưởng tượng ra viết, hay là bài thơ tả một trường hợp thật trong cuộc đời. Nhưng mà lúc đó thì nghĩ rằng cái tệ là ở người đi ngựa, khi thành công không nhận ra bạn xưa và không nhận bạn xưa. Trường hợp này thì tôi thấy bà chánh án hơn người đi ngựa trong thơ rất xa. Và câu chuyện này chẳng có gì đáng kể đối với nhiều người nhưng làm tôi xúc động vì thấy cuộc đời vẫn còn người dễ thương. Cám ơn TV đã đưa chuyện này ra.
5/NK. Ngược với câu chuyện bà chánh án và người tù mà bác sĩ N cho là dễ thương, thì là cái thực tế khác, là chuyện tranh cử tổng thống Hoa kỳ, mà NK thấy là đáng nói. Đó là chuyện Donald Trump. Donald Trump là một học sinh trung học dở dang, không tốt nghiệp, nhưng nổi tiếng vì đã nhanh chóng trở thành tỉ phú nhờ đầu tư trong lãnh vực điạ ốc. Trump cũng được nói đến nhiều vì thái độ cao ngạo của mình. Trong một chương trình phỏng vấn với phóng viên nặng ký Larry King của truyền hình CNN, Trump đã yêu cầu King lùi xa ra mà đặt câu hỏi vì miệng thối quá. Trump đã từng có ý làm ứng viên tổng thống đại diện đảng Cộng hoà, và vừa mới công khai nói ra ý định này. Trong bài diễn văn thông báo ý định tranh cử, khi nói đến vấn đề di dân, Donald Trump nói rằng Mễ tây cơ “không gửi những người tốt nhất” vào Mỹ mà nhữngdi dân Mễ Tây Cơ “mang ma túy vào Mỹ. Mang tội ác vào Mỹ. Là những kẻ hiếp dâm”. Dĩ nhiên là khi nói hung hăng như vậy là Trump muốn gây ấn tượng với những người Mỹ bảo thủ, để nhấn mạnh rằng ông ta chống chính sách di dân dễ dãi của đảng Dân chủ, và vượt lên các ứng viên Cộng hoà khác. Nhưng mà đồng thời cũng làm mất lòng nhiều cử tri Mỹ gốc Mễ nói riêng và gốc châu Mỹ La tinh nói chung, là những thành phần mà các ứng viên Cộng hoà cũng đang cần o bế, tranh thủ.
6/TV. Nghe anh NK nói về Donald Trump thì rõ ràng là ông này ngang ngược coi thường người khác, có lẽ vì ông ta giầu quá. TV có theo rõi một số chương trình phỏng vấn trên các đài truyền hình Mỹ, nhưng chưa thấy ai mà lại nói với người phỏng vấn mình như là Trump đã nói với Larry King. Có vẻ như ông Trump chỉ nói điều mình muốn nói chứ không cần biết hệ quả, và trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới theo TV ông Trump sẽ khó mà qua được kỳ bầu sơ bộ chứ đừng có gì nói đến trúng cử tổng thống tuy rằng theo một số thăm dò hiện thời thì Donald Trump là đứng ở hạng cao, chỉ sao có Jeb Bush là thuộc gia đình quyền thế.
Trường hợp Larry King bị Trump mắng là thối mồm, thì chuyện này xẩy ra đã lâu, và TV được biết đến nó qua những bản tin của các đài truyền hình khác tường thuật. Trong video Larry King trong cơn say phỏng vấn đã chồm về phía trước và hỏi Trump, có vẻ để làm khó, thì Trump đã phản ứng qua câu phát biểu như thế. Larry King có lối nói chuyện khó chịu mặc dầu Larry King được kể là một phóng viên hạng nhất của CNN. Câu chuyện tóm gọn lại là sự đụng độ của hai cái ego, - hai cái ngã -, mà một bên là tiền nhiều, một bên là danh lớn. Trở lại với vấn đề tranh cử tổng thống đang diễn tiến thì TV thấy truyền thông đã loan đi rằng các ứng viên tổng thống của đảng Cộng hoà đã né tránh đề cập đến tuyên bố của Trump thì một là bởi vì họ có lập trường đối với người di dân từ Mễ Tây cơ giống Trump, hai là Trump là tay có tiền có thể đóng góp cho họ sau khi qua khỏi vòng bầu cử sơ bộ, ba là để dò xem phản ứng quần chúng, đặc biệt là quần chúng cử tri Cộng hoà để tìm cách đưa ý kiến ra sao cho thích hợp và ăn khách nhất.
7/TXN. Truyền thông Mỹ nói chung, là đã loan tin quanh vụ Donald Trump để tạo ấn tượng là các ứng cử viên Cộng hoà đồng ý với Trump, tức là để nhấn mạnh cái lập trường thủ cựu của đảng Cộng hoà. Bởi vì theo tôi thì đa số truyền thông Mỹ là thiên về Dân chủ và ủng hộ Hillary Clinton. Ngoài ra thì tôi cũng đồng ý với NK, là các ứng viên Cộng hoà còn muốn được Trump chi tiền, cho nên không quá nặng lời với Trump. Thí dụ như Chris Christie thống đốc New Jersey tuy nói phát biểu của Trump là “không thích hợp” nhưng lại khen Trump là “một người kỳ diệu” và khoe là bạn với Trump. Jeb Bush thi nói phát biểu của Trump là “sai”, nhưng cũng không quên nói rằng hai người từng là bạn với nhau và Trump đã đóng tiền để giúp Bush. Chỉ có thượng nghị sĩ gốc Cuba Marco Rubio là mạnh dạn nói “nhận định của Trump không những làm xúc phạm và không đúng mà còn gây chia rẽ”. Tổng thống kỳ tới của chúng ta phải là người đem người Mỹ chúng ta lại với nhau, chứ không phải là một người tiếp tục chia rẽ”.
Trong khi cuộc vận động tranh cử làm ứng cử viên tổng thống trong đảng Cộng Hoà gặp sự trục trặc khó xử vì tuyên bố của Donald Trump như vậy thì phía đảng Dân chủ, Hillary Clinton người kể như chắc chắn sẽ đại diện đảng Dân chủ trong cuộc bầu tổng thống tháng 11/2016 cũng lâm vào một tình trạng gây dị nghị. Bởi vì trong khi đi tham dự cuộc diễn hành ngày 4 tháng 7 tại New Hampshire, bà Hillary đã được các tùy tòng chăng giây đi trước để ngăn không cho các phóng viên tiến gần lại bà. NK và TV nghĩ sao về chuyện này?
8/NK. NKthấy rằng có lẽ đây là lần đầu tiên, mà NK thấy một ứng cử viên hành xử như bà Clinton. Thường thường thì các ứng cử viên luôn luôn đi vào đám đông để mà bắt tay mọi người, ôm bế trẻ em, để tỏ ra là mình bình dân. Đàng này bà Clinton lại cho tùy tòng chăng giây ngăn phóng viên. Để rồi phải giải thích loanh quanh. Dù là ý kiến này từ bà Clinton đưa ra hay là từ các phụ tá tự ý thực hiện thì NK cũng thấy là rất kém. Cũng có thể là vì những nhân viên của bà Clinton đã thấy rằng cái tư thế bà Clinton to quá và chắc chắn sẽ là tổng thống nên khớp, mà nịnh nọt như vậy.
9/TV. Theo như tin tức loan đi thì kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở Hy Lạp với tỷ số lớn 61.5% dân chúng bác bỏ điều kiện của khối Liên Âu trong kế hoạch thanh toán nợ nần của Hy Lạp đã làm ngạc nhiên nhiều người. Bởi vì các thăm dò trước cuộc bỏ phiếu đều cho thấy là hai phiá chống cũng như tán thành là suýt soát nhau. Ngoài ra thì phải nói rằng trong các trường hợp thiếu nợ trước đây, các nước con nợ như Tây ban Nha, Ái nhĩ lan đều phải chấp nhận những biện pháp gọi là cải tổ kinh tế tài chính của các định chế tài chính để được giúp gỡ nợ. BS N có thể giải thích cho vấn đề này là tại sao như vậy?
10/TXN. Có nhiều trả lời cho câu hỏi này. Thứ nhất sẽ có người cho là vì thủ tướng Hy lạp, ông Alexis Tsipras là một người thiên tả, đã sang Nga thảo luận với Putin, tổng thống Nga. Tuy không thấy loan báo những kết quả cụ thể rõ ràng của chuyến đi, nhưng chắc chắn là có những hứa hẹn giúp đỡ ít nhiều, để mà dựa dẫm vào nhau, khi cần, vì Tsipras là người đã khẳng định bất đồng ý kiến với các biện pháp chế tài của Liên Âu với Nga, để trừng phạt Putin trong vấn đề Ukraine. Thứ hai, là trước khi Tsipras làm thủ tướng thì các người tiền nhiệm đã chấp nhận thực hiện các điều kiện giải quyết nợ nần của Liên Âu, là thực hiện chính sách khắc khổ, giảm chi phí xã hội, mà tính đến nay là 5 năm. Vì thế dân chúng lâm vào cảnh thiếu thốn khổ sở mà tình trạng nợ nần của Hi lạp thì vẫn kéo dài tới nay không giải quyết được. Tức là không khá. Cho nên dân Hi Lạp không chấp nhận tiếp tục chính sách khắc khổ là tự nhiên. Thứ ba, là thủ tướng Tsipras đã khích động sự tự hào dân tộc và tinh thần độc lập trong vấn đề giải quyết nợ nần, coi những điều kiện của Liên Âu là áp đặt quá đáng. Trước kết quả này, thì theo như những phát biểu dứt khoát cứng rắn của các lãnh đạo chính trị và tài chính Âu châu, Hy Lạp sẽ bị bỏ cho chết luôn. Nhưng mà khối Liên Âu đã không thi hành các biện pháp bỏ mặc Hy Lạp, như là không bơm tiền vào nữa, để cho hệ thống ngân hàng nước này sụp đổ vì hết euro để sài mà rơi ra khỏi khối Liên Âu và in tiền Hy lạp cũ để sài. Nếu các biện pháp này đã không được thực hiện ngay như là tuyên bố thì là bởi vì tuy Hy lạp bị thiệt hại lớn khi rơi ra khỏi Liên Âu, nhưng về mặt tiền bạc thì Liên Âu cũng bị thiệt hại tiền bạc không nhỏ, trên 30 tỉ đô la. Vì thế, tổng thống Pháp nói “chuyện này không phải là vấn đề riêng của Hy Lạp, mà là liên quan đến tương lai Liên Âu”. Và thủ tướng Đức, người cứng rắn từ đầu trong chuyện giải quyết nợ nần Hy Lạp, đã không đóng cửa rút cầu, và sẵn sàng điều đình lại với Hy lạp, với những điều kiện mới mà thủ tướng Tsipras sẽ đưa ra trong tinh thần mà ông nói là “công bình về mặt xã hội và có sức sống về mặt kinh tế”. Nhưng bà Merkel cũng nói rằng vấn đề không phải chỉ liên quan đến một nước, là Đức, tuy rằng Hy Lạp nợ Đức nhiều nhất, mà là trách nhiệm chia xẻ giải quyết ra 18 nước Liên Âu chủ nợ. Các bộ trưởng tài chính Liên Âu sẽ thảo luận về đề nghị của Hy lap vào thứ bảy. Hạn chót để giải quyết vấn đề là cuối tuần lễ này.
11/NK. Nhìn vấn đề Hy Lạp thì có thể thấy rằng thời buổi kinh tế toàn cầu ngày nay, nước con nợ cũng không phải là hoàn toàn bị áp chế lè lưỡi bởi chủ nợ, với điều kiện là lãnh đạo thực sự là lãnh đạo, chứ không phải là tay sai. Chưa kể rằng nếu khôn ngoan ra thì có thể bắt bí chủ nợ nữa. Xét toàn bộ các khía cạnh chuyện Hy Lạp thì có thể thấy rằng ông Tsipras tuy là chỉ mới có 40 tuổi, nhưng mà đã tỏ ra là người lãnh đạo già dặn, biết chọn lấy đa số quần chúng làm lực lượng của mình. Có điều là hồi còn trẻ ông từng là đảng viên đảng Cộng sản, không hiểu ông có sẽ đưa Hy Lạp vào vòng Cộng sàn hay không.
Thôi bây giờ mình quay sang vấn đề khác đi, chuyện hiệp ước về nguyên tử giữa Iran và các nước Mỹ Anh Pháp Đức Nga Tầu. Tin cho biết là các chuyên gia cả hai phiá đang gấp rút họp bàn về các chi tiết. Cả hai bên đều nói là có những tiến bộ đáng kể để tiến tới thoả thuận. Nhưng ngoại trưởng Kerry thêm rằng kết quả có thể là thành hay bại. Bác sĩ N và TV nghĩ rằng liệu kết quả là thành hay bại?
12/TV. Trước hết về tương lai chính trị của Hy Lạp thì theo TV nghĩ, thời buổi ngày nay chẳng có ai ngu dại gì mà thiết lập lại chế độ toàn trị Cộng sản. Bởi vì một là không thể được, hai là như người ta nói, chủ nghĩa CS đã bị vất vào thùng rác lịch sử rồi. Thực tế cũng cho thấy là các nước còn gọi là CS như VN, TC, Cuba và Bắc Hàn thì trừ Bắc Hàn còn nặng tính toàn trị CS, tất cả chỉ là CS trên danh nghĩa, và cơ chế cai trị vẫn là độc tài, vì đã theo kinh tế thị trường, tức là kinh tế tư bản hết cả rồi. Các lãnh đạo CS đã trở thành tài phiệt. Và những tài phiệt này tập hợp lại với nhau dưới một hệ thống chỉ đạo chung, gọi là tư bản nhà nước, nhân danh quyền lợi của nước, nghĩa là cho một đơn vị địa lý. Điều này khác với các nước tư bản Âu Mỹ là tư bản cá nhân hay tư bản công ty liên quốc gia, bảo vệ quyền lợi của những công ty hay tập hợp này mà thôi. Tóm tắt lại là Tsipras sẽ chẳng thể nào đem Hy lạp trở thành một nước CS.
Về phần thoả hiệp nguyên tử Iran thì TV nghĩ rằng tuy những cò kè vẫn tiếp tục nhưng về căn bản thì vì cả hai phía đều muốn có thoả hiệp cho nên sớm muộn gì thoả hiệp cũng sẽ xong.
13/TXN. Tôi cũng nghĩ rằng thoả hiệp sẽ xong. Trở ngại chính là những đòi hỏi cứng rắn của Do Thái bắt Mỹ chặn bằng mọi giá không cho Iran có khả năng làm bom nguyên tử khiến cho Do Thái mất điạ vị độc tôn của một nước có võ khí hạt nhân, mà tự tung tự tác trong vùng. Nhưng mà xem ra thì có lẽ các áp lực Do Thái không còn tác dụng to lớn như trước đây nữa, bởi vì thực tế chính trị kinh tế Mỹ nói riêng và các nước Âu châu nói chung không cho phép nhắm mắt nghe Do Thái nữa, vì lực bất tòng tâm. Nguyên do là vì Tầu đã lớn mạnh trở thành đối tác đáng nể của Mỹ và Âu châu, và đang tính đóng vai trò điều chỉnh tương quan Nga Mỹ và Âu châu. Còn Nga với Putin, thì cũng đã tạm đủ sức để xác định trở lại vị trí cường quốc nguyên tử qua những biện pháp ngăn chặn sự bành trướng của Mỹ và NATO tại Ukraine. Cái lằn ranh mà Putin vạch ra ở Trung đông là ủng hộ Iran, giữ tổng thống Syria Bashar Assad tại vị và ủng hộ Palestine chống chiếm đóng Do Thái. Chính sách này đã bị bỏ sang bên từ sau khi Liên sô xụp đổ. Do đó nếu thoả hiệp không ký thì các nhà máy Iran sẽ hoạt động tinh chế Uranium trở lại. Và Mỹ không thể lờ đi cho Do Thái tấn công chớp nhoáng phá hủy các nhà máy nguyên tử này của Iran như là đã từng làm với Syria trước đây, mà không chịu những thiệt hại trả đũa đáng kể của Iran. Bởi vì Nga đã quyết định chuyển cho Iran hệ thống hoả tiễn tầm xa phòng thủ tối tân S 300. Phát ngôn viên bộ ngoại giao Iran cho biết vào ngày 25 tháng 6 vừa qua rằng Nga và Iran đang thảo luận về chi tiết chuyển giao hệ thống này, với mẫu mới hơn và tốt hơn là Antey 500. Trong tình hình như thế, nếu muốn ngăn chặn kế hoạch võ khí nguyên tử Iran thì Mỹ và Do Thái xem ra chỉ còn có thể dựa vào ám sát các chuyên gia nguyên tử Iran và chiến tranh kỹ thuật, nghĩa là xâm lấn vào hệ thống điện tử của Iran để phá hoại như đã từng làm trước đây. Nghĩa là tiến hành chiến lược chiến tranh phi quy uớc dựa trên các hoạt động đặc biệt và kỹ thuật điện tử, trong trường hợp thoả hiệp nguyên tử với Iran không được ký kết.
Đến đây thì chương trình bcts hôm nay phải tạm ngưng. Xin kính chào tạm biệt quý vị thính giả. Chào TV, chào NK và xin cám ơn hai bạn. Xin hẹn gặp lại quý vị và các bạn trong một kỳ bcts kế tiếp.
14/NK. Xin kính gửi lời chào tạm biệt đến quý vị thính giả đang theo dõi chương trình BCTS hằng tuần với Bs TXN, TV và NK ngày hôm nay. Xin kính chào tạm biệt Bs N và thân kính chào tạm biệt chị TV.
15/TV. TV kính chào BS N, anh NK, và thân ái kính chào tạm biệt quý vị thính giả cùng các bạn toàn cầu đang theo dõi chương trình BCTS.
July 10, 2015