Ít ra là từ sau thế giới đại chiến thứ hai cho tới nay Mỹ được thế giới biết đến như là một nước lớn, giầu mạnh và ổn định. Người ta hiểu đó là vì tinh thần tự do dân chủ và cơ chế vững vàng. Cái đó thật đúng. Vì tự do dân chủ thực sự thì ngắn gọn là mọi người dân được tôn trọng, mọi ý kiến được xem xét, chọn lọc dựa trên những nguyên tắc và thể thức rõ ràng. Thể thức được tôn trọng thì mọi quyết định sai thể thức là không có giá trị, phải vất bỏ, mặc dầu là dựa trên những dữ kiện cụ thể. Nói thêm chút nữa cho dễ hiểu thì dù cho một kẻ giết người có bằng cớ thì cũng phải được xét xử theo đúng thủ tục, từ thu gọm bằng cớ, đến thẩm vấn, thảo luận xem xét tất cả đầy đủ trước khi kết án. Ở bất cứ một bước nào trong tiến trình này mà sai trái thì phán quyết cũng vẫn phải vất bỏ. Nhiều người không hiểu nguyên tắc này cho nên không hiểu cách nói, cách dùng chữ của Mỹ trong các vụ án. Một kẻ giết người rồi bỏ chạy bị mọi người trông thấy và chặn bắt giữ lại vẫn chỉ gọi là nghi phạm sát nhân, chứ chưa bị gọi là sát nhân. Hai tiếng khẳng định này chỉ được dùng khi đã có toà án xét xử mọi bằng cớ và ra phán quyết. Nghe thì có vẻ dư thừa vô lý, nhưng thật ra sự tôn trọng nguyên tắc này là yếu tố căn bản bảo đảm cho quyền con người và tình trạng ổn định xã hội chính trị Hoa kỳ, dù rằng trong một số trường hợp, phán quyết là không đúng vì tội phạm được thả ra mặc dầu có tội hiển nhiên rõ ràng. Bởi lẽ trừng phạt kẻ có tội là cần và phải, nhưng nếu tôn trọng nguyên tắc và cơ chế để giữ ổn định cho xã hội, dù phải chấp nhận một bất công nhỏ, thì cũng vẫn là quan trọng hơn.
Nhưng tinh thần này dường như đã không còn thấy được biểu hiệu rõ ràng nữa như những chuyện mới xẩy ra trong xã hội chính trị Hoa kỳ. Chưa nói rằng là đã bị coi thường hay bỏ đi.
Thứ nhất là việc chủ tịch hạ viện dân biểu Boehner lãnh tụ khối đa số đảng Cộng hoà trong quốc hội hiện nay đã mời thủ tướng Do Thái Netanyahu đến quốc hội ngày 3 tháng 3 đọc diễn văn chống đối cuộc điều đình thương thảo của chính phủ Obama và các đại cường Anh Pháp Nga Đức Tầu với chính phủ Iran về vấn đề võ khí nguyên tử của nước này. Kết quả ra sao thì chưa rõ, nhưng Do Thái là nước chống quyết liệt mọi thoả hiệp không giống ý Netanyahu. Cái bất thường của việc mời này là ở chỗ Boehner đã giàn xếp riêng với đại sứ Do Thái tại Mỹ và không tham khảo với Bạch cung như lệ thường từ trước đến nay. Quyết định chỉ cho Hành pháp biết sau khi đã có. Bàn tán về chuyện này thì đã có rất nhiều, bênh có chống có, ta không cần xét thêm để gọi là ủng hộ hay chống đối quyết định này. Nhưng đứng trên tất cả bênh hay chống, thì điều nổi bật dù thuộc phía bênh hay chống cũng đều không cãi đuợc, là chuyện này chưa từng xẩy ra từ xưa tới nay, là một không tôn trọng thể thức. Có người đã nhận định vai trò của tam quyền phân lập của hiến pháp để nói rằng quyết định là vi hiến, nhưng ta không nói thêm ở đây vì không đi vào tranh luận đúng sai của nhận định này.
Thứ hai là một ngày sau diễn văn của Netanyahu, Tom Cotton một thượng nghị sĩ Cộng hoà trẻ tuổi từ tiểu bang Arkansas, mới trúng cử tháng 11/2014, đã thảo một lá thư để gửi cho lãnh đạo Iran, và sau sáu ngày vận động được tất cả là 47 chữ ký trong tổng số 54 nghị sĩ của khối đa số Cộng hoà thượng viện, gồm đầy đủ các tên tuổi kỳ cựu. Lá thư này nói rằng bất cứ một thoả ước nào Iran ký với chính phủ Obama nếu không được thông qua thượng viện đều sẽ có thể bị dẹp đi sau hai năm, bởi tống thống kế tiếp. Lá thư đã được những người theo đảng Cộng hoà tán thưởng và ngay cả đã có ý kiến vận động thay đổi hiến pháp Arkansas để Cotton có thể ứng cử ngay vào cuộc bầu tổng thống sắp tới. Ngược lại thì cũng đã có những phê bình cho rằng 47 thượng nghị sĩ tính phá hoại cuộc thương thảo của chính phủ với Iran mà nội dung kết quả chưa rõ ra sao. Đặc biệt là có những chỉ trích nghiêm khắc, như báo New York Daily News gọi 47 thượng nghị sĩ ký tên là “những kẻ phản quốc”. Tướng lục quân hồi hưu Paul D Eaton là người từng trách nhiệm huấn luyện quân đội Iraq và Afghanistan, là hai chiến trường mà Tom Cotton từng phục vụ, đã không cho Cotton là phản quốc mà là “kẻ nổi loạn” và đưa ý kiến rằng Cotton từng là một cựu chiến binh phải biết về vấn đề kỷ luật. Thượng nghị sĩ John McCain, một cựu chiến binh ở VN cũng phải hiểu vấn đề này. McCain đã giải thích xuê xoa rằng “tôi đã ký vào lá thư như là đã từng ký vào rất nhiều lá thư”!
Người ta biết rằng quốc hội cũng như hành pháp đều có vai trò trong vấn đề ngoại giao qua những thể thức rõ ràng như góp ý tham khảo, qua sự ủng hộ hay phản đối các quyết định ngoại giao của chính phủ. Nhưng rõ ràng việc gửi thư này nổi bật lên một điều chưa từng xẩy ra, là toan tính của thượng viện phá hoại những nỗ lực trong phạm vi thẩm quyền của hành pháp đại diện cho nước Mỹ thương thảo với các nước ngoài là Anh Pháp Nga Tầu Đức và Iran về vấn đề võ khí nguyên tử, mà kết quả là chưa thấy rõ. Nó tương tự như lập trường của Netanyahu phản đối một hiệp ước mà Netanyahu nghĩ là không hoàn toàn dựa trên các tiền đề mà Do Thái muốn.
Nói vắn tắt, đó là một trường hợp các chính trị gia không tôn trọng thể thức đã định rõ.
Một chuyện thứ ba, tuy có vẻ nhỏ hơn, nhưng cũng đụng đến vấn đề nguyên tắc và cơ chế áp dụng trong chính trị. Đó là chuyện nguyên ngoại trưởng Hillary Clinton đã không dùng hệ thống liên lạc thông tin email của chính phủ khi làm ngoại trưởng, mà dùng một địa chỉ điện thư riêng cá nhân với máy dự trữ để ở nhà. Điều này vi phạm quy định của chính phủ. Không đi vào chi tiết mọi hệ quả của sự vi phạm này, mà chỉ tóm lại hai điều, là sự lộ mật, và sự tùy tiện xử dụng, thay đổi các dữ kiện liên quan đến chức vụ ngoại trưởng của bà Clinton. Thí dụ như bỏ đi các dữ kiện sai trái hay tai hại cho bà trong chuyện giải quyết vấn đề an ninh toà lãnh sự Mỹ ở Benghazi bị tấn công khiến đại sứ Chris Stevens bị giết. Đã có người bênh bà Clinton, cho rằng nó chỉ là cái nấc cụt mà bà Clinton dư sức đối phó, như thượng nghị sĩ Dân chủ New York Schummer bạn của bà nhận định. Cũng có những ngợi khen bà Hillary và cựu tổng thống Clinton có khả năng vượt qua mọi khó khăn tai tiếng tiền bạc và tình ái quá khứ, nhưng đồng thời lại vạch ra rằng các vị này là nói dối và đóng kịch chuyên nghiệp.
Vấn đề không phải là cách đối phó của bà Hillary ra sao trong vụ này. Vấn đề là chính giới và hệ thống quyền lực Mỹ đối xử với bà ra sao. Qua đó người ta sẽ thấy rằng cơ chế và nguyên tắc nền cho tình trạng ổn định chính trị Hoa kỳ có sẽ bị vi phạm như hai trường hợp trên không.
Nếu cơ chế và nguyên tắc nền được tôn trọng thì khó khăn nào Hoa kỳ cũng sẽ vượt qua và ổn định, nhờ trí tuệ và kỹ thuật của dân Mỹ. Nếu ngược lại, cơ chế và nguyên tắc nền cho ổn định bị tiếp tục vi phạm, coi thường, thì thật là một đại bất hạnh.
Bs Trần Xuân Ninh
Ngày 13 tháng 3/2015