1/ TXN. Kính chào quý vị thính giả. Chào KV.Chào TV. Chào NK. Tình hình Ukraine tưởng là đã giới hạn trong sự lộn xộn tranh chấp đánh nhau ở trong và quanh vùng ly khai miền đông theo Nga mà thôi, thì mới đây đã xẩy ra một vụ nổ khủng bố ngay trước quốc hội, thủ đô Kiev, khi các dân cử họp để thông qua quyết định khẳng định sự thực hiện thoả hiệp Minsk đã ký kết giữa Kiev, Nga, đại diện khối Âu châu và phe ly khai. Thoáng nghe tin thì có người cho rằng đây là dấu hiệu cuộc chiến lan rộng, hay ít ra là biểu hiện sự chống đối của nhóm cực đoan quốc gia đã là nòng cốt trong các cuộc biểu tình lật đổ tổng thống thân Nga Yanukovych, gây xáo trộn và chết chóc tại Ukraine từ bấy đến nay, tính ra là hơn một năm. Và sẽ là mở đầu cho những bất ổn mới, bởi thái độ cứng rắn hơn với Nga và nhóm ly khai miền đông. Nhưng nếu để ý đến tuyên bố của tổng thống Ukraine Porochenko rằng không thể nào xóa bỏ không thi hành thoả ước Minsk vì làm thế là đưa Ukraine vào tình trạng bị cô lập, thì người ta hiểu rằng sự nổ bom chỉ là một phản ứng kể như tuyệt vọng của nhóm cực đoan quốc gia, mà tổng thống Nga Putin đã gọi là phát xít. Có nghĩa rằng Kiev với tổng thống Porochenko chấp nhận thoả hiệp với Nga và phe ly khai, với sự đồng ý của khối Âu châu, để có ổn định chính trị tương đối, như giai đoạn chấp nhận kết quả cuộc bầu cử mà Yanukovych thắng cử làm tổng thống.
Tin chính trị VN trên mạng giang hồ điện tử thì có vẻ như là đã không còn gì chú ý sau cái bong bóng xẹp Phùng Quang Thanh cho nên chương trình Việt Ngữ đài BBC đã phải lôi ra sài lại chuyện cũ từ năm ngoái là con trai lớn Ngưyễn Tấn Dũng là Nguyễn Thanh Nghị được cho làm phó bí thư Kiên Giang. Còn con trai lớn của Lê Thanh Hải, bí thư Thành phố Hồ Chí Minh, là Lê Trương Hải Hiếu đã được bổ nhiệm làm phó bí thư Quận 1. Có vẻ như là để tạo chú ý cho những đồn thổi dàn dựng quyền hành và thế lực các phe trong đại hội đảng VC sắp tới năm 2016, mà thái độ chung của dân chúng là ai làm gì trong nhóm lãnh đạo thì cũng thế thôi, chẳng cần để ý làm gì. Đại khái vài tóm tắt mở đầu như thế. Phần còn lại cho buổi bàn chuyện thời sự hôm nay thì xin mới các bạn góp thêm. KV lâu ngày vắng mặt thì xin lên tiếng đầu tiên đi.
2/KV. Dạ, lời đầu tiên xin cho KV được gởi lời chào thân mến đến quý thính giả. Xin chào BS Ninh, chị TV và anh NK ạ. Sau thời gian hơn 3 năm, bảy tháng bị tù giam trong vụ án chống lại cưỡng chế nhà đất ở huyện Tiên Lãng, Hải Phòng năm 2012, hai anh em ông Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý mới được thả ra nhân dịp gọi là đặc xá ngày 2 tháng 9/2015. Trả lời phóng vấn của chương trình Việt ngữ đài BBC, ông Vươn nói ông 'vô tội' và 'sẽ vẫn hành động như trước' nếu một lần nữa bị 'dồn vào thế cùng.' Và khẳng định “tôi buộc phải đứng dậy" và cho rằng "việc làm của tôi là việc làm cần thiết". Tưởng cũng nhắc lại ở đây rằng ông Đoàn Văn Vươn và em trai Đoàn Văn Quý bị tuyên phạt y án 5 năm tù trong phiên xử Phúc thẩm ngày 31/7/2013 vì tội "Giết người" và "Chống người thi hành công vụ" xảy ra tại xã Vinh Quang (Tiên Lãng, Hải Phòng). Nguyên do là ông Vươn đã dùng võ khí chống lại hành động cưỡng chế và hủy hoại tài sản cùng nhà đất mà mấy năm trước đó ông đã được giấy cho phép khai thác, xây dựng phát triển. Vụ này đã tạo xôn xao dư luận quấn chúng và báo chí trong nước, khiến chủ tịch nước cũng như thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phải lên tiếng, Một số giới chức cấp thấp như Bí thư Đảng ủy, xã Vinh Quang, Chủ tịch và Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tiên Lãng bị cách chức. Nhưng Đỗ Hữu Ca, cựu Đại tá, Giám đốc Công an Hải Phòng, người chỉ huy vụ cưỡng chế đất lại được Thủ tướng Dũng quyết định phong hàm thiếu tướng. Cũng theo BBC thì ông Vươn cho biết ông hoàn toàn vô tội và sẽ kiện đòi bồi thường thiệt hại. Liệu kết quả sẽ ra sao? Có hy vọng gì ông Vươn thắng không?
3/TXN.Muốn trả lời câu này thì phải nhìn lại vụ án từ đầu. Lý do đất và nhà ông Vươn bị cưỡng chế là bởi vì nằm trong vùng mà giá đất sẽ tăng cao vượt bực do kế hoạch xây dựng một sân bay quốc tế gần đó. Quyết định này là do những cấp cao ở trên, cán bộ lãnh đạo huyện và xã chỉ là cấp thừa hành. Đoàn Văn Vươn là bộ đội giải ngũ, được phép khai khẩn trong chính sách của chính phủ đãi ngộ cán bộ bộ đội, khi không có gì ngoài đất hoang. Cả nhà hai anh em ông Vươn và Quý bỏ công sức khai khẩn mấy năm, nay bị cưỡng chế, không bồi thường thoả đáng công sức lao động cho nên không có cách nào khác là chống lại bằng súng. Điều này làm lãnh đạo cao nhất là chủ tịch và thủ tướng lo sợ những phản ứng tương tự và do đó mới lên tiếng can thiệp. Nói ngắn gọn thì đó là một vụ giành ăn giữa lãnh đạo cao cấp và đảng viên tép riu. Và tép riu Đoàn Văn Vươn Đoàn Văn Quý đã phải bị trừng phạt vì nhu cầu giữ gìn thể thống. Nếu ông Vươn kiện đòi bồi thường thì có lẽ là sẽ có bồi thường chút đỉnh cho qua, vì bây giờ lãnh đạo nào cũng biết rằng không thể một mình ăn hết. Nhưng mấu chốt là ở chỗ ai, cơ sở nào bị kiện và tiền đâu ra để mà đền? Cho nên cũng khó khẳng định kết quả. Dù sao thì chuyện thả anh em ông Vươn cho thấy là đảng và nhà nước từ trước tới giờ vẫn chỉ là cả vú lấp miệng em.
Điều đáng chú ý trong vụ này là những phát biểu của ông Đoàn Văn Vươn sau khi được thả ra. Là ông đã khẳng định rằng lẽ phải về ông, khi nói ông 'sẽ vẫn hành động như trước' nếu một lần nữa bị 'dồn vào thế cùng.' Để biện minh rằng “tôi buộc phải đứng dậy" và cho rằng "việc làm của tôi là việc làm cần thiết". Nó cho thấy tuy nhà nước vẫn chơi trò “cả vú lấp miệng em”, nhưng người dân thì không dễ dàng nhẫn nhịn. Mời Nguyên Kim.
4/NK. Trước hết NK xin kính gửi lời chào tới quý vị thính giả đang theo dõi chương trình BCTS hằng tuần với Bs TXN, TV, KV và NK ngày hôm nay. Xin kính chào Bs N và thân kính chào hai chị TV và KV. NK chỉ thêm một nhận xét nhỏ. Là qua những video và tin tức được xem hay nghe thì NK thấy sự không dễ dàng nhẫn nhịn này phần lớnxẩy ra trong quần chúng của đảng, nghĩa là những người có giọng nói miền Bắc sau 1975. Ngược lại, những người mà lên tiếng nhún nhịn, kêu gọi hoà hợp hoà giải chẳng hạn, thì phần lớn ở miền Nam, dưới chế độ VNCH, nghĩa là những người thất trận. Các nhà nghiên cứu tâm lý hay xã hội học sẽ giải thích hiện tượng này.
Bây giờ NK xin đi sang một vấn đề khác. Là: Giáo hội PGVNTN ở hải ngoại lại đang có lộn xộn. Câu chuyện bắt đầu với mấy thông báo của ông Võ Văn Ái giám đốc Phòng thông tin Phật giáo quốc tế ở Paris nói về những chuyện sai trái của thượng tọa Thích Giác Đẳng trách nhiệm văn phòng II Viện Hóa đạo. Chi tiết thì dài dòng, nhưng vắn tắt là thượng tọa Thích Giác Đẳng đã, mặc dầu những nhắc nhở thúc giục của ông Võ Văn Ái: 1/ không báo cáo cho Viện Hóa đạo trong nước về những chi tiêu trong những chuyến đi làm công tác từ thiện ở Phi luật Tân và Nepal. 2/ không báo cáo minh bạch về những chi tiêu trong việc mua chùa Phật Quang ở California để làm trụ sở văn phòng II Viện Hóa Đạo, sau khi chùa Điều Ngự của thượng tọa Thích Viên Lý không còn là trụ sở của Viện Hóa Đạo nữa, tiếp theo những lời qua tiếng lại cáo buộc của ông Võ Văn Ái trong vụ hòa thượng Thích Chánh Lạc. 3/Đã không gọi là “khâm tuân” đại lão hòa thượng Thích Quảng Độ, đệ ngũ tăng thống giáo hội PGVNTN 4/Đã có tường thuật không đúng rằng tập san Phật giáo Đồng Hành do thượng tọa Giác Đẳng chủ trương được hòa thượng Thích Quảng Độ khen tặng. Sau những tố cáo này thì đã có những cuộc họp báo giải thích cũng như phỏng vấn với các nhân sự hai phía. Không đi vào chi tiết ở đây, nhưng cứ nghe qua thì có thể nói rằng đó là tình trạng “sư nói sư phải, vãi nói vãi hay” mà người Mỹ gọi là “she says he says”. Dù ai phải ai trái thì có một điều rõ ràng là giáo hội PGVNTN lại đang lâm vào một xáo trộn hay là một pháp nạn, tùy theo ý kiến chủ quan của mỗi người. Ông Võ Văn Ái nói rằng đây là chuyện nhỏ chẳng làm thiệt hại bao nhiêu, và rồi sẽ qua. Có người cho rằng giáo hội PGVNTN sẽ tan nát. Bác sĩ N, Khánh Vân và TV nghĩ sao?
5/KV. Người Mỹ mô tả tình trạng này là “open a can of worms”, - nghĩa là mở ra một hộp ròi – trong đó con nọ trườn lên con kia, từ dưới lên trên, từ trái sang phải, lộn xộn lung tung, nếu mà đi vào những lời qua tiếng lạitừ mỗi phía. Cho nên không đi vào các trao đổi qua lại để mà nhận xét, có ý kiến về từng câu phát biểu, hay bắt bẻ nhau ở hai phía, là phải. Vì như thế thì chính mình, một là lâm vào tình trạng cãi qua cãi lại với cảm tính không bao giờ dứt, hai là đi lệch sang bên, để giành hơn thua trong những điểm nhỏ mỗi bên đưa ra, và bỏ qua cái bản chất của vấn đề. Hoà thượng Thích Huyền Việt đã nói tóm tắt lại trong mấy chữ là “tình trạng cơm không lành canh không ngọt”, giữa ông Ái và thượng toạ Giác Đẳng. Ông Ái là người mà người ta biết rằng hay liên lạc, nếu không nói là thường xuyên, qua điện thoại, với hòa thượng Thích Quảng Độ, bị cô lập trong một căn phòng ở Thanh Minh Thiền Viện. Sự ra vào của hòa thượng cũng như người ra vào thăm hòa thượng, là do VC canh gác tại chỗ, hay trông chừng từ xa trên cao, quyết định cho hay không. Do đó liên lạc điện thoại cũng khó có thể khác, nghĩa là cũng bị trông chừng kiểm soát. Cho nên có người đã đặt dấu hỏi về khả năng liên lạc dễ dàng của ông Ái với hoà thượng. Người ta cũng biết rằng các lãnh đạo Phật giáo ngoài này, không dễ dàng liên lạc với hòa thượng TQĐ. Cho nên ông VVA với cái hoàn cảnh liên lạc dễ dàng này đã trở thành tai mắt cho hoà thượng Thích Quảng Độ. Ông cũng mặc nhiên trở thành cái loa của những tin tức Phật giáo, mà các tăng sĩ lãnh đạo hải ngoại không làm, hoặc vì không có khả năng, hay không thích, và chú trọng đến các hình thức cúng kiếng nghi lễ, hay gây quỹ hơn. Sau vụ Thích Chánh Lạc, Thích Viên Lý, thì ông Võ Văn Ái, dù chỉ là cư sĩ, đã còn lên chức hơn nữa trong viện hoá đạo, lo vụ truyền thông, lo việc ngoại giao, lo làm phát ngôn viên Viện Hoá Đạo, ngoài chuyện là giám đốc phòng thông tin Phật giáo quốc tế do ông lập ra từ lâu, với những bản tin về Phật giáo lâu lâu phóng ra một lần. Có điều KV không hiểu là tình trạng cơm không lành canh không ngọt giữa ông Ái và thượng toạ Thích Giác Đẳng đã xẩy ra từ bao giờ.
6/TV. TV. Kính chào BS N, anh NK, thân chào KV, và thân ái kính chào quý vị thính giả cùng các bạn toàn cầu. Theo như TV nghĩ thì tình trạng này có lẽ bắt đầu với chuyện thượng toạ Thích Giác Đẳng cách đây ít lâu liên lạc thẳng với hoà thượng tăng thống Thích Quảng Độ, đưa báo Đồng Hành do thượng tọa Giác Đẳng làm chủ nhiệm cho hoà thượng Thích Quảng Độ xem, chụp hình và ghi rằng hoà thượng QĐ khen tặng tờ báo mà không qua ông Võ Văn Ái. Điều này có thể bị ông Ái coi là qua mặt, và làm ông giận. Rồi sau đó thì thượng toạ TGĐ cũng liên lạc thẳng với hoà thượng Thích Quảng Độ để gửi một cái thư từ chức, có lẽ là để phản ứng với những cáo giác của ông Ái. Và thế là chuyện nổ to hơn, do sự khẳng định vị trí và quyền lực của ông Ái. Cho nên “cơm không lành canh không ngọt” của hoà thượng Huyền Việt là mô tả nhẹ nhàng, mà thực chất là sự xác định quyền hành giữa hai bên.
Về câu hỏi giáo hội VNTN sẽ ra sao sau chuyện này, thì nếu mà nhìn vào nhân sự và phương tiện của văn phòng II viện Hoá đạo hiện nay thì người cho rằng GHPGVNTN tan nát sau vụ này có lẽ không sai. Bởi vì rằng hiện có 3 người đứng đầu là thượng toạ Thích Giác Đẳng, với chùa Pháp Luân, hoà thượng Thích Huyền Việt với chùa Liên Hoa, ông Võ văn Ái và phòng thông tin quốc tế ở Paris, và chùa Phật Quang để làm trụ sở chính thức của văn phòng II Viện Hoá đạo đang trong tình trạng tranh chấp, thì hoà thượng Huyền Việt trong cuộc phỏng vấn với ký già Dương Phục tuyên bố trung thành 100% với đức Tăng thống và giáo hội. Hoà thượng cũng tuyên bố trung thành 100% với ông Võ Văn Ái. Tức là đã chia thành hai phe, và dấu hiệu hợp tác không thấy có, mà chỉ có lời kêu gọi thượng toạ Giác Đẳng tuyệt đối khâm tuân các giáo chỉ từ trong nước mà phòng thông tin Phật giáo quốc tế tung ra. Ngoài ra qua cuộc phỏng vấn ông Võ Văn Ái bởi ông Dương Phục ở Houston, cũng như qua các bài viết thì người ta thấy ông Ái muốn là đứng trên thượng toạ Giác Đẳng vì chức vụ truyền thông của ông, ở trung ương là Viện Hoá Đạo, còn thượng toạ Giác Đẳng thì ở điạ phương, phải nghe theo hướng dẫn của ông. Thượng toạ Thích Giác Đẵng cũng tuyên bố trung thành với đức Tăng thống và Giáo Hội, nhưng không đả động gì đến ông Ái. Sự việc khi đã đi vào tranh chấp quyền hành rạch ròi như vậy thì không thể nào giải quyết được.
7/TXN. Lý do căn bản, theo tôi, khiến GHPGVNTN tồn tại cho tới nay là vì có đại lão hoà thượng Thích Quảng Độ, đệ ngũ tăng thống, vì cái lập trường chống chế độ độc tài CS không thể chối cãi được từ khi CS chiếm miền Nam tới nay, và bị giam giữ cô lập ở quê Thái Bình sau năm 1975, rồi sau đó trong căn phòng nhỏ ở Thanh Minh Thiền Viện cho tới bây giờ. Những thành phần quần chúng Phật tử ủng hộ giáo hội là ủng hộ cái lập trường này và ủng hộ cái tinh thần bất khuất, không sợ, (vô úy, theo ngôn từ Phật giáo) nhiều năm không suy chuyển của đức Tăng Thống. Những vị lãnh đạo giáo hội trong nước và hải ngoại không ai có vị trí và uy tín tương tự như thế hiện nay. Cái uy tín này rõ ràng là cao vượt bực đến nỗi mà chỉ cần làm công việc truyền đi lời đức Tăng Thống là đã có thể trở thành một nhân vật quần chúng, như trường hợp ông Võ Văn Ái. Nhưng theo tôi thì khi đại lão hoà thượng Thích Quảng Độ mất đi thì cho dù ông Ái lèo lái đến mấy cũng không vực cho GHGVNTN trỗi lên được. Nhất là sau những sự việc vừa rồi. Ông Ái sẽ tiếp tục giữ những chức vụ của ông, nhưng mà Viện Hoá đạo trong nước khó có uy tín quá khứ cho tới nay, nếu không có đức Tăng thống Thích Quảng Độ. Những vị lãnh đạo mới kể là vô danh, hay là không mấy ai biết trừ một số Phật tử nhỏ nhoi quanh nơi các vị trụ trì và qua sự giới thiệu của ông Ái. Tại hải ngoại thượng toạ Thích Giác Đẳng tiếp tục giữ quần chúng Phật tử và chùa của ông, nhưng sự phát triển mạnh hơn không dễ, khi mà rỉ rả những bêu xấu và chỉ trích tiếp tục, dù rằng thượng toạ Giác Đẳng là người mà ngay ông Ái và các người theo ông cũng công nhận là có tài giảng thuyết.
8/NK. Trong quá khứ, nhân những vụ lộn xộn khác trong giáo hội GVNTN mà có ông Ái dính vào, có người nói rằng ông Võ Văn Ái vốn là người Thiên chúa giáo, lãnh nhiệm vụ phá nát giáo hội PGVNTN. Lại có người cho rằng ông là một siêu tăng thống, nhân danh đại lão hoà thượng Thích Quảng Độ để mà điều động giáo hội hải ngoại. Dư luận này đúng sai?
9/TXN. Tôi nghĩ mình không nên nghe những tin đồn thổi giang hồ làm gì và lấy đó ra bàn làm gì. Nhưng có một điều chắc chắn là ông Ái đã biết nắm chắc và nhấn mạnh đến sự gọi là khâm tuân tuyệt đối đức Tăng Thống Thích Quảng Độ hiện nay và Thích Huyền Quang trước đây để mà có sức mạnh cho những phát biểu của mình đối với quần chúng Phật tử, cũng như khẳng định vị trí quyền lực của mình trong giáo hội PGVNTN. Cái yêu cầu vâng lời tuyệt đối này vốn được nhấn mạnh và áp dụng tronghệ thống tôn giáo Do Thái Thiên Chúa giáo, khi mà tu sĩ được coi là đại diện cho Chúa Trời, và các giáo hoàng được coi là Thánh, được tôn xưng là đức Thánh Cha, chứ không phải là người. Chính sự tin tưởng tuyệt đối này nơi tu sĩ đã khiến sinh ra những lạm dụng xấu xa trong các tổ chức giáo hội từ trong lịch sử lâu đời của giáo hội, và đã được phanh phui rộng rãi mới đây ở các nước theo văn minh Do Thái Thiên chúa giáo Mỹ và Âu châu. Sự tin tưởng tuyệt đối này ngày nay đã giảm đi trong các nước văn minh kỹ nghệ tư bản. Trong Phật giáo thì khác. Trong kinh Đại bát Niết bàn, trước khi tịch diệt, khi chúng đệ tử van xin đức Thích Ca Mâu Ni Phật ở lại thế gian chỉ dẫn thêm cho chúng sinh, thì ngài đã nói rằng không có ngài thì có pháp. Ngài giải rằng đừng có nghe và nhắm mắt tin những lời Phật nói vì coi Phật là thầy, hay vì yêu kính Phật. Hãy nghe pháp, suy nghĩ và thực hành (tức là văn, tư, tu) thì sẽ đắc đạo.
Một cách khách quan, những tăng sĩ Phật giáo Việt Nam đa số không phải là những người có khả năng tổ chức như những tu sĩ Công giáo với hai ngàn năm kinh nghiệm, để mà có một giáo hội chặt chẽ như giáo hội La Mã hay giáo hội Chính Thống. Giáo hội PGVNTN chỉ mới hình thành hoạt động tích cực từ sau khi ông Diệm bị đảo chính năm 1963. Và cũng đã trải qua nhiều xáo trộn. Nào là Phật giáo Ấn Quang, Phật giáo Việt Nam Quốc tự vân vân… Sự phát triển của Phật giáo Việt Nam đúng nghĩa, nghĩa là qua các hình thái Trúc Lâm Yên Tử của Điều Ngự giác hoàng, tức vuaTrần Nhân Tông, và Phật giáo tứ ân của đức Phật Thầy Tân An, sẽ là tùy ở đạo hạnh và lập trường chính trị dân tộc của từng tu sĩ. Nếu không có lập trường chính trị dân tộc thì mỗi chùa VN không khác gì bao nhiêu bất cứ chùa Phật giáo các nước khác, mà các tin đồ đến đó là để cầu an, cầu siêu, cầu phúc, vân vân…cho mình và gia đình. Còn các vấn đề đất nước và tổ quốc bỏ sang bên. Như là nhiều tăng sĩ Phật giáo đã và đang làm, trong nước cũng như hải ngoại, và VC khuyến khích như thế. Đến đây có lẽ mình nên sang một đề tài khác đi.
10/KV. Dạ sự phá giá đồng nguyên tức là đồng bạc Trung quốc, và sự sụt giá thị trường chứng khoán của Trung quốc mới đây, đã làm cho nhiều nhà bình luận cho rằng kinh tế TQ sẽ sập. Bác sĩ N, anh NK và chị TV nghĩ nghĩ sao về viễn tuợng này cơ?
11/NK. Tôi xin trả lời ngắn một phần câu hỏi thôi. Là nếu kinh tế TQ sập thì chế độ TQ lao đao và VC hết chỗ dựa. Đó là hy vọng của một số người mình, và vì thế, có nhiều nhà bình luận VN cố chứng minh sự sụp đổ không tránh được này, để mà trong lòng hứng thú lên tinh thần, hy vọng ở một sự thay đổi của chế độ VC.
12/ TV. TV không nghĩ kinh tế TQ sẽ sập và kéo theo sự sụp đổ chế độ TC. Nghĩ như thế là lý luận theo kiểu các chế độ đại nghị dân chủ Tây phương, là kinh tế xuống, đời sống khó khăn thì chính phủ đổ. TC là một chế độ độc tài, cho nên dân có đói lắm thì cũng ráng mà chịu, chứ không phải là la ó om sòm như các chế độ Tây phương. Do đó, việc tiền TC sụt giá và thị trường chứng khoán đi xuống không nhất thiết kéo theo sự sụp đổ kinh tế TC. Ngoài ra theo TV thì việc một chính phủ cho tiền sụt giá hay lên giá là một biện pháp tài chính để đối phó với một tình trạng kinh tế cần thay đổi, để đìều chỉnh sản xuất, đầu tư, xuất nhập cảng vân vân.
13/TXN.Đúng như TV nói, là TQ quyết định hạ giá đồng nguyên là một quyết định tài chính để điều chỉnh một tình trạng kinh tế cần thay đổi. Không đi vào những giải thích mà người ta đã nói nhiều là tiền sụt giá thì giúp tăng xuất cảng, giảm nhập cảng vân vân vì có giải thích như thế cũng chẳng biết thêm gì. Chỉ những nhà trách nhiệm kinh tế mới biết là đồng nguyên sụt giá thì cái gì gia tăng xuất và cái gì gia tăng nhập, vân vân, để mà hiểu rằng kinh tế do đó đi lên hay đi xuống. Chứ không thể nói đồng tiền sụt giá là kinh tế đi xuống. Ở đây tôi nghĩ rằng cần phân biệt sự chủ động đánh hạ giá bạc hay gia tăng giá bạc của chính phủ với sự đồng tiền tự nhiên từ từ mất giá, vì lạm phát, vì sản xuất đình trệ, giao thương bế tắc, tín dụng không có vân vân. Đây là hoàn cảnh kinh tế đã sập rồi, cho nên đồng tiền không có giá, hay mất giá.
Còn chứng khoán tụt dốc thì chỉ là một phản ứng của những kẻ có tiền đầu tư nhiều trong chứng khoán, mà nói đơn giản là thấy chứng khoán tụt nhanh quá thì bán ra để khỏi mất thêm, hay là mua vào để đầu cơ chờ lúc nó lên lại thì lấy lợi. Đó là một trò đánh bạc. Ngoài phản ứng của những kẻ đánh bạc này là những tính toán của những kẻ nắm chốt thị trường chứng khoán để lúc nào tăng, lúc nào giảm mà lấy lợi. Nói thêm nữa thì quá dài, kết luận của tôi là kinh tế TQ sẽ không sập. Ngoài ra, tình hình kinh tế toàn cầu ngày nay cũng không cho phép kinh tế TQ sập. Vì rằng kinh tế TQ và các nước Âu châu, Nhật cũng như Mỹ có những đan chen chòng chéo với nhau, khiến cho kinh tế TQ mà sập thì kinh tế Âu Mỹ cũng sụm theo. Bởi thế, đó cũng là lý do tại sao các nước Âu châu không dám quyết liệt thi hành các biện pháp kinh tế tài chính để trừng phạt Nga trong vụ Ukraine, vì những trừng phạt này cũng làm khốn khổ một số lãnh vực kinh tế Âu Mỹ.
14/ KV. Nhân cuộc triển lãm Không gian và hàng không quốc tế MAKS có biểu diễn phi cơ từ 25 đến 30 tháng 8 ở thành phố Zhukovsky, thuộc về đông nam thủ đô Nga, tức Mạc tư khoa, trong ngày đầu tổng thống Nga Putin đã gặp gỡ thảo luận với vua Abdullah đệ Nhị thuộc nước Jordan và thái tử Mohammed bin Zayed Al Nahyan, phó tổng tư lệnh quân lực United Arab Emirates. Ngoài ra thì tổng thống Ai cập Abdel Fatah Al Sisi cũng đã sang Nga gặp ông Putin để thảo luận về vấn đề hợp tác hai nước. Mấy nước này, Jordan, United Arab Emirates và Ai cập theo KV được biết thì đều thân cận với Mỹ. Theo ý bác sĩ N, chị TV và anh Nguyên Kim thì đây có phải là một chuyện lạ hay không cơ ? Và đi vào chi tiết thêm thì ý nghĩa của nó ra làm sao ạ?
15/NK. Tình hình kinh tế toàn cầu ngày nay theo NK là như thế. Không chia thành hai thế giới tư bản và Cộng sản ngăn cách bởi bức màn sắt hay bức màn tre như thời chiến tranh lạnh, mà mạnh nước nào thì nước đó đi giao thiệp làm ăn buôn bán. Cho nên Jordan, United Arab Emirates và Ai cập thảo luận với Nga không phải là bất thường cho lắm.
16/TV. TV.Khi NK nói không phải là bất thường cho lắm thì tức là cũng có bất thường. Nhưng TV không rõ tại sao lại có bất thường này? Và các nước này có phải xin phép Mỹ trước hay không?
17/ TXN. Một cách tổng quát thì NK nói đúng rằng thế giới toàn cầu ngày nay là như thế. Cho nên các nước Ả rập đồng minh trung thành với Mỹ nay cũng có những trao đổi giao thương và kinh tế với Nga và Tầu, mà Mỹ không thể bao hết được như trong quá khứ. Ngoài ra thì cũng còn yếu tố chính trị Trung đông, mà nổi bật là vấn đề Iran và Syria, là hai nước mà Nga ủng hộ. Nói khác đi thì Mỹ không thể tiến lên nữa để mà xóa đi chế độ Syria của tổng thống Bashir Assad như ý định ban đầu khi hỗ trợ phong trào nổi loạn chống Assad cách đây mấy năm. Mặc dầu thế lực chính trị Do Thái to lớn đè lên các chính trị gia Mỹ, Mỹ cũng không thể nhắm mắt đi theo chính sách Do Thái tính xoá sạch khả năng khai thác năng lượng hạt nhân của Iran để Do Thái là nước độc nhất có khả năng này, như là đã thi hành với Syria bằng những cuộc oanh kích các cơ sở hạt nhân. Nói khác đi thì quân bình lực lượng và bản đồ địa lý chính trị Trung đông với sự xuất hiện của lực lượng Hồi giáo ISIS và sự ký kết thoả ước với Iran về năng lượng hạt nhân, đang được vẽ lại. Khi gặp lãnh đạo các nước trong vòng ảnh hưởng nặng của DoThái và Mỹ, Putin muốn cho thấy giới hạn của những toan tính chính trị của Nga tại Trung đông, nghĩa là sống chung hoà bình, chứ không phải là đe doạ Do Thái. Những trao đổi thương mại ký kết là những dấu chứng hợp tác của phiá Âu Mỹ và Do Thái với Nga (và TQ).
Đến đây thì chương trình bàn chuyện thời sự hôm nay phải tạm ngưng. Xin kính chào tạm biệt quý vị thính giả.Xin chào NK, TV, KV và cám ơn các bạn. Xin hẹn gặp lại tất cả quý vị và các bạn trong một kỳ tới.
18/.Dạ, KV xin được kính chào tạm biệt quý thính giả, kính chào BS Ninh, chị TV và anh NK. KV xin hẹn gặp lại vào kỳ tới ạ.
19/NK xin kính gửi lời chào tạm biệt tới quý vị thính giả đang theo dõi chương trinh BCTS hằng tuần với Bs TXN, TV, KV và NK ngày hôm nay. Xin kính chào tạm biẹt Bs N và thân kình chào tạm biệt hai chị TV và KV.
20/TV. TV kính chào BS N, anh NK, thân chào KV, và thân ái kính chào tạm biêt quý vị thính giả cùng các bạn toàn cầu đang theo rõi chương trình BCTS.