1/TXN. Kính chào quý vị thính giả. Chào Nguyên Kim. Chào KV. Chào TV.
Trước hết, xin nói rằng chúng tôi vừa nhận được một thư góp ý ngắn về chương trình bàn chuyện thời sự kỳ trước. Xin đọc lên để quý vị và các bạn cùng tường: “Kỳ bàn chuyện thời sự vừa rồi có nói tới một kỹ sư hoá chất Mỹ tốt nghiệp viện kỹ thuật danh tiếng Mỹ MIT 12 năm không tắm rửa mà chỉ xịt những vi trùng sống trong bụi đất mà không có mùi mè gì. Bởi vì những vi trùng này có khả năng chống sự phân giải các chất urea và ammonia trong mồ hôi và nước tiểu khiến sinh hôi thối. Tiếp theo, tôi đọc tin tức thì được biết ở Peru có một ông già vô gia cư 83 tuổi dơ dáy bẩn thỉu nhiều năm không tắm, đã được dân làng mang đi tắm rửa thay quần áo trông khác hẳn. Do đó tôi đã nẩy ra ý kiến là nếu ông kỹ sư hoá chất MIT biết chuyện này mà gửi sang Peru thuốc xịt chứa vi trùng của ông mà nhanh chóng khiến ông già vô gia cư sạch sẽ thơm tho thì không quảng cáo nào bằng. Nhân tiện thì tôi cũng chợt nghĩ nước Mỹ cũng chẳng thiếu gì người vô gia cư, nếu mà thuốc xịt vi trùng trừ hôi thối của ông kỹ sư hoá chất MIT đem ra thử ở một số người này, thì có lẽ không cần quảng cáo thuốc cũng chạy như tôm tươi. Quý vị có thể chuyển ý này cho kỹ sư hoá chất dùm.” Xin cám ơn góp ý của vị thính giả. Chúng tôi sẽ chuyển thư này cho các tờ báo loan tin về khám phá của ông kỹ sư cùng với tin và hình ông già vô gia cư ở Peru trước và sau khi tắm rửa.
Tuần này có nhiều tin thời sự kể là rất là đặc biệt, cho người ta thấy những thay đổi quan trọng trong tình hình thế giới. Một là tin tổng thống Colombia ngày 23 tháng 9 đã xuất hiện cùng với thủ lãnh phe chống đối tả khuynh FARC qua sự bảo trợ của tổng thống Cuba, ra tuyên cáo chung rằng hai bên sẽ kết thúc cuộc chiến tranh kéo dài nửa thế kỷ, với một thoả ước sẽ được hoàn chỉnh trong vòng 6 tháng để công bố. Hai là chuyến thăm Hoa kỳ của tổng thống Trung quốc Tập Cận Bình mà nhiều nhà bình luận và chính trị Việt nam cho là sẽ căng thẳng, khó khăn, và chưa chắc đã xẩy ra. Ba là cuộc hội đàm giữa thủ tướng Do Thái Netanyahu với tổng thống Nga Putin ngày 21 tháng 9/2015.
2/NK.Trước hết, NK xin kính gửi lời chào đến thính giả đang theo dõi chương trình BCTS hằng tuần với Bs TXN, TV, KV và NK ngày hôm nay. Xin kính chào Bs N và thân kính chào hai chị TV và KV. Ba việc mà bác sĩ Ninh coi là quan trọng thì NK thấy không có gì đáng chú ý cho lắm. Nói về nước Colombia, thì NK xin Bs N và hai chị TV, KV đừng cười chứ thật tình mà nói NK chỉ biết đến Colombia qua hương vị của những ly cà phê phin pha ở nhà vào những buổi sáng cũng như tại các quán cà phê Starkbuck, Second Cup, Java ... mà thôi, chứ NK không biết rõ là nằm chỗ nào, còn nói về tổ chức thiên tả chống đối FARC NK chỉ nghe loáng thoáng vài lần và không để ý. Và theo NK thì nhiều người cũng như NK. Hai bên có thoả thuận với nhau mà chấm dứt chiến tranh thì là điều hay và mừng cho dân Colombia. Nhưng còn bảo đó là một chuyện quan trọng trong tình hình thế giới thì NK thấy không hẳn là như thế. TV và KV nghĩ sao?
3/KV. Dạ tiếp theo lời của anh NK thì trước hết, KV xin kính gởi lời chào đến quý thính giả, Kính chào BS N, Chị TV và anh NK. Dạ thưa qua những gì mà KV nghe từ nãy đến giờ từ BS Ninh rồi anh NK, thì suy nghĩ của KV cũng không khác gì anh NK cả. Thứ nhất, vì KV không thấy Colombia có liên quan gì đến đời sống của dân chúng ở nước Mỹ nàylà bao nhiêu, trong đó có cả KV - . Thứ nhì, chuyến ghé thăm Hoa kỳ của tổng thống Trung quốc Tập Cận Bình, thì KV đã nghĩ rằng thế nào rồi cũng xẩy ra thôi, dù mấy nhà chính trị hay là mấy nhà truyền thông VN có bàn gì đi nữa thì cũng vậy. Lý do KV nghĩ như thế là bởi vì dựa trên nền tảng thực tế là TQ với Mỹ có những giao thương kinh tế tài chính nhiều mặt với nhau, không thể nào chống đối nhau đến tận cùng, để mà đi đến chỗ đánh nhau bằng quân sự. Cho nên KV không thấy đó là chuyện quan trọng thay đổi tình hình thế giới là vậy đấy cơ.
4/TV kính chào BS N, anh NK, thân chào KV, và thân ái kính chào quý vị thính giả cùng các bạn toàn cầu. Chuyện thủ tướng Do Thái Netanyahu gặp tổng thống Nga Putin theo TV nghĩ chỉ là vì Nga mới gửi quân sang giúp Syria, một cách công khai. Có nghĩa rằng Nga không chỉ tuyên bố miệng xuông là ủng hộ tổng thống Assad. Còn ông Netanyahu chúng ta biết là một chính trị gia Do Thái rất là năng nổ và diều hâu, vì đã từng sang quốc hội Hoa kỳ đọc diễn văn trước quốc hội Mỹ vận động chống chủ trương ký hiệp ước nguyên tử với Iran. Ông cũng đã từng sang Bạch cung nhiều lần để thảo luận với ông Obama về vấn đề Palestine. Do đó việc ông Netanyahu sang Nga nói chuyện với Putin cũng là chuyện dễ hiểu. Ngoài ra thì Syria ở ngay sát cạnh Do Thái, và Do Thái đã canh chừng Syria rất kỹ, cũng như đã có những biện pháp quân sự trong quá khứ như oanh kích điạ điểm nghi là nhà máy nguyên tử hay là các đoàn xe chở hoả tiễn và các kho võ khí trên đất Syria. Cho nên Netanyahu sang Nga một là để dò ý, hai là để điều đình với Putin. Cho dù thế nào đi nữa thì chuyện này chỉ ảnh hưởng đến Do Thái và Syria chứ không ảnh hưởng gì đến thế giới bên ngoài, như bác sĩ Ninh vừa nói ở trên.
5/TXN. Cả ba bạn nói đều có lý phần nào. Colombia và tổ chức thiên tả chống đối FARC chỉ làm cho dân Columbia chịu chết chóc và chạy loạn vì chiến tranh. Nhưng mà nguyên do chiến tranh kéo dài là từ ngoài. FARC là do Cuba ủng hộ và do tiền bán ma túy mà tồn tại, và chính phủ Colombia thì do Mỹ hỗ trợ. Cả hai bên đều có những hành động giết chóc hung bạo, gây căm hận. Những lãnh đạo FARC khi bị chính phủ bắt thì bị dẫn độ sang Mỹ để xử. Các lãnh tụ quân sự Colombia cũng phạm những hành động tội ác mà FARC không dung thứ. Vì thế hai bên đã điều đình với nhau từ ba năm nay, nhưng mà không đi tới đâu, vì bất đồng trong chính sách đối xử với nhau khi ngưng chiến. Nay đã vượt qua đ ược điểm này. Nghĩa là không có vấn đề dẫn độ sang Mỹ nữa. Tức là Mỹ đã nhượng bộ. Ngoại trưởng Kerry đã gọi điện thoại khen ngợi tổng thống Colombia. Còn tổng thống Cuba Raoul Castro là người đã bảo trợ cuộc điều đình, để hai bên gặp nhau thoả thuận rằng những người của cả hai phía dù đã bị kể là phạm tội ác đều sẽ không bị đem ra toà án thường xét xử, mà chỉ ra toà án đặc biệt, để mà khai ra sự thật và bày tỏ hối lỗi để được giảm khinh. Nói tóm lại là xí xoá tất cả. Chuyện gì đã qua kể là qua luôn. Quân FARC bỏ khí giới sẽ trở thành một lực lượng chính trị tham dự trong chính trường Colombia. Việc này kể như là hệ quả của sự tái lập bang giao giữa Mỹ và Cuba.
6/NK. Như thế thì tức là công bình hoà giải thật sự, không phân biệt kẻ thắng người thua nữa. Kể ra thì cũng khó, nhưng nếu đạt được như thế thì hoà bình thật sự sẽ có và dân Colombia sẽ sống trong hoà hợp hoà giải. Khác với VN, mặc dầu đã không còn tiếng bom đạn đã 40 năm nhưng căm hận vẫn còn, vì chỉ có tiếng nói của kẻ thắng cuộc khoe khoang lấn át, và người thua trận thì cũng không ngần ngại gì mà không chỉ ra và xỉ mạ những bạo ngược và ngu xuẩn đã tàn phá đất nước. Trong chuyện này, rõ ràng là có sự thoả thuận giữa Mỹ và Cuba, mà chúng ta thấy cụ thể là việc tái lập bang giao hai nước.
7/KV. Khi mà Cuba và Mỹ thoả hiệp với nhau như vậy thì có nghĩa là Mỹ đã không còn giữ vai trò “ông trùm”, quyết định tất cả ở Nam và Trung Mỹ nữa, không thể coi vùng này là “sân sau” của Mỹ nữa, có phải không cơ ạ?
8/Theo TV biết thì không phải bây giờ, đến vụ này, Mỹ mới không còn đóng vai trò quyết định ở Trung và Nam Mỹ, bởi vì đã có khối kinh tế tài chính BRICS gồm Brazil, Nga, Ấn độ, Trung quốc và Nam Phi thành lập từ mấy năm nay để cạnh tranh với khối tiền tệ trong vòng ảnh hưởng đồng đô la, với các định chế thế giới như Ngân hàng thế giới (World Bank) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Ngoài ra thì còn có những nước như Venezuela, Bolivia vân vân là những nước thiên tả, không nhận lệnh của Mỹ nữa.
9/TXN. Không đi sâu thêm vào chi tiết nữa làm gì, nhưng có thể nói rằng sau chuyện Mỹ tái lập bang giao với Cuba và chuyện điều đình chấm dứt chiến tranh giữa hai phe đối thủ không đội trời chung, là chính phủ Colombia với FARC, thì có thể nói rằng Mỹ đã chấp nhận một thực tế chính trị phản ảnh vị thế không còn bao trùm của MỸ trên toàn cầu nói chung và tại Colombia nói riêng. Vì Colombia là nước có 48 triệu dân, đứng thứ ba về mặt dân số ở Nam Mỹ, chỉ sau có Brazil và Mexico, nằm trong vòng ảnh hưởng nặng nề của Mỹ từ thập niên 1960. Brazil đã ít nhiều độc lập với chính sách Mỹ, nay thêm Colombia, thì chỉ còn có Mexico là đi sát với Mỹ. Đây là lý do mà tôi nói rằng chuyện ngưng chiến Colombia là một chuyện quan trọng trong tình hình thế giới. Những diễn biến tình hình sau ngưng chiến sẽ cho chúng ta biết thực sự ảnh hưởng Mỹ tại Colombia còn tới đâu. Những đấu đá chính trị sẽ không phải vì thế mà không có phần quyết liệt. Phe nào chiếm ưu thế thì mình chưa biết được vì cuộc đấu này là cuộc đấu giữa tiền bạc tư bản và khả năng tổ chức và tuyên truyền dân nghèo của phe thiên tả FARC.
10/NK. Muốn nói gì thì nói, NK thấy rằng điều đình đến thoả hiệp đã khó, nhưng thi hành thoả hiệp mới thực là khó hơn. Có điều là khi được biết rằng cuộc điều đình kéo dài cả gần 3 năm không tới đâu mà chỉ trong có vài chục ngày chót đi đến kết thúc trên nguyên tắc, với sự tán thưởng của cả Mỹ lẫn Cuba là hai thế lực đối đầu hỗ trợ mỗi bên, thì NK thấy rằng khó mà bảo rằng đó là một thoả hiệp hình thức. NK đồng ý với bác sĩ N rằng khả năng vận động quần chúng hay bằng tiền của mỗi bên sẽ quyết định kết quả tại chỗ.
11/KV. Xem qua các tin tức thì KV thấy rằng đức giáo hoàng Francis đã đóng một vai trò quan trọng trong việc ký thoả hiệp này. Vì ngoại trưởng Kerry đã cám ơn đức giáo hoàng là đã ủng hộ kế hoạch hoà bình này, vì rằng sau khi làm lễ ngày chủ nhật 20 tháng 9 ở Havana, đức giáo hoàng đã kêu gọi chính quyền Colombia và quân du kích FARC chấm dứt “đêm dài chiến tranh” và nói “chúng ta không có quyền cho phép chúng ta thất bại lần nữa”. Thưa BS N, anh NK và chị TV thấy thế nào cơ ?
12/TV. Có thể là như thế, vì theo như TV hiểu thì đại đa số dân chúng Nam Mỹ là theo đạo Công giáo vì thế lời nói của giáo hoàng rất có trọng lượng đối với họ, nhất là đức giáo hoàng Francis được coi là đại diện cho người nghèo, bênh vực người nghèo. Tuy nhiên TV cũng nghĩ rằng yếu tố chính trị Mỹ là chính yếu, bởi vì không dễ gì mà Mỹ để buông lơi Colombia sau nửa thế kỷ bỏ ra nhiều tỉ đô la viện trợ và để chống buôn bán ma túy, biến Colombia thành một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở Nam Mỹ.
13/TXN. Chuyện Colombia này, theo tôi chỉ phản ảnh chiến lược toàn cầu của Mỹ, thích ứng với tư thế chính trị và kinh tế của Mỹ hiện nay. Nghĩa là chấp nhận đấu đá chính trị qua các tay chân thân cận điạ phương, vì không còn đủ sức khống chế như “sân sau nhà” thời chiến tranh lạnh. Đó là điều đã và đang xẩy ra ở Venezuela, ở Nicaragua, ở Ukraine, ở Syria vân vân. Nói về vai trò của đức giáo hoàng trong thoả hiệp, thì tôi cho rằng nếu có ảnh hưởng thì cũng chỉ có ảnh hưởng giới hạn. Mỹ đã tổ chức nghênh đón đức giáo hoàng một cách vô cùng trọng thể, hơn hẳn các giáo hoàng trước, tương tự như là để đón nguyên thủ các nước lớn mạnh hay là những đối tác quan trọng, cần tranh thủ, nếu không phải là đồng minh. Thí dụ như nữ hoàng Elizabeth, như tổng thống Pháp… vân vân Bởi vì Mỹ cần tranh thủ giáo hoàng trong tương lai ở những vùng điạ lý chính trị khó đối đầu, như Nam Mỹ, Phi Châu, vì sự len lấn của TQ và Nga, vì giáo hoàng có ảnh hưởng lên số giáo dân đông đảo ở các nước này.
14/NK. Chị TV giải thích chuyến đi của Netanyahu sang Mạc tư khoa gặp Putin bằng cá tính năng nổ và chủ trương diều hâu của Netanyahu mà chị TV thấy lộ ra rõ rệt ở Mỹ, thì NK chỉ thấy đúng ở một phần. Ở Mỹ, Netanyahu có ảnh hưởng lớn lên chính giới Mỹ vì thế lực vận động chính trị mạnh mẽ của Do Thái. Do đó muốn làm gì cũng được, từ chuyện sang gặp tổng thống Obama đến chuyện trình bầy trước quốc hội quan điểm chống thoả hiệp với Iran của Bạch cung. Nhưng điều này không có nghĩa là tư thế của Netanyahu trước Putin cũng tương tự. Chỉ cần so sánh nét mặt của Netanyahu trước Putin với nét mặt trước Obama là thấy rõ sự khác biệt. Trước Putin thì Netanyahu nghiêm chỉnh đàng hoàng, trước Obama thì thách đố kênh kiệu. Còn Putin thì mặt tỉnh bơ cho thấy sự chủ động biết mình sẽ làm gì trước viên thủ tướng Do Thái nổi tiếng ngông nghênh ở Mỹ và ở Pháp đối với tổng thống Pháp Sarkozy cũng như tổng thống Mỹ Obama. NK đồng ý với chị TV rằng Netanyahu sang Nga để tìm hiểu tình hình, chứ không phải là thách thức đòi hỏi, như là đối với các chính khách Mỹ.
15/KV. Theo như tin tức mà KV đọc được thì văn phòng Netanyahucho biết rằng Netanyahu “sẽ thảo luận về việc quân Nga đóng ở Syria, và sẽ trình bầy những đe doạ cho Do Thai, vì số lượng gia tăng vũ khí tối tân cho Syria, đồng thời chuyển giao cho Hezbollah và các tổ chức khủng bố khác”. Nhưng mà tin từ Nga thì cho biết rằng “Những vấn đề khẩn cấp về hợp tác song phương và nghị trình quốc tế, sẽ được thảo luận. Nói riêng là hai bên sẽ trao đổi ý kiến về vấn đề tiến trình hoà bình Trung đông, và cuộc chiến chống mối đe doạ khủng bố toàn cầu”. Tức là Nga muốn Do Thái sẽ làm gì, hành xử ra sao trong kế hoạch ổn định Trung đông của Nga. Tin truyền thông Nga cũng cho biết là chuyến đi của Netanyahu là “một chuyến đi thăm làm việc 3 giờ đồng hồ” tại tư dinh ông Putin rồi sau đó ra phi trường trở về. Người ta không biết rằng Netanyahu có được đãi ăn trưa hay không. Ngoài ra thì tin Nga còn loan đi rằng Nga không coi Hezbollah là một tổ chức khủng bố, mà là một tổ chức “giúp quân đội Syria chống các nhóm khủng bố, bao gồm cả nhóm Jabhat al-Nusra và ISIS” Tin Nga đã tạo ấn tượng rằng “Putin đã kiên nhẫn nghe Netanyahu trình bầy, và “thông cảm” về mối lo an ninh của Do Thái, nhưng đã không hứa hẹn gì. Dựa theo những sự kiện trên thành ra KV cũng nghĩ rằng Netanyahu sang Nga để tìm hiều lập trường của Nga, và trình bày vấn đề, chứ không có điều đình gì. Vì muốn có điều đình gì thì trong 3 tiếng đồng hồ sẽ không thể đủ thời giờ để điều đình đâu ạ. Câu hỏi của KV là chuyến đi của Netanyahu có được thảo luận trước với Bạch cung không, và ý kiến của Mỹ trong chuyện này là như thế nào?
16/TXN. Nhiều phần là Netanyahu không cần hỏi ý Bạch cung bởi vì ba lý do, theo tôi. Một là Netanyahu không nể vì gì Bạch cung như ta đã thấy, hai là dù sao đi nữa thì Bạch cung cũng không có cảm tình gì với Netanyahu để mà bàn bạc với nhau, và ba là trong mối tương quan Nga Mỹ hiện nay, Mỹ không có mấy tư thế chủ động đối với Putin. Và điều này thì đã tỏ rõ trong vụ Ukraine rồi. Nói khác đi, Mỹ sẽ tùy Nga tiến thoái thế nào để mà đối phó. Trong khi đó thì Nga đã có chủ trương rõ rệt, là không để cho Syria mất vào tay Mỹ hay Do Thái. Và Putin đã nói rằng “Chúng ta phải bỏ sang bên những tham vọng điạ lý chính trị, bỏ đi lối xử dụng tiêu chuẩn kép, chính sách gián tiếp hay trực tiếp xừ dụng một số nhóm khủng bố cho những mục tiêu giai đoạn thời cơ, trong đó có việc đổi chính quyền và chính thể mà có một số người ghét”. Tức là Putin đã ám chỉ đến thành phần phức tạp của các lực lượng ISIS hay là Jabah al-Nusrah trong đó có những nhóm được Do Thái hay các nước Trung đông thân Mỹ ủng hộ để chống chính phủ Assad. Tuy vậy, nhưng Netanyahu đã thông báo cho các phóng viên Do Thái sau cuộc họp rằng là ông đã điều đình xong được một thoả hiệp tránh xung đột giữa quân đội Nga và Do Thái trong và quanh Syria. Nói thế có nghĩa là DoThái sẽ tránh đụng độ quân sự với Nga ở Syria. Netanyahu cũng nói rằng Do Thái sẽ tiếp tục ngăn ngừa sự chuyển giao võ khí vào Lebanon cho lực lượng Hezbollah và Golan Heights cho lực lượng Shiites thân Iran mở mặt trận chống Do Thái. Điều này thì người ta chưa biết ra sao, khi mà quân đội Nga chở võ khí đi.
17/TV nghĩ rằng chúng ta nên quay sang một vấn đề thời sự gần gạnh với VN hơn, là chuyến đi của Tập cận Bình sang Mỹ. Nhiều nhà chính trị và bình luận VN đã mong muốn cho chuyến đi này không thành. Nhưng mà nó đã xẩy ra. Và cho tới hôm nay thì mới đi vào phần chính thức tức là sự gặp gỡ giữa hai nguyên thủ Obama và Tập Cận Bình. Nhưng phần đầu, khi Tập Cận Bình ghé thăm hãng Boeing, gặp gỡ các tổng giám đốc các đại công ty và kỹ thuật gia của Mỹ, như Bill Gates, Tim Cook, vân vân ở Seatle thì tin tức đưa ra tất cả đều có tính cách phấn khởi tốt đẹp. Hình ảnh về Tập Cận Bình là hình ảnh một người cởi mở sẵn sàng hợp tác trong nhiều lãnh vực với Mỹ để là một đối tác dúng vai. Tin cho biết Tập Cận Bình đã đi sang Wahsington trưa thứ năm, đuợc tổng thống Obama mời ăn tối riêng, trước khi mở đại tiệc đãi quốc khách ngày thứ sáu. Bác sĩ N, anh Nguyên Kim và Khánh Vân nghĩ sao về chuyến đi này?
18/NK chỉ muốn nói một điều ngắn gọn là Tập Cận Bình đã thành công sớm sủa như vậy là bởi vì đã đặt mua của Boeing 38 tỉ đô la máy bay và kết thúc một giao kèo mở nhà máy thực hiện giai đoạn chót hoàn chỉnh sơn phết máy bay 737 ở Tầu. Ngoài ra thì còn hứa hẹn cho phép mở rộng đầu tư vào Trung quốc. Tập cũng hưá hẹn hợp tác trong vấn đề an ninh điện toán cũng như bảo vệ sở hữu trí tuệ.
19/KV. Nhân nhũng diễn tiến sự việc như vậy trong vụ Tập Cận Bình, KV chỉ có thể nhận xét rằng: nếu mà những nhà bình luận, cũng như những chính trị gia cứ tiếp tục bị mờ mắt vì sự mong muốn ước ao của mình mà né tránh, hay suy diễn thực tế dựa vào cảm tính của mình, thì sẽ mải mãi là ân hận, hay là oán trách bị lừa với bị gạt. KV không ngạc nhiên về chuyến đi của Tập Cận Bình, và cũng không ngạc nhiên về kết quả của chuyến đi này, vì nó chỉ phản ảnh sự làm việc chung giữa hai bên đối tác đã đồng ý với nhau về một điểm căn bản, đó là tương quan hai nước sẽ định hình tình hình thế giới trong thế kỷ 21.
20/TXN.Tôi không có gì để nói thêm, Đến đây thì chương trình bàn chuyện thời sự hôm nay phải tạm ngưng. Xin kính chào tạm biệt quý vị thính già. Chào KV, TV NK. Xin cám ơn các bạn và xin hẹn gặp lại tất cả quý vị và các bạn trong một kỳ tới.
21/ Dạ, KV cũng xin kính chào quý thính giả, kinh chào BS Ninh, chị TV và anh NK. KV xin hẹn gặp lại tất cả vào kỳ tới ạ.
22/NK. xin kính chào tạm biệt quý vị thính giả đang theo dõi chương trình BCTS hằng tuần với Bs TXN, TV, KV và NK ngày hôm nay. Xin kính chào tạm biệt Bs N và thân kính chào tạm biệt hai chị TV và KV.
23/TV kính chào BS N, anh NK, thân chào KV, và thân ái kính chào tạm biệt quý vị thính giả cùng các bạn toàn cầu đang theo rõi chương trình BCTS.