Đối với đa số quần chúng chỉ để ý sơ sơ gọi là cho biết tình hình thế giới thì vấn đề Ukraine kể như là đã xong, sau khi thoả ước ngưng bắn được ký kết ở thủ đô Minsk nước Belarus, đầu tháng 9/2014 giữa đại diện 4 bên Nga, Âu châu, chính phủ Kiev và phe chống đối miền đông Ukraine. Bởi vì thoả ước đã nhanh chóng được hoan nghênh bởi mọi quốc gia xa gần liên hệ, ngay cả Mỹ và Nga, và nói chung kể là được tôn trọng. Những cuộc chạm súng diễn ra từ bấy đến nay ở những mức độ khác nhau, như tại phi trường Donetsk, và ở một số điểm khác, đã được coi như là những vi phạm lẻ tẻ, tại chỗ. Những lời tố cáo Nga can thiệp giúp đỡ quân ly khai, và ngược lại, những cáo buộc chính phủ Kiev được Mỹ và NATO ủng hộ lấn chiếm, lai rai trên truyền thông, không đủ tạo chú ý, vì tất cả đều mang tính chất “sư nói sư phải vãi nói vãi hay”, mà người Mỹ gọi là “he says she says” tức là “anh nói, ả nói”. Cho tới gần đây, khi mà tin loan đi rằng thủ tướng Đức Merkel và tổng thống Pháp Hollande chiều thứ sáu mồng 6 tháng 2/2015 đã bay gấp sang Nga điều đình với tổng thống Nga Putin để chấm dứt đánh nhau tại thành phố Debaltseve nơi quân ly khai đang bao vây quân chính phủ. Debaltseve là thành phố giao điểm của các trục giao thông đường bộ và đường xe lửa ở giữa hai thành phố ly khai thân Nga Donetsk và Luhansk, trên lằn ranh phân cách hai bên chính phủ và ly khai. Sau 5 tiếng đồng hồ thảo luận, hai nguyên thủ Đức và Pháp ra phi trường bay về giữa đêm, không có gì tuyên bố, ngoài tin cho biết rằng hai bên tiếp tục thương thảo và đang làm việc để đạt được một văn bản thoả hiệp dựa trên 9 trang tài liệu mà phía Nga đưa ra trước cuộc thảo luận khuya thứ 6 với Putin.
Ấn tượng sinh ra từ những tin tức dồn dập loan đi là tình hình Ukraine đã đi tới một điểm mấu chốt quan trọng. Trong buổi hội thường niên 3 ngày về An ninh ở Munich Đức quốc (từ thứ sáu 6 tháng 2/2015, với sự tham dự của nhiều nhân vật quyết định chính sách ở Âu châu, trong đó có ngoại trưởng Nga, tổng thống Ukraine, phó tổng thống Biden, ngoại trưởng Kerry, và trên một tá dân cử Mỹ, vân vân, người ta thấy đã không thể đi tới một thống nhất phương thức đối phó với Nga giữa hai bên bờ Đại tây Dương. Các dân cử Mỹ diều hâu quyết liệt chủ trương viện trợ võ khí sát hại cho Kiev. John Mc Cain nói “Người Ukraine đang bị giết mà chúng ta gửi cho họ chăn với thực phẩm? Chăn không đối phó được với xe tăng Nga”. Tư lệnh lực lượng Bắc Đại Tây dương Nato, tướng không quân Mỹ Breedlove chủ trương quân sự, nói rằng phải viện trợ cho Ukraine mọi phương tiện có sẵn trong “túi quân dụng” của lực lượng Bắc Đại tây dương. Ngược lại phiá Âu châu mà dẫn đạo là thủ tướng Merkel đã không tin rằng viện trợ võ khí cho chính phủ Ukraine là có thể đảo ngược tình hình trở thành thuận lợi cho Kiev trước phe ly khai được tiếp tế gọi là “không giới hạn” bởi Nga. Do đó hiện nay chỉ có thể giải quyết bằng ngoại giao. Thượng nghị sĩ Mỹ diều hâu Lindsey Graham đã công khai tranh cãi với thủ tướng Đức, cho rằng ngoại giao không kết quả. Trong một buổi thảo luận nhóm, ông Graham đã nhắc lại sự kiện Mỹ đã viện trợ xây dựng cho Đức sau thế chiến II từ tro tàn và đã không ngần ngại nói rằng vì Âu châu đã dụ Ukraine dẹp bỏ một thoả ước kinh tế với Nga nên dẫn tới cơn khủng hoảng kéo dài tới nay. Và do đó không thể bỏ rơi một đồng minh là Ukraine. Trước những tấn công diều hâu từ phía Mỹ, thủ tướng Đức Merkel đã trả lời: “Tôi không thể mường tượng được trong trường hợp nào mà cải thiện quân dụng cho quân đội Ukraine lại có thể làm cho tổng thống Putin nghĩ rằng ông ta sẽ thua trận bằng quân sự. Tôi phải nói thẳng thừng ra như vậy”. Và để trả lời nghị sĩ Cộng hoà Corker, tân chủ tịch Ủy ban quân sự thuợng viện Mỹ phản đối một cách thách thức việc Đức ngại ngần viện trợ võ khí cho Ukraine, bà Merkel đã nói huỵch tẹt: “Cũng tốt thôi. Tôi tin chắc chắn rằng cuộc tranh chấp này không thể giải quyết bằng quân sự. Tôi hiểu quan điểm của ông và hiểu sự thảo luận đang diễn ra. Nhưng tiến bộ mà Ukraine cần có không thể giải quyết bằng gia tăng võ khí”
Để giảm bớt tình trạng phân rẽ công khai sôi nổi này giữa Mỹ và Âu châu, ngoại trưởng Mỹ Kerry đã phải nói “Chúng ta có đoàn kết không? Câu trả lời là tuyệt đối như thế, chắc chắn như thế, rõ ràng là chúng ta đang đoàn kết, chúng ta sẽ tiếp tục đoàn kết”.
Trong cơn bồng bột tức giận tấn công bà Merkel, thượng nghị sĩ Graham đã kể công Mỹ viện trợ Đức sau đại chiến thế giới II và kể tội Âu châu khơi mào lấn lướt ở Ukraine. Nhưng người không-có-trí-nhớ-tồi sẽ không thể không bật cười ha hả trước cái thô lỗ hở hang của ông dân cử thủ cựu tiểu bang miền Nam nhà quê South Carolina. Bởi vì nhắc lại quá khứ như vậy chỉ cho thấy cái nhỏ nhen của anh nhà giầu nhớ một thời rộng rãi huy hoàng của mình, và bươi lại cho thấy rằng Mỹ chẳng qua là “ngây-thơ-vô-số-tội”. Quả thế, nếu có trí nhớ thì chưa mấy ai quên tiết lộ trên internet cuộc bàn luận điện thoại giữa thứ trưởng ngoại giao Mỹ phụ trách Âu châu với đại sứ Mỹ ở Ukraine để quyết định cho ai sẽ làm tổng thống sau khi tổng thống dân cử nhưng thân Nga Yanukovych bị lật đổ. Và cũng còn nhớ chuyện các giới chức Mỹ cao cấp từ phó tổng thống Biden, đến ngoại trưởng Kerry, đến giám đốc tình báo CIA, đến thượng nghị sĩ diều hâu McCain vân vân, liên tục sang Kiev gặp gỡ bàn tán với những người chủ chốt biểu tình chống đối kéo dài, với những bạo loạn đột phá, ở công trường chính Maidan trong thủ đô Kiev đưa tới sự bỏ chạy thoát thân của Yanukovych.
Sau cùng, bốn phe Âu châu, Nga, Kiev và Ly khai đồng ý sẽ họp ở thủ đô Minsk nước Belarus, ngày thứ tư 12 tháng 2/2015, để điều chỉnh lại thoả ước ngưng bắn tháng 9/2014 mà cả hai bên vi phạm Nhưng Putin nói rằng Nga sẽ chỉ dự họp nếu có những điểm chính của thoả ước được thoả thuận trước. Hai điểm then chốt người ta có thể đoán ra là đường ranh giới hai bên và biện pháp kiểm soát ngưng bắn. Kết quả sẽ ra sao? Không đi vào chi tiết, nhưng có thể nói rằng Mỹ và Âu châu không thể nào hay khó thể nào lấn lướt thêm nữa, và sẽ phải chấp nhận cái lằn ranh mới khác với lằn ranh cũ, đã bị cả hai bên Kiev và ly khai tìm cách lấy phần hơn trong hai điểm chiến lược. Đó là phi trường Donetsk đã bị chính phủ Kiev tấn công khiến trở thành vô dụng. Và Debaltseve là giao điểm đường bộ đang bị quân ly khai sẵn sàng chiếm cứ để bù lại. Vì thế, tổng thống Ukraine Poroschenko nói mọi thoả ước không thể thay đổi tình trạng lãnh thổ Ukraine vạch ra trong thoả ước tháng 9/2014.
Mong muốn thì là như vậy. Nhưng thực tế ra sao thì tùy theo Mỹ và Âu châu mà Đức dẫn đạo quyết định thế nào. Cho tới nay thì là tiếp tục thương thảo!
Thạch Trung Ẩn
Ngày 9 tháng 2/2015