Nói đến tháng tám, có người liên tưởng đến mùa hè với những ngày nghỉ phép, gia đình đi chơi xa, thăm viếng họ hàng bè bạn ngoài thành phố, tiểu bang, hay ngoại quốc. Có người mường tượng đến những cuộc du ngoạn trên biển, ngắm biển xanh lấp lánh sóng bạc. Có người lại nghĩ đến những bãi biển đông đúc người vui chơi quên đi cái nóng bức của không gian chung quanh. Có người thì quan tâm khi trường học đóng cửa và các con em phải nghỉ học ở nhà. Có một số người khác lại bồi hồi nhớ về những người anh chị em chiến hữu của mình đã vị quốc vong thân trong mùa hè Đông Tiến năm 1987.
Một trong những người thường nghĩ về các Kháng Chiến Quân Đông Tiến, vào tháng tám hàng năm là tôi, một người đã tham gia vào Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam (MTQGTNGPVN) vào giữa thập niên 80s do sự kính phục sự dấn thân khó bì của các chiến hữu kháng chiến, và muốn góp một bàn tay vào công cuộc đấu tranh chung. Ước mong Giải Phóng Đất Nước ra khỏi sự cai trị của đảng Cộng Sản Việt Nam tuy nhiên đã không như ý nguyện, và những Kháng Chiến Quân trở về nước đã hầu hết hy sinh sau gần một tháng bị truy nã tại mặt trận Nam Lào, trong đó có chiến hữu chủ tịch Hoàng Cơ Minh.
Năm nay là năm thứ 30 kể từ ngày tham gia MT nhưng lòng tôi vẫn như còn nỗi rung động nguyên thủy, mỗi khi nhớ về những ngày tháng xa xưa tham gia đấu tranh cùng với các anh chị em chiến hữu. Sự dấn thân đó đã đem đến cho tôi một số ít nhiều trở ngại trong đời sống và việc làm, nhưng bây giờ nếu được hỏi là có nuối tiếc thời gian đó hay không thì tôi sẽ trả lời là không. Bởi vì những ngày tháng đó đã giúp tôi gặp được một số những con người thật sự Việt Nam, yêu đất nước và dám hy sinh tương lai mình cho lý tưởng dân tộc. Câu phát biểu của chiến hữu Chủ Tịch Hoàng Cơ Minh: “Đường chúng ta đi có hai cái đích. Một là Giải Phóng Tổ Quốc, hai là hy sinh cho Đại Cuộc” đã giúp cho tôi hiểu được sự quyết tâm của các chiến hữu Kháng Chiến Quân khi trở về đất nước. Và hãnh diện vì thấy rẳng trong cuộc đời chật vật bình thường vẫn còn có những con người cao cả để ngưỡng mộ noi theo.
Sự hy sinh của các chiến hữu Kháng Chiến Quân Việt Nam tuy nhiên đã không vô nghĩa. Bởi vì đã nẩy mầm cho những tinh thần đấu tranh cho độc lập tự do và dân chủ dân tộc. Máu của các anh đổ xuống đã viết lên trang sử đấu tranh cận đại, cho con cháu đời sau tự hào rằng cha ông vượt thoát ra nước ngoài không vì miếng cơm manh áo, mà vì muốn có cuộc sống có nhân phẩm, không chỉ cho mình mà cho cả dân tộc. Do đó đã không bỏ quên trách nhiệm với đất nước mà đã quay trở về đấu tranh sau khi tập hợp được những con người cùng chí hướng và xây dựng được hậu phương tại các nước tự do. Các anh đã nhận tương lai của dân tộc làm tương lai cá nhân. Các anh đã mở đường cho những bước sau tiếp tục tiến lên, vì đã xóa bỏ cái tâm thức của người Việt mình và thế giới lúc đó coi Cộng sản là vô địch, không thể nào đảo ngược. Các anh đã làm hồi sinh lại cái ý thức tự lập tự chủ của ông cha chúng ta để giải quyết vấn đề đất nước trong suốt quá trình lịch sử dân tộc.
Bốn mươi năm đi qua, từ trong và ngoài nước mọi người ngày nay ai cũng đều đã nhìn thấy rõ chân tướng và thực chất của Việt Cộng. Nó đang biến thái với sự tiếp tay của các thế lực phi dân tộc xúm vào khai thác đất nước Việt nam. Nhưng chế độ chế độ Việt Cộng bất nhân bất nghĩa, tham nhũng độc tài đảng trị, đã không thể tránh được sự trượt dần tới chỗ phân hoá rã rời cực độ. Những mãnh vụn sẽ trở thành phân bón cho những chồi non của phát triển và tiến bộ, hay là sẽ như một đống rác khổng lồ toàn độc chất không cho phép sự sống tự nhiên? Nhìn từ ngoài, một kẻ bàng quan không đoán được. Nhưng quy luật tự nhiên cho chúng ta biết rằng sau những đám cháy rừng tàn phá tất cả, là một lớp đất mầu mới hình thành cho một thời kỳ nẩy nở rừng mới. Bởi vì những hạt mầm sống sót và không mấy ai thấy, vẫn luôn luôn đâu đó, và trỗi lên khi có điều kiện.
Thực vậy, riêng trong trường hợp VN. sau sự sụp đổ nhanh chóng của miền Nam 30 tháng 4/1975, không ai ngờ có một hải ngoại cương cường vùng lên chống độc tài VC từ thập niên 80 tới nay, nếu chỉ nhìn vào những người lếch thếch líu quíu tị nạn Cộng sản trong các hình ảnh truyền hình ngoại quốc. Nhưng rồi chúng ta đã có những Hoàng Cơ Minh, Trần Thiện Khải, Lê Hồng, Ngô chí Dũng, Phùng Tấn Hiệp và nhiều nhiều nữa. Những người này đã hy sinh, hay vào tù VC, chúng ta biết. Và những người còn sống, vượt thoát chạy ra hải ngoại, tuy ít, nhưng vẫn mang theo niềm hy vọng và sự cứng cỏi của những chiến hữu trong tù:
Ải Chi Lăng có đêm nằm lót lá
Chờ trăng lên mà gánh cả cuộc đời
Trên vai người chưa nhạt ánh vàng rơi
Đường Đông Tiến còn phơi đầy xác giặc.
(Trích trong bài thơ “Lời Người Tâm Đắc” của KCQ Thụy Vũ, do KCQ NKA chuyển, sau khi KCQ NKA vượt thoát trại tù CS chạy sang Thái Lan.)
Vì thế, những ngụy luận ngoại bang chủ trương tiếp cận để thay đổi kéo dài hai thập niên hơn, đã không có khả năng thuyết phục đa số quần chúng, ngoại trừ một dúm những kẻ làm chính trị và thương mại thời cơ.
Tháng tám trở về, với mấy giòng tưởng nhớ và trân trọng, xin cám ơn những chiến hữu Kháng Chiến Quân đã khơi dậy trong tôi tinh thần yêu thương giống nòi và lý tưởng đấu tranh dân tộc. Đã cho tôi những ngày sống đầy hưng phấn và thách đố. Xin các anh sinh vi tướng tử vi thần, phù hộ cho cuộc đấu tranh chung của đất nước sớm được thành công.
(Tuệ Vân)
August 25, 2015