1/TXN. Kính chào quý vị thính giả.Chào ĐT. Chào NK. Có một chuyện nhỏ cá nhân bên Tây, nhưng tôi nghĩ nên đem ra thảo luận hôm nay,vì có liên hệ tới vụ tuần báo trào phúng Charlie Hebdo bị tấn công khủng bố hồi tháng giêng, đã khiến truyền thông thế giới ồn ào bàn tán về vấn đề tự do ngôn luận tuyệt đối. Đó là họa sĩ Luzier, bút danh Luz, người đã vẽ hình giáo chủ Mohammed chẩy nước mắt khóc trong tờ báo tái bản sau vụ tấn công toà báo tháng giêng 2015, tuyên bố sẽ từ chức, rút lui khỏi báo Charlie Hebdo vào tháng 9, vì ông bị “lo sợ, hoảng hốt, nghi ngại”, từ bấy đến nay và mỗi số báo là “một cực hình”, và vì “giáo chủ Mohammed không còn khiến ông lưu tâm nữa. Các bạn thấy sao?
2/ Trước hết NK xin kính gửi lời chào tới quý vị thính giả đang theo dõi chương trình BCTS hằng tuần với Bs TXN, chị ĐT và NK. Xin kính chào Bs N và thân kính chào chị ĐT. Hoạ sĩ Luz sợ hãi, hốt hoảng, nghi ngại và rồi ngưng vẽ biếm hoạ giáo chủ Mohammed không phải là điều lạ, theo suy nghĩ của NK. Vì sau chót thì cũng phải thấy rằng tiếp tục tấn công bôi bác giáo chủ của một tôn giáo nhân danh tự do ngôn luận tuyệt đối, bất chấp mọi chống đối quyết liệt của các tín đồ, là điều khó tiếp tục, trừ trường hợp chính mình coi tôn giáo đó là kẻ thù, cần phải tấn công tiêu diệt. Vì theo NK nghĩ thì cái tự do của mình phải bị giới hạn bởi sự tự do của người khác.
3/ ĐT xin kính chào tái ngộ quý vị thính giả. Xin kính chào BS Ninh và anh Nguyên Kim. Thưa các vị, trong vụ từ chức này, ĐT nghĩ còn có yếu tố khác nữa. Là yếu tố tranh chấp tiền bạc. Tin cho biết rằng, sau khi báo Charlie Hebdo bị tấn công thì đã có nhiều nguồn tài trợ gửi đến cho tờ báo. Con số ủng hộ lên tới trên 4,8 triệu đô la. Gần đây thì một bài viết trên báo Le Monde ký tên 15 nhân viên báo Charlie Hebdo yêu cầu tất cả các nhân viên toà báo phải là các cổ phần viên đồng đều của báo và cảnh báo rằng tờ báo đang trở thành “bị đầu độc” bởi số tiền lớn đột nhiên đổ vào chiếc két sắt trống rỗng của báo.
4/ TXN. Trong số những người chủ trương tự do ngôn luận tuyệt đối này thì có một nhân vật đặc biệt là dân cử Hoà Lan Geert Wilders thuộc đảng Tự do Hoà Lan, thiên hữu, với 12 ghế trong tổng số 150 ghế quốc hội Hoà Lan. Ông này là người quyết liệt chống Hồi giáo và chống di dân vào Hòa Lan. Ông viết “Tự do ngôn luận phải luôn luôn thắng bạo lực, khủng bố và doạ nạt”. Ông đã tham dự vào một cuộc triển lãm tranh biếm hoạ giáo chủ Mohammed ở Texas cách đây không lâu. Cuộc triển lãm này đã có hai kẻ tấn công và bị bắn chết. Ông dự tính sẽ cho trình chiếu những hình biếm hoạ giáo chủ Mohammed trong một chương hình truyền hình 3 phút sắp tới đây, và ông cũng sẽ để chương trình này lên You tube. Ông đã kêu gọi tín đồ Hồi giáo bỏ những đoạn ông cho là“giảng dậy căm thù” trong thánh kinh Hồi giáo Koran. Ông thường xuyên được cảnh sát bảo vệ vì những đe doạ sẽ giết ông. Quả là một người sống chết với niềm tin ở tự do ngôn luận tuyệt đối của mình.
5/ NK chỉ muốn thêm một nhận xét nhỏ về ông Wilders. Là ông chủ trương tự do ngôn luận tuyệt đối, nhưng lại kêu gọi dân Hồi giáo bỏ những đoạn ông cho là “kêu gọi căm thù” trong thánh kinh Hồi giáo là sao? Đã gọi là tự do ngôn luận tuyệt đối thì nói gì cũng được mới phải chứ?
6/ ĐT. Tự do ngôn luận tuyệt đối là tự do ngôn luận tuyệt đối cho mình thôi, anh NK ơi.
7/ NKxin đi sang một vấn đề thời sự khác. Bạn bè giới giang hồ điện tử chuyển cho NK xem một thư điện tử tiêu đề “Thời trang lễ chùa 2015” thật hấp dẫn. Thư chỉ có ba chữ ngắn gọn “hết thuốc chữa”. Ngoài ra là trên một chục tấm hình mầu một số bậc con cháu nhà nữ cách mạng Nguyễn thị Minh Khai, đang ở vị trí lễ Phật trong chùa. Mở đầu là một cô gái ăn mặc khêu gợi áo váy khêu gợi, kiểu cọ sặc sỡ, giây nhợ chằng chịt ngồi lễ trước bàn thờ Quan Thế Âm Bồ tát. Kế đó là một cộ gái đứng lễ, y phục đơn giản kiểu con nhà nghèo thiếu vải, quần cụt, ngắn cũn cỡn. Chỗ thắt lưng vừa tới ngấn bụng dưới. Chiều dài chiếc quần từ thắt lưng đến gấu quầnlùi xùi như là xé chứ không phải cắt, dài chừng một gang tay. Người đẹp thứ ba mặc quần đen, son phấn loè loẹt, đầu vấn khăn đỏ che vải vàng, với chiếc áo khoác ngoài mỏng như cánh ve sầu trong suốt cho thấy rõ đôi gò bồng đảo dưới chiếc nịt vú đen nổi cộm. Người thứ tư đang ngồi bệt lễ Phật thì đầu vấn khăn đỏ, đuôi mặc quần đỏ, giữa vận áo the đen bó sát cơ thể. Người thứ năm kín đáo hơn đứng trước bàn thờ, thân hình bị ở khoả giữa bởi một cái yếm kiểu mới mầu đỏ hoa quỳ, còn để hở vai hở lưng . Người thứ sáu đi giầy cao gót hạng nhất, quần đùi đen tổng cộng dài một gang tay, ngực che bởi một cái nịt giây nhợ chằng chịt, hấp dẫn đến độ khiến hai người đàn bà phải quay lại ngó. Người thứ bẩy thì nghiêm chỉnh quỳ rập đầu xuống sát đất lạy bàn thờ, mà quên không nghĩ tới phía sau chiếc quần mầu mè tươi sáng theo thời trang để lồ lộ suốt từ thắc lưng xuống tới dưới khe xương cùng. Cái thư này NK đã chuyển cho bác sĩ N và chị ĐT rồi, NK tả ít chắc hai vị hiểu nhiều. Chỉ có điều NK hơn thắc mắc là người chuyển thư đầu tiên kèm ba chữ “hết thuốc chữa” thì vị này có ý nói đây là chữa bệnh gì?
8/ĐT. Theo ĐT nghĩ thì ba chữ này chỉ có nghĩa là “không thể có ý kiến gì nữa”, “không nói gì được nữa”. Tình trạng đã đến chỗ gọi là “tận cùng bằng số” rồi. Có người nặng đầu óc chính trị thì sẽ cho là bệnh xã hội chủ nghĩa biến thái. Bởi vì những người trong hình là con cháu bác Hồ, mà bố mẹ của chúng đã được bác và đảng xây dựng giáo dục trong mấy chục năm toàn trị chuyên chính vô sản, mà thành con người mới xã hội chủ nghĩa. Rồi những con người mới này kể từ khi đổi mới mở cửa ra ngoài chạy theo kinh tế tư bản thì mới biến thái. Kết hợp sự tin tưởng tôn thờ quyền năng huyền bí với hình thái vật chất tiêu thụ Âu Mỹ tràn vào. Đây là một cách phân tích tổng quát có phần hữu lý, nhưng mà vấn đề này có thễ nhận định dưới nhiều góc cạnh khác nữa.
9/TXN. Nhìn những con người ăn mặc hở hang vào chùa lễ Phật trong những tấm hình thì tôi chỉ có hai điều nhận xét. Một là những người này chỉ là những người ăn mặc theo thời trang, để lôi cuốn sự chú ý của người khác, đặc biệt là nam giới. Đây không phải là chuyện bất thường. Xã hội nào, thời nào thì cũng thế. Hai là những người này không có một ý thức rõ rệt nào về chùa, về Phật. Họ chỉ vào chùa lễ lậy là để cầu phước, cầu an, cầu tài, cầu siêu vân vân. Nếu họ đã ăn mặc hở hang thì chỉ là vì họ không thấy xấu. Khi không thấy xấu thì vào lậy bàn thờ trong y phục đó họ không thấy gì là sai trái. Tóm lại thì hiện tượng xẩy ra trong các bức hình chỉ là biểu hiện của hai sự kiện, là sự đua đòi thiếu hiểu biết và sự mê tín.
10/NK. Sự thiếu hiểu biết và mê tín mà bác sĩ N nói không chỉ có biểu hiện ra trong những tấm hình, mà nó còn trong nhiều trường hợp khác ở trong nước. Một bài viết ký tên Hoàng Xuân từ Sài gòn gửi cho BBC tiếng Việt có viết như sau: “Cách đây mười mấy năm, có hôm tôi đi về tối thấy trên góc phố Hàng Bột (nay là đường Tôn Đức Thắng) đoạn cắt với phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội, ngay trên lề đường sáng trưng nhang đèn, người đông đen khấn vái xì xụp.”
Hỏi thì biết đoạn ấy ngày xưa gọi là miếu hai cô, thờ hai cô gái nghe đồn là lao đầu vào xe điện chết hồi đầu thế kỷ 20. Đến tận năm ngoái, thành phố cho rước bát hương vào đền thờ và phá bục thờ ở lề đường đi, quây rào và cho người túc trực ở đó, dân vẫn đến cúng vái”.
Và tác giả kể thêm: Một con rắn dạn dĩ ở Hà Giang, một hòn đá hình dạng khác lạ ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội, một cái cây mọc tán lá hiếm thấy... ngay lập tức, một đám đông từ xa lắc mò tới, vái lạy.
Thậm chí mua xe hơi cũng phải có bài cúng bài bản, gồm cả đồ chay lẫn đồ mặn và nhất thiết không được thiếu bộ quần áo tế thay người lái, tùy giới tính chủ nhân mà mua đồ nam hay nữ.
Hoàng Xuân còn tiếp: Người nghèo vái cục đá, tán cây, con rắn nước. Người giàu đến những nơi thờ phượng ngày càng to lớn và xa hoa. Cái sau phải to lớn hơn, tốn nhiều tiền hơn cái trước. Hết chùa Bái Đính nghìn tỷ đến Văn Miếu thờ Khổng Tử xây hết trên 300 tỷ đồng ở tỉnh Vĩnh Phúc.
11/ ĐT có thêm một đề tài muốn đem ra đây để cùng các vị thảo luận, Nguyên là cuối tuần qua, ĐT có đón một chị bạn từ VN sang chơi. Chị ghé nhà ĐT hai ngày trước khi qua Houston thăm con trai. Chị đã kể cho ĐT nghe về những sự kiện như lên đồng, gọi hồn, xem bói rất phát triển ngày nay ở miền Bắc. Một giá hầu thánh tốn kém chừng vài chục ngàn đô la, phát lộc từ $5, $10, $20 đô la Mỹ. Vậy mà ngày nào cũng có mấy giá lên đồng, phải đặt chỗ trước cả mấy tháng. Về gọi hồn, thì có cô đồng Phương ở Thanh Hóa nổi tiếng tới độ người ta phải ăn dầm ở dề chầu chực để chờ tới phiên mình. Các bà lên đồng đa số đều là vợ của cán bộ gộc, vừa có tiền, vừa có thế, nên chẳng ai dám bắt bớ hay dẹp bỏ. Khoảng 20 năm về trước thì Hà nội đã xôn xao về chuyện các nhà ngoại cảm, đi tìm xương cốt các bộ đội bỏ mình trên đường vượt Trường Sơn. ĐT còn nhớ cuốn video của một ngôi chùa phỏng vấn cô Phan thị Bích Hằng, một nhà ngoại cảm đầu tiên ở miền Bắc. Cô đã phát biểu là nhờ khả năng tiếp xúc với cõi âm, nên cô đã tìm ra hài cốt của trên 10,000 bộ đội bỏ mình trên đường sinh Bắc tử Nam. Vì thấy cô Bích Hằng làm ăn dễ dàng quá, nên sau đó nhiều nhà ngoại cảm khác ra đời. Nhiều người thắc mắc, đặt câu hỏi là tại sao hiện tượng ngoại cảm chỉ có ở miền Bắc, mà không có ở miền Nam? và lấy gì để bảo đảm rằng xương cốt tìm thấy là đúng xương cốt của người muốn tìm? vì khi ấy, việc thử DNA chưa được quảng bá. Sau đó nhiều bài báo tố giác là các nhà ngoại cảm đã bịp bơm, dùng xương heo, xương chó chôn xuống đất để đánh lừa thân chủ. Từ đó, việc nhờ các nhà ngoại cảm đi tìm hài cốt thân nhân chìm dần và biến mất. ĐT nhớ là có một vị bác sĩ VNCH từng về VN và bị tai tiếng là tiếp đón giới chức VC đến nhà đãi đằng, có bài viết ca tụng hiện tượng lên đồng và ngoại cảm này. Bác sĩ N và anh NK nghĩ sao?
12/TXN. Tôi có biết những chuyện gọi là “linh tinh,” “tai tiếng” của cái người bác sĩ này. Theo tôi, nếu mà anh ta có ca tụng ngoại cảm thì không phải là vì anh ta mê tín, mà là vì có dụng ý chính trị, muốn lôi những người hải ngoại ngu muội đem tiền về nạp cho VC. Nhân tiện thì tôi cũng xin nói rằng tác gỉa Hoàng Xuân có nhận định về vấn đề mê tín trong nước rằng:
“Nó xuất phát từ thực trạng xã hội bất an, pháp luật không nghiêm minh tạo nên một đời sống quá nhiều bất trắc. Từ khi còn trong thai đến khi xuôi tay, người Việt luôn nơm nớp.”
Và,
Không biết tin vào đâu, kể cả vào những hệ thống xã hội sinh ra với mục đích bảo vệ người dân, trong khi nhu cầu được trấn an lên rất cao, vậy thì phải tin ở thánh thần. Cả xã hội nháo nhác đi tìm niềm tin, bấu víu được đâu tin nấy. Tưởng như bây giờ, bất cứ cái gì cũng là thần thánh tiềm năng cả.
Nhận định này theo tôi rất sâu sắc. Nó cũng cắt nghĩa tại sao các nước Á Phi đói nghèo và tuyệt vọng hiện nay đổ xô đi theo đạo Thiên chúa vừa để tìm an ủi vừa để hy vọng khá hơn.
13/ĐT. Nhưng mà sự mê tín và thi đua xây chùa to tượng lớn để được phước thì không phải là độc quyền của dân trong nước. ĐT cũng nói với chị bạn rằng, ở bên Hoa Kỳ ngày nay, chùa chiền mọc lên như nấm, các sư sãi thi nhau xây chùa. Có nơi thì mua đất rồi hô hào phật tử đóng góp, cho vay. Chùa nhỏ thì nới rộng thêm cho thành chùa lớn, chùa lớn rồi thì chỉnh trang cho lộng lẫy, tu bổ cho vững vàng. Mọi chuyện đều hô hào phật tử quyên tiền đóng góp, cho vay, rồi trên chùa làm sổ số, bán thức ăn, tương chao để gây quỹ. Chùa xây dở dang mà hết tiền thì làm “đại nhạc hội cưú nguy”. Trong chùa tiếng đờn ca xen lẫn với tiếng chuông, mõ, tụng niệm, mất hết vẻ tôn nghiêm của nơi thờ phụng. Như vậy hỏi sao nhiều người không nói đây là thời mạt pháp ! BS Ninh và anh Nguyên Kim nghĩ sao ?
14/ NK Qua phần phát biểu của chị ĐT đã khiến cho NK nhớ lại tại Montreal cách đây không lâu, trên báo chí có đăng một quảng cáo một chương trình văn nghệ có ăn uống tại một nhà hàng Tàu với thành phần ca sĩ được coi là hùng hậu đến từ Hoa Kỳ. Thông thường mà nói, những loại quảng cáo như vậy thì thường thôi, nhưng lần này ban tổ chức của họ kêu gọi tham dự để gây quỹ xây chùa và điểm đáng nói ở đây là hàng chữ: Mua một bàn VIP được tặng một chai rượu XO... Ngoài ra NK nghĩ rằng ở hải ngoại hiện tượng xây chùa như nấm không phải là bắt nguồn từ mê tín của dân hải ngoại, mà là bắt nguồn từ chính sách xuất cảng sư ra hải ngoại của VC. Mà mục tiêu tính lũng đoạn Phật giáo, và tính ảnh hưởng đến suy nghĩ chính trị của quần chúng hải ngoại qua những bài giảng ngụy luận, ngu dân. Bên cạnh đó, thì cũng phải nói rằng trong số những sư ra hải ngoại mà VC cho phép đi, có những người chỉ đi vì lý do cá nhân, muốn có điều kiện dần dần lôi theo gia đình con cái.
15/TXN. Nói về hai chữ mạt pháp thì không phải chỉ thời nay mới là mạt pháp. Thời mạt pháp có từ lâu trên thế giới. Bên Tầu thì thời Xuân thu Chiến quốc, xã hội suy đồi đến độ có Khổng Tử xuất hiện đặt ra những nguyên tắc sinh hoạt trao đổi giao thiệp giữa người với người trong xã hội, như quân sư phụ, tam cương ngũ thường, nhân lễ nghĩa trí tín vân vân…để cho đỡ xáo trộn loạn lạc từ gia đình đến xã hội. Bên Ấn độ thì nếu không có những khổ nạn con người phải gánh thì đức Phật đã không phải xuất gia đi tu để mà tìm ra pháp, rao giảng gần nửa thế kỷ giúp cho con người thân tâm an lạc. Ở Tây phương trong nền văn minh Do Thái Thiên chúa giáo thì không thiếu gì chuyện thương luân bại lý do con người thừa hưởng tội tổ tông truyền lại khiến cho Thiên chúa thương xót ban ân cứu chuộc. Và ngay trong giáo hội Công giáo thì từ xưa người ta cũng đã biết những bại hoại ra sao. Còn hiện tại thì chuyện tồi tệ diễn ra không thiếu cho nên đức giáo hoàng đã mới phải lập ra cơ quan phán xét các giáo sĩ. Tóm lại theo tôi, cuộc đời lúc nào cũng có thịnh có suy, có mạt có vượng. Xấu tốt đan chen với nhau. Và tùy theo chế độ mà xấu nhiều hay tốt nhiều. Trong chế độ VC biến thái ngày nay thì cái xấu cái tệ tung hoành. Còn cái tốt cái hay thì chìm lỉm. Cho nên nếu mà gọi là thời mạt pháp thì cũng là đúng.
16/ĐT. Quay sang một vấn đề thế giới khác đáng suy nghĩ là tin tổng thống nước Sudan, ông Omar al-Bashir đang họp hội nghị thượng đỉnh liên hiệp Phi châu ở Johannesburg Nam Phi thì ngày 14 tháng 6 một toà thượng thẩm ra lệnh ông không được rời Nam Phi để chờ phán quyết của một toà án xem ông có bị bắt để trao nộp toà án hình sự quốc tế hay không. Lý do là ông Bashir đã bị toà án hình sự quốc tế tuyên bố năm 2009 là tội phạm chiến tranh và ra lệnh truy nã. Ông Bashir làm tổng thống Sudan từ năm 1989. Ông mới thắng cử nhiệm kỳ mới lần thứ năm, tháng 4 vừa qua trong một cuộc bầu cử mà Tây phương coi là gian lận. Trong thời gian làm tổng thống, ông bị kết tội là đã gây ra chiến tranh làm chết 300,000 người, theo con số của Liên hiệp quốc. Ngày thứ hai 15 tháng 6, ông Bashir đã rời Nam Phi từ một phi trường quân sự. Trong vụ này rõ ràng là chính phủ Nam Phi (tức là cơ quan hành phàp) đã bất chấp toà án để cho ông Bashir rời Nam Phi từ một phi trường quân sự. Bác sĩ N và NK có ý kiến gì không?
17/NK. Bắt một nguyên thủ tới dự hội nghị không phải là dễ dàng, trừ trường hợp nguyên thủ này là từ một nước chư hầu. Cho nên không có vấn đề gọi là hành pháp Nam Phi không tôn trọng tư pháp ở đây.Ngoài ra thì có một vấn đề khác nữa, là vấn đề vị trí và vai trò của toà án hình sự quốc tế. Toà án này theo NK nghĩ, là một cơ quan lập ra có tính chính trị và tượng trưng như nhiều định chế thế giới khác. Thí dụ LHQ, là định thế giới lớn nhất và bao trùm vì có sự tham dự đông đảo hầu như đầy đủ mọi quốc gia trên thế giới. Ngay cả lớn và bao trùm như vậy, những quyết định của LHQ cũng rất bị giới hạn và không hẳn rằng luôn luôn được tôn trọng và thực hiện. Toà ánquốc tế nhỏ hơn nhiều, nên các phán quyết càng nặng tính chất tương trưng hơn nữa. Việc Nam Phi không tôn trọng thi hành phán quyết của toà án quốc tế thì rồi cũng sẽ qua mau, chìm vào quên lãng.
18/TXN. Chương trình bcts hôm nay đến đây phải tạm ngưng. Xin kính chào tạm biệt quý vị và các bạn. Xin chào NK, chào ĐT. Và xin cám ơn hai bạn. Xin hẹn gặp lại tất cả quý vị và các bạn trong một kỳ tới.
19/ĐT xin kính chào tạm biệt quý vị thính giả. Xin kính chào BS Ninh và anh Nguyên Kim. Xin hẹn găp lại quý vị trong lần bcts kỳ tới.
20/NK. Xin kính gửi lời chào tạm biệt tới quý vị thính giả đang theo dõi chương trình BCTS hằng tuần với BS TXN, ĐT và NK ngày hôm nay. Xin kính chào tạm biệt Bs N và thân kính chào tạm biệt chị ĐT.