1/TXN. Kính chào quí vị thính giả. Chào KV, chào TV, chào NK. Một chuyện tưởng như là chỉ có thể xẩy ra ở dưới chế độ VC thì đã xẩy ra ở Mỹ và thu được vào băng hình môt cách ngoạn mục. Đó là trường hợp Carly Fiorina nữ ứng viên đảng Cộng hòatranh cử tổng thống trong khi đang diễn thuyết tranh cử ở San Antonio, Texas, toàn bộ màn che phía sau sân khấu đã bỗng nhiên sụp đổ cái rầm, nhưng may mắn là không ai bị thương. Ngoài ra thì tại Chicago, thành phố lớn bậc nhì sau Nữu Ước, có mhiều chuyện cho thấy tài nghề của thị trưởng nguyên là cựu dân biểu Rahm Emmanuel và nguyên chánh văn phòng của tổng thống Obama. Chicago được tiếng trong quá khứ là thành phố mọi sự đều chạy thông suốt, kể cả chuyện đèn, đường, cống, rác, thì nay tại khu phố chợ Việt Nam dài ba bloc đường, thành phố cho sửa lề đường có một bên mà kéo dài ba tháng chưa xong. Đường xá trong toàn thành phố thì ổ gà và những chỗ nứt nẻ đầy rẫy. Năm ngoái, người lái xe cho tôi khi rẽ phải đã gặp một cái ổ gà lớn và rầm, rầm, cả hai cái lốp xe phiá bên phải đều bị bể. Cái xe phải ngừng lại chờ người tới lôi đi, vì trong xe chỉ có một bánh xe dự phòng. Sau chót còn một chuyện Mỹ cũng đáng nghe cho biết là đoàn tranh luận sinh viên được giải nhất toàn quốc của đại học Harvard đã bị thua trong một cuộc tranh luận với một toán gồm những tù nhân của một trại tù tội nặng ở New Ước.
2/Trước hết, NK xin kính gửi lời chào đến thính giả đang theo dõi chương trình BCTS hằng tuần với Bs TXN, TV, KV và NK ngày hôm nay. Xin kính chào Bs N và thân kính chào hai chị TV và KV... Cứ theo như sự mê tín của người mình, thì chuyện xẩy ra như thế là cái điềm cho biết Carly Fiorina giỏi giang đến mấy cũng không thể nào có hy vọng gì thắng cử. Nghe chuyện thị trưởng Chicago nguyên chánh văn phòng tổng thống Obama mà trông coi không xong mấy chuyện đèn, đường, cống, rác thì NK thấy cũng hơi lạ. Tuy nhiên, việc này ở Chicago lại làm NK nhớ đến bài“Dùng chó bắt chuột” trong Cổ học tinh hoa thời còn đi học, có thể giải thích tình trạng này được. Chuyện kể có người nước Tề xem tướng chó giỏi. Nhà láng giềng vì có nhiều chuột nhờ anh ta mua một con chó giỏi bắt chuột. Anh ta tìm mãi cả năm mới thấy được một con. Con chó mua đem về nuôi mãi mà không thấy bắt được con chuột nào. Chủ mới hỏi lại nguời xem tướng chó. Thì anh này nói “Con chó này rất nhanh lẹ, hươu nai cầy cáo cũng không thoát khỏi nó. Nhưng vì cái chí nó lớn, cho nên nó chê không bắt chuột. Bây giờ muốn nó bắt chuột thì phải cùm chân sau nó lại”. Người chủ chó làm y theo. Thì quả nhiên chẳng bao lâu nhà chẳng còn con chuột nào.
3/KV. Dạ KV xin được gởi lời chào thân mến đến quý thính giả. Xin chào BS N, anh NK và chị TV. Anh NK ơi, KV nghe anh Nguyên Kim so sánh ông thị trưởng của bác sĩ N với con chó bắt chuột thì KV thấy hơi tội nghiệp quá đấy cơ, mà cũng không có chắc là đúng nữa. Điều hành thành phố Chicago lớn hàng thứ hai nước Mỹ, chỉ sau có Nữu Ước, mà coi là việc nhỏ, thì làm gì mới gọi là đúng tài của ông thị trưởng này chứ ? Nguyên Kim có mỉa mai gì trong đây không đấy?
4/TV. TV kính chào BS N, anh NK, thân chào KV, và thân ái kính chào quý vị thính giả cùng các bạn toàn cầu. Ở San Jose mà TV còn biết đến ông Rahm Emmanuel này nữa đ ấy. Bởi vì cách đây mấy tháng, trong vụ tái tranh cử chức thị trưởng Chicago, tên tuổi ông được đề cập đến mấy lần trên tuần báo Anh The Economistlà tờ báo thường chỉ nói đến vấn đề thế giới và quốc gia. Bài báo nói đến quá khứ với gia đình Do Thái bề thế của ông, và tham vọng của ông là làm tổng thống Hoa kỳ. Ông ta đã thắng cử chức thị trưởng Chicago, dầu rằng trong nhiệm kỳ thứ nhất ông đã bị nhiều tai tiếng và làm mất lòng nhiều thành phần quần chúng.
Bây giờ trở lại với những tin bác sĩ N đưa ra ở trên, TV ngạc nhiên và thắc mắc là tại sao một đoàn tranh luận gồm những tù nhân mà lại có thể thắng một toán tranh luận sinh viên Harvard đã đoạt giải nhất toàn quốc về tranh luận như vậy?
5/TXN. NK tính không phải là hay mỉa mai gì đâu. Mà có lẽ chỉ là muốn bênh cho ông thị trưởng Chicago thôi. Thật ra thì ông này nếu mà đã có khó khăn trong khi tranh cử cách đây mấy tháng đến nỗi báo The Economist nói đến là bởi vì ông này có vẻ như là người cậy thế mà có những lời phát biểu báo The Economist gọi là “nói thẳng” coi thường người khác, đồng thời lại dung túng đàn em để xây dựng một bộ máy trung thành với ông, theo như cái truyền thống chính trị của Chicago. Để mà khi đã làm được thị trưởng ở Chicago rồi thì cứ tiếp tục cho đến khi mệt hay chết thì thôi, hay là cho đến khi mà các tai tiếng nhiều quá cho nên nếu không lui đi thì sẽ có vấn đề, thí dụ như là trường hợp người tiền nhiệm của ông Emmanuel là ông Daley và thời của ông bố ông Daley trước đó. Trở lại chuyện thua đấu tranh luận của toán sinh viên Harvard, thì cuộc tranh luận đã diễn ra ở nhà tù tội nặng an ninh tối đa là Eastern New York Correctional Facility. Do sáng kiến và vận động của ông Max Kenner, các tù nhân ở 6 trại tù ở New York muốn học hỏi đã có thể ghi danh theo học về khoa học nhân văn do các giáo sư trường Bard College gần Eastern New York Correctional Facility. Mục đích của chương trình này là tiếp cận với những tù nhân tận tụy, có khả năng, có ý muốn làm việc nghiêm chỉnh. Sự cạnh tranh khá gay gắt. Các ứng viên phải nộp một bài viết và qua một kỳ phỏng vấn. Cứ trung bình 10 ghi danh thì có một người được nhận. Toán tranh luận ở Eastern New York Correctional Facility đã từng có thành tích đáng kể, như thắng toán tranh luận trường võ bị West Point và University of Vermont. Ý kiến đưa lên Facebook của toán tranh luận Harvard sau khi thua viết rằng “Có ít toán tranh luận mà chúng tôi hãnh diện hơn khi bị thua cuối tuần qua, và chúng tôi hết sức cám ơn Bard college và Eastern New York Correctional Facility đã làm và tổ chức cuộc tranh luận”. Điều đáng chú ý trong chuyện này là những tù nhân đều phạm những trọng tội, nhưng không bị phân biệt đối xử để vẫn được tạo điều kiện để thăng tiến. Đây là một trong rất nhiều điều kể là bất thường mà tốt đẹp ở Mỹ, bên cạnh vô số các bất thường làm nhiều người trên thế giới lắc đầu, cau mày, nhăn mặt, tôi không nói ở đây làm gì.
6/NK. Theo như NK nghĩ thì chuyện thời sự thế giới đáng chú ý nhất hiện nay là chuyện Syria mà hai nước Nga Mỹ có những lập trường đối nghịch rõ ràng, nhưng mà cả hai bên đều nói đến hợp tác làm việc với nhau. Trước hết là những bức hình tổng thống Nga Putin và tổng thống Mỹ được truyền đi đã đủ tạo nhiều chú ý. Bức hình được kể là hình số một trong tháng của hãng Reuters là hình ông Putin đứng hai tay bỏ xuôi gườm gườm nhìn ông Obama chỉ hơi đưa tay ra bắt. Ai cũng thấy là chẳng có một chút nào là một cái bắt tay bình thường. Trong diễn văn trước đại hội đồng Liên hiệp quốc, hai người đã trình bầy ngoại giao hơn, nhưng bầy tỏ rõ ràng lập trường đối nghịch. Ông Putin nói “Chúng tôi tin rằng sẽ là một sai lầm to lớn nếu không hợp tác với nhà cầm quyền Syria, với quân đội chính phủ, là những thành phần đã một cách can đảm mặt đối mặt đánh lại quân khủng bố”. Ông Obama nói “Chúng ta phải nhận rằng không thể nào, sau quá nhiều máu đổ thịt rơi như vậy để trở về như cũ, trước cuộc chiến”. Hai người cũng chỉ trích nhau gián tiếp. Không nêu thẳng ra tên nước Mỹ, nhưng ông Putin đã chỉ trích sự trang bị võ khí cho những quân phiến loạn gọi là “ôn hoà” ở Syria, và nêu ra rằng những phiến quân do Tây phương trợ giúp đã gia nhập lực lượng nhà nước Hồi giáo. Về điểm này thì Mỹ khó cãi, khi chương trình huấn luyện và trang bị 5000 phiến quân ôn hoà với ngân sách 500 triệu đô la của Ngũ giác đài đã chỉ có kết quả là một dúm người cầm súng. Và võ khi thì đã được nộp cho nhóm phiến loạn al Nusra. Tổng thống Obama thì chỉ trích những nước tin rằng “lẽ phải ở sức mạnh” để nhấn mạnh đến lợi ích của ngoại giao, khoe thoả ước với Iran và tái lập bang giao với Cuba. Putin không ngại nói về Mỹ rằng “Sau khi chiến tranh lạnh chấm dứt, một trung tâm thống trị nổi lên. Những người thấy mình trên cái đỉnh tháp đó đã nghĩ rằng vì họ mạnh và độc đáo như thế, thì họ biết làm hay hơn người khác và không cần để ý đến Liên hiệp quốc nữa”.
Với những lập trường khác biệt rõ ràng như vậy thì liệu có thể nào giải quyết vấn đề Syria được không? Nhất là Nga đã nhanh chóng dùng cả không lực và hải quân oanh kích các vị trí phiến quân, và thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ nói là chỉ có 3.5% là nhắm vào lưc lượng ISIS còn ngoài ra là đánh vào các phiến quân chống Assad do Tây phương ủng hộ. Và có thể nói rằng đây là một hình thái chiến tranh lạnh khác được không?
7/ KV. Nếu chiến tranh lạnh hiểu theo cái nghĩa của CS, là dùng chủ nghĩa MácLê để vận dụng dân nghèo vô sản, mà cụ thể là hai thành phần công nhân với nông dân để chiếm chính quyền bằng chiến tranh phá hoại, du kích và khủng bố, thì nay không thể nào dùng chủ nghĩa Mác Lê được nữa rồi. Bởi vì cái chính sách kinh tế tập trung tất cả vào tay nhà nước đã làm cho Liên sô sụp đổ, vì nó không những vô hiệu quả, mà còn phá hủy mọi tiềm năng phát triển kinh tế của một nước nữa. Tất cả các nước CS ngày nay đã theo kinh tế thị trường, tức là đã tạo ra những tư bản, điều khiển con người chủ yếu bằng tiển bạc. Sau khi Liên sô sụp đổ thì tư bản thế giới đã ào vào cắm dùi, xây dựng được một số tài phiệt bản xứ, đi theo tài phiệt thế giới. Nhưng những tài phiệt này đã bị Putin loại đi, thay thế bằng những tay chân quyền thế, được trở thành tài phiệt cấu kết với Putin, tạo thành tư bản nhà nước. Những tài phiệt nhà nước này đã giao thiệp làm ăn với tài phiệt cá nhân hay tài phiệt tổ hợp thế giới theo nguyên tắc tư bản, nghĩa là hợp tác cũng có, mà cạnh tranh loại nhau cũng có, tùy theo hoàn cảnh. Cho nên chúng ta mới thấy Mỹ và Âu châu dùng các biện pháp chế tài đối với Nga. Những biện pháp này chỉ có kết quả giới hạn và chậm. Nhưng rút cuộc thì vẫn là điều đình thoả hiệp. Võ lực tuy nhiên vẫn có xẩy ra như ở Crimea hay Syria, nhưng mà chủ yếu vẫn là tiến tới điều đình thoả hiệp, chứ không phải là loại bỏ, tiêu diệt. Vì thế mà cả hai ông Putin và Obama đều bày tỏ ý muốn làm việc chung với nhau đấy cơ.
8/TV. TV nghĩ rằng khi ông Putin can thiệp vào Syria là vì muốn vạch ra cái lằn ranh đỏ giới hạn, không để cho Mỹ lấn lướt thêm ở Syria, nghĩa là lật đổ Assad như là Mỹ đã làm ở Lybia. Còn hai bên đều tuyên bố sẵn sàng hợp tác làm việc với nhau để giải quyết vấn đề Syria là để khẳng định cái ý không lấn lướt tới cùng. Tương tự như ở Ukraine, khi Mỹ và Tây phương lật đổ tổng thống thân Nga Yanukovych là người được bầu lên bởi một cuộc bầu cử mà hai bên Âu Mỹ cũng như Nga đều công nhận, thì tức là đã phá cái quy ước chung là đấu tranh chính trị hợp pháp. Cho nên Nga chặn ngay bằng hành động hỗ trợ ly khai miền đông Ukraine và sát nhập lấy điạ điểm chiến lược Crimea. Bây giờ thì Mỹ với Âu châu đang chấp nhận thực tế. Syria theo TV nghĩ, thì sẽ có một hình thái thoả hiệp nào đó trong tương lai, mà hiện TV chưa đoán được.
9/TXN. Chính phủ Assad sẽ tồn tại, hay ít ra là một chính phủ tiếp nối mà phe Assad là chủ yếu. Lực lượng nhà nước Hồi giáo ISIS sẽ không bị biến mất, nhưng sẽ tiếp tục kiểm soát một vùng nào đó của Syria có dầu hoả, tuy không hẳn là thật sự rộng lớn như bây giờ. Và điều này thì tổng thống Obama đã nói rồi, là giải quyết ISIS là chuyện lâu dài. Nói khác đi là ISIS cứ luẩn quẩn lai rai đâu đó, khi cần thì quậy phá. Mình đã thấy rằng tại Iraq tình trạng đã xảy ra tương tự như vậy. Các phe tôn giáo chính trị khác nhau tiếp tục tồn tại, đấu đá tùy cơ. Trong cuộc đấu đá này, dân cứ tự do chết. Chuyện Nga can dự vào Syria đã làm nổi bật cho chúng ta thấy một điều rằng ISIS không phải là một lực luợng thuần nhất, đúng như tôi đã nói từ đầu. Mà ISIS là một tập hợp phức tạp gồm những nhóm khác nhau do các thế lực thế giới khác nhau hỗ trợ dựng nên. Những tin tức và bình luận bây giờ cho thấy rõ là có bọn ISIS từ nhóm phiến loạn Al Nusra, tuy gọi là tách ra mà vẫn gần gạnh với nhau. Chúng ta cũng hiểu rằng nhóm al Nusra tuy gọi là theo al Qaeda, nhưng không phải là al Qaeda ban đầu của Osama bin Laden mà mục tiêu là chống Mỹ. Al Nusra có giây mơ rễ má với lại tổ chức “quân lực Syria tự do” do Mỹ dựng nên. Chúng ta còn biết rằng 5000 quân phiến loạn do Mỹ huấn luyện đã đi theo Al Nusra. Vân vân… Không đi thêm vào chi tiết cho phức tạp làm gì. Chỉ cần biết rằng ISIS được lập nên là để thay đổi tình hình địa lý chính trị Trung đông. Trước khi có thoả hiệp với Iran và trước khi Nga can thiệp vào Syria, thì có thể nói rằng Mỹ chiếm ưu thế và Do Thái muốn làm gì thì làm trong điạ lý chính trị Trung đông. Ngày nay thì có sự hiện diện ít nhiều của Nga ở Syria, cũng như sự hiện diện của Iran ở Iraq. Và tổng thống Obama đã nói rõ rằng Mỹ sẵn sàng làm việc với Nga để giải quyết. Cụ thể chúng ta thấy là khi Nga cho máy bay vào tấn công tập hợp phức tạp ISIS thì Mỹ tuy nói cứng là không ngưng các cuộc không kích, và phản đối những không kích vào các nhóm phiến loạn được Mỹ và đồng minh yểm trợ, nhưng đã ra những biện pháp gọi là “chiến thuật” để tránh máy bay Mỹ đụng với máy bay Nga khi cả hai bên cùng hoạt động trong một không phận nhỏ hẹp là Syria. Tóm lại là trong khi Nga tích cực can thiệp quân sự, thì Mỹ ngồi chờ xem Nga làm tới đâu để tùy cơ ứng phó tới đó.
10/NK. Hiệp ước TPP sau chót đã được ký vào ngày 5 tháng 10 giữa Mỹ và 11 nước khác ở hai bên bờ Thái bình Duơng sau hơn 8 năm điều đình gay go. Thượng viện đã thông qua hiệp ước. Nhưng bà Hillary Clinton đã chống hiệp ước trong một cuộc phỏng vấn thu băng trước truyền đi trên đài PBS ngày 7 tháng 10. Bà nói “Ngày hôm nay, tôi không ủng hộ những điều tôi nghe được về hiệp ước. Tôi chưa có bản văn hiệp ước, chưa có tất cả các chi tiết, nhưng tôi không tin rằng hiệp ước hội đủ những điều đòi hỏi tôi đặt ở mức cao”. Người ta biết rằng là bà Clinton khi làm bộ trưởng ngoại giao cho ông Obama thì đã là người ủng hộ tối đa hiệp ước TPP đối tác xuyên Thái bình dương. NK đưa trường hợp này lên đây để bác sĩ N, KV và TV có ý kiến gì về sự thay đổi lập trường này của bà Clinton. Và nó có ảnh hưởng gì lên số phiếu bà Clinton sẽ có hay không?
11/KV. Dạ thưa anh NK, càng ngày thì KV càng không tin mấy nhà chính trị trong các cuộc bầu cử Mỹ, đặc biệt là cuộc bầu cử tổng thống. Vì cái đi đến kết quả bầu cử của nó là rất to, nghĩa là làm tổng thống một nước giầu mạnh nhất thế giới, cho nên người ta tìm đủ cách để thắng. Và muốn thắng, thì phải làm vừa lòng nhiều thành phần. Và do đó phải tìm cách uốn luỡi đổi thay liên tục. Bà Clinton đã đổi lập trường bởi vì bà phải cạnh tranh với một ứng cử viên dân chủ khác là ông Bernie Sanders. Ông Sanders chống hiệp ước TPP, có lập trường tả khuynh hơn bà, và được lòng nhiều giới tả khuynh trong đảng Dân chủ. Cho nên sau một thời gian dài né tránh nói đến hiệp ước TPP, bà đã phải lên tiếng để tranh số phiếu tả khuynh. KV chỉ có ý kiến sơ sơ thế thôi ạ.
12/TV. TV không hiểu tại sao những nhà chính trị dân cử thường có thể thay đổi lập trường mà không thấy ngại ngùng. Mặt khác thì khi thay đổi, không hiểu người ta có nghĩ đến câu “một việc không tin thì vạn sự không tin được,” hay không nhỉ?
13/TXN. Các nhà dân cử tranh cử ở Mỹ biết rằng họ nói không phải là mọi người đều nghe, mà nói là cho một số thành phần có thể và cần tranh thủ được mà thôi. Bởi vì họ dư hiểu rằng quần chúng Mỹ này khi đã tin theo rồi thì nói gì, sai hay đúng họ cũng bất chấp. Họ chỉ cần nghe được một hai điều đắc ý là đủ rồi. Như trước đây những người ủng hộ bà Sarah Palin ứng viên phó tổng thống cùng với John McCain ứng viên tổng thống, khi được hỏi tại sao ủng hộ thì đã chỉ trả lời là vì bà ấy sẽ làm thay đổi tốt hơn. Hỏi thêm thay đổi gì và tốt hơn ra sao thì không trả lời được.Và những người đã chủ trương bỏ phiếu cho bà Clinton vì muốn có người phụ nữ mặt mày đẹp đẽ đầu tiên làm tổng thống thì bà Clinton nói gì sai hay mâu thuẫn họ cũng không cần để ý. Bà Clinton có bỏ lập trường cũ mà theo lập trường mới mà nghe hợp tai thì họ cũng ủng hộ, không kể đến lập trường cũ trước đây ra sao. Cho nên đừng thắc mắc tại sao những nhà dân cử thay đổi lập trường mà không ảnh hưởng bao nhiêu đến số phiếu ủng hộ. Những chê bai thay đổi hay lầm lỗi chỉ có tác dụng lên những người đứng ngoài, chưa có lập trường rõ rệt.
Đến đây thì chương trình bàn chuyện thời sự phải ngưng. Xin kính chào quý vị thính giả. Chào NK, TV KV và cám ơn các bạn. Xin hẹn gặp lại quý vị và các bạn trong BCTS tuần tới.
14/KV. Dạ KV xin gởi lời chào tạm biệt đến quý thính giả, xin chào BS N, chị TV và anh NK. KV xin hẹn gặp lại vào kỳ tới ạ.
15/. NK xin kính chào tạm biệt quý vị thính giả đang theo dõi chương trình BCTS hằng tuần với Bs TXN, TV, KV và NK ngày hôm nay. Xin kính chào tạm biệt Bs N và thân kính chào tạm biệt hai chị TV và KV.
16/TV. TV kính chào BS N, anh NK, thân chào KV, và thân ái kính chào tạm biệt quý vị thính giả cùng các bạn toàn cầu đang theo rõi chương trình BCTS