1/TXN. Kính chào quý vị thinh giả. Chào NK. Chào TV. Truyền thông Mỹ nói nhiều trong tuần qua đến tinh hình Bắc Phi và Trung đông với tin Saudi Arabia và các nước Ả Rập sản xuất dầu theo Hồi giáo Sunni tay chân của Mỹ trong nhóm gọi là Hội đồng hợp tác vùng vịnh (Gulf Cooperation council - GCC -đã xử dụng máy bay oanh tạc vào Yemen. Lý do là nhóm Houthi thuộc Hồi giáo Shiite, đã lật đổ chính phủ Yemen được Mỹ và Saudi Arabia đỡ đầu, làm tổng thống Hadi xứ này đã phải chạy sang đào vong tại Saudi Arabia. Ai Cập cũng tham dự hỗ trợ cho nhóm GCC này. Cuộc đấu đá chưa biết sẽ ngã ngũ ra sao, vì nhóm Houthi có Iran ủng hộ. Ngược lại, một vấn đề gây ra những đấu đá chính trị quyết liệt giữa Bạch cung đang thảo luận với Iran và các dân cử theo Do Thái chống ký thoả hiệp nguyên tử với Iran, có vẻ như đang đi vào chỗ được giải quyết. Bởi vì tổng thống Iran Rouhani đã gửi thư cho tổng thống Obama và nguyên thủ các nước Anh Pháp Đức Nga Tầu đề nghị là xoá bỏ các bất đồng để có thể kết thúc một thoả hiệp mà nguyên tắc căn bản đã đồng ý, và hạn chót để kết thúc là ngày 31 tháng 6. Rouhani cũng điện thoại cho các tổng thống Pháp Anh, yêu cầu nên ngưng các áp lực và “sửa soạn cho hợp tác tương lai”. Và Iran sẽ chỉ ký thoả hiệp nếu 6 nước đối thoại ngưng các chế tài đối với Iran. Lá thư cũng lên án vụ nhóm GCC tấn công quân Houthi mà Iran ủng hộ nhưng không hàm ý rằng vụ Yemen sẽ cản trở thoả hiệp nguyên tử. Lời lẽ mềm dẻo một cách cứng rắn như vậy cho thấy Iran không ở trong tình trạng bị áp lực phải ký, nghĩa là không ngại cuộc thảo luận bị tan vỡ. Về phiá Mỹ và Âu châu thì mặc dầu lập trường cứng rắn của các dân cử Cộng hoà ủng hộ hoàn toàn thủ tướng Do Thái Netanyahu, chính phủ Obama tuy nói là ủng hộ Do thái nhưng có vẻ như không tính chuyện lùi ra. Ngoài ra thì NK và TV có vấn đề gì khác muốn nêu ra thì xin cứ tự nhiên.
2/ NK Để mởi đầu chương trình BCTS ngày hôm nay, NK xin kính gửi lời chào đến quý vị thính giả đang theo dõi chương trình BCTS với Bs TXN, TV và NK. Xin kính chào Bs N và thân kính chào chị TV. Trong một lá thư để ngày 19 tháng 3 gửi đến Ngoại trưởng John Kerry và Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter, các Thượng nghị sỹ John McCain và Bob Corker của Đảng Cộng hòa cùng với Jack Reed và Bob Menendez của Đảng Dân chủ cảnh báo rằng nếu không có chiến lược đối phó toàn diện thì ‘các lợi ích lâu dài của Hoa Kỳ cũng như của các đối tác và đồng minh sẽ đối mặt với nguy cơ lớn’. Các thượng nghị sỹ nói rằng các hoạt động xây đắp của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa trên Biển Đông giúp nước này có điều kiện mở rộng tầm hoạt động quân sự và là ‘thách thức trực tiếp không chỉ đối với lợi ích của nước Mỹ và khu vực mà còn đối với toàn bộ cộng đồng quốc tế.’
Truớc đó thì tướng Vincent Brooks, Tư lệnh Lục quân Thái Bình Dương Hoa Kỳ, nói với Reuters rằng máy bay Nga thực hiện những chuyến bay “khiêu khích”. Và nhằm biểu thị sức mạnh Nga ở Á châu Thái bình dương. Ông nói máy bay Nga bay quanh cả khu vực lãnh thổ Guam thuộc Hoa Kỳ trong Thái Bình Dương, Tướng Brooks nói các phi cơ bay quanh Guam được tiếp xăng nhờ máy bay xuất phát từ vịnh Cam Ranh, từng là căn cứ hải quân và không quân lớn của quân đội Mỹ trong cuộc chiến Việt Nam. Tướng Brooks không nói các chuyến bay của các oanh tạc cơ Nga diễn ra vào thời điểm nào và có bao nhiêu phi cơ tham gia. Tuy nhiên ông xác nhận với Reuters hoạt động này xảy ra sau khi Nga sáp nhập Crimea hồi tháng Ba.
Trong khi đó, thì Hà nội im lặng không có nói gì. Làm sao để giải thích thái độ này của Hà nội? Phải chăng là Hà nội đu giây giữa Nga, Tầu và Mỹ. Và phải chăng lá thư của 4 nghị sĩ Mỹ có ý nghĩa rằng Mỹ sẽ giúp VN chặn Nga với Tầu?
3/ TV kính chào BS N, anh NK, và thân ái kính chào quý vị thính giả cùng các bạn toàn cầu. Tiếp lời của anh NK thì được biết rằng vào tháng Giêng năm 2015, Bộ Quốc phòng Nga cho hay từ năm 2014 không quân Nga bắt đầu sử dụng sân bay Cam Ranh cho các phi vụ tầm xa. Khi được hỏi về các chuyến bay của Nga trong vùng, một viên chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói với hãng tin Reuters rằng Washington tôn trọng quyền tham gia các thỏa thuận của Hà Nội với các nước khác. Nhưng cũng thêm rằng: "Chúng tôi thúc giục giới chức Việt Nam đảm bảo rằng Nga không thể dùng Vịnh Cam Ranh để tiến hành các hoạt động có thể gây căng thẳng trong vùng." Trước yêu cầu này của Mỹ theo TV thì Hà nội không có gì để nói, bởi vì không thể nói gì, mà chỉ biết yên lặng cho Tầu Nga Mỹ muốn làm gì thì làm. Cụ thể là chuyện Tầu ở biển Đông thì việc Hà nội nhượng đất nhượng biển cho Tầu bắt đầu từ sau hội nghị Thành Đô mà chi tiết của các thoả ước thì vẫn dấu kín tới nay. Cũng vì thế CS Hà Nội đã phải im hơi lặng tiếng trước những lấn áp của Tầu bắn giết ngư dân VN, và cả trong vụ giàn khoan HD 981. Vịnh Cam Ranh thì từ sau 1975 Hà nội đã ký cho Liên Sô làm căn cứ cho tới khi Liên sô xụp đổ, và bây giờ thì lại cho Nga trở lại sử dụng Vịnh Cam Ranh. Mỹ thì đã dần dà trở lại Cam Ranh qua các thương vụ trong khuôn khổ gọi là xoay trục sang Thái Bình Dương. Vì thế dùng chữ “đu giây” cho lãnh đạo VC thì không đúng mà chính xác phải là theo Nga không được, phải quay sang theo Tầu. Lúc Mỹ đi vào thì cũng ở mức độ không đủ cân nặng để lấn Tâu cho nên để mặc cho tới đâu thì tới. Đến khi Nga trở lại thì VC cũng hành xử tương tự như vậy.
4/TXN. Theo tôi nghĩ, nói Hà nội thụ động, là đúng nhất và cụ thể nhất. Chứ không thể bảo rằng Hà nội đu giây, nghĩa là chủ động. Vì lãnh đạo Hà nội không ở trong vị trí có thể chủ động chút nào trong lãnh vực ngoại giao, vì họ không dám bênh vực công nhân ngay cả trong trường hợp nhỏ, thí dụ như trong các tranh chấp giữa công nhân với các công ty Đài Loan, Nam Hàn, vân vân, như chúng ta thấy, chứ chưa cần nói đến các nước lớn.
Chuyện các thượng nghị sĩ Mỹ gửi thư cho ngoại trưởng Kerry, theo tôi, không phản ảnh chính sách của Hoa kỳ ở Á châu Thái bình dương, mà chỉ là phản ảnh tình trạng đấu đá phê phán giữa quốc hội bảo thủ với hành pháp Mỹ nói chung và coi thường ông Obama nói riêng, qua chuyện quốc hội mời thủ tướng Do Thái Netanyahu đến đọc diễn văn, mà không bàn gì với Bạch cung như lệ thường. Còn chuyện thượng nghị sĩ McCain bảo ông Obama ngưng đi cái chuyện phê bình thủ tướng Do Thái đã bỏ đi quan điểm hai nước Palestine Do Thái làm nền trong cuộc điều đình hai bên mà nói trên truyền hình CNN rằng “hãy bỏ đi cái cơn giận dữ con nít (tantrum), thưa tổng thống” đối với Neatanyahu, thì đó chỉ là miệt thị cá nhân ông Obama, chứ không phải là một khẳng định bất đồng lập trường.
Trong vấn đề VN và biển Đông, lời tuyên bố của một giới chức ngoại giao Mỹ rằng “Mỹ tôn trọng quyền tham gia các thỏa thuận của Hà Nội với các nước khác” cho thấy rõ tình trạng bị động của Mỹ, nghĩa là đã hiểu rằng thúc giục hay khuyến cáo của Mỹ sẽ không làm thay đổi gì thái độ Hà nội. Tin chính giới Mỹ nói về các chuyến bay “khiêu khích” của Nga ở Thái bình dương cũng tương tự như những chuyến bay mà truyền thông Âu Mỹ gọi “khiêu khích” đã xẩy ra ở Đại Tây dương trước đây, chỉ là phản ảnh tình trạng căng thẳng tranh chấp Nga Mỹ kéo dài, sau vụ đảo chính Yanukovych thân Nga ở Ukraine, mà Putin chống lại trả miếng bằng sự ủng hộ quân ly khai thân Nga ở phiá đông Ukraine và sát nhập Crimea vào Nga. Tóm tắt thì Putin chỉ muốn khẳng định vị trí cường quốc của mình không những ở Âu châu mà ở trên toàn thế giới, ngay tại Thái bình dương, chứ thực tế Nga không có bao nhiêu ảnh hưởng tại Thái bình dương, trừ một chuyện là được VC cho xử dụng Cam Ranh. Tầu dùng chữ khiêu khích thì đúng hơn, vì Tầu đang lấn áp ở biển đông.
5/NK. Có tin loan đi rằng phó Đô đốc Robert Thomas, Tư lệnh Hạm đội 7 của Mỹ, đã kêu gọi các nước Đông Nam Á ASEAN, thành lập một lực lượng hải quân hỗn hợp để tiến hành những cuộc tuần tra chung trên Biển Đông, là nơi mà Trung quốc đã và đang lấn chiếm, và khẳng định chủ quyền.
Phản ứng với đề nghị ASEAN tổ chức tuần tra chung trên Biển Đông này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã cho rằng hồ sơ Biển Đông không liên quan gì đến Mỹ. Và Bắc Kinh hy vọng rằng Hoa Kỳ "sẽ nghiêm túc tôn trọng cam kết không đứng về bên nào trong vấn đề chủ quyền lãnh thổ". Hồng Lỗi nói: “đề nghị của Tư lệnh Hạm đội 7 của Mỹ "sẽ không giúp ích gì cho việc giải quyết hợp lý các tranh chấp hoặc đóng góp vào hòa bình và ổn định trên Biển Đông" và Mỹ không nên xen vào vấn đề này. Tân Hoa Xã cũng có một bài viết nhanh chóng chế riễu đề nghị lập lực lượng hải quân hỗn hợp tuần tra chung, và nhắc lại lời ngoại trưởng Vương Nghị tuyên bố nhân dịp đại hội Bắc Kinh rằng TQ coi biển đông là “sân nhà” của mình. Bác sĩ N và chị TV có nghĩ rằng với đề nghị này, HK muốn can dự hơn nữa vào biển đông, nghĩa là tích cực hơn trong việc chặn bành trướng TC?
6/TV. Những chuyện tuần tiễu chung theo TV nếu có xẩy ra thì cũng chẳng ích gì. Nó chỉ là một hình thức tuyên truyền có ý nghĩa chính trị giai đoạn. TV nhớ cách đây vài năm VC đã đề nghị tuần tra chung với TC ở vịnh Bắc Việt trước những xôn xao dư luận vì các ngăn chặn và bắt bớ cũng như bắn giết ngư dân VN của TC, nhưng sự việc rồi cũng chẳng đi đến đâu như đã thấy. Ngoài ra thì các nước khối Đông Nam Á chưa chắc đã đồng ý thành lập một lực lượng tuần tra hỗn hợp với Hoa Kỳ, trừ một vài nước như Phi luật Tân vì là thân Mỹ. Riêng VN thì nhiều phần có lẽ là không, vì Mỹ hiện nay chưa đủ cứng trước TC để lôi VC theo họ. Lãnh đạo CS ngoài ra thuộc loài không xương sống, từ trước tới nay chỉ quen làm tay sai cho nên giờ bảo đứng thẳng thì khó mà làm lắm.
7/TXN. Tôi có ý kiến thêm rằng nếu TV nói Mỹ chưa đủ “cứng” với TC hiện nay thì cũng chỉ vì cái tương quan lực lượng hai nước trên thế giới. Mà kinh tế tài chính là rõ nhất cho thấy sự đi xuống của Mỹ, so với Tầu. Cụ thể là các nước Anh, Pháp Đức và Ý mới đây đã quyết định gia nhập vào ngân hàng Á châu phát triển hạ tầng cơ sở (Asian Infrastructure Investment Bank (AIIB) do Trung Cộng lập ra với vốn khởi đầu 50 tỉ đô la để giúp cho các chương trình xây dựng hạ tầng cơ sở Á châu. Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde cũng tuyên bố trong buổi họp hội thảo China development forum (Diễn đàn phát triển kinh tế TQ) mới đây ở Bắc Kinh rằng Quỹ tiền tệ quốc tế rất là “thích thú” hợp tác với ngân hàng AIIB. Ngoài ra Thủ tướng Úc Tony Abbot ngày 25 tháng 3 đã tuyên bố rằng Úc sẵn sàng gia nhập và đã nói chuyện với TQ về cách điều hành quản trị ngân hàng. Ông nói với quốc hội Úc là “Chúng tôi đã thảo luận với người TQ để có thể chắc chắn rằng đó là một định chế đa phương, được điều hành trong mọi vấn đề quan trọng bởi một hội đồng quản trị, các thể thức là minh bạch, thực sự là có trách nhiệm và không bị một thành phần nào kiểm soát”. Ngân hàng AIIB gồm có 30 thành viên và hạn nộp đơn gia nhập cho các nước muốn gia nhập là 31 tháng 3. Ngân hàng này được coi như là TQ lập ra để cạnh tranh với Quỹ tiền tệ quốc tế và Ngân hàng thế giới cũng như Ngân hàng phát triển Á châu, là những định chế mà cho tới nay nằm trong ảnh hưởng của Mỹ. Mỹ đã nỗ lực vận động cho các nước không gia nhập bằng luận cứ rằng ngân hàng AIIB phải minh bạch và điều hành phải đáng tin cậy và có trách nhiệm. Sự gia nhập của Anh, Pháp, Đức, Ý, Úc, là những nước phát triển và đồng minh thân cận của Mỹ cũng như IMF là một thất bại cho Mỹ. Cơ quan tiền tệ quốc tế IMF do bà Christine Lagarde người Pháp quyết định tham dự cho thấy rằng ngay tại IMF, ảnh huởng Mỹ đã sút giảm. Cũng xin nói thêm rằng lãnh đạo ngân hàng phát triển Á châu (ADB) cũng có ý định gia nhập AIIB. Thành ra Mỹ kể như bị bỏ rơi, nếu không muốn nói là bị coi thường, hay là không còn giữ được trọn vẹn cái vị thế có tiếng nói quyết định trong vấn đề kinh tế tài chính nữa. Và như thế thì Mỹ có nói gì đối với TC thì cũng chỉ là nói xuông.
8/NK. Lời McCain nói tổng thống Obama “hãy ngưng đi cơn giận dữ con nít” đối với Netanyahu, NK thấy là hơi khó nghe vì coi thường chức vị tổng thống quá đáng. Tuy vậy nhưng cũng không sao, vì ở Mỹ là xứ tự do, nói gì cũng được, trừ có chuyện nói những điều mà bị coi là chống Do Thái (anti-Semitism). Nhưng mà điều NK không hiểu được là tại sao John McCain lại đã tận tụy biện hộ một cách hết mình cho thủ tướng một nước ngoài, là Netanyahu, trên CNN như vậy. NK xin trích nguyên văn lời McCain nói nhắn ông Obama trên CNN, để quý vị cho ý kiến: “Vấn đề ít quan trọng nhất là điều Netanyahu nói trong cuộc tranh cử. Nếu mọi chính trị gia đều bị cột vào những điều ông ta nói khi tranh cử, thì rõ ràng đó là một đề tài cần thảo luận dài”. McCain đã đề cập đến lời Netanyahu hứa rằng nếu thắng cử thì sẽ không có vấn đề hai nước Palestine và Do Thái sống chung. Đây là lập trường căn bản mà Netanyahu từng chấp nhận trong cuộc điều đình với Palestine, và cũng là lập trường của Mỹ khi làm trung gian cho cuộc điều đinh kéo dài hai thập niên mà chưa xong này. Và hàm ý rằng tranh cử là nói dối, là hứa cuội.
9/TV. Có thể nghĩ rằng McCain đã theo ủng hộ Do Thái thì phải bênh vực cho Netanyahu. Chỉ có điều là luận cứ của ông ta có phần hở và không thuyết phục được ai trừ những người cùng quan điểm với ông ta.
10/TXN. Một vấn đề khác quan trọng vì liên quan đến đời sống dân Mỹ là vấn đề ngân sách. Hạ viện Mỹ vừa thông qua một ngân sách cho năm 2016, cắt giảm 5.6 ngàn tỉ (trillion) đô la trong tổng số chi liên bang để thực hiện quân bình ngân sách trong 9 năm, và tăng gia số lượng chi phí quốc phòng lên cao hơn là con số tổng thống Obama đề nghị. Những dân biểu Công hoà đã bỏ phiếu cho ngân sách này với tỉ số 228-199 ngày 25 tháng 3. Có vẻ như là họ tin rằng ngân sách này làm lợi cho họ hơn là làm thất lợi ho họ, bởi vì ngân sách cắt giảm rất nhiều chi phí xã hội và y tế Medicare và Medicaid. Trong khi Tom Price, dân biểu Cộng hoà chủ tịch ủy ban ngân sách hạ viện nói rằng “ngân sách quân bình là con đường phải đi”, thì dân biểu Dân chủ cao cấp Chris Van Hollen tiểu bang Maryland trong tiểu ban Ngân sách Hạ viện tuyên bố rằng ngân sách của đảng Cộng hoà “ép chặt các gia đình làm lụng vất vả và tạo rất nhiều khó khăn cho mọi gia đình trừ những gia đình trên ngọn. Đó là con đuờng sai trật cho nước Mỹ”. Ngân sách này có được thông qua hay không thì chưa biết, nhưng có vẻ như đảng Cộng hoà chủ trương ngân sách này là đang ở vị trí thắng thế. Nước Mỹ, về mặt chính trị xã hội đang có những vấn đề khó giải quyết. Hai bạn nghĩ sao về ngân sách này?
11/NK. Điều mà NBK không hiểu là ngân sách quốc phòng chi phí cho chiến tranh tăng cao, trong khi chính thức thì Mỹ không ở trong một cuộc chiến với nước nào. Chi phí cho ai? Quyền lợi của Mỹ nào ở đâu cần bảo vệ? Trong khi tình trạng tài chính, xã hội Mỹ không khá.
12/TV. Mỹ tuy không chính thức tuyên chiến với nước nào, nhưng trên Ti Vi hàng ngày tin tức đánh nhau ở Trung Đông, Iraq, Syria và Bắc Phi, Ukraine vân vân xẩy ra đều đều. Trong những cuộc chiến này, có các máy bay không người lái của Mỹ, những hoạt động lực lượng đặc biệt, những viện trợ quân sự và tài chính cho các nước đồng minh của Mỹ như Jordan để ném bom lực lượng nhà nước Hồi giáo ISIS, Do Thái để chống những cuộc oanh kích hoả tiễn của lực lượng Palestine Hamas ở giải Gaza, Ai Cập để bít biên thùy phía Nam của giải Gaza. Chưa kể là những hoạt động ở Lybia đang trong tình trạng lộn xộn, mà Mỹ dĩ nhiên là phải ủng hộ các lực lượng tay chân. Cho nên gia tăng ngân sách chi tiêu quốc phòng là không thể tránh khỏi. Còn ngân sách xã hội và y tế thì có giảm chỉ làm cho người dân bất mãn chút đỉnh nhưng cũng không vì thế mà tạo ra nguồn gốc gây xáo trộn lớn.
13/TXN. Tôi nhìn thấy một khía cạnh khác của gia tăng ngân sách quốc phòng là làm cho kỹ nghệ võ khí hoạt động mạnh. Và đó là một lý do đem tiền vào cho Mỹ, vì hiện nay Mỹ kể như đứng đầu trong dịch vụ buôn bán võ khí thế giới. Thành ra, nói vậy nhưng chiến tranh không phải là hoàn toàn chỉ tạo ra chết chóc, hay là mất tiền mà tạo ra cơm gạo và công ăn việc làm cho dân Mỹ, mà ít ai để ý tới điều này. Thêm nữa, thì những chết chóc đa phần là ở các nơi có chiến tranh, và cho người dân ở đó, mà những chết chóc này thì kể là những thiệt hại phụ - ngoài rià, râu ria - (collateral damages) không gây nhiều phản ứng, trừ những người có tư tưởng phóng túng nhân đạo (liberal) ở Mỹ. Cụ thể gần đây nhất là vụ các nước trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (Gulf cooperation council) không kích những quân chống đối Yemen. Võ khí dĩ nhiên là từ Mỹ đến, bởi vì các nước này chỉ có tiền do sản xuất dầu hoả, chứ không có khả năng sản xuất võ khí tối tân để dùng trong các vụ oanh kích này. Người Mỹ nếu có thiệt mạng thì chỉ là số nhỏ, bởi vì chiến tranh hiện nay được tiến hành theo chiến lược mới, kết hợp tình báo, với võ khí tối tân, với các lối hành quân đặc biệt dưới nhiều hình thức, như du kích thành phố hay là phá nổ các cơ sở chính phủ (tức là những đặc công), hay các lực lượng người nhái tinh nhuệ tấn công giết Osama bin Laden ở Pakistan trước đây. Và khi mà số tử thương là số nhỏ thì sẽ không tạo ra những phản ứng quân chúng chống chiến tranh rộng lớn ở Mỹ.
14/NK. Có phải là Nga cũng bắt chước kiểu chiến lược này để thực hiện giúp và xây dựng lực lượng ly khai thân Nga và chống chính phủ Kiev tại Ukraine hay không? NK mới đọc tin nói những thành phần của một câu lạc bộ lái xe mô tô lớn, mà Putin từng tham dự trong quá khứ, có tên là Night wolves (các chó sói đêm) mà Putin gọi họ là “các anh em”, vốn là cựu quân nhân đã từng giúp vào những cuộc chống đánh quân chính phủ Ukraine ở miền đông nam Ukraine. Ngoài ra còn có các quân nhân thực sự thuộc lực lượng đăc biệt và nhẩy dù đi xe không số, mặc quần áo không phù hiệu tấn công quân Ukraine trong những ngày đấu.
15/TV. Với những điều anh NK nói và qua những tin trên báo chí thì chỉ có thể nói rằng còn “ai trồng khoai đất này” nữa, phải không. Phiá Kiev thì bây giờ người ta đã biết rằng trong những cuộc biểu tình lật đổ Yanukovych cũng có những thành phần hoạt động đặc công với phá hoại. TV không hiểu rằng chiến lược này bắt đầu từ đâu? Nga học của Mỹ hay Mỹ học cuả Nga? BS N và anh NK nghĩ sao?
16/ TXN. Tôi không biết bên nào học của bên nào. Có điều chắc chắn tôi nhớ là thời tổng thống Bush ý niệm chiến tranh này đã được nói ra bởi bộ trưởng quốc phòng, trong khuôn khổ thông báo về sự giảm ngân sách và nhân sự, cũng như sự thay đổi tiêu chuẩn hiểu biết của quân nhân. Những ý niệm chiến lược này cũng được tổng thống Obama và cá giới chức lãnh đạo quốc phòng Mỹ gần đây.
Đến đây thì chương trình bàn chuyện thời sự phải tạm ngưng. Xin kính cháo tạm biệt quý vị thính giả. Chào NK. Chào TV. Và cám ơn hai bạn. Xin hẹn gặp lại tất cả quý vị và các bạn trong một kỳ bàn chuyện thời sự tới.
17/ NK. xin kính gửi lời chào tạm biệt tới quý vị thính giả đã theo dõi chương trình BCTS hằng tuần với Bs TXN, TV và NK ngày hôm nay. Xin kính chào Bs N và thân kính chào chị TV.
18/ TV kính chào BS N, anh NK, và thân ái kính chào tạm biệt quý vị thính giả cùng các bạn toàn cầu đang theo dõi chương trình BCTS.