1/Trước hết, NK xin kính gửi lời chào đến thính giả đang theo dõi chương trình BCTS hằng tuần với Bs TXN, TV, KV và NK ngày hôm nay. Xin kính chào Bs N và thân kính chào hai chị TV và KV... NK mới được chị ĐT chuyển tới cho một bài viết của tiến sĩ Phan Văn Song, một nhà lãnh đạo của đảng Đại Việt, nhan đề “Thân Phận Việt Nam: Việt Nam, Tấm Khiêng Muôn Thuở Chống Tàu. Xưa Cờ Vàng, Nay Cờ Đỏ, Tạo Mâu Thuẩn Giữa Người Quốc Gia, Mỹ Đang Thay Ngựa Giữa Dòng” và hỏi rằng có đồng ý với lập luận của ông Song không. Đọc bài viết NK nghĩ chắc ông Song là người Nam cho nên viết sai chữ khiên (không g thành khiêng có g, và dùng chữ chưởi thay vì chữ chửi, nhơn quyền thay cho nhân quyền), và nhiều chỗ sai dấu hỏi ngã. Về toàn bài thì NK có điều đồng ý mà cũng có điều không đồng ý, hay đồng ý nửa chừng. NK xin kể một ví dụ. Ông Song viết:
“Giữa người quốc gia tỵ nạn ngày nay có một loại phong trào, một loại không khí chúng tôi xin mượn từ của một trí thức ở Paris, tạm gọi “tổ quốc ăn năn”. Không ai chê mình, không ai chưởi mình, tự mình chưởi nhau cho đã ! Người quốc gia tỵ nạn Cộng Sản, bổng nhiên, không ai bảo ai, (hay có một sự giựt giây nào chăng?), cùng nhau tự làm thịt, tự mổ xẽ, tự tố cáo lẫn nhau, và chia rẽ, chưởi rũa, « ăn cháo đá bát », mạ lỵ các vị lãnh đạo của thời đại huy hoàng của mình.”
Với khẳng định này của ông Song, Nguyên Kim nẩy ra câu hỏi rằng có thật là “một phong trào” như ông Song nói hay chỉ có Nguyễn Gia Kiểng, và vài kẻ khác. Những bài chỉ trích, hay “tự mổ xẻ”, tự tố cáo” là đúng hay sai? Và có nên có hay không?
Cảm tưởng chung của NK về toàn bài của nhà lãnh tụ này là bài viết toát ra cái tính chất than van, tiêu cực, nhưng mà kết luận thì lại khẳng định một cách đột ngột tích cực như sau: “Nhẫn nại, bám trụ, tiếp tục đấu tranh cho Dân Chủ Tự Do Nhơn Quyền sớm trở về với Việt Nam. Cuộc đấu tranh đã gay go nay sẽ lắm gay go, nhưng, vận Nước còn hên, lòng dân ngày nay đã tỉnh ngộ, từ nay, phải vững tin vào dân. Nếu dân muốn thì quyền Tự quyết sẽ về với dân.
Và hãy vững tin ngày mai xán lạn sắp đến rồi”.
Một nhận xét của NK về lời kết này là có thể rằng ông Song thấy rằng mình là người đấu tranh mà lại không tin tưởng chiến thắng thì hơi kỳ, cho nên phải kêu gọi tin tưởng trật nhịp với nhận định toàn bài bi quan như vậy.
Tóm lại, NK đề nghị mình nên bỏ một chút thì giờ thảo luận về bài này hôm nay.
2/KV. Dạ, KV xin được gởi lời chào thân mến đến quý thính giả. Xin chào BS Ninh, Chị TV và anh NK ạ. Nói về ông tiến sĩ Song thì KV cũng có đọc bài của ông ấy, Ông Song còn cho biết rằng:
“Cái thời đại huy hoàng chúng tôi muốn nói đây là cái khoảng từ năm 1949, khi Quốc Trưởng Bảo Đại đã giành lại Độc Lập từ tay ngưới Pháp một cách ôn hòa, một cách chánh thống với Hiệp Ước Élysée, đến ngày 30 tháng 4 năm 1975, khi quân đội Cộng Sản Bắc Việt cưởng chiếm Thủ đô Sài gòn, tất cả là 26 năm.”
KV không biết rõ cái thời ông Song nói có thật là “huy hoàng” hay không, vì còn khá nhỏ vào thời ấy. KV chỉ thấy đời sống miền Nam bình thường. Cũng có thể là ông Song viết như vậy theo chủ quan của ông, khi so sánh tình trạng đất nước dưới sự cai trị của VC sau năm 1975 với đời sống trước VNCH thì “bình thường” đã là huy hoàng cũng nên. Có phải không cơ?
3/TV. TV kính chào BS N, anh NK, thân chào KV, và thân ái kính chào quý vị thính giả cùng các bạn toàn cầu. TV thấy câu hỏi của anh NK rằng “Những bài chỉ trích, hay “tự mổ xẻ”, tự tố cáo” là đúng hay sai? Và có nên có hay không?” là một câu khó trả lời, và khó có sự đồng ý hay thống nhất ý kiến. Bởi vì tùy theo cách nhìn vấn đề mà có những câu trả lời khác nhau.
Đứng từ lập trường VC và tay sai, thì chỉ trích và bịa đặt bêu xấu VNCH là cách để biện minh cho quyết định mở ra chiến tranh bành trướng chủ nghĩa CS Liên Sô Trung quốc vào miền Nam là đúng và rằng chúng có chính nghĩa. Những chính trị gia Mỹ muốn rút khỏi miền Nam để thi hành chính sách sống chung hoà bình, làm ăn với Cộng sản, thì chỉ trích bôi xấu VNCH là cách tốt nhất để biện minh cho chuyện tháo chạy, bỏ mặc “tiền đồn thế giới” tự do xoay trở lấy. Còn việc Nguyễn Gia Kiểng, tác giả cuốn Tổ quốc ăn năn, chê bai chỉ trích là để giải thích cái nguyên do gốc rễ của sự sụp đổ VNCH là ở tư tưởng và con người, chịu ảnh hưởng Khổng giáo cổ hủ, để tạo ấn tượng cho mình là một tư tưởng gia, một chiến lược gia.
Đối với TV thì quan trọng không phải là ở chỗ chỉ trích phê bình, mà ở chỗ những điều nêu ra là đúng hay sai. Nếu đúng để mà rút kinh nghiệm học hỏi và đấu tranh thì là tốt chứ không thể là xấu được. Còn nếu như nhắm mắt ca tụng miền Nam quá đáng đến trở thành lố bịch thì không thể nào kể là tốt được. Cho nên TV không đồng ý với hai cái chữ “huy hoàng” mà ông Song dùng để mô tả VNCH. Nói công bình thì VNCH chỉ hơn nhiều về mặt đời sống so với Việt Nam Dân chủ cộng hoà miền Bắc của Hồ chí Minh và đồng đảng mà thôi.
TV cũng không đồng ý với cái tiểu đề “Mỹ đang thay ngựa giữa giòng” và lấy chuyện Mỹ thổi phồng Cù Huy Hà Vũ, hay Điếu Cầy để minh chứng. Chúng ta không biết và cũng chẳng cần bàn xem Cù Huy Hà Vũ hay Điếu Cầy, hay một số chuyên gia, một số các nhà gọi là “nghiên cứu” chính trị, kinh tế được quảng cáo đưa lên trên các chương trình truyền thông Việt ngữ ngoại quốc và truyền thông hải ngoại hay mạng điện tử, trong những thời gian gần đây, có thể là ngựa của Mỹ hay không, để mà như ông Song nói, “úm ba la” biến thành một Nhóm Ly Khai (mới) ở Hải ngoại : một đối trọng để đối thoại với quyền lực trong nước”.
Nhưng cũng không thể vơ đũa mà nói những người đấu tranh chống chế độ VC và cộng đồng hải ngoại chống Cộng là ngựa của Mỹ được, để mà đem so sánh với cái nhóm ly khai mới dựng lên ở hải ngoại này, tuy rằng Mỹ có một số ngựa xuất xứ từ miền Nam VN trước đây, một số người hải ngoại mong muốn được là như thế, và cư xử như là ngựa của Mỹ. Cho nên theo nói như ông Song là quá thụ động và tiêu cực.
4/TXN. Ông Song đã viết bài giải bày này sau 3 tuần thăm bè bạn quen biết các nơi ở Mỹ, theo như ông nói. Và mình có thể đoán là những thân hào nhân sĩ trí thức và chính trị gia. Cho nên không thể tránh khỏi phản ảnh sự suy nghĩ của những người này. Vì thế đã khiến ông viết “Người Việt Quốc Gia chúng ta ngày nay đang là một con cờ «hết thời» của Mỹ rồi”. Theo tôi đó là cái tâm sự của họ, vì ánh sáng đèn rọi đã không soi vào họ, cho nên họ chỉ có cách đứng sát lại gần những con cờ mới trong đám đông hùa theo cổ võ để có chút sáng, như chúng ta thấy. Mà khốn thay điều những con rối mới nói ra bây giờ không khác những điều những người gọi là quốc gia này đã từng nghe từ lâu trong môi trường chính trị hải ngoại. KV và TV đã nói về hai chữ huy hoàng thì tôi cũng muốn thêm một chút ý kiến. Hai chữ này không thể dùng cho giai đoạn “chính quyền quốc gia” của quốc trưởng Bảo Đại, mà theo tôi chỉ là một bù nhìn của Tây, được dựng nên để biện minh cho sự trở lại của đoàn quân viên chinh Pháp. Mặc dầu như vậy, vùng tề, tức là vùng Tây kiểm soát đã dần dần phát triển, trở thành tụ điểm tập trung cho những ngườidân thường VN, không theo Tây, và ngay cả chống Tây, nhưng không có khả năng và phương tiện sinh sống dưới chính quyền VNDCCH Hồ chí Minh, những người bị CS truy lùng, bách hại trong chủ trương thực hiện chuyên chính vô sản, đấu tranh giai cấp, và ngay cả những người có thiện cảm với Cộng sản, tức là những kẻ “nằm vùng”. Dần dần, cái tâm thức “sống tạm” qua ngày này đã bị thay thế bằng ý thức “quốc gia”, nghĩa là không Cộng sản, chống Cộng sản, đã nẩy sinh, do nhu cầu chính trị chống bành trướng CS của Âu Mỹ sau cuộc chiến thắng của Mao Trach Đông và sự viện trợ của TC cho Hồ chí Minh và đồng đàng. Cái ý thức quốc gia chống Cộng này đã lớn mạnh nhanh chóng từ sau cuộc di cư từ Bắc vào Nam, hệ quả của hiệp định Geneve chia đôi đất nước năm 1954 và sự hình thành Việt Nam Cộng hoà với tổng thống Ngô đình Diệm.
Tôi là người đã sống trải qua sự thay đổi của miền Nam, và đủ lớn và đủ quan tâm suy nghĩ để hiểu, cho nên có thể hai chữ huy hoàng này dùng có thể là tạm được, tuy rằng có quá đáng. Tại sao? Tại vì tôi là một học sinh đã trải qua một giai đoạn phấn khởi với sự thành lập VNCH, và hy vọng miền Nam không bị VC nuốt chửng trong cuộc bầu cử dự tính tổ chức hai năm sau hiệp định Genève. Bởi vì tôi thấy rõ sự chuyển đổi đi lên rõ rệt của đời sống xã hội miền Nam, qua những sinh hoạt thường ngày, từ một tâm thức xã hội quan lại phong kiến của chính quyền Bảo Đại dưới sự kiểm soát của Tây, sang tâm thức độc lập tự do dân chủ. Từ con số lèo tèo không đáng kể năm 1954, số học sinh trung học và sinh viên đại học nhảy vọt lên với làn sóng di cư và ý thức trọng sự học. Tôi còn nhớ Sàigòn Chợ Lớn dưới sự trấn áp của công an do băng đảng Bình Xuyên khai thác cờ bạc đĩ điếm với sòng bài Kim Chung Đại Thế giới. Và miền Nam trong tay các sứ quân giáo phái. Tiếc thay cái tinh thần tự do dân chủ này đã bị phá hỏng bởi những lũng đoạn chính trị của Mỹ thập niên 60, và chiến tranh bành trướng đế quốc Cộng sản Liên sô Trung quốc do Hồ chí Minh và đồng đảng VC tiến hành. Để mà sau chót là dẫn tới sự sụp đổ của miền Nam năm 1975. Nói như thế không phải rằng tôi có ý ca tụng lên mây VNCH đệ nhất và tổng thống Ngô đình Diệm, cũng như những là lãnh đạo VNCH đệ nhị, để mà như có người khẳng định miền Nam bị bức tử. Theo sự suy nghĩ của tôi, cả người dân lẫn người lãnh đạo miền Nam nói chung đã không làm trọn nhiệm vụ bảo vệ cuộc sống của mình, dầu rằng đã có rất nhiều hy sinh dũng cảm. Cho đến bây giờ. Mà nhược điểm chủ yếu là đầu óc dựa dẫm ngoại quốc, tự coi mình như quân cờ, chờ lệnh đèn xanh, hay là chờ quý nhân bỗng dưng hiện đến, mà bài viết của ông Song cho thấy. Theo tôi, chỉ nói một cách ngắn gọn rằng nếu mình tự coi là quân cờ thì sẽ được đối xử như những quân cờ, và chỉ có nước than van miên viễn.
5/ NK. NK còn một nhận định nữa về quan niệm của ông Song về biển Đông. Ông viết “Việt Nam có cái may hay cái rủi, là có Biển Đông Việt Nam là Vùng Chiến Lược, là Sạn Đạo Sanh Tử để nuôi sống xứ Tàu. Nhưng câu dưới thì ông lại nói “Con đường tiếp liệu sống còn chẳng những của riêng cho Tàu, mà cũng của các quốc gia Đông Bắc Á : Đài Loan, Nhựt, Đại Hàn, của cả tỷ dân nếu cộng tất cả những dân số các quốc gia ấy”. Rồi nhảy sang kết luận: “Việt Nam có thể, nếu là một cường quốc, có thể kiểm soát thu vé và thu chi phí tiền «quá giang» ! Nhưng hởi ôi ! Tiềm lực của tài nguyên đất nước thì ngon lành, nhưng thế nước thì yếu xìu, thêm lãnh đạo lại cà chớn nữa, nên ngày nay, hết đi làm đầy tớ Tàu, lại đang xin làm «ở đợ – ô xin»
Ông tiến sĩ làm như biển Đông là kênh đào Panama hay là kênh Suez. Biển Đông là đường giao thông hàng hải giữa đông và tây, nhưng các đảo trên biển Đông dù thuộc nước nào cũng không thể có ai chặn giao thông hay đóng chốt lấy thuế. Có lẽ ông Song đã viết trong một cơn hoang tưởng. Tự do giao thông hàng hải là điều vẫn diễn ra từ trước đến nay, và mọi nước đều nói và nhắc đi nhắc lại từ khi có chuyện Tầu vạch vùng lưỡi bò, dẫn xuất từ chuyện VC nhượng quyền biển và đảo qua công hàm Phạm Văn Đồng và các thoả hiệp bí mật tiếp theo hội nghị Thành Đô của các thủ lãnh VC với quan thầy TC.
6/KV. Nghe bác sĩ Ninh nói “chính quyền quốc gia” của quốc trưởng Bảo Đại là bù nhìn của Tây thì KV không khỏi có hai thắc mắc. Thứ nhất là có thật là như thế không, và thứ hai là bác sĩ N không sợ có người cho BS là VC, vì đã đi sỉ mạ lãnh tụ quốc gia hay sao cơ?
7/TXN. Bù nhìn như tôi được biết ở nhà quê là một cái hình được tạo ra ở giữa ruộng để đuổi chim đến ăn thóc hay mạ non. Một cách tổng quát thì bù nhìn gồm một cái gậy dựng đứng có khoác lên đó cái áo mưa lá và trên là cái nón lá. Gió thổi thì bù nhìn lay động làm chim sợ mà không dám đáp xuống. Cựu hoàng Bảo Đại đang ở Hồng Kông thì được Pháp đón về để làm quốc trưởng chính quyền quốc gia, trong vùng Pháp chiếm đóng. Tôi còn nhớ lúc còn học tiểu học buổi sáng, đến giờ tan học bị giữ lại trường không cho về ăn cơm vì phải đi đón quốc trưởng Bảo Đại. Tất cả chúng tôi đều bực tức, nhưng sau đó thì yên vì mỗi đứa học trò được phát cho môt chiếc bánh mì kẹp xúc xích hay paté ngon hết xẩy kèm theo một chai nước cam hay kem soda. Tôi còn nhớ sau mỗi chuyến đi thăm dân như thế là quốc trường Bảo Đại lại sang Tây ở. Trong khi lãnh thổ cai trị là VN. Vua mà không ở trong nước thì cai trị chỗ nào? Cho nên ví với bù nhìn không sai. Ít ra thì phải nói là ông Bảo Đại cho Tây mượn cái tên và cái điạ vị cựu hoàng của mình để mà biện minh cho chuyện Tây chiếm VN, lúc ban đầu, và để chuyển sự chiếm đóng Việt Nam thành cuộc chiến chống Cộng sản, sau khi Mao Trạch Đông chiếm được Hoa Lục và giúp Hồ chí Minh trong mục tiêu bành trướng thế giới Cộng sản.
7/TV. TV muốn hỏi bác sĩ N một câu, là có sự khác biệt gì giữa chính quyền VNCH với tổng thống Ngô đinh Diệm và chính quyền quốc gia của Bảo Đại hay không? Bởi vì tổng thống Ngô đình Diệm là do Bảo Đại cử ra lãnh trách nhiệm miền Nam sau khi VN bị chia đôi bởi hội nghị Geneva, cho tới khi tổng tuyển cử giữa hai miền Nam Bắc.
8/TXN. Có sự khác biệt to lớn chứ. Ông Diệm do Bảo Đại cử ra làm thủ tướng trong một hoàn cảnh rối loạn, bất ổn. Sài gòn thì quân đội do Tây dựng nên với các sĩ quan do Tây bổ nhiệm. Những sĩ quan cấp lớn chỉ huy do Tây tín nhiệm đa số là theo Tây và coi thường ông Diệm làm thủ tướng với hai bàn tay không. Miền quê thì quần chúng nông thôn không biết gì hơn là những gia đình có ngưới tập kết ra Bắc với lời hẹn hai năm sau bầu cử sẽ về, bên cạnh những quần chúng giáo phái, mà ông Diệm là con số không. Sàigòn thì công an nằm trong tay đảng cướp Bình Xuyên là con đỡ đầu của Tây. Hệ thống thư lại là do Tây để lại gồm các đốc phủ sứ. Hệ thống cảnh sát cũng nằm trong tay các nhân vật thân Tây. Trí thức cũng trong vòng ảnh hưởng Tây, vì Sài gòn là thành phố đầu não của chính sách Nam Kỳ tự trị của Tây. Ông Diệm chỉ có hậu thuẫn nơi nguời di cư, nhưng không phải tất cả dân di cư đều ở Sàigòn, và đã được định cư ở miền quê như Cái Sắn, Bảo lộc, Binh giả vân vân… Trong hoàn cảnh đó, ông Diệm đã nương vào kế hoạch tiền đồn chống Cộng của Mỹ để ổn định tình hình. Dẹp được Bình Xuyên ngay tại Sài gòn. Và thuyết phục hay khuất phục được những sứ quân giáo phái khác. Tiếp đó là cuộc trưng cầu dân ý truất phế Bảo đại và cuộc bầu tổng thống lãnh đạo Việt Nam Cộng Hoà. Chỉ tóm lược sơ qua như thế, thì thấy ngay rằng ông Diệm với VNCH khác hẳn chính phủ quốc gia của quốc trưởng Bảo Đại. Phải nói thêm một công lao rất lớn của ông Diệm là phá được hệ thống xã hội biệt lập do Pháp bảo trợ, chủ trương, của người Hoa ở Chợ Lớn, độc chiếm một số ngành kinh tế chủ yếu, gồm 36 ngành nghề khác nhau. Tôi không thể nói dài hơn nữa vì giới hạn thời gian, nhưng đệ nhất cộng hoà không chối cãi được, đã là cái khuôn thức cho sự phát triển ý thức dân tộc mạnh mẽ ở miền Nam. Vì thế, mặc dầu sự viện trợ to lớn của Mỹ và sự có mặt của quân đội Mỹ, người miền Nam không có cái tâm thức tôn thờ Hoa kỳ như lãnh đạo và người dân miền Bắc tôn sùng thờ kính Marx, Lênin, Staline, Mao Trạch Đông.
9/NK. Nếu đúng như bác sĩ N nhận định về tinh thần dân tộc, thì tại sao mà lại có cái tình trạng dựa dẫm người ngoài ở nhiều chính trị gia miền Nam chúng ta thấy, và cái tình trạng này cũng lộ ra trong bài viết của tiến sĩ Song.
10/KV. Dạ, về câu hỏi này của anh Nguyên Kim thì KV nghĩ rằng KV có thể trả lời được. Đó là khi viện trợ tới dễ dàng vì nhu cầu của người Mỹ xây dựng tiền đồn chống Cộng, thì dần dần đã khiến cho con người ta không còn lo tới cái nhu cầu tự lực lo liệu nữa. VÀ cũng sinh ra luôn cái ý tưởng việc chống Cộng, là việc của Hoa kỳ. Vì thế bây giờ mới có nhiều người coi chuyện biển đông là chuyện quan trọng cho Hoa kỳ hơn là cho Việt Nam. Và ông tiến sĩ Song mới nghĩ rằng quốc nạn Hán hoá Việt Nam là hiểm hoạ của bành trướng Tầu, cho nên Mỹ mới ra tay “cứu bồ” Việt Nam. Và ông kết luận nhờ thế mà VN có quới nhơn Mỹ giúp đỡ là thế đấy cơ.
11/TV. Có một điểm TV muốn nói thêm ở đây rằng theo TV nghĩ, thì ngày nay sự bành trướng thế lực các nước lớn không còn chủ yếu là bành trướng điạ lý chính trị nữa, như thời chiến tranh lạnh giữa hai khối tư bản và Cộng sản nữa, mà là bành trướng kinh tế, và giao thoa kinh tế chính trị.
12/TXN. Tôi đồng ý với TV và KV. Bành trướng điạ lý chính trị là hình thái đối đầu thời chiến tranh lạnh. Áp dụng mô thức bành trướng này chỉ dẫn tới thất bại. Như ở Georgia, tổng thống Saakhasvilli đã thất bại. Ở Ukraine, phe bành trướng thân Tây phương lật đổ tổng thống thân Nga Yanukovych đã thất bại vì mất miền đông Ukraine và báo đảo Crimea. Ở Syria bành trướng điạ lý chính trị trong nỗ lực lật đổ Assad đã bị khựng lại vì sự can thiệp của Nga, với sự hỗ trợ của Iran.
Nói sơ qua thế thôi vì chương trình bàn chuyện thời sự đến đây phải ngưng. Xin kính chào tạm biệt quý vị thính giả, chào TV, KV và Nk và cám ơn quý bạn. Xin hẹn gặp lại tất cả quý vị và các bạn trong một kỳ tới.
13/ NK. xin kính chào tạm biệt quý vị thính giả đang theo dõi chương trình BCTS hằng tuần với Bs TXN, TV, KV và NK ngày hôm nay. Xin kính chào tạm biệt Bs N và thân kính chào tạm biệt hai chị TV và KV.
14/ KV. Dạ KV xin kính gởi lời chào tạm biệt đến quý thính giả. Kính chào BS Ninh, chị TV và anh NK. KV xin hẹn gặp lại trong kỳ tới ạ.
16/TV. TV kính chào BS N, anh NK, thân chào KV, và thân ái kính chào tạm biệt quý vị thính giả cùng các bạn toàn cầu đang theo rõi chương trình BCTS.