Sau chót thì tại Lausanne Thụy sĩ ngày 2 tháng 4/2015 một “thoả hiệp khung” về vấn đề võ khí hạt nhân của Iran đã được ký kết giữa 6 nước đại cường Mỹ Anh Pháp Nga Tầu Đức với Iran, sau 18 tháng điều đình và không biết bao nhiêu là tin tức cùng bình luận gay cấn trên truyền thông Âu, Mỹ, Do thái. Gọi là thoả hiệp khung vì nó ghi lại những nguyên tắc chung hai bên đã đồng ý đạt được, để trên căn bản đó các chi tiết thi hành sẽ được nêu ra trong những phụ bản sẽ được hoàn thành từ nay đến hết tháng 6, nghĩa là trong vòng 10 tuần lễ nữa. Tưởng cũng nên nói rằng sự ký kết đã xẩy ra hai ngày sau khi hết hạn điều đình đã định vào ngày 31 tháng 3, vì tổng thống Obama đã đồng ý cho phái đoàn Mỹ do ngoại trưởng Kerry cầm đầu tiếp tục thảo luận với phía Iran. Tổng thống Obama đã gọi thoả hiệp này là cơ-hội-của-cả-một-đời-người để ngăn Iran thực hiện võ khí nguyên tử. Lãnh đạo Anh quốc cũng đồng ý như thế. Nhưng thủ tướng Netanyahu của Do thái thì đã lớn tiếng trên các cơ quan truyền thống Mỹ chống lại thoả hiệp từ đầu, ngay từ trước khi thoả hiệp được ký kết, mà ông ta cho là một “thoả thuận xấu”. Quan điểm này của Netanyahu đã được đa số các dân cử Cộng hoà Mỹ ủng hộ, và ông đã được dân biểu Boehner, chủ tịch hạ viện mời sang đọc diễn văn chống đối thoả hiệp hồi đầu tháng 3, trước lưỡng viện quốc hội. Vụ này được tính toán riêng với đại sứ Do Thái ở Mỹ và chi thông báo cho Bạch cung biết khi mọi sự đã được hoàn tất xong xuôi . Chỉ riêng chuyện phá lệ này đã gây ra không biết bao nhiêu là bình luận về sự không tôn kính tổng thống Obama của các dân cử Mỹ cũng như của Netanyahu, và về ảnh hưởng trùm lấp của nước tí hon Do Thái lên chính giới Mỹ.
Tổng thống Obama tuyên bố rằng ông “tin tưởng là thoả hiệp sẽ dẫn tới một đồng thuận chung quyết, toàn diện làm cho nước chúng ta, đồng minh của chúng ta và thế giới an toàn hơn” .
Đã có những phân tích từng điểm của thoả hiệp đã công bố để chứng minh rằng ông Obama đại thắng và Iran đầu hàng. Tuy nhiên lại cũng có nhiều dè bỉu cho rằng thoả hiệp đầy những lỗ hở và những chi tiết phải thoả thuận trong vòng trên hai tháng không chắc đã an toàn.
Thực thế, thượng nghị sĩ cộng hoà Bob Corker thì dè dặt cảnh báo coi chừng Iran đã từng “dấu diếm thực hiện kế hoạch võ khí nguyên tử, ủng hộ khủng bố và tạo bất ổn trong vùng”. Còn thượng nghị sĩ nhiệm kỳ đầu Tom Cotton, tác giả lá thư có 47 thượng nghị sĩ Cộng hoà ký, gửi cho lãnh đạo Iran doạ rằng mọi thoả thuận sẽ đều có thể không kéo dài quá hai năm khi một tổng thống khác thay thế ông Obama, thì đã nhắc lại nguyên con lập trường của thủ tướng Do Thái Netanyahu, coi thoả hiệp là “chỉ gồm có các nhượng bộ nguy hiểm” “có thể tạo ra một cuộc chạy đua võ khí nguyên tử ở Trung đông”.
Về phía Iran thì tin tức cho thấy rằng dân chúng và chính giới Iran coi thoả hiệp là một thắng lợi của Iran. Ngay cả tướng chỉ huy trưởng lực lượng bảo vệ Cách mạng Iran là lực lượng nòng cốt bảo thủ ngoài các tu sĩ Hồi giáo, cũng tán thành thoả hiệp. Trên truyền thông Iran, bộ trưởng ngoại giao Zavad Zarid được dân chúng chào đón nồng nhiệt. Ông này đã tuyên bố rằng “Họ hiểu rằng họ không có thể đóng cửa các cơ sở hạt nhân của chúng ta” Và “Những công việc chúng ta đã thực hiện được trong chương trình hạt nhân sẽ được tái tục. Những hiểu biết của chúng ta là tại chỗ và không ai có thể lấy đi được” Ông Zarid cũng nhân cơ hội khẳng định lập trường tuyên vận của Iran là “chúng ta không muốn gì hơn là quyền của chúng ta. Chúng ta đã không bao giờ làm bom trong quá khứ và hiện tại. Chúng ta không tính chiếm bá quyền trong vùng. Chúng ta muốn có bang giao tốt với các nước láng giềng trong vùng”. Và Iran sẽ giữ lời nếu các nước Tây phương cũng thế.
Trước các tin tức này, một giới chức Mỹ cao cấp đã nói với các phóng viên rằng Iran và 6 nước “có thể có những tường trình riêng của mình về thoả hiệp nhưng không nói ngược lại nhau”. Và các giới chức Mỹ nhấn mạnh rằng danh sách các điểm thoả hiệp mà Mỹ công bố là không thể điều đình nữa và sẽ là một phần trong bản chung quyết thoả ước vào cuối tháng sáu.
Riêng giáo chủ Hồi giáo lãnh đạo tối cao của Iran Khamenei ngày 9 tháng 4 đã lên tiếng tuyên bố về thoả hiệp rằng : “Chưa có gì được thoả thuận, chưa có gì ràng buộc”. Ông nói rằng các biện pháp chế tài phải được bãi bỏ ngay khi bắt đầu thoả hiệp và các nhân viên thanh tra không được quyền đi vào xem xét các căn cứ quân sự. Đây là những điểm bất đồng quan trọng vì phía Mỹ, đặc biệt là phía các dân cử cộng hoà thì đòi hỏi là sẽ chỉ gỡ bỏ từng đợt các chế tài theo từng giai đoạn thi hành thoả hiệp. Ngoài ra thì chủ tịch ủy ban ngoại giao thượng viện Mỹ cũng đang tính cho bỏ phiếu thông qua dự luật bắt hành pháp phải cho quốc hội biết về các thoả thuận trước khi ký kết, nghĩa là đứng chen vào giữa tiến trình đàm phán.
Người theo dõi những tin tức trái chiều này không khỏi có ý nghĩ rằng quả tình cái thoả hiệp khung này có điều kỳ cục. Bởi vì cả hai phía ký thoả hiệp đều mong thoả hiệp được tôn trọng để mở ra một thời kỳ bang giao mới, nhưng cả hai phiá đều có những diễn dịch khác nhau về những điều đã ký, chưa nói đến những chi tiết đang bàn thảo có thể là còn nhiều khác biệt, sẽ phải được giải quyết trong một thời gian ngắn ngủi mươi tuần.
Cũng còn câu hỏi khác là Iran không có những hoả tiễn tầm xa liên lục địa sang đến Mỹ, mà tại sao viễn tượng có võ khí hạt nhân lại là đe doa lớn cho an ninh Mỹ? Tại sao vấn đề võ khí hạt nhân của Bắc Hàn không tạo nên những tranh cãi gay gắt giữa hành pháp và lập pháp Mỹ như Iran, trong khi lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un được kể là một nhà độc tài tuổi trẻ ngông cuồng nguy hiểm?
Hay phải chăng là bài trình bày của Netanyahu về đe doạ cho an ninh thế giới của võ khí hạt nhân Iran tại đại hội đồng Liên hiệp quốc trước đây với hình vẽ trái bom nguyên tử sơ sài ngộ nghĩnh đã tạo ấn tượng mạnh lên các nhà chính trị Mỹ, cho nên các vị này đã mượn quan niệm này của Nytanyahu mà sài đỡ cho mình, khỏi mất công suy nghĩ sâu xa?
Lâm Phong
Ngày 10 tháng 4/2015