1/TXN. Kính chào quý vị thính giả. Chào TV, chào NK. Thời sự những ngày qua có đủ loại tin hấp dẫn từ điạ phương đến thế giới. Như tin một thanh niên Mỹ đen 25 tuổi bị cảnh sát bắt ở Baltimore mà lý do không rõ, đưa về giam một tuần lễ sau thì chết. Video thu hình lúc bị bắt thì thấy anh này hai tay bị cùm sau lưng và bị kéo lê lên xe cảnh sát, hai chân quét lê đong đưa trên mặt đường. Có vẻ như anh bị đánh chấn thương tủy sống rồi cách lôi kéo anh như vậy làm cho tủy sống đứt luôn. Dư luận sôn sao, và liên bang đang điều tra. 6 cảnh sát viên trong vụ bị tạm nghỉ có ăn lương. Một video thu hình khác ở Arizona cho thấy một thanh niên Mỹ gốc châu Mỹ Latin sau khi vào một tiệm Walmart lấy đồ rảo bước ra đi thì bị một xe cảnh sát đuổi theo lao thẳng vào anh này. May là anh ta không chết tại chỗ, nội vụ cũng đang bị điều tra. Dư luận thì chia ra làm hai phía: một phía quần chúng thì kết tội cảnh sát xử dụng bạo lực quá đáng, một phiá chính quyền thì bênh cảnh sát là đã làm theo luật. Ở Panama city tiểu bang Florida một vụ gọi là “bề hội đồng” ngay trên bãi biển đông người giữa ban ngày vào trung tuần tháng 3, đã xẩy ra trước mắt hàng trăm người mà không ai can thiệp, hay báo cảnh sát. Vụ này đã bị đổ bể khi cảnh sát ở Troy, tiểu bang Alabama trong khi điều tra một vụ bắn nhau, tịch thu một điện thoại cầm tay và khám phá thấy cuộc hiếp dâm cô gái ngồi trên ghế, đã được thu hình. Cuốn video thu hình được chuyển cho cảnh sát ở Panama city. Từ đó thì truy ra và bắt được hai trong ba thủ phạm là hai sinh viên Mỹ đen thuộc trường đại học Troy College, 22 và 23 tuổi còn nạn nhân bị hiếp là 19 tuổi. Hỏi tại sao không đi báo cảnh sát thì cô gái khai là cô bị cho thuốc, không nhớ gì cả. Đó là những tin xã hội, mà nếu kể ra cho hết thì không có thì giờ. Về mặt thời sự chính trị thì bà Hillary Clinton đã tuyên bố sẽ tranh cử tổng thống trong cuộc bầu tháng 11 năm 2016 và đã chính thức đi vận động trên một chiếc xe van qua một số tiểu bang. Không ai lạ gì chuyện bà Hillary tranh cử tổng thống, vì đã được truyền thông sửa soạn từ ít ra là trên hai năm nay. Trong khi đó thì nhiều ứng cử viên đảng Cộng hoà cũng loan báo tranh cử, nhưng không được chú ý và bình luận thuận lợi nhiều, đủ góc đủ kiểu như là đối với bà Hillary. Vì thế có thể nói rằng bà Hillary Clinton kể như là tổng thống chắc chắn tiếp nối ông Obama. Nhìn rộng ra thế giới, thì những tin lớn có thể kể như là liên hệ ít nhiều đến ngày kỷ niệm 70 năm chấm dứt đại chiến thứ hai, kỷ niệm 60 năm hội nghị Bandung thành lập khối phi liên kết Á phi. Bên cạnh cuộc chiến Saudi Arabia mở ra oanh kích Yemen, cùng với một số nước Ả Rập sản xuất dầu hỏa đồng minh với Mỹ, với sự hỗ trợ của Mỹ vân vân… thì NK và TV có thêm vấn đề nào chăng?
2/ Trước hết NK xin kính gửi lời chào quý vị thính giả đang theo dõi chương trình BCTS với bs TXN, TV và NK ngày hôm nay. Xin kính chào bs N và thân kính chào chị TV. Từng đó chuyện bác sĩ N nêu ra thì NK đã thấy rằng chỉ cần kể cho có đầu đuôi ngọn ngành là đủ hết giờ, cho nên NK thấy không có gì thêm nữa. Chỉ xin có ý kiến ngay về vụ “bề hội đồng” ở Panama city thì NK có theo rõi và thấy rằng cái hiện tượng một đám đông đứng cách vài thước chứng kiến chuyện này mà không có phản ứng gì, thì thật là không chấp nhận được. Tuy nhiên khi được biết rằng cô gái không trình báo gì vì khai rằng bị say thuốc, thì NK nghĩ lại và thấy có lẽ cô này là đồng bọn đi chơi với nhau. Chứ không dễ gì mà cho thuốc một người đi đường. Cho nên những người chung quanh đã chỉ thưởng thức như là xem một màn đóng phim bởi những kẻ trong cơn say thuốc. Nghĩ như vậy thì NK thấy rằng đây là một hiện tượng xã hội không có gì đáng nói nhiều, tương tự như vụ một nữ sinh viên ở Chicago mới đây đi tố cáo một bạn trai đã hiếp cô như là trong phim fifty shades of grey mà bị quan toà dẹp bỏ không xử.
3/TV.TV kính chào BS. N, anh NK, và thân ái kính chào quý vị thính giả cùng các bạn toàn cầu. Nhân ý kiến của anh NK về câu chuyện trên bãi biển ở Florida, thì TV đồng ý có lẽ việc những người đứng xem mà không trình báo cảnh sát là do họ không nghĩ đó là một vụ hiếp dâm. Còn về vụ một thanh niên Mỹ đen bị bắt trên đường ở thành phố Baltimore mà không rõ lý do rồi bị thương đứt tủy sống và chết một tuần sau trong khi bị giam, và vụ xe tuần cảnh tông vào một nghi phạm ăn trộm, thì điều này chỉ cho thấy những mâu thuẫn, kỳ thị, và thành kiến lâu đời giữa cảnh sát và dân các sắc tộc thiểu số, đặc biệt là người Mỹ gốc Phi châu và gốc châu Mỹ la tinh. Những tin tức loại này gần đây xuất hiện nhiều, theo TV là do những khó khăn trong đời sống xã hội vì tình trạng kinh tế Mỹ không còn phồn thịnh như xưa. Những chuyện xã hội này tuy nhiên khó mà bàn cho tới cùng vì sẽ có không biết bao nhiêu là ý kiến khác biệt của các loại chuyên gia, chính trị gia, luật gia, tu sĩ vân vân… Đề nghị bây giờ chúng ta đi sang chuyện khác mà thảo luận có thể rút ra được một số kết luận cụ thể hữu ích. Chẳng hạn như chuyện bà Hillary Clinton ra ứng cử và được truyền thông chú ý đặc biệt, loan đi đầy đủ các tin tức cũng như bình luận thuận lợi cho bà. Nhân đây thì TV muốn hỏi là tại sao mà bác sĩ N lại có thể chắc chắn bà Hillary Clinton sẽ trúng cử tổng thống, và khẳng định quá sớm như vậy, khi mà danh sách các ứng cử viên còn chưa có đầy đủ?
4/TXN. Đúng là tôi không làm công việc thầy bói thầy số sờ mu rùa đoán mò hay là xem sao đoán hạn. Tôi đã chỉ suy đoán kết quả dựa trên sự việc và diễn tiến từ nhiều năm. Thứ nhất là bà Hillary Clinton năm 2008 đã tranh cử vòng sơ kết, với ông Obama trong một cuộc đấu quyết liệt cho tới phút chót, ngay cả khi Obama đã nắm chắc phần thắng thì bà cũng không rút lui. Bà Hillary chỉ ngưng khi có kết quả không chối cãi. Quyết liệt như thế, nhưng bà Hillary đã nhận làm ngoại trưởng cho ông Obama 4 năm từ 2009 đến 2013, đã tỏ ra là một người cộng tác hết lòng. Bà đã rời chức vụ khi mà thấy không có gì thêm hơn được nữa, và để có thời gian tách đủ xa khỏi ông Obama, để khỏi dính vào quá nhiều những điều tiêu cực mà ông Obama đã lãnh trong nhiệm kỳ đầu. Mặt khác, bà Hillary đã được các thế lực ủng hộ bà che chở cho bà khỏi bị tấn công sát ván sau vụ toà lãnh sự Mỹ ở Bengazhi bị tấn công và đại sứ Mỹ tại Libya bị giết chết. Tiếp theo, thì đến vụ bà xử dụng địa chỉ email tư và máy chứa tư trong các vấn đề công vụ bộ ngoại giao và đã tự ý hủy các tài liệu này khi sự việc bị tiết lộ. Thì việc này đã được đẩy sang bên nhanh chóng nhờ các bài viết trên các cơ quan truyền thông to nhỏ khắp nước. Đây là tôi chỉ kể vài chuyện lớn mọi người đều biết liên hệ tới bà Clinton. Phải nói rằng những thành phần ủng hộ bà thế lực rất lớn, trải ra trên khắp thế giới. Và dự kiến là bà Clinton sẽ có được 1 tỉ đô la tranh cử. Và vì bà mạnh như thế cho nên cái tổ chức Bill, Hillary & Chelsea Clinton Foundation của vợ chồng bà và cô con gái Chelsea đã thu được nhiều trăm triệu đô la đóng góp từ nhiều nước. Chuyện ngoại quốc ủng hộ này đã trở thành một đề tài bàn tán, dị nghị, khi ý định tranh cử tổng thống của bà Clinton trở thành rõ ràng, nhưng mà theo tôi thì mọi sự rồi sẽ được thu xếp xong xuôi, trước khi sự tranh cử trở thành sôi nổi, để tránh các phản ứng tiêu cực nơi cử tri. Nói tóm lại thì mọi sự kiện cho thấy phía Hillary Clinton là đang trong tình trạng chủ động, tức là thủ thắng, cho nên tôi mới nói Hillary Clinton chắc chắn sẽ là tổng thống tiếp theo Obama.
5/NK. Bác sĩ N chỉ nói đến chuyện Hillary Clinton chủ động, thủ thắng. Nhưng còn đảng Cộng hoà thì sao? Nhất là đảng Cộng hoà hiện nay đã chống ông Obama quyết liệt, có thể kể như là coi thường ông Obama nữa. Thí dụ như chuyện phe Cộng hoà mời thủ tướng Do Thái Netanyahu qua quốc hội đọc diễn văn, chống lại việc chính phủ ký thoả ước về nguyên tử với Iran, không bàn tính với Bạch cung trước, theo như thông lệ mỗi khi mời lãnh đạo ngoại quốc. Chưa kể đến chuyện quốc hội tê liệt trong suốt thời gian qua, không có thoả thuận giữa hai phe Dân chủ và Cộng hoà để giải quyết rốt ráo vấn đề then chốt là tài chính và ngân sách, mà chỉ có những biện pháp vá víu, giai đoạn.
6/TV. Theo TV chuyện quốc hội mà đa số là đảng Cộng hoà chống quyết liệt ông Obama là hiển nhiên. Nhưng đối với bà Hillary thì sự chống đối này có vẻ ít hơn, mà cụ thể là xét qua cung cách đối xử và điều tra trách nhiệm của bà Clinton trong vụ toà đại sứ Mỹ ở Benghazi bị tấn công cũng như trong vụ mới đây bà Hillary một mình quyết định xoá bỏ các email công vụ để mà khỏi có bằng cớ về sự bất lực trong vụ Benghazi thì đã không thấy có sự phản ứng một cách quyết liệt tập thể. Tuy nhiên nếu chỉ vì thế mà bỏ qua yếu tố liên quan đến các ứng cử viên cộng hoà sẽ đụng đầu với bà Clinton vào tháng 11/2016 để tiên đoán rằng bà Clinton thắng cử thì có phải là quá sớm, phải không?
7/TXN. Phải nói rằng không xét tới ứng viên Cộng hoà đôi đầu với bà Clinton mà khẳng định bà thắng cử thì có thể kể là quá sớm và có thể bị chê là không có tinh thần khách quan khoa học nữa. Nhưng đó là vì tôi dựa vào những yếu tố nền tảng quyết định thắng thua mà mỗi ứng cử viên phải có. Các yếu tố nền tảng này là : a/ sức mạnh của những thế lực đằng sau ủng hộ và che chắn cho ứng viên, mà tôi thấy là rất lớn trong trường hợp bà Clinton, b/ khả năng diễn xuất của ứng viên mà truyền thông đã ca tụng là bà Clinton rất lão luyện, c/ định rõ những thành phần cử tri cần tranh thủ, mà trong trường hợp bà Clinton thì người ta biết rằng gồm giới phụ nữ trẻ lập trường phóng khoáng, giới đồng tính luyến ái, thành phần quần chúng tả khuynh và giới xanh, thành phần sắc tộc, da mầu, người Mỹ gốc Phi châu, và gốc châu Mỹ latinh… Nếu mà ông Obama đã thắng năm 2008 nhờ đẩy mạnh ý niệm một người da đen đầu tiên làm tổng thống Mỹ thì Hillary sẽ thắng khi đẩy mạnh ý kiến bà là người phụ nữ đầu tiên làm tổng thống Mỹ . Về điểm này thì chúng ta thấy rằng truyền thông đã mi mí sẵn sàng làm như vậy. Về phiá đảng Cộng hoà, thì các ứng cử viên kể là sáng giá thì đều có những điểm yếu kém mà truyền thông đã vạch ra, và những người này chỉ có những quan điểm thu hút một số quần chúng giới hạn, chứ không thu hút rộng rãi nhiều loại thành phần khác nhau như bà Hillary Clinton.
Tôi sẽ không đi sâu thêm nữa về vấn đề bầu cử tổng thống Mỹ, là một vấn đề còn xa. Ngoài ra thì chúng ta đã nói khá nhiều về những vấn đề nước Mỹ. Bây giờ mình nhìn ra ngoài thế giới một chút, vào một vấn đề vừa có liên quan đến Mỹ mà cũng đến các nước khác. NK và TV thấy sao?
8/NK. Chuyện thế giới mà dính líu đủ mọi đại cường thì NK nghĩ là vấn đề kỷ niệm 70 năm đại chiến thứ hai chấm dứt mà bác sĩ N đã nói lúc mở đầu. Những năm qua vào dịp này thì các lãnh tụ thế giới tụ họp ăn mừng chung. Năm nay, thì trong chuyện kỷ niệm này có điều trục trặc. Buổi diễn binh ngày 9 tháng 5 mà Nga tổ chức ở Mạc Tư Khoa kỷ niệm chiến thắng Đức quốc xã ở Âu châu, có Trung quốc và Bắc Hàn sẽ tham dự, nhưng nhiều nước Âu châu sẽ không có mặt để phản đối sự can thiệp của Nga vào Ukraine. Trong một buổi tiếp xúc trực tiếp với quần chúng qua điện thoại ngày 12 tháng 4, để trả lời câu hỏi gọi đến rằng “Nga có cảm thấy bị xúc phạm vì lời mời tham dự buổi diễn binh của Nga bị từ chối hay không”, thì tổng thống Nga Putin đã nói rằng “Bất cứ ai không muốn tham dự thì cứ tự nhiên, tự ý”. Và “đây là sự lựa chọn cá nhân của mỗi nhà chính trị và của nước mà họ đại diện. Một số người không muốn dự và một số bị cấm dự vì “đảng ủy Washington” (Washington Obkom) bảo họ như thế, tuy rằng nhiều người muốn dự”. Obkom là tiếng thời Sô viết để chỉ ủy ban đảng Cộng sản. Putin dùng chữ này là cốt ám chỉ rằng các nhà nước hậu- Sô- viết và một số nhà tranh đấu ở Nga là theo lệnh của Mỹ. Putin đã nhấn mạnh đến điểm là quân đội Sô viết đã đóng vai trò quan trọng trong chiến thắng Đức ở Âu châu, và quân đồng minh đã trì hoãn mở một mũi tấn công thứ hai một cách không cần thiết. Putin nói “Chúng ta mừng ngày nghỉ lễ của chúng ta. Chúng ta vinh danh thế hệ những người chiến thắng của chúng ta”.
Qua vụ này thì ta có thể thấy rằng là Nga đang ở thế củng cố lại hàng ngũ để ngăn chống sự tấn công của Mỹ và các nước Âu châu. Nguyên Kim thấy rằng thế giới thực tế đang đi vào chiến tranh lạnh, nhưng với những lời lẽ mềm mỏng, ít sát phạt hơn. Và vị trí của Mỹ và đồng minh thì tuy rằng ở thế công tại các địa bàn Ukraine, Trung đông, Bắc Phi nhưng mà ảnh hưởng chung thì mờ nhạt hơn, trong khi Trung Cộng và Nga thì nổi lên hơn.
9/TV. Anh Nguyên Kim nói có phần đúng. Thí dụ như ở Ukraine, Mỹ và Âu châu đã giúp lật đổ tổng thống dân cử thân Nga Yanukovych nhưng sau đó thì đi vào tình trạng bị động trước phản ứng quyết liệt của Putin ủng hộ phe chống đối thân Nga ở miền đông Ukraine. Mỹ chủ trương xoay trục sang Á Châu Thái bình dương, nhưng thực tế là ngoài Miến điện là nơi ảnh hưởng Mỹ có gia tăng chút đỉnh trong vấn đề kinh tế nhưng về mặt chính trị thì bà Aun Sang Suu Kyi tuy được Mỹ và Anh thổi lên hết mình trong suốt một thời gian dài và trao cả giải Nobel hoà bình nhưng chỉ có một vai trò dân biểu chống đối không có bao nhiêu trọng lượng, và đang trong tình trạng sắp về hưu, còn chế độ quân phiệt Miến biến thái thì tổng thống Obama cũng phải công nhận là chưa có bao nhiêu cải tiến về tôn trọng dân chủ, nhân quyền nhưng Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác làm việc. Ngoài ra thì TV còn nhớ rằng trong hội nghị thượng đỉnh hợp tác kinh tế Á châu Thái bình dương (APEC) tổ chức tại Bắc Kinh tháng 11/2014, Tập Cận Bình và Putin nổi bật trước tổng thống Obama, và tuyên cáo chung về hợp tác kinh tế khi hội nghị bế mạc đã chịu ảnh hưởng nặng nề của Bắc Kinh. Còn hiệp ước đối tác Thái bình dương Mỹ đưa ra trước đó và định đẩy tiếp tại Bắc Kinh thì đã chìm lỉm. Trong khi đó Ngân hàng phát triển hạ tầng Á châu - Asian Infrastructure Investment bank (AIIB) do Bắc Kinh đỡ đầu bỏ vốn để cạnh tranh với Ngân hàng thế giới và Ngân hàng phát triển Á châu, đến nay đã hình thành với gần 60 nước được thu nhận làm hội viên sáng lập, trong đó có các đồng minh cật ruột của Mỹ, như Anh Pháp Đức Úc vân vân…và ngay cả bà giám đốc quỹ tiền tệ quốc tế cũng tuyên bố sẵn sàng hợp tác.
10/TXN. Nhìn toàn cảnh thế giới qua những tóm tắt thời sự vừa rồi, thì có thể nói rằng sau biến cố quan trọng là sự sụp đổ của Liên sô và khối CS Đông Âu vào năm 1991, cái trật tự thế giới mới mà tổng thống Bush bố nói, được dần dần hình thành và bây giờ thì mới rõ rệt. Từ 1991 đến hết thế kỷ 20 là thời kỳ suy đồi bị động của Liên sô, trong giai đoạn giao thời chuyển từ kinh tế tập trung toàn trị sang chế độ kinh tế thị trường, dưới ảnh hưởng của Mỹ và đồng minh Âu châu, mà Mỹ là đại cường bậc nhất. Thập niên đầu của thế kỷ 21 từ năm 2002 trở đi là thời kỳ dần dần hồi phục của Nga với Putin nắm quyền. Đến năm 2008, Nga khẳng định đóng vai trò một cường quốc, khi trong một cuộc hành quân ngắn ngủi vài ngày dẹp tan cuộc tấn công của quân đội Georgia do Mikhail Sakashvilli thủ lãnh cách mạng hoa hồng thân Âu Mỹ và là tổng thống Georgia lãnh đạo, để bảo vệ South Ossetia và Abkhazia là hai vùng thân Nga. Tiếp theo là vụ Putin ngăn chặn Mỹ quyết liệt lật đổ chế độ Syria của Bashar Assad, rồi đến vụ ủng hộ phe chống đối miền đông Ukraine. Tất cả những chuyện này đều có sự ít nhiều hỗ trợ trực tiếp hay gián tiếp của Trung Cộng. Sau cùng mới đây nhất là Nga đứng về phiá Iran trong cuộc điều đình về vấn đề võ khí nguyên tử. Một cách cụ thể rõ ràng, là Nga đã quyết định thi hành giao kèo bán hoả tiễn phòng thủ tầm xa tối tân nhất S300 cho Iran. Cái giao kèo này đã bị ngưng lại trong khuôn khổ chế tài Iran cách đây mấy năm. Hoả tiễn S 300 có khả năng chống máy bay và hoả tiễn liên lục điạ để ngăn ngừa một cuộc tấn công có thể xẩy ra từ Do Thái hoặc Mỹ. Bằng biện pháp này, Nga gián tiếp cho thấy là hoàn toàn ủng hộ thoả ước nguyên tử mà Mỹ Anh Pháp Nga Tầu và Đức đang hoàn chỉnh để ký với Iran. Và cũng cho thấy rằng dù thoả ước có không hoàn chỉnh được, thì Iran cũng có khả năng chống những cuộc oanh kích từ Do Thái, là nước quyết liệt phản đối chương trình hạt nhân Iran và lôi Mỹ theo hướng đó.
Nhân tiện thì xin nói thêm ở đây rằng sau khi tin này loan đi thi báo điện tử Daily Mail của Anh đã truyền đi một video ghi lại hình ảnh một cuộc phóng hoả tiễn S 300 thất bại ở Donetz, miền đông Ukraine, cách đây vài tháng, cho thấy hoả tiễn vừa bắn ra được một khoảng ngắn thì rơi xuống đất trở lại làm chết 6 chuyên viên Nga. Ngoài ra thì trong một cuộc phỏng vấn với MSNBC, tổng thống Obama đã nói rằng Mỹ có dư khả năng vượt qua hàng rào phòng thủ của S 300 bán cho Iran.
Tóm lại trong trật tự thế giới mới thì Mỹ không còn là đại cường bậc nhất vô địch mà có thêm TQ với Nga.
11/NK. Cái trật tự thế giới mới mà bác sĩ N nói cũng đã được nêu ra trong hội nghị Nam dương tổ chức ở Jakarta ngày 22 tháng 4 nhân dịp kỷ niệm 60 năm hội nghị các nước Á Phi với chủ đề “sống chung hoà bình” ở Bandung, Indonesia, năm 1955 với sự hình thành phong trào các nước phi liên kết do Ấn độ thời đó cầm đầu. Tại hội nghị Jakarta, tổng thống Nam dương Widodo tuyên bố rằng những người còn tin rằng các vấn đề kinh tế có thể giải quyết bởi các định chế như Ngân hàng thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế và Ngân hàng phát triển Á châu là “bám lấy những ý kiến lỗi thời”. Ông nói “cần thay đổi”, và “cần phải xây dựng một trật tự kinh tế thế giới mới, mở ra cho các sức mạnh kinh tế đang lên”. Tuy không đề cập đến Ngân hàng đầu tư hạ tầng Á châu của Tầu bảo trợ mới thành lập, nhưng người ta hiểu là Widodo muốn nói gì. Tại hội nghị này, Tập Cận Bình và thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã gặp nhau bên lề trong nửa giờ, sau khi ông Abe đọc một bài diễn văn trong đó nói rằng “không thể để yên cho nước mạnh xử dụng võ khí”. Còn Tập cận Bình thì tuyên bố rằng cần phải có một mô thức mới trong bang giao quốc tế để khuyến khích hợp tác giữa các nước Á Phi, và các nước phát triển có bổn phận hỗ trợ các nước khác mà không kèm theo những giây ràng buộc chính trị.
12/TV. Ngoảnh nhìn sang thế giới rồi lại nhìn về nước Việt Nam, chúng ta có thể thấy là trong khi cả thế giới chuyển mình thay đổi để đi lên, mỗi nước khẳng định vị trí của mình trong trật tự thế giới mới, thì VN dưới chế độ Cộng sản biến thái đã dậm chân tại chỗ, đứng yên chờ các thế lực bên ngoài quyết định cho đất nước trong khi lãnh đạo mạnh ai nấy kiếm tiền bỏ túi chờ ngày về hưu ra ngoại quốc sống. Thật là đáng buồn.
13/TXN. TV buồn mà chi? Đất nước mình không chỉ gồm toàn có một loại đó. Bây giờ đã gần hết giờ cho nên tôi xin nói sơ về vấn đề Saudi Arabia. Là Saudi Arabia và các nước Ả rập sản xuất dầu hoả, đồng minh thân cận với Mỹ tấn công vào Yemen chỉ là biểu hiện của cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa Mỹ Do Thái một bên với Iran bên kia. Cuộc chiến cục bộ này mà chủ yếu là các cuộc không kích sẽ chấm dứt khi số tiền được Mỹ tính toán gia tăng cho ngân sách quốc phòng dùng hết. Đến đây thì chương trình bàn chuyện thời sự hôm nay phải tạm ngưng. Xin kính chào tạm biệt quý vị thính giả. Chào TV. Chào NK và xin cám ơn hai bạn. Xin hẹn gặp lại tất cả quý bị và các bạn trong một kỳ tới.
14/ NK. Xin kính gửi lời chào tạm biệt tới quý vị thính giả đã theo dõi chương trình BCTS hằng tuần với Bs TXN, TV và NK ngày hôm nay. Xin kính chào Bs N và thân kính chào chị TV.
15/TV. TV kính chào BS N, anh NK, và thân ái kính chào tạm biệt quý vị thính giả cùng các bạn toàn cầu đang theo rõi chương trình BCTS. Xin hẹn gặp lại tất cả quý vị trong một chương trình kế tiếp.