/TXN. Kính chào quý vị thính giả. Chào TV, NK, KV. Để mở đầu chương trình bàn chuyện thời sự hôm nay, xin mời quý vị thính giả và các bạn nghe một đoạn nhạc của một bài nhạc cũ đã hơn 60 năm, nhưng được đổi lời cho thích hợp với thực tế hôm nay tại Việt Nam. Đoạn nhạc này được lấy ra từ một video mà quý vị nào nếu hay lần mò vào trang điện tử Youtube thì rất có thể đã nghe. Bài nhạc lời hay, thích hợp với hình ảnh chụp được vào máy, mà hoà âm thì mới và hấp dẫn.
Clip Sàigòn đẹp quá mùa mưa:
https://youtu.be/F37CRA0WMGA.và
2/ Trước hết, NK xin kính gửi lời chào đến thính giả đang theo dõi chương trình BCTS hằng tuần với Bs TXN, TV, KV và NK ngày hôm nay. Xin kính chào Bs N và thân kính chào hai chị TV và KV.. Bài hát này nghe “đã” thật, vì trình diễn hấp dẫn. Cách đây mươi ngày NK cũng nhận được một mối nối để nghe bài gọi là “Sài gòn mưa quá” mà đã bỏ qua không xem, vì nghĩ rằng Sàigòn hay Hà nội mưa nắng chẳng có gi đáng để ý. Bởi vì nắng mưa là chuyện của trời, còn lụt lội của Sài gòn hay Hà nội là do những “đầu óc đỉnh cao trí tuệ loài người” bác và đảng đã đào tạo ra làm nên, qua xây dựng và phát triển dựa trên cái gọi là quy hoạch kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, bằng tiền của tín dụng tài phiệt thế giới , thì chẳng có gì đáng để ý. Cũng như NK đã chẳng cần nghe làm gì bài hát “Mùa thu Hà nội” của Trịnh công Sơn được nhắc trở đi trở lại từ mấy năm nay dưới đủ dạng, cùng những hình ảnh Hà nội mùa thu mới được giới giang hồ mạng tin điện tử chuyển đi, với “cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ”, để gián tiếp quảng cáo lôi kéo người hải ngoại trở về du lịch.
3/KV. Dạ, lời nói đầu tiên của KV là xin được kính chào quý thính giả. Kính chào BS Ninh, chị TV và anh NK ạ. Để tiếp theo lời của BS Ninh và anh NK thì KV cũng đã nhận được mối nối trên face book với bài nhạc “Sài gòn mưa quá” và đã vào nghe. Qua hình ảnh của clip này, KV thấy bài hát này do ba thanh niên trình diễn với đàn lục huyền cầm, có cái nét rất đặc biệt và cũng khá là hay. Để KV mớiquý thính giả, BS N, chị TV và anh NK nghe nhé, và luôn tiện cho KV ý kiến để xem có gì đặc biệt không
https://www.facebook.com/video.php?v=507625406056095
4/TV. TV kính chào BS N, anh NK, thân chào KV, và thân ái kính chào quý vị thính giả cùng các bạn toàn cầu. Cùng nói về mưa lụt Sài gòn, nhưng hai bài có những góc nhìn khác nhau, tuy cùng có tính mỉa mai. Bài hát của ba thanh niên trình diễn với lục huyền cầm thì nhắc đến chuyện đóng tiền cho nhà nước để nhà nước sửa cống rảnh cho thoát nước, thế mà mưa đến, đường phố lẫn nhà dân, ngập thì vẫn ngập, nghĩa là bài hát có nói móc nhà nước một chút. Hai bài hát này cho thấy rằng xã hội VN dưới chế độ VC hiện nay đã thay đổi khá nhiều so với thời thập niên sau 75. Lúc đó bất cứ ai nói điều gì xấu xa về xã hội đều bị cho là “bôi bác chế độ”, và đều bị trừng phạt cách này hay cách khác. Bây giờ thì VC lì hơn, nghĩa là tha hồ nói gì thì nói, miễn là đừng động đến chế độ và lãnh đạo là được. Hay nói cho đúng hơn là những đụng chạm đến nhân vật chế độ hay là nêu ra những sai trái chính sách cũng được, nhưng chỉ dành cho những người mà đảng và nhà nước mặc nhiên cho phép nói trong giới hạn.
Anh NK nói lụt lội là hệ quả phát triển Hà nội và Sàigòn theo chọn lựa của những đỉnh cao trí tuệ loài người thì có lẽ cũng đúng. Bởi vì TV được biết rằng trước 75, đã có những nghiên cứu điạ hình đất đai của các tổ chức chuyên môn thế giới, để khuyến cáo rằng hướng phát triển Sài gòn phải theo hướng bắc-tây bắc và bắc-đông bắc là phiá đất cao, thuận lợi. Còn phiá nam và đông nam là vùng thấp, ảnh hưởng nước triều, bất tiện, đặt ra nhiều vấn đề phải giải quyết tốn kém. Nay thì theo một tài liệu gọi là “Quy hoạch tổng thế phát triển kinh tế xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2015” mà TV được biết thì hướng phát triển là ngược lại. Như đoạn sau:
“Thành phố sẽ phát triển với hai hướng chính là hướng Đông, và hướng Nam ra biển. Theo Quyết định của Chính Phủ, Sài Gòn được phát triển theo mô hình tập trung - đa cực, khu vực trung tâm là khu vực nội thành với bán kính 15 km và 4 cực phát triển. Cụ thể, phát triển thành phố theo hướng đa tâm với trung tâm tổng hợp tại khu vực trung tâm hiện hữu gồm Quận 1, Quận 3, một phần Quận 4, quận Bình Thạnh (930 ha) và khu đô thị mới Thủ Thiêm (737 ha); bốn trung tâm cấp thành phố tại bốn hướng phát triển. Bên cạnh đó, phát triển thành phố với hai hướng chính là: hướng Đông và hướng Nam ra biển và hai hướng phụ là: hướng Tây - Bắc và hướng Tây, Tây - Nam. Việc hình thành cơ sở hạ tầng các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu đô thị mới hiện đại, cảng biển và kinh doanh vận tải biển, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển Sài Gòn về phía Nam tiến ra Biển Đông....... "
Ngoài ra thì TV cũng nhớ rằng khi chiếm được miền Nam, VC đã bắt thanh niên và dân chúng đi làm thủy lợi liên miên, không có nghiên cứu, mà chỉ theo quyết định của các cán bộ địa phương, để thi hành khẩu hiệu “lao động là vinh quang” trong chính sách gọi là cho dân miền Nam mỗi tuần một lần đi làm lao động xã hội chủ nghĩa. Hậu quả của những vụ thủy lợi là lụt lội, đất nhiễm mặn vân vân làm khổ dân đủ thứ. TV cũng đã trải qua kinh nghiệm này, khi thì đi thủy lợi, khi thì đi làm vườn, làm ruộng. Cho nên không lạ gì về những hệ quả của các kế hoạch VC đưa ra.
5/KV. Dạ, Về tình trạng lụt lội bất thường ở Hà nội thì KV nhớ là trước đây mấy năm, đã có đọc một số các bài báo trong nước, nói rằng nguyên nhân là do sự phát triển bừa bãi của từng vùng nhỏ, mà mục tiêu trước mắt là kiếm tiền bỏ túi cho những giới chức quyền lực tại chỗ, không có nghiên cứu lớn một cách tổng thể. Thế nhưng theo KV nghĩ thì vì bất cứ lý do nào, không nghiên cứu hay nghiên cứu với đầu óc đỉnh cao trí tuệ của đảng và nhà nước (trong ngoặc kép) - khi phát triển đô thị mà gây những hệ quả rộng lớn, làm trở ngại cho đời sống bình thường của người dân thì rõ ràng là điều khó có thể chấp nhận. Trong tình trạng này, thì KV nghĩ người dân trong nước một khi đã chấp nhận chế độ, thì chỉ có cách duy nhất, là chấp nhận cả nguyên tắc VC nêu ra từ trên hai thập niên nay, khi bắt đầu phải nói đến chuyện thay đổi là “Sai đâu thì sửa đấy”, không sao. Còn người dân quá lắm thì chỉ có thể riễu thêm cho hả giận là “sửa đâu sai đấy” và thích ứng cho qua, như trường hợp hai bài hát mà chúng ta vừa nghe. Nghĩa là cứ việc chịu lụt lội, và đem rổ ra xúc cá, hay dùng thuyền nhỏ để di chuyển cho qua mùa mưa, hay là ra phố mà tắm mát như video mà chúng ta thấy trong hai bài hát này, hay là những hình ảnh dầm mưa và lụt lội khác, đã được đưa đầy ra trên mạng điện tử.
6/TXN. Đại hội đồng thường niên Liên hiệp quốc với sự tham dự của các nguyên thủ quốc gia có một sự kiện nổi bật là sự đụng đầu Nga Mỹ trong vấn đề Syria, được thấy rõ trên truyền thông thế giới qua hình ảnh bộ mặt gườm gườm của hai ông Putin và Obama khi bắt tay nhau. Và người ta cũng mô tả rằng chiếc bắt tay cứng ngắc, lạnh nhạt. Tóm tắt thì chủ trương của ông Obama là tổng thống Syria Assad phải ra đi. Chủ trương này đã được nói lên từ đầu cách đây hơn 4 năm, khi Mỹ và các nước Anh Pháp công khai ủng hộ những cuộc biểu tình chống độc tài Assad, để biến dần thành những cuộc chiến phá hoại mang tính chất đặc công và khủng bố, được coi là thực hiện bởi Quân đội tự do Syria với các phương tiện nhân sự và võ khí từ Thổ nhĩ Kỳ và các nước Ả Rập theo Mỹ ở Trung đông. Cuộc chiến này đã bị chững lại khi Putin dứt khoát chống quyết định ném bom thủ đô Damascus để dứt điểm, của tổng thống Obama năm 2013. Tuy nhiên, cuộc chiến đã biến sang một hình thái khác, với sự xuất hiện nhanh chóng và mạnh mẽ bất thường của lực lượng Hồi giáo ISIS, và tháng 6 năm ngoái đã trong vòng chưa tới hai tháng chiếm đóng một vùng rộng lớn của Iraq và Syria chứa dầu hoả, và tuyên bố thành lập một nhà nước Hồi giáo do một nhân vật bí ẩn lãnh đạo, tên là Abu Bakr al Bagdhadi đã từng bị Mỹ cầm tù rồi được thả ra.
Mỹ đã thoạt đầu yên lặng không có phản ứng đối với cuộc tiến công của ISIS nhanh chóng chiếm những vùng dầu hoả của Iraq và chỉ kết tội quân đội và an ninh Iraq mà Mỹ đã bỏ ra nhiều tỉ đô la huấn luyện là không làm tròn nhiệm vụ, và thủ tướng Nouri al Maliki mà Mỹ dựng nên đã bất lực, tham nhũng bè phái. Tổng thống Obama đã công khai nhận rằng mình không có chiến lược gì đối với ISIS. Nhưng sau chót thì tổng thống Obama đã gửi 3,000 quân sang Iraq để gọi là giúp huấn luyện lại quân đội và an ninh Iraq. Và lập Liên minh chống ISIS mà nòng cốt là Anh Pháp Mỹ và các nước Ả Rập theo Mỹ thực hiện những cuộc không kích ISIS trên đất Syria, tính tới nay là đã trên 3,000 phi vụ, mà ISIS chưa có dấu hiệu suy sụp. Ông cũng tuyên bố rằng giải quyết ISIS là chuyện lâu dài. Nga đã lên tiếng xin gia nhập liên minh chống ISIS này để góp sức, nhưng bị Ả Rập Saudi chống đối và Mỹ cũng vậy. Mới đây nhất, ngày 30 tháng 9/2015, Nga đã không kích ISIS ở ba địa điểm khác nhau. Mỹ đã nhanh chóng phản ứng. Bộ trưởng quốc phòng Mỹ nói rằng Nga đổ dầu vào lửa, làm bùng cháy cuộc chiến Syria. Ngoại trưởng Kerry nói rằng cuộc oanh kích của Nga làm tình hình Syria thêm hiểm nghèo, nhưng không phản đối quyết liệt mà chỉ bày tỏ ý hợp tác hai bên chặt chẽ để tránh các tổn hại bất ngờ xẩy ra cho không lực hai bên Nga và Mỹ cùng với nhóm liên hiệp chống ISIS khi những máy bay không kích hai phiá với tốc độ cao cùng bay vào một không phận Syria nhỏ hẹp. NK, TV, KV nghĩ sao khi Nga nhẩy vào Syria trực tiếp như vậy?
7/NK. Có nhiều điều khó hiểu và mâu thuẫn trong chuyện ISIS. Thứ nhất là ISIS lớn mạnh mau chóng và di chuyển bằng xe vận tải dân sự nhỏ để chiếm mau chóng một vùng rộng lớn của Iraq có dầu hoả trong một thời gian rất ngắn mà Mỹ không dùng không lực để tiêu hủy mặc dầu có lời kêu gọi của thủ tướng Iraq lúc đó là Nouri al Maliki. Và chúng ta biết rằng Maliki là do Mỹ xây dựng nên và ủng hộ cho làm thủ tướng 8 năm, và bỏ ra nhiều tỉ đô la để xây dựng quân đội và cảnh sát Iraq cho Maliki. Thứ hai, là ISIS đã quay sang hoạt động ở Syria chống tổng thống Assad và cũng chiếm được một số vùng quan trọng để Mỹ lập liên minh chống ISIS. Thứ ba tin cho biết Ả Rập Saudi và Qatar và UnitedArab Emirates là những nước theo Mỹ đã giúp xây dựng ISIS mà Mỹ không nói gì. Thứ ba, là nếu như vậy thì tại sao Mỹ và các nước Ả Rập lại lớn tiếng chống ISIS và lập liên minh chống ISIS để không kích ISIS trên đất Syria. Thứ tư, tại sao Nga xin gia nhập khối liên minh chống ISIS để phối hợp mà Ả Rập Saudi và Mỹ không đồng ý? Saudi chống thì không nói làm gì, vì đã giúp xây dựng ISIS, nhưng Mỹ chống là vì sao, trong khi chính thức thì Mỹ là chống ISIS? Thứ năm, khi ngày 30 tháng 9/2015 Nga không kích các căn cứ mà Nga gọi là của ISIS thì Mỹ nhanh chóng phản đối, nhưng mà một cách không thống nhất. Bộ quốc phòng thì la lớn trong khi bộ ngoại giao thì mềm mỏng kêu gọi hợp tác đối thoại, và thực sự là như thế, khi cả hai ngoại trưởng Mỹ và Nga đều xác định hợp tác, tuy rằng với hai bộ mặt lạnh lẽo trước máy truyền hình.
Suy nghĩ cho kỹ thì theo NK, tóm lại ISIS chỉ là tên của một nhóm phức tạp có mục tiêu trước mắt là chống Assad. Nhưng trong đó thì có một số nhân sự nòng cốt quan trọng được các nước Ả Rập hỗ trợ để đóng vai xung kích chống đánh chính phủ Assad với những biện pháp khủng bố khốc liệt để khiến quần chúng và quân đội của Assad hoảng sợ mà bỏ chạy. Rồi sau đó thì lui vào cố thủ hoạt động ở vùng đã chiếm được và tồn tại nhờ khai thác dầu hoả và nhờ liên kết chính trị với các nước Ả Rập đã dựng nên ISIS. Vì thế tổng thống Obama mới tuyên bố chuyện giải quyết ISIS là chuyện lâu dài. Trong cuộc điều đình giải quyết chính trị thay Assad thì sẽ có một nhóm kể là ôn hoà thí dụ như Jabhat al Nusra, hay là Quân đội tự do Syria xuất hiện cầm quyền, với sự ủng hộ của Âu Mỹ.
8/TV. Phân tích như anh NK thì có thể hiểu tại sao Nga xin gia nhập nhóm liên minh chống ISIS mà không được. Lý do là các không kích của liên minh chỉ nhằm vào các thành phần cần phải loại đi để khỏi làm trở ngại cho hoạt động của nhóm nòng cốt do các nước Ả Rập lập ra, để nhóm nàytiếp tục tồn tại và quậy phá nếu cần, sau khi Assad bị loại. Và rất có thể là những không kích nhắm vào các vị trí quân sự của chính phủ Assad. Nga, dĩ nhiên là biết điều này cho nên Putin mới tuyên bố dứt khoát ủng hộ Assad là chính phủ hợp pháp được dân bầu ra. Và Putin đã không thể chờ đợi thêm nữa có lẽ vì nếu tiếp tục ngồi xem thì có thể là Assad sụp đổ, vì theo như tin tức Tây phương loan đi thì Assad chỉ còn giữ chừng ¼ lãnh thổ. Và cũng có thể hiểu rằng tại sao Nga bị tố là đã không oanh kích ISIS mà đã oanh kích vào tổ chức chống đối Jabhat al Nusra. Và Nga cũng kỹ càng tuyên bố rằng những không kích là do theo thư yêu cầu của chính phủ Assad Syria, đúng theo luật lệ quốc tế. Và như thế là gián tiếp tố cáo tính bất hợp pháp của những không kích vào đất Syria của Âu Mỹ và liên minh chống ISIS, mà không có sự hợp tác cũng như yêu cầu của chính phủ Syria.
9/KV. Dạ, nghe qua những gì mà anh NK và chị TV phân tích thì sau khi Assad sụp đổ, KV nghĩ rằng tình trạng Syria sẽ không thực sự được yên ổn đâu cơ. Bởi một nhóm kể là ôn hoà lãnh đạo, không có sức mạnh là mấy, ngoài sự yểm trợ từ Washington và London, không có nhiều sự hỗ trợ của quần chúng, vì không từ quần chúng sinh ra, và không có nhiều khả năng kinh tế tài chính, vì ISIS đã chiếm một số vùng dầu hỏa, thì làm sao mà ổn định? Liệu có khác gì Lybia? Và câu hỏi đặt ra là chẳng lẽ Mỹ và Anh, cũng như Pháp cách đây 4 năm, bắt đầu giúp mở ra cuộc chiến Syria, gây tử thương cho 250,000 người, và mất nhà mất cửa cho cả triệu người, là vì muốn có một Syria bất ổn, loạn lạc hay sao cơ?
10/TXN. Tự do dân chủ, trong trường hợp này, đã chỉ là cái cớ để Mỹ và đồng minh mở ra cuộc chiến Syria, đuổi Assad đi. Các nước Anh Mỹ Pháp ngay từ đầu đã đòi Assad ra đi, vì nói rằng Assad đã tàn sát dân chúng biểu tình bất bạo động chống độc tài, đòi tự do dân chủ. Chúng ta còn nhớ lực lượng Quân đội Syria tự do đã được thành lập với sự đào ngũ của một vài tướng tá Syria, và từ những người di tản chạy sang lãnh thổ Thổ nhĩ Kỳ ở phiá bắc Syria, cũng như những quân tình nguyện đủ nguồn gốc. Bọn này có thể nói là lính đánh thuê. Các cuộc đánh phá đặc công dưới nhiều hình thức đã tiếp tục nhưng không loại được Assad. Sau chót thì tổng thống Obama quyết định ném bom dứt điểm, với lý do là Assad đã vượt lằn ranh đỏ Mỹ vạch ra, là dùng vũ khí hoá học. Nhưng ông Obama đã phải ngưng lại vì Nga quyết liệt chống đối. Từ đó cuộc chiến biến thái đi với sự nẩy nòi ra lực lượng Al Qaeda ở Syria, mà Jabhat al Nusra là danh hiệu mũi nhọn nổi ra ngoài, điều động bởi những thành viên ISIS hay ISIL, với các biện pháp tàn khốc khủng bố mà chúng ta đã biết. Assad chỉ còn ¼ lãnh thổ. Và Nga nhẩy vào. Với Putin có quyết tâm giành lại vị trí` cường quốc, có tỷ số dân Nga ủng hộ rất cao trên 80%, và có khả năng vận dụng khéo léo tình hình để ảnh hưởng dư luận, thì Mỹ Anh Pháp không có hy vọng gì thắng cuộc. Chưa kể thực tế là tư thế tài chính kinh tế của Mỹ Anh Pháp hiện nay không cho phép những biện pháp đối đầu quân sự tốn kém. Cho nên chỉ có cách đối thoại, mà may mắn lắm là giữ nguyên trạng. Nghĩa là Syria không biến thành Lybia hỗn loạn như hiện nay. Và Putin đã nói rằng Nga giúp Syria để tránh tình trạng hỗn loạn của Lybia. Nhắc đến chuyện Lybia, Putin đã đánh một đòn khá nặng vào chỗ yếu của chiến lược Lybia của Mỹ Anh Pháp. Còn câu hỏi của Khánh Vân rằng chẳng lẽ Mỹ Anh Pháp đuổi Assad đi để thay ổn định bằng xáo trộn hay sao thì tôi có ý kiến rằng điều quan trọng là Assad phải ra đi. Để một là Syria không còn là cái gai bên cạnh sườn Do Thái và hai là có thể khiến Nga mất quyền xử dụng căn cứ quân sự Tartus thuê của Assad khi chính quyền rơi vào tay một thành phần thân Mỹ Anh Pháp. Syria ổn định hay hỗn loạn không là điều quan trọng. Bởi vì hỗn loạn thì chỉ dân Syria lãnh chứ Mỹ Anh Pháp không hề hấn gì. Có khi hỗn loạn là tốt vì Syria sẽ không còn là một đe doạ cho Do Thái. Cũng như Do Thái đã yên lành thoải mái từ khi Mỹ mở tấn công vào Iraq, lật đổ Saddam Hussein, và dân Iraq sống trong chết chóc lộn xộn từ 12 năm nay, chưa biết bao giờ chấm dứt.
Tóm lại cuộc điều đình đối thoại hiện nay giữa Nga và Mỹ là vai trò Assad. Mỹ hiện đang cứng rắn một cách chừng mực, đòi Assad ra đi, nhưng không nói rõ là đi thế nào. Anh thì mềm mỏng đề nghị cho “Assad đóng vai trò trong một chính phủ chuyển tiếp”. Tổng thống Pháp Hollande thì quyết liệt tuyên bố “Assad là nguồn gốc của vấn đề và không thể là một phần của lời giải”. Nói như vậy nhưng Pháp chẳng có mấy sức lực để cáng đáng chuyện làm cho Assad ra đi. Anh thì chỉ đóng vai đưa đề nghị để điều đình. Tổng thống Obama tất nhiên sẽ cứng rắn trong điều đình, nhưng ông sẽ không phải quyết định, vì đến tháng giêng 2017 là ông sẽ rời Bạch cung.
Đến đây thì chương trình bàn chuyệnthời sự hôm nay phải tạm ngưng. Xin kính chào tạm biệt quý vị và các bạn Chào NK, TV, KV và xin cám ơn các bạn Xin hẹn gặp lại quý vị và các bạn trong một kỳ tới.
11/KV. Dạ, KV xin gởi lời chào tạm biệt đến quý thính giả. Chào BS Ninh, anh NK và chị TV. KV xin hẹn gặp lại quý thính giả và quý anh chị vào lần tới ạ.
12/ . NK xin kính chào tạm biệt quý vị thính giả đang theo dõi chương trình BCTS hằng tuần với Bs TXN, TV, KV và NK ngày hôm nay. Xin kính chào tạm biệt Bs N và thân kính chào tạm biệt hai chị TV và KV.
13/ TV. TV kính chào BS N, anh NK, thân chào KV, và thân ái kính chào tạm biệt quý vị thính giả cùng các bạn toàn cầu đang theo dõi chương trình BCTS.
October 4, 2015