1/TXN. Kính chào quý vị thính giả. Chào NK. Chào TV. Ngày 26 tháng 6, Tối cao pháp viện Mỹ đã ra một phán quyết về hiến pháp với 5 phiếu thuận 4 phiếu chống, mà hệ quả là làm cho hôn nhân giữa những cặp đồng tính luyến ái trở thành hợp pháp. Một cách tóm tắt thì 5 người, nghĩa là đa số, trong tổng số 9 thẩm phán tối cao pháp viện, đã đồng ý rằng tu chính số 14 của hiến pháp Mỹ cho phép mọi công dân Hoa kỳ có cái quyền căn bản là kết hôn, bất kể giới tính. Nói cách khác, các quyết định cấm hôn nhân đồng tính luyến ái là vi phạm hiến pháp.
Theo lời tổng thống Obama thì tin này loan đi “như là tiếng sấm” trên toàn cõi Hoa kỳ. Khoảng 7 giờ tối ngày hôm đó, mặt tiền toà Bạch cung đã được rọi sáng mầu cầu vồng – là mầu biểu tượng cho những người đồng tính luyến ái, để mừng quyết định của Tối cao pháp viện. Văn phòng tổng thống cho biết rằng Bạch cung rọi đèn mầu cầu vồng là “để chứng tỏ quyết tâm không lay chuyển cho tiến bộ và bình đẳng, ở Mỹ cũng như toàn thế giới”. Ông Obama tuyên bố rằng đó là “một bước lớn trong con đường của chúng ta tiến tới bình đẳng”. Bình đẳng ở đây là bình đẳng giữa những người đồng tính luyến ái và những người bình thường trong vấn đề kết hôn. Cuộc diễn hành hàng năm “Niềm kiêu hãnh của những người ‘VUI’/ GAY - tức là đồng tính luyến ái” (Gay pride parade)- thường là tưng bừng nhất ở New York và San Francisco thì năm nay lại càng đông đảo và có nhiều đám cưới đồng tính luyến ái đã được cử hành. TV và Nguyên Kim có ý kiến gì về vấn đề thời sự Mỹ được chú ý đặc biệt này bởi Bạch cung và trên truyền thông hay không?
2/NK. Trước hết NK xin kính gửi lời chào quý vị thính giả đang theo dõi chương trình BCTS với bs TXN, TV và NK ngày hôm nay. Xin kính chào bs N và thân kính chào chị TV. NK không hiểu tại sao vấn đề đồng tính luyến ái lại được chú ý đặc biệt tại Mỹ và các nước Tây phương. Thời NK còn ở VN, thì thấy không ai nói đến vấn đề này, và vì thế vấn đề này coi như không có. Con trai con gái đi chơi nắm tay, bá cổ nhau là thường, không ai nghĩ đến cái ý nghĩa tình dục. Và chẳng ai nói đến đồng tính luyến ái cả. Lâu lâu có đứa nào trong trường mà nói năng ỏn ẻn như con gái thì cũng bỏ qua, quá lắm thì xì xào là thằng ấy “lại cái”. Ở Mỹ thì khi nói đến đồng tính luyến ái là nặng ý nghĩa tình dục. Và bị coi là phi luân lý, nhất là đối với những nhà thờ Thiên chúa giáo. Đối với NK thì tình dục giữa người cùng phái là chuyện kỳ cục, và không tưởng tượng nổi. Mà NK cho rằng đó là bệnh hoạn. Cho nên cũng không biết nói sao về cái quyết định này của Tối cao pháp viện Mỹ. Theo như NK biết thì dựa trên con số của CDC(trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh), tỉ số dân đồng tính luyến áitrong giới nam cũng như nữ ở Mỹ chỉ là trên 1%. Vì thế NK thấy rằng hơi lạ khi tổng thống Obama coi phán quyết của Tối cao pháp viện là“một bước lớn trên con đường của chúng ta tiến tới bình đẳng” khi nó chỉ liên quan đến một vấn đề riêng tư của một thiểu số dân như vậy, trong khi còn nhiều điều bất bình đẳng trong xã hội Mỹ lắm.
3/ TV kính chào BS N, anh NK, và thân ái kính chào quý vị thính giả cùng các bạn toàn cầu. Theo TV thì nếu vấn đề này được để ý đến nhiều thì cũng chỉ là vì nhiều người Mỹ mà nền tảng đạo đức là Thiên chúa giáo đã tấn công, phê phán mạnh mẽ những người đồng tính luyến ái, cho nên những người này mới phản ứng lại mà hô lên rằng họ “hãnh diện là người đồng tính luyến ái”. TV tôntrọng cách sống và sự chọn lựa của mỗi người trên nước Mỹ, nhưng nhìn những hành động và tác phong của một số những người đồng tính luyến ái trong các cuộc biểu tình tuần hành “hãnh diện” của họ, thì thấy thật là kỳ, không giải thích nổi sự hãnh diện đó. Nhưng cũng phải nói sự đấu tranh đòi bình quyền của những người này thật là mạnh mẽ, và cũng vì họ có nhiều người giỏi, cho nên tiếng nói dần dần của họ được các chính trị gia chú ý. Và như vậy thì tuyên bố của ông Obama không thể không có hậu ý chính trị trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, mà mục tiêu là lấy trọn vẹn số phiếu của những người đồng tính luyến ái để đánh bại đảng Cộng hoà là đảng chống đồng tính luyến ái.
4/TXN. TV nói không trả lời được câu hỏi tại sao hãnh diện là GAY thì có lẽ đúng với hầu hết dân GAY. Trừ có một người GAY nổi tiếng là Tim Cook, tổng giám đốc hãng điện tử Apple kế nghiệp Steve Jobs. Tim Cook trong thời gian dài làm cho Apple từ năm 1998, đã giữ những chức vụ quan trọng nhưng là người lủi thủi một mình, nói chung là cô độc. Cho tới tháng mười năm 2014 thì mới công khai nhận mình là gay (đồng tính luyến ái) trong một bài viết trên báo Bloomberg businessweek. Ông viết “Tôi hãnh diện là một người GAY, và tôi cho rằng GAY là một trong những tặng vật lớn nhất mà trời cho tôi”. Theo tôi, thì khi Cook nói GAY là tặng phẩm lớn nhất trời cho ông mà không ai nói gì hay là truyền thông không nói gì thì chỉ là vì Cook ở vị trí thành công, rất thành công, giầu có đặc biệt bởi vì tên ông ở trong danh sách những đại phú của tập san tài phiệt Forbes 500, chứ tự nó thì sự khẳng định này chẳng có ý nghĩa gì, không giải thích được gì, mà chỉ giống như những phát biểu hồ đồ vô lối của Donald Trump là một đại phú gia, vì ngồi trên tiền. Chuyến đi của Cook sang Nga sau đó đã bị Putin bác bỏ, bởi vì Putin ở vị thế có thể không coi Tim Cook ra gì. Xét riêng về truờng hợp Tim Cook thì ông này chỉ nhận là GAY sau khi đã thành công lớn, ở chức tổng giám đốc Apple. Còn trước đó thì sống lủi thủi một mình, tức là cũng có một thời gian dài mặc cảm.
Nhân phán quyết của tối cao pháp viện này thì tôi thấy mình có thêm một dịp để hiểu thêm về đặc tính của nền dân chủ Hoa Kỳ. Là các định chế Hoa kỳ khiến cho mọi ý kiến được xem xét để sao cho có ổn định dù rằng có những bất đồng ý kiến. Theo nguyên tắc thì các điều khoản hiến pháp chỉ được sửa đổi khi có đủ đa số ở quốc hội là cơ quan lập pháp. Trong trường hợp này, rất là khó để sửa đổi hiến pháp cho kết hôn đồng tính, vì tuyệt đại đa số dân chúng không nghĩ như vậy, và chúng ta biết rằng tỷ số đồng tính luyến ái chỉ là trên 1% dân số. Vì thế việc đã đưa lên tối cao pháp viện để những thẩm phán soi rọi từ góc quan điểm hiến pháp. Trong tối cao pháp viện thì có ba thẩm phán Do Thái, là Ruth Bader Ginsburg, Stephen G. Breyer, và Elena Kagan, có quan điểm tự do; lại có bà Sotomayor gốc Porto Rican xuất thân nhà nghèo vùng lên cho nên đứng về phía lập trường tự do của nhóm Do Thái. Thẩm phán Anthony Kennedy là người Công giáo gốc Ái nhĩ Lan, được tổng thống Reagan bổ nhiệm, nhưng có xu hướng tự do chiết trung, vì thế đã là nhân vật đóng vai quyết định trong những vấn đề mà hai phe thủ cựu với tự do trong tối cao pháp viện không phân thắng bại. Trong vụ này, ông viết “Quyền lựa chọn cá nhân trong vấn đề hôn nhân là gắn liền với quan niệm cá nhân tự chủ”. Nói khác đi, vấn đề đã được giải quyết từ góc lý luận thuần túy chẻ sợi tóc làm tư bởi một cơ quan quyền lực mà các thành phần được bổ nhiệm bởi tổng thống với sự chấp thuận của quốc hội, để có quân bình quyền lực. Rõ ràng đây không phải là mô hình dân chủ lý tưởng nhưng thực tế, vì có hiệu dụng.
5/TV. Tình trạng một vấn đề được xem qua xét lại nhiều lần, nhiều cách, dựa vào các quy luật hay nguyên tắc khác nhau trong nền dân chủ Hoa kỳ mà bác sĩ Ninh vừa nói thì theo lý thuyết thật là hay. Nhưng nó cũng làm cho nhiều người không hài lòng, vì nhiều vấn đề không giải quyết tận gốc, kéo dài nhiều năm. Thí dụ như vấn đề ngân sách. Và vì thế đã có nhiều nhà chính trị tranh cử với chiêu bài thay đổi, hay là nhấn mạnh rằng mình là người ở ngoài vòng chính trị Washington DC để mà được dân chúng bầu để thực hiện thay đổi. Trường hợp nổi bật nhất là tổng thống Obama đã ra tranh cử năm 2008 với chiêu bài “thay đổi”, nhưng mà sau chót ông Obama cũng không làm được gì. Thành ra có lẽ cũng khó nói rằng cơ chế dân chủ Mỹ là hay nhất. Và vì thế vẫn còn sự tồn tại của nhiều cơ chế dân chủ khác trên toàn cầu.
6/ Theo NK nghĩ thì yếu tố quan trọng chủ yếu là con người. Cơ chế tốt mà con người lạm dụng thì cũng hư. Nước Mỹ đã được hình thành trong một hoàn cảnh đặc biệt bởi những con người tự lập, tự do, và có sức mạnh tương đương. Sau một thời kỳ đấu đánh nhau quyết liệt để tranh thắng thì thấy rằng cần phải tôn trọng lẫn nhau để mà sống và phát triển – tức là có tinh thần dân chủ - cho nên đã lập ra các định chế để mà giữ quân bình và kiểm soát quyền lực. Bây giờ thì bản chất nước Mỹ đã khác xa về mặt dân số và phát triển, với các nhóm quyền lợi phức tạp, vì thế sinh ra các lạm dụng khó trị tận gốc, nhưng vẫn cho phép sự việc tiến hành tạm tạm. Trong chuyện hôn nhân đồng tính luyến ái, có vài tiểu bang chống đối, và vài người vẫn chống đối không thi hành phán quyết của tối cao pháp viện. Nhưng mà rồi sẽ yên. Hay là trong vấn đề cải tổ sức khoẻ Obamacare cũng vậy, luật đã ra rồi, nhưng còn nhiều kiện tụng, Nói chung, tuy có nhiều người không đồng ý nhưng không tích cực chống đối thì rồi mọi sự sẽ qua. Cho tới khi nào mọi sự bế tắc vì định chế tồi tệ, con người hư bại thì lúc đó mới có những thay đổi ngoạn mục, tận gốc, nghĩa là cách mạng.
7/TXN. Viện bảo tàng nghệ thuật ở Milwaukee dự tính rằng đến muà thu năm nay sẽ cho trưng bày chân dung của đức giáo hoàng Benedict làm bằng 17,000 bao cao su xử dụng trong tình dục. Tin đưa ra đã làm cho nhiều người Công giáo giận dữ phản đối. Tổng giám mục Jerome Listecki ở Milwaulkee nói rằng quyết định của viện bảo tàng nghệ thuật là “trâng tráo và có ý sỉ mạ”. Một số hội viên bảo trợ viện bảo tàng đã bỏ tư cách hội viên. Don Layden, chủ tịch hội đồng bảo trợ của viện nói rằng mục tiêu bức tranh là tạo ra một cuộc thảo luận về bệnh thụ nhiễm liệt kháng (AIDS) và cách ngừa bệnh AIDS chứ không phải là nhằm nhạo báng hay là khinh miệt. NK và TV nghĩ sao về chuyện này?
8/NK. Mặc dầu rằng ở Mỹ có rất nhiều nhà thờ và giáo hội tin lành, nhưng có vẻ như ngày nay cái xu hướng coi thường tôn giáo khá phổ thông bên cạnh cái tinh thần vô thần trên truyền thông. NK còn nhớ những than phiền hay bàn tán về sự ồn ào không dứt của nhạc giáng sinh khi đi phố mua sắm đồ giáng sinh hay đầu năm. Và có nhiều người chủ trương và đề cao tự do ngôn luận tuyệt đối nhân vụ tuần báo trào phúng Charlie Hebdo bị bắn giết ở Paris cách đây không lâu. Tiếp theo là vụ trưng bày hí họa giáo chủ Mohammed ở Dallas bị tấn công và thủ phạm bị giết. Về cái luận cứ của ông Don Layden trong vụ hình chân dung giáo hoàng này thì cá nhân NK nghĩ rằng chỉ cho một số người nghe được. Bởi vì theo nguyên tắc NK nghĩ rằng tốt nhất là không nên vô cớ xúc phạm đến môt vị lãnh đạo tinh thần của một tôn giáo, có thể tạo phản ứng không hay. Tuy nhiên, nói thế không có nghĩa là NK đồng ý với sự bao che những sai trái của những nhà lãnh đạo tinh thần.
9/TV. Hãng thông tấn Pháp AFP vừa loan đi một tin mà TV thấy lạnh người. Là có gần nửa tỉ đô la thịt đông lạnh, mà một số đã hư thối và để lâu tới trên 40 năm, vừa bị khám phá bên Tầu. Theo báo China Daily News của nhà nướcthì có trên 100,000 tấn cánh gà, thịt bò và thịt heo, trị giá 3 tỉ nguyên tức là 483 tỉ đô la, đã bị tịch thu trong một chiến dịch truy nã thịt lậu trên toàn quốc, mới chấm dứt đây, với 14 băng đảng bị bắt. Một viên chức thẩm quyền ở Hồ Nam, nơi tịch thu được 800 tấn thịt, nói “Mở cửa ra tôi muốn ói vì mùi hôi thối”. Một giới chức ở Quảng Tây, một tỉnh tiếp giáp với Việt Nam nói rằng một số thịt được đông lạnh từ cách đây trên 40 năm, tức là thời Mao Trạch Đông còn sống, và đã được chuyên chở bằng xe vận tải thường, không máy lạnh để hà tiện tiền, rồi sau đó được đông lạnh đi đông lạnh lại nhiều lần, khiến thịt bị hư hỏng. Hàng đã đi qua Việt Nam và Hồng Kông, bởi vì vùng biên giới VN là vùng khó kiểm soát. TV không biết đã có bao nhiêu người VN tiêu thụ món hàng này, mà cũng không biết bao nhiêu trong số thịt này được dùng để chế hoá ra các thứ thực phẩm cung cấp cho hải ngoại, vì còn nhớ nhũng vụ bắt bớ thịt và bì heo hôi thối trên các chuyến xe chở hàng ở VN năm ngoái năm kia.
10/NK. Ở VN và TQ thì có rất nhiều “hết ý kiến”, chứ không riêng vấn đề thực phẩm. Nào là các thứ dược thảo quảng cáo là thần dược chữa bá bệnh, từ yếu sinh lý tới da khô, đau khớp xương, chữa dứt bệnh ung thư thời kỳ chót mà Tây y chịu bó tay vân vân…NK nghĩ rằng tình trạng này là hệ quả của một hệ thống chính trị độc tài toàn trị ngu dân mà con người bị khống chế bởi bạo lực và thiếu đói đến độ mất nhân tính trong việc vật lộn để sống còn. Khi hệ thống này sụp đổ thì được tiếp xúc với hệ thống tư bản mà tiền là sức mạnh quyết định mà biến thái cho nên bất chấp mọi thiệt hại cho người khác khi làm tiền. Riêng trong vấn đề thực phẩm thì NK tránh tối đa mọi thứ thực phẩm sản xuất từ Trung quốc vĩ đại và Cộng hoà xã hội chủ nghĩa VN quang vinh. Bởi vì ngon chẳng bao nhiêu mà bệnh tật mắc vào thì khổ thân.
11/TV. Chừng mươi ngày nay có một tin được loan đi trên mạng điện tử tiếng Việt là đại tướng VC Phùng Quang Thanh bộ trưởng quốc phòng, bị ám sát chết ở quận 13 nên không xuất hiện trên một số các cuộc hội họp quan trọng mà PQT không thể không có mặt. TV xem và đã bỏ qua không để ý nhưng sau chót thì đã có một tia sáng vào những đồn thổi trên mạng điện tử về tin Phùng Quang Thanh. Đài BBC Việt Ngữ lấy tin báo Tuổi Trẻ trong nước cho biết rằng Phùng Quang Thanh đã phải giải phẫu phổi ở Pháp, có lẽ vì ung thư. Tin chính thức là như thế. Tức là việc giải phẫu này đã xẩy ra. Và nếu vậy thì cũng có thể là do bị mưu sát như tin trên mạng giang hồ điện tử loan đi. Tin mới nhất từ BBC lại cho biết thêm là Phùng Quang Thanh không có dấu hiệu ung thư. Bác sĩ N và NK nghĩ sao về tin này? Phải chăng là những bất đồng phe phái trong giới lãnh đạo cao cấp nhất của đảng VC đã đi đến chỗ là phải thanh toán nhau bằng súng đạn theo như những đồn thổi? Như thế thì vui hay buồn cho tương lai VN đây?
12/TXN. Các tin về PQT thì tóm tắt là mới xuất hiện công khai trong cuộc gặp gỡ ngày 19 tháng 6 với bộ trưởng quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian, rồi vắng mặt bất thường, rồi loan tin mổ phổi có lẽ vì ung thư, rồi cải chính không phải là ung thư mà chỉ là vết sẹo sơ do chấn thương phổi trong một tai nạn giao thông quá khứ, và giải phẫu vì có triệu chứng hen với ho ra máu. Đối với người thường không biết y khoa thì nghe suôi tai, nhưng với tôi là một bác sĩ giải phẫu thì nghe không lọt. Bởi vì trong tình trạng y khoa với những phương tiện xét nghiệm hiện nay thì không thể có chuyện đem ra mổ phổi trước khi định bệnh rõ ràng. Ngoài ra, trong trường hợp PQT bị mổ phổi vì ung thư thì không có gì mà phải dấu, vì không thể vì thế mà chết ngay, nghĩa là chẳng có thay đổi gì bất chợt. Nói khác đi, chuyện mổ phổi PQT theo tôi nghĩ là một chuyện đã phải thực hiện nhanh chóng, khẩn cấp mà không biết kết quả ra sao. Nghĩa là bị bắn thật. Cho nên phải im lặng một thời gian, khi tình hình nguy ngập qua rồi thì kiếm kế giải thích là mổ phổi do ung thư. Nhưng theo tôi, thì mổ phổi vì lý do gì cũng không đáng để ý. PQT chết hay sống cũng thế thôi vì chức vụ PQT không phải là không có người thay thế, ở phía này hay phía kia. Hai phe đối nghịch trong lãnh đạo VC có đi đến chỗ gay gắt để mà thanh toán người của nhau thì cũng chỉ có nghĩa rằng có thể một phe sẽ thắng thế nắm quyền nhiều hơn. Với tôi, thì dù phe thân Mỹ hay thân Tầu thắng, VN cũng chẳng có thay đổi gì là bao nhiêu, vì xét suốt quá trình làm việc từ nhiều năm nay, thì mọi người đều thấy rõ rằng cả hai bên lãnh đạo đều bản chất là tay sai, dựa vào sức mạnh ngoại quốc để thống trị dân tộc. Mà đã là tay sai thì chỉ làm mọi việc vì quyền lợi của chủ và của mình, của phe nhóm mình. Chủ nào, Mỹ hay Tầu hay Nga hay Nhật, thì cũng không vì quyền lợi của dân tộc VN. Vì thế mới có những vụ nhượng đất nhượng biển, cho thuê rừng đầu nguồn, khai thác bauxite, Vinashin, Vinalines và vô số chuyện khác, thiệt hại cho dân tộc nhiều tỉ đô la. Tôicũng không nghĩ như một số người rằng theo Mỹ thì rồi Mỹ sẽ thúc đẩy cho có dân chủ. Bởi vì Ai Cập là một thí dụ trước mắt. Mỹ ủng hộ lật đổ tổng thống Hosni Mubarak là người mà Mỹ đã tận tình viện trợ cho nắm quyền độc tài 3 thập niên, nhắm mắt theo chính sách Mỹ Do Thái, để mà có thể tham nhũng thối nát theo như báo Mỹ tố giác lúc bị lật đổ. Rồi ủng hộ cuộc bầu cử tổng thống Morsi, và tiếp theo là ủng hộ tướng Abdel Fatah al Sisi lật đổ Morsi và trở thành tổng thống độc tài hiện nay. Iraq cũng không khác mấy. Mỹ đã bỏ ra nhiều tỉ đô la giúp cho ông Nouri al Maliki để làm thủ tướng trong 8 năm, rồi đòi Maliki ra đi cho kỳ được vì Maliki độc tài, để ủng hộ Haider al Abadi, không bị giới hạn thời gian phục vụ vân vân và vân vân. Iraq tiếp tục đang trong tình trạng hỗn độn, giết chóc, phân hoá, kéo dài từ sau khi tổng thống Bush con quyết định cho quân vào Iraq để gọi là dẹp Saddam Hussein độc tài do chính Mỹ dựng nên, và thiết lập một nước Iraq dân chủ điển hình làm khuôn mẫu cho thế giới Ả Rập ở Trung Đông. Và đúng như thế, tình hình Iraq, Syria, Afghanistan, Ai Cập, Lybia, Palestine, Gaza đang giống nhau không phải là ở chỗ ổn định thịnh vượng, mà là máu đổ thịt rơi nhà tan cửa nát, gọi là vì tự do dân chủ, kéo dài, chưa biết bao giờ chấm dứt.
Đến đây thì chương trình bcts hôm nay phải tạm ngưng. Xin kính chào tạm biệt quý vị thính giả. Chào NK. Chào TV. Xin hẹn gặp lại quý vị và các bạn trong một kỳ bcts kế tiếp.
13/NK Xin kính gửi lời chào tạm biệt tới quý vị thính giả đã theo dõi chương trình BCTS hằng tuần với Bs TXN, TV và NK ngày hôm nay. Xin kính chào Bs N và thân kính chào chị TV.
14/ TV kính chào BS N, anh NK, và thân ái kính chào tạm biệt quý vị thính giả cùng các bạn toàn cầu đang theo dõi chương trình BCTS. Xin kính chúc quý vị một July 4 và những ngày cuối tuần thật vui, sống động, và như ý.