Một bản tin của chương trình Việt ngữ BBC cho biết rằng các báo trong nước ngày 3 tháng 8/2015 đã trích dẫn thông báo từ Bộ Công Thương Việt Nam cho biết VN đã hoàn tất đàm phán song phương với 11 nước trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong đó có Hoa Kỳ. Những thỏa thuận giữa Việt Nam và phía Hoa Kỳ không được tiết lộ rộng rãi trong các bản tin trong nước.
Trong khi đó thì cuộc họp ở Lanahai Hawai giữa các bộ trưởng kinh tế của 12 nước trong hiệp ước Đối tác Xuyên Thái bình dương đã chấm dứt không có kết quả, nghĩa là hiệp ước đã không kết thúc được, ngoài một thông cáo chung là hội nghị đã đạt được những “tiến bộ đáng kể”. Và các bộ trưởng dự họp đã trở về nước xin quyết định của các cấp lãnh đạo cao cấp hơn về các điểm vướng mắc trong hiệp ước để sẽ trở lại tái họp trong thời gian gần đây. Đại diện thương mại Mỹ, Michael Fromans nói rằng “ đã có một số rất lớn các vấn đề giải quyết xong, vượt qua các bất đồng, tìm ra chỗ đáp. Tôi rất hài lòng về các tiến bộ đạt được”. Người ta hiểu rằng đây chỉ là những lời nói ngoại giao để mà còn có thể tiếp tục các điều đình tiến tới kết thúc thoả ước.
Đi sâu thêm vào một chút chi tiết, thì những thoả thuận chỉ là ở chỗ đồng ý về nguyên tắc bảo vệ môi trường, về chuyện xử dụng danh từ trên nhãn hiệu cho đúng chỉ dấu điạ lý như vang xủi bọt (sparkling wine) và sâm banh (champagne), và về cách ứng xử giải quyết những mâu thuẫn quyền lợi của các trọng tài vân vân…Ngoài ra thì những khác biệt lập trường trong các vấn đề cụ thể là nông phẩm như gạo, đường, thịt gia cầm, các sản phẩm về sữa, dược phẩm vân vân còn cần nhiều thương thuyết mà qua tuyên bố của đại diện các nước liên hệ từ to tới nhỏ, như Chili, New Zealand, Nhật bản, Úc, Mỹ đều có vẻ như không tính nhượng bộ.
Người ta biết rằng Tân Tây Lan là nước xuất cảng nhiều nhất thế giới các chế phẩm từ sữa, không muốn có những điều khoản giớihạn vấn đề này. Nhật không muốn nới lỏng luật lệ nhập cảng nông phẩm như gạo và thịt bò để bảo vệ nông dân. Mỹ muốn các luật lệ về lao động để ngăn cản sự cạnh tranh bởi lao động ngoại quốc rẻ khiến công nhân Mỹ thất nghiệp, và không muốn các nước khác với giá đường rất rẻ có thể nhập cảng đường dễ dàng vào Mỹ khiến giới buôn đường ở Mỹ phải đóng cửa. Chili, Úc không nhượng bộ những luật lệ về bản quyền trí tuệ của Mỹ khiến cho kỹ nghệ dược phẩm của các nước này bị giới hạn cạnh tranh, không phát triển được. Vân vân… Nói tóm lại là nước nào cũng ra sức bênh vực công kỹ nghệ cũng như lao động của mình. Vì thế, cuộc thương thảo về TPP tính ra đến nay đã kéo dài 8 năm mà chưa xong.
Nhìn lại Việt Nam, sự mau chóng ký kết các thoả ước song phương với 11 nước, trong đó có Hoa kỳ mà nội dung không được tiết lộ, cho thấy VN chẳng có bao nhiêu vấn đề để tranh luận hay điều đình. Nói khác đi thì công nhân, thương nhân hay các nhà sản xuất Việt Nam là kể như trong tình trạng “thế nào cũng được”, nhà nước chẳng cần gì mà phải bênh vực hay bảo vệ. Phạm chi Lan, một cán bộ được ban Việt ngữ BBC khoác cho cái áo kinh tế gia, trong cuộc phỏng vấn ngày 4 tháng 8 đã giải thích việc nhanh chóng ký kết hiệp ước với Hoa kỳ như sau:
"Tôi tin là sau chuyến đi của Tổng bí thư [Đảng Cộng sản Việt Nam] Nguyễn Phú Trọng sang Hoa Kỳ thì lập trường hai bên đã gần nhau hơn và sẵn sàng đi tới thỏa thuận", "Tôi cho rằng phía Việt Nam cũng đã hiểu những yêu cầu cơ bản của Hoa Kỳ, thực sự mong muốn tham gia TPP và sẵn sàng có những điều chỉnh cần thiết".
"Về phía Hoa Kỳ, tôi nghĩ rằng họ hiểu Việt Nam hơn qua chuyến thăm của ông Trọng. Có thể thấy họ đã làm hết mức để tổ chức tốt chuyến đi đó, mở đường cho hai bên trong quan hệ kinh tế và giải tỏa những khúc mắc còn lại trong đàm phán TPP".
Nghe qua, mọi người thấy ngay là một lời giải thích chính trị không giải thích gì cả. Nó còn khôi hài ở chỗ cho rằng sau ít phút chào hỏi bắt tay chụp hình ở Bạch cung thì lập trường hai bên gần nhau hơn!
Một chuyên gia có môn bài nhà nước khác, tiến sĩ Lê đăng Doanh cũng không nói gì khác hơn rằng “thông báo hoàn tất đàm phán cho thấy giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã ‘có sự nhất trí’ về vấn đề nghiệp đoàn và kinh tế thị trường.”
Làm sao mà Hoa kỳ và VN nhất trí trong vấn đề nghiệp đoàn và kinh tế thị trường được? Ở Hoa kỳ, công nhân có đủ loại nghiệp đoàn mà tất cả đều là có khả năng bênh vực quyền lợi công nhân rất mạnh. Còn VN thì công đoàn do đảng và nhà nước kiểm soát để mà phục vụ quyền lợi của các chủ đầu tư ngoại quốc, như người ta đã thấy nhiều năm nay - từ khi VN mở ra theo kinh tế thị trường. Phải chăng ý nhà tiến sĩ Lê đăng Doanh là nói rằng Mỹ đồng ý với những cách đối xử của công đoàn theo hướng phục vụ chủ đầu tư ngoại quốc nói chung và Mỹ nói riêng?
Về hệ quả của việc Việt Nam gia nhập TPP bản tỉn BBC Việt Ngữ viết rằng“một báo cáo của một cơ quan nhà nước gọi là Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) Việt Nam cho rằng việc tham gia TPP có thể giúp nâng GDP của Việt Nam lên trong thời gian tới, nhưng có thể làm xuất khẩu suy giảm. Báo cáo của VEPR cho rằng sau khi TPP được ký kết, Việt Nam sẽ có mức tăng đầu tư lớn nhất trong các nước, tương đương mức tăng của Nhật Bản và gấp đôi mức tăng của Úc, Malaysia, Hoa Kỳ”.
Nghe GDP tăng tưởng là điều ghê gớm lắm, nhưng thực ra khi GDP tăng vì số tiền bỏ vào đầu tư thì lợi hay hại cho dân tộc tùy thuộc vào loại đầu tư. Thí dụ đầu tư xây khách sạn hạng sang hay sòng bài, hay hãng bảo hiểm thì cái lợi nếu có là chỉ ở số công nhân có việc, nghĩa là một con số rất nhỏ không đáng bao nhiêu, nhưng tiền lời (rất lớn) thì chạy ra ngoại quốc cho chủ đầu tư. Còn khi nói TPP làm xuất cảng giảm đi chỉ có nghĩa thực tế là một số cơ sở sản xuất đóng cửa và công nhân thất nghiệp.
Sau chót, một hệ quả không thể bỏ qua của chuyện nhà nước nhanh chóng ký hiệp ước song phương với 11 nước trong hiệp ước đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, là làm cho nhiều nhà chính trị hải ngoại và những nhà đấu tranh có môn bài trong nước thất vọng. Vì lấy đi mất cái để gọi là làm áp lực đấu tranh cho nhân quyền. Nhưng nghĩ lại thì cũng chẳng sao, vì sẽ còn cái lý cớ đấu tranh khác để làm khó VC. Là kêu đòi thành lập nghiệp đoàn độc lập, mà người ta thấy là đang được lôi ra sơn phết rọi đèn cho sáng lại. Âu cũng là đúng với cái cung cách đấu tranh xin cho của các cái gọi là hoạt động xã hội dân sự đang được các nước tư bản đẩy mạnh.
Thạch Trung Ẩn