1/TXN. Kính chào quý vị thính giả. Chào Nguyên Kim. Chào Tuệ Vân. Chúng ta bắt đầu chương trình bcts hôm nay bằng một chuyện xẩy ra ở Mỹ và chỉ liên quan đến người Mỹ, nhưng đã tạo nên những bình luận trên truyền thông toàn cầu. Đó là vào tối ngày 17 tháng 6/2015, Dylann Roof, một thanh niên da trắng 21 tuổi, đã xông vào một lớp thánh kinh đang diễn ra trong nhà thờ Emanuel African Methodist Episcopal Church ở trung tâm thành phố Charleston, tiểu bang South Carolina, xả súng bắn chết 9 người da đen gồm có 6 đàn bà, 3 đàn ông. Trong số này có vị mục sư mà cũng là thượng nghị sĩ quốc hội tiểu bang. Một tin khác hay hay là Ấn độ trong thời gian gần đây tuy nổi tiếng vì những trường hợp hiếp dâm được đưa lên trên truyền thông thế giới, nhưng lại không phải là nước đứng đầu về hiếp dâm trên thế giới. Nước nào đứng đầu, xin mời các bạn đoán thử.
2/ Trước hết NK xin kính gửi lời chào quý vị thính giả đang theo dõi chương trình BCTS với bs TXN, TV và NK ngày hôm nay. Xin kính chào bs N và thân kính chào chị TV. Chuyện kỳ thị chủng tộc tại Mỹ, đặc biệt là giữa người Mỹ da đen và da trắng, tưởng đã chấm dứt sau những cuộc đấu tranh chống kỳ thị từ thập niên 1960, với những đạo luật coi kỳ thị chủng tộc là phạm pháp và sửa chữa những chênh lệch do sự kỳ thị quá khứ gây ra, về phương diện kinh tế, giáo dục, y tế vân vân. Đặc biệt là từ năm 2008 sau khi ông Obama, thân phụ người Kenya, thân mẫu da trắng, được bầu làm tổng thống thì Nguyên Kim nghĩ là kỳ thị chủng tộc đã hoàn toàn chấm dứt. Nhưng mà không ngờ là nó vẫn còn, mà có vẻ là gia tăng, qua những chuyện đối xử hung bạo của cảnh sát tại Fergusson, New York, Baltimore, Texasvân vân, gây nhiều phản ứng rộng rãi trên nước Mỹ, và đến chuyện Charleston này thì lại có những bàn tán rộng rãi trên toàn cầu. NK tự hỏi bao giờ thì tình trạng này chấm dứt, và làm cách nào chấm dứt, để cho nước Mỹ có thể tiếp tục là nước cường thịnh làm gương mẫu cho thế giới.
3/ TV kính chào BS N, anh NK, và thân ái kính chào quý vị thính giả cùng các bạn toàn cầu. Đọc những bình luận quanh vụ này thì TV thấy rằng dù sao nước Mỹ vẫn được ưa thích mặc dầu đã và đang phải đối đầu với những khó khăn đủ loại, mà kinh tế tài chính là vấn đề lớn trong vài năm gần đây, đặc biệt là từ sau cuộc khủng hoảng năm 2008. Chuyện Dylann Roof chỉ là một biểu hiện xã hội mà TV nghĩ là sẽ còn xẩy ra tiếp tục, ở những mức độ trầm trọng khác nhau, tùy theo hoàn cảnh và các cá nhân liên hệ. Trong trường hợp Roof thì TV nghĩ người này là một thanh niên da trắng được nuôi dưỡng trong một môi trường với truyền thống kỳ thị, coi thường da đen, cho nên có những định kiến về người da đen, và anh ta đã làm một trang điện tử đề cao sự kỳ thị, ca tụng các nước kỳ thị là Nam Phi và Rhodesia và trương cao cờ của các tiểu bang miền Nam chủ trương duy trì chế độ nô lệ trong cuộc chiến tranh giữa hai miền Nam và Bắc Mỹ. Bên cạnh cái lối nhìn kỳ thị anh ta lại có mối lo là người da đen sẽ chiếm hết nước Mỹ, đưa đến ý định đem súng vào nhà thờ da đen bắn chết những người đang học kinh thánh. TV được biết rằng nhà thờ này là nhà thờ lịch sử của người da đen, mà một trong nhũng người da đen sáng lập ra và có toan tính nổi loạn chống chế độ nô lệ đầu thế kỷ thứ 19 đã bị bắn chết. Mục sư nhà thờ hiện nay là một nhân vật Mỹ da đen có uy tín, là thượng nghị sĩ tiểu bang South Carolina, và từng có những liên lạc tiếp xúc với các giới chức lãnh đạo cao cấp nhất Hoa kỳ, như tổng thống Obama, bà Hillary Clinton. Cho nên đó cũng có thể là một yếu tố giải thích sự lo sợ thế lực người Mỹ da đen của Roof và dẫn y đến hành động điên cuồng sát nhân.
4/TXN. Cái luận điểm Dylann Roof sợ người da đen chiểm lĩnh nước Mỹ và thế giới là luận điểm được nêu ra bởi một giáo sư sử học người miền Nam, để mà giải thích hành động sát nhân của Roof. Mối lo sợ này cũng được gán cho nhiều người Mỹ trắng ở các tiểu bang kỳ thị truyền thống ở miền Nam, làm mờ đi cái tính chất kỳ thị mầu da của họ. Theo tôi nghĩ thì đây có thể là luận điểm mà các luật sư sẽ dùng để bào chữa cho Roof, đồng thời gán cho sự lo sợ này cái tính chất quá đáng của một người bệnh tâm thần để tránh cho y tội tử hình mà thống đốc tiểu bang South Carolina đã đề nghị, bởi vì một lúc giết 9 người vô tội không có lý do. Người ta đã thấy các ý kiến đầu tiên có vẻ như thuận lợi cho Roof thí dụ như nêu ra rằng không nên xử tử hình vì sẽ làm tốn tiền bào chữa vì phải xem xét hồ sơ qua lại kéo dài. Ngoài ra thì ngay ông toà da trắng trong vụ cũng đã kêu gọi nên có cảm thông với gia đình Roof. Theo tôi, vấn đề tử hình Roof hay không chỉ là chuyện nhỏ. Bởi vì nó chỉ làm chết hay sống một cá nhân, trong khi đó thì vấn đề quan trọng hơn là chuyện kỳ thị và những biểu hiện kỳ thị trong xã hội, mới là yếu tố cần giải quyết để cho nước Mỹ tiếp tục thịnh vượng. Trong vụ này thì có vẻ như vấn đề kỳ thị sẽ không giải quyết được một cách rốt ráo, bởi vì các nhà chính trị, đặc biệt là các ứng viên tranh cử tổng thống Mỹ vào năm 2016 đã lấy thái độ chính trị không đụng chạm, nghĩa là né tránh, hoặc là có những tuyên bố mị dân để mà lấy phiếu.
5/NK. Có lẽ điều bác sĩ N nêu ra đặc biệt là đúng với các ứng viên Cộng hoà, là những người nói chung có quan điểm bảo thủ, nhắm vào đám quần chúng Mỹ trắng thủ cựu. Như thượng nghị sĩ Ted Cruz và Jeb Bush đã đẩy cây, nói rằng quyết định treo cờ các tiểu bang miền Nam ở quốc hội tiểu bang là do dân chúng tiểu bang South Carolina định đoạt, người ngoài không nên dính vào. Ứng cử viên Scott Walker thống đốc tiểu bang Wisconsin thì lập trường cũng như vậy, nhưng nói kiểu khác, rằng vấn đề treo cờ sẽ tạo ra một cuộc tranh luận lành mạnh trong giới lập pháp. John Kasicz, tuy cho rằng để dân chúng quyết định, nhưng không ngại đưa ra ý kiến của mình, vì nói rằng cá nhân ông nếu là dân South Carolina thì sẽ bỏ treo cờ các tiểu bang miền Nam đi.
Theo NK nghĩ thì thảo luận về treo hay không lá cờ tại quốc hội tiểu bang là đi chệch ra ngoài vấn đề chủ yếu trong vụ Dylann Roof bắn giết những người da đen ở nhà thờ lịch sử của người da đen ở Charleston, mà tóm lại thì chỉ là một hành động kỳ thị, căm thù chủng tộc, và ít có chính trị gia nào nói thẳng ra. Bởi vì lá cờ không chỉ có là tượng trưng của chế độ nô lệ, mà còn có những ý nghĩa lịch sử khác, tùy theo góc nhìn của người nhận định. Bàn cãi về những điều này là sẽ kéo dài vô tận, trong khi vấn đề chính là sự kỳ thị nó ở trong lòng mỗi người. Mà điều này thì do nhiều yếu tố thực tế và cụ thể tạo thành. Thí dụ như nhiều người ngại vào khu da mầu với các sắc tộc thiểu số vì ở đó hay xẩy ra bắn giết và cướp giật chẳng hạn.
6/TV.Trong vụ này thì chỉ có bà Hillary Clinton là có lợi vì bà đã nhân cơ hội lên tiếng mạnh mẽ khẳng định sự phân cách mầu da vẫn còn (là một điều mà ai cũng biết, nhưng không nói ra) và nêu ra nhu cầu sửa đổi luật kiểm soát xử dụng võ khí mà bà chủ trương, nhưng đã bị hội Liên hiệp võ khí quốc gia (National rifle association) chống đối quyết liệt với sự ủng hộ của đảng Cộng hoà. Về vấn đề kỳ thị này, nếu bà Clinton đã mạnh miệng thì chỉ là vì bà biết rõ lập trường đòi giới hạn võ khí là của đa số cử tri ủng hộ bà gồm những sắc tộc thiểu số nói chung, da đen nói riêng, và bà không thể nào tranh thủ những cử tri da trắng thủ cựu các tiểu bang miền Nam, và những tín đồ của Tea Party và Sarah Palin vân vân…
7/TXN. Tôi đồng ý với NK rằng bàn cãi về lá cờ các tiểu bang miền Nam là đi chệch ra ngoài vụ Dylann Roof bắn chết 9 người da đen, mà cốt lõi chỉ là vì đầu óc kỳ thị mầu da của anh thanh niên da trắng này. Roof đã choàng lên trang điện tử của anh ta lá cờ các tiểu bang miền Nam và do đó đã lôi lá cờ vào. Các nhà chính trị đã nép vào đó để tránh kết án thủ phạm là chuyện có thể đụng vào những người da trắng thủ cựu miền Nam. Và cũng để tránh nêu thẳng ra vấn đề kỳ thị mầu da còn tồn tại cho tới nay. Một số công ty và hãng buôn như Walmart, Amazon, eBay vân vân cũng bỏ lá cờ sang bên để tránh bị lôi vào những tranh cãi chính trị có ảnh hưởng đến túi bạc. Theo tôi, nhảy sang thảo luận về vấn đề giới hạn xử dụng võ khí cũng là đi chệch sang bên, mà mục đích chỉ là vì lý do tranh cử. Tóm tắt lại thì kỳ thị là vấn đề trong lòng nhiều người, khó mà gỡ bỏ, nhưng cần phải thấy ra như thế và nói ra như thế. Còn nếu như không tiện nói ra thì chỉ cần là làm sao cho các hành động kỳ thị không thể xẩy ra vì bị ngăn chặn bởi các biện pháp luật pháp hay hành chính và xã hội. Phản ứng đầu tiên của các nhà chính trị đảng Cộng hoà là đã coi vụ bắn giết như là nhắm vào tôn giáo, rồi sau mới chuyển sang vấn đề chế độ nô lệ và lá cờ, là điều không thể tránh khỏi, rồi sau nữa mới nói thẳng ra rằng hành động của Dylann Roof là kỳ thị chủng tộc (như thống đốc Walker), và vì lý do thù hận chủng tộc – racial hatred - (như thượng nghị sĩ Marco Rubio).
8/NK. Theo tin từ VN thì Nguyễn Phú Trọng sẽ sang thăm Mỹ trong hai ngày 7-9/7/2015, và được tổng thống Mỹ đón tiếp tại Bạch cung. Đài RFA Á châu tự do đã loan đi một bài viết của nhà văn Võ Thị Hảo ở trong nước, nhan đề:
TBT Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ: Trong va li có một con rắn Trung hoa? Tác giả cho rằng nếu mà ông Trọng liên minh thực sự với Mỹ để bảo vệ và phát triển đất nước, giải tán Đảng cộng sản VN, thiết lập thể chế dân chủ tự do đa nguyên, thì sẽ rửa được tiếng nhơ bán nước cho TQ để giữ quyền lực. Còn nếu không, mà hành động tương tự như bí thư thành ủy Hà nội Phạm Quang Nghị năm 2014, trong chuyến đi Mỹ do thượng nghị sĩ John McCain mời sang Mỹ thì “tai tiếng cõng rắn về cắn gà nhà“ của ông và giới cầm quyền tham nhũng VN thật ngàn năm khôn rửa”. Võ thị Hảo cũng cho rằng việc Mỹ bỏ cấm vận vũ khí và cho VN vào TPP cũng mạnh tương tự như chuyện thần Kim Quy cho An dương Vương chiếc nỏ thần để phá giặc. NK tự hỏi điều gì đã khiến Võ thị Hảo khẳng định như vậy? Và có thực rằng TPP có sức mạnh cứu nước như chiếc nỏ thần của An dương vương chăng? Và Vũ thị Hảo cảnh giác rằng Mỹ phải cẩn thận đừng để cho Nguyễn phú Trọng vờ thân thiện với Mỹ để lấy nỏ thần về giao nộp TQ bắn vào Mỹ.
9/TV. Theo TV thì nhà văn Võ thị Hảo đã nghĩ trên tiền đề là liên minh với Mỹ thì sẽ không còn độc đảng CS, sẽ có đa nguyên đa đảng và có tự do dân chủ, bởi vì Mỹ sẽ làm cho VN như thế, thúc đẩy giới lãnh đạo VC làm như thế, trong cái khuôn khổ chiến lược của Mỹ là luôn luôn kêu đòi tự do dân chủ trên thế giới. Điều này đúng trong thời chiến tranh lạnh, khi mà thế giới CS mà đứng đầu là Liên Sô Trung quốc thihành toàn trị chuyên chính vô sản, kinh tế tập trung, giao thông giới hạn sau những bức màn tre màn sắt. Thời đó, thực hiện quan niệm chính trị tự do dân chủ cộng với sự viện trợ kinh tế và quân sự, Mỹ đã giữ được một số các nước tiểu nhược, trong đó có Việt Nam cộng hoà khỏi bị lôi vào cái chiêu bài chống thực dân đế quốc của Liên Sô Trung quốc, mà đứng nguyên trong thế giới tự do của Mỹ đứng đầu với sự đồng tình của các đồng minh Tây phương. Khi mà Mỹ không thấy còn nhu cầu ngăn chống bành trướng của chủ nghĩa CS nữa, mà chuyển sang sống chung hoà bình và khai thác thị trường lớn của thế giới CS, bắt đầu từ vài nước Đông Âu và Trung Cộng, thì thế giới tự do không còn, và VNCH sụp đổ. Tự do dân chủ đã chỉ còn là chiêu bài cửa miệng, vì khai thác thị trường không đòi hỏi tự do dân chủ. Thí dụ cụ thể là sự hợp tác làm ăn của tư bản Mỹ và thế giới với TC đã làm cho chế độ TC ngày càng mạnh hơn, và trở thành đối tác ngang hàng như ta đã thấy. Cho nên, TV không thấy nhất thiết rằng Obama mời Nguyễn phú Trọng sang Mỹ là để thúc đẩy cho NPT và lãnh đạo VC thay đổi thể chế chính trị thành tự do dân chủ, mà TV nghĩ rằng chủ yếu là để thoả thuận về một số quy ước hợp tác làm ăn buôn bán, cho dù cho NPT có theo Tầu hay không.
10/TXN. NPT là tổng bí thư đảng CSVN, theo nguyên tắc thì không phải là một nhân vật chính quyền chính thức. Khi mà một lãnh đạo quốc gia hay một nhân vật chính trị chính phủ cao cấp gặp một lãnh tụ đảng chính trị ngoại quốc thì chỉ có ý nghĩa để khuyến khích, bày tỏ sự tán thành lập trường của người này. Như trường hợp ông Obama gặp bà Aung sang Suu Kyi trong chuyến đi thăm Miến điện thì có nghĩa rằng ông tán thành khuyến khích những hành động đấu tranh của bà Suu Kyi. Ông Obama tiếp đón chính thức NPT ở Bạch cung có nghĩa là chúng tôi chấp nhận làm việc với cái thể chế chính trị quy ước của các ông, là “đảng lãnh đạo nhà nước quản lý”. Chuyện này là xác định lại cái thông điệp đã được đưa ra bởi bà Hillary Clinton hồi làm ngoại trưởng cho ông Obama khi đi dự hội nghị Asean mà ghé qua Hà nội gặp Nguyễn Phú Trọng tháng 7 năm 2012, mà tin chính thức là để đẩy mạnh ký kết hiệp ước TPP vào cuối năm đó. Và cũng để tỏ rằng chúng tôi không để ý đến chuyện bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, một nhân vật trong bộ chính trị VC kể là có tương lai sáng giá, đã làm ê mặt thượng nghị sĩ John McCain khi được ông này mời sang Mỹ năm 2014, với tấm hình McCain bị bắt. Với cái nền đó, tôi không thấy có nhiều thay đổi chính trị gì từ Nguyễn Phú Trọng, mà chỉ là như TV thấy, nếu có, là thoả thuận tổng quát về một số quy ước ứng xử chính trị cũng như kinh tế. Võ Thị Hảo là một nhà văn ở Hà nội cho nên không tránh khỏi cái hoang tưởng của nhà văn, ngoài ra thì bà cũng không có những kinh nghiệm sống và điều kiện để thấu hiểu sự vận hành chính trị của Hoa kỳ và thế giới tư bản, cho nên mới nghĩ TPP là “chiếc nỏ thần” mà Mỹ cho VC. Thêm nữa thì bà VTH cứ tưởng rằng Mỹ và TC là hai kẻ thù không đội trời chung như thời chiến tranh lạnh, mà thực tế là chuyện đó đã qua rồi. Hai bên chỉ còn là đối tác thương mại kinh tế, tuy rằng là có những cạnh tranh với nhau. Mà trong thương mại với kinh tế thì chính trị để sang bên, bởi vì chỉ có tiền là đáng kể, bất kể tiền đó là từ thằng cướp của giết người hay của người bỏ sức lao động lương thiện ra mà kiếm được.
11/ NK muốn thêm một ý kiến nhỏ về mối bang giao hiện nay giữa TC và Mỹ. Nó cho thấy tình hình như bác sĩ N nói là Mỹ với TC không còn là kẻ thù một mất một còn. Tin tức cho biết là trong tuần này, từ thứ hai 22 tháng 6, hàng trăm viên chức ngoại giao TC và Hoa Kỳ đã dự họp hội nghị Đối thoại chiến lược và kinh tế lần thứ 7 tại Washington DC. Hội nghị đã diễn ra từ thứ hai 22 đến 24 tháng 6. Đọc diễn văn khai mạc vào ngày thứ hai, phó tổng thống Biden nói “Chúng ta sẽ không thể giải quyết hết mọi vấn đề trong hội nghị này, nhưng chúng ta phải quyết tâm làm việc tìm giải pháp.” Và “Mối quan hệ TQ và Mỹ là rất quan trọng. Không phải chỉ có chúng ta tùy thuộc vào đó, mà cả thế giới cũng tùy thuộc vào sự thành công chung giữa chúng ta”. TQ cũng ngỏ ý muốn có quan hệ xây dựng với Mỹ. Phó thủ tướng TC Uông Dương đồng ý rằng Bắc Kinh và Washington không đồng ý về mọi vấn đề. Nhưng nhấn mạnh rằng : “đối đầu là một cuộc đấu tổng số âm” và “đối thoại luôn luôn là hơn đối đầu”. Các vấn đề thảo luận là an ninh mạng điện tử, vấn đề giao thông hàng hải, vấn đề khí hậu và môi trường. Và cả hai phía đều nhấn mạnh đến những điểm đồng ý để làm việc chung. Thành ra những ý kiến cho rằng Mỹ và TQ sẽ đối đầu ở VN là chuyện hoang tưởng. Ở đây, NK muốn nhắc lại một đặc điểm mà chương trình bàn chuyện thời sự đã nêu ra trong tình hình toàn cầu hiện nay là vòng kín “đối thoại, hợp tác, cạnh tranh, đối đầu, đối thoại”.
12/TV. Có một bản tin trên báo điện tử Dân trí trong nước chuyển đến cho TV nhiều lần từ các giới giang hồ điện tử. Đó là tin “Bà Phan Thị Kim Hoa, 55 tuổi (ngụ ấp Thạnh Lạc Đông, Thạnh Nhựt, Gò Công Tây, Tiền Giang) hàng ngày chạy xe ra chợ Vĩnh Bình ngồi bán chuối, trứng vịt và một số món lặt vặt khác kiếm sống. Suốt mười mấy năm buôn bán, bà chỉ mong có đủ tiền nuôi 4 đứa con đang tuổi ăn, tuổi học. Đùng một cái, người dân ở chợ quê này bất ngờ khi biết tin bà có bằng Cử nhân Luật.
Câu chuyện học để biết luật của bà là cả một quá trình gian nan để đòi lại công bằng cho đứa em trai bị người ta đánh chết nhưng tòa xử không thỏa đáng. Bà Hoa tâm sự: “Trước đây tôi có đi học nhưng chỉ mới lấy bằng tốt nghiệp cấp 3 sau đó làm giáo viên mầm non, đến năm 1994 kinh tế gia đình khó khăn nên tôi nghỉ ra chợ bán lặt vặt để kiếm tiền nuôi 4 đứa con ăn học”. Bản tin chuyển đi có kèm theo hình của bà Hoa lúc bán hàng ở chợ và lúc lấy bằng ở đại học Cần Thơ. Có vẻ như những người chuyển tin cho rằng chuyện này là đặc biệt lắm. Bác sĩ N và anh NK nghĩ sao?
13/NK. Đã đi làm và lớn tuổi như bà Kim Hoa mà có bằng cử nhân luật thì thấy cũng hiếm có, nhất là ở VN. Tuy nhiên vì quyết tâm giải quyết chuyện oan khuất cho em bị đánh chết, cho nên mình cũng có thể hiểu được nỗ lực của bà Hoa. Nhưng khi mà cái nỗ lực này chấm dứt ở chỗ mang áo mũ tề chỉnh lãnh bằng thì NK thấy nó giống như một câu chuyện đầu voi đuôi chuột, bởi vì mục tiêu của sự học luật chưa tới. Ngoài ra thì NK lại nghĩ thêm rằng tình trạng VN hiện nay bằng “rổm” là vô số. Các nhân vật quyền thế trong chế độ ai cũng đều có bằng cả, có người như nguyên bộ trưởng giáo dục Nguyễn Thiện Nhân có bằng tiến sĩ ở bên Đức, mà rút cục mới đây người ta khám phá ra bằng tốt nghiệp của Nguyễn thiện Nhân có trước khi trường thành lập. Thành ra NK bị sìu vì chuyện bằng cử nhân luật của bà Kim Hoa ở trường đại học Cần thơ, hệ đào tạo từ xa.
Thời giờ không còn nhiều, đến đây NK muốn bác sĩ N trả lời cho biết câu mà bác sĩ hỏi lúc ban đầu vào chương trình hôm nay, là nước nào đứng đầu về hiếp dâm trên thế giới. NK chịu, nghĩ không ra, nếu không phải là Ấn độ.
14/TXN. Tôi cũng không biết, nếu không đọc tin thì tôi cũng tưởng là Ấn độ. Nước đứng đầu thế giới Tây phương về hiếp dâm là Thụy điển. Bởi vì theo như một tin BBC trên mạng điện tử mới đây thì Thụy điển được gọi là ‘thủ đô hiếp dâm của Tây phương’ (rape capital of the West). Nước này được kể là có đời sống xã hội cao và ổn định và tự do mà nhiều người hướng về và ngưỡng mộ như mô hình lý tưởng của chính sách tự do dân chủ Tây phương. Tin cho biết là mới đây, tại thủ đô Stockholm của Thụy điển nhà thương Södersjukhuset cho biết sẽ mở ra một khu khẩn cấp dành cho các người thuộc nam giới bị hiếp dâm, bắt đầu nhận bệnh từ tháng 10/2015. Bởi vì theo như một nghiên cứu thì năm 2014 có 370 đàn ông con trai bị hiếp dâm mà không biết đi đâu để được giúp đỡ điều trị. Và bởi vì hiếp dâm nam giới là một vấn đề bị né tránh không nói tới và người ta không tin rằng nam giới lại bị hiếp dâm. Hiện nay, bệnh viện đã có một khu khẩn cấp dành cho nữ phái, tính trung bình nhận hàng năm từ 600 đến 700 nạn nhân bị hiếp dâm. Năm 2011 có 29,000 phụ nữ bị hiếp nhưng chỉ có 6.620 người trình cảnh sát. Thụy điển được kể là thủ đô hiếp dâm phương Tây mà đứng sau Lesotho ở phía nam châu Phi, đứng đầu với con số 53.2 /100,000 người bị hiếp theo thống kê năm 2010. Lesotho là một nước nhỏ chỉ có diện tích 30,000 km2 với trên 2 triệu dân, mà 90% là người Thiên chúa giáo. Lesotho là nước bao quanh bởi nước Nam Phi. Tại các thành phố, 50% phụ nữ dưới 40 tuổi là bị bệnh AIDS (liệt kháng thụ nhiễm). Nếu biết rằng 85% dân chúng trên 14 tuổi là có học và phụ nữ có học là 95%, cao hơn đàn ông có học, thì người ta không thấy có sự liên quan giữa học thức và tôn giáo với vấn đề tình dục ở Lesotho.
Đến đây thì chương trình bàn chuyện thời sự phải tạm ngưng. Xin kính chào tạm biệt quý vị thính giả. Chào TV. Chào NK và cám ơn hai bạn. Xin hẹn gặp lại quý vị thính giả và các bạn trong một chương trình bàn chuyện thời sự kế tiếp.
15/ NK Xin kính gửi lời chào tạm biệt tới quý vị thính giả đã theo dõi chương trình BCTS hằng tuần với Bs TXN, TV và NK ngày hôm nay. Xin kính chào Bs N và thân kính chào chị TV.
16/ TV kính chào BS N, anh NK, và thân ái kính chào tạm biệt quý vị thính giả cùng các bạn toàn cầu đang theo rõi chương trình BCTS.