1/TXN. Kính chào quý vị thính giả. Chào NK, chào TV. Truyền thông Mỹ trong thời gian hơn một tuần qua tràn ngập tin tức và bình luận về vụ đọc diễn văn trước quốc hội Mỹ của thủ tướng Do Thái Netanyahu. Chuyện thứ hai cũng chiếm nhiều chỗ là vụ ông Boris Nemtsov, chính trị gia đối lập với tổng thống Nga Putin bị bắn chết tối ngày thứ sáu 27 tháng 2/2015. Chuyện thứ ba là những bàn tán về tiết lộ Jihadi John, người đao phủ trên những video cắt cổ các con tin, là một thanh niên người Anh gốc Kuweit, sống ở Luân đôn, vốn là một học sinh hiền lành, hay bị bắt nạt lúc còn nhỏ đi học, đã trở thành kẻ thánh chiến vì bị tình báo Anh M15 làm khó dễ liên miên. Mấy chuyện này nếu mà bàn tới thỉ có thể kể là sẽ kéo khá dài cho nên tôi tạm ngừng gợi ý ở đây để cho NK và TV có gì thì xin góp ý tiếp.
2/NK. Trước hết NK xin kính gửi lời chào quý vị thính giả đang theo dõi chương trình BCTS với bs TXN, TV và NK ngày hôm nay.Xin kính chào bs N và thân kính chào hai chị ĐT và TV i. Trong kỳ bàn chuyện thời sự trước, chị Đan Tâm có nói đến cô Heather Cho, phó tổng giám đốc Korean đối xử thô bạo với hai tiếp viên hàng không vi đã đưa cho cô đậu lạc trong gói thay vi là để trên đĩa. Cô này đã bị xử tù I năm và đã chị ĐT cũng đã nhận định về cách đối xử thiếu giáo dục của con nhà giầu xứ Nam Hàn, “mang đầy tính chất phong kiến, quan liêu và tàn bạo, chứng tỏ nèn giáo dục và văn hóa của Nam Hàn không tiến bộ song hành với kỹ nghệ và kinh tế!”. Nhưng mà đây không phải là trường hợp độc nhất, vì tin cho biết rằng Conrad Hilton, con trai của một hệ thống khách sạn của Mỹ là Hilton Hotel cũng đã có thái độ hung hăng tấn công, doạ giết và doạ đuổi các tiếp viên hàng không trên một chuyến bay từ London đến Los Angeles năm ngoái, vì quen “xếp lớn” của mấy người này. Câu chuyện đơn giản chỉ là Conrad đã không chịu buộc giây lưng an toàn khi máy bay cất cánh và đứng lên đi đi lại lại và la lối làm nhiều trẻ con trên máy bay khóc vì hoảng sợ, và mắng các hành khách khác là “nhà quê”. Ngày 3 tháng 3/2015 Conrad đã ký giấy điều đình với công tố viện và nhận tội cho nên chỉ bị phạt án treo 6 tháng thay vì là 6 tháng tù ở, một năm quan sát theo dõi và 5,000 đô la tiền phạt. Xem ra thì luật pháp Mỹ tốt hơn luật pháp Nam Hàn. Và con nhà giầu thì ở xã hội nào cũng có thành phần hung hăng chứ chẳng riêng gì Nam Hàn, cho nên ở nước Mỹ tiến bộ văn minh cũng vẫn có những Conrad Hilton không thua gì Heather Cho ở Nam Hàn. Bác sĩ N và chị TV nghĩ sao về trường hợp này?
3/TV. TV kính chào BS N, anh NK, và thân ái kính chào quý vị thính giả cùng các bạn toàn cầu. Anh NK nói đúng rằng người hung hăng thì ở thành phần xã hội nào cũng có. Nhưng mà làm điều vô lối thì trong giới trọc phú dễ dàng làm hơn vì sự cậy của cậy thế. Còn cho rằng luật pháp Mỹ tốt hơn luật pháp Nam Hàn thì cũng không hẳn đúng. Nếu trong vụ Conrad mà luật pháp Mỹ có đối xử tốt như anh Nguyên Kim nghĩ thì cũng là vì phần nào chịu ảnh hưởng của thế lực và tiền bạc. TV còn nhớ cách đây cũng nhiều năm báo chí Mỹ có ồn ào về chuyện một người cháu nhà Kennedy ở Florida hiếp dâm một phụ nữ đến dự tiệc, mà sau đó cũng không sao. Và cố thượng nghị sĩ Ted Kennedy là chú hay bác gì đó của cậu này thì lái xe say rượu lao xuống sông rồi bỏ trốn để mặc cho người bạn gái chết đuối trong xe mà cũng không hề gì, vẫn tiếp tục là thượng nghị sĩ quyền thế cho tới chết. Và cựu tổng thống Bill Clinton nói dối hữu thệ và khẳng định dối trá trên truyền hình về vụ Monica Lewinski cũng chẳng sao dầu rằng có bị đem ra quốc hội để bãi chức.
4/TXN. Chuyện mà tục ngữ VN nói là “nén bạc đâm toạc tờ giấy” thì từ xưa đến nay vẫn thế, trong mọi xã hội mọi thời. Ở xã hội Mỹ kể là văn minh tiến bộ thì cũng có hai tiếng ngắn ngủi “money talks”, tức là “tiền nói”. Thôi mình đi sang chuyện thời sự lớn hơn, tạo ồn ào bàn tán kéo dài trong truyền thông và chính giới Mỹ đi. Bắt đầu với chuyện thủ tướng Do Thái Netanyahu qua Mỹ đọc diễn văn trước quốc hội Mỹ theo lời mời của chủ tịch Hạ Viện, là dân biểu Boehner đảng Cộng hoà. NK và TV có ai theo rõi chuyện này không?
5/NK. Trong thời gian hơn một tuần qua, nếu lên mạng điện tử mà không đọc tin tức và bình luận về chuyện này và chuyện ông Boris Nemtsov chính trị gia đối lập với tổng thống Nga Putin bị giết, thì có gì để đọc, ngoài các tin chỉ có tính lôi kéo thị hiếu? NK tuy có đọc tin đó, nhưng thú thực là NK không đi vào chi tiết, vì rắc rối mất thì giờ. Chỉ có mấy điều đáng để ý và có câu hỏi là. Thứ nhất: Netanyahu đã được chủ tịch hạ viện là dân biểu Boehner, mời sang đọc diễn văn trước lưỡng viện quốc hội Mỹ, mà không thảo luận với ngành hành pháp là tổng thống Obama. Tại sao như vậy? Thứ hai: Netanyahu là thủ tướng Do Thái, một nuớc nhỏ dân số chưa được 8 triệu người. So với Mỹ 319 triệu dân thì chỉ bằng chừng 2%. Thế mà tại sao lại dám bất chấp tổng thống Mỹ, và bỏ qua các khuyến cáo của một số nhân vật dân cử quốc hội Mỹ có thế giá, quyết định qua đọc diễn văn chống chủ trương điều đình thoả hiệp với Iran về vấn đề võ khí nguyên tử của chính phủ Mỹ và các cường quốc thế giới khác là Nga Tầu, Anh Pháp và Đức ? Thứ ba: theo như các tin tức loan đi thì Netanyahu đã được quốc hội Mỹ nhiều lần đứng lên vỗ tay hoan nghênh, và sau khi đọc xong diễn văn thì đã ra về sau hai phút các thượng nghị sĩ và dân biểu Mỹ đứng dậy vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt. Tại sao có hiện tượng này? Phải chăng Netanyahu đã có tài hùng biện đặc biệt và làm say mê người nghe để mà một lập trường về Iran ngược với lập trường chính phủ Mỹ , được các dân cử Mỹ hoan nghênh?
6/TV. TV nghĩ rằng dân biểu Boehner thủ lãnh phe đa số đảng Cộng hoà đã mời ông Netanyahu mà không hội ý với phía lãnh đạo hành pháp, là tổng thống Obama như lệ thường từ trước đến nay là bởi vì có lập trường ngược với lập trường của ông Obama, mà cũng vì coi thường ông Obama. Sự coi thường này thì TV nghĩ là đã bắt đầu rõ ràng sau khi mà đảng Dân chủ bị thua và mất đa số tại quốc hội trong kỳ bầu quốc hội tháng 11 vừa qua. Và đặc biệt là vi đảng Cộng hoà chống chính sách của ông Obama trong nhiều mặt, từ vấn đề nội trị như y tế Obamacare, hay xã hội như vấn đề di dân bất hợp pháp, hay vấn đề đồng tính luyến ái, đến vấn đề chiến tranh ở Iraq, Afghanistan và Trung Đông và lực lượng quốc gia Hồi giáo ISIS. Vì thế có dân cử đã phát biểu là ông Obama không yêu nước Mỹ. Tóm lại thì các dân cử Cộng hoà đại đa số là ủng hộ Do Thái và đang ở thế thắng cho nên Netanyahu mới có thái độ coi thường hành pháp Mỹ như vậy.
7/TXN. Thật ra thì phải nói rằng quốc hội Mỹ, bất kể là dân chủ hay Cộng hoà từ hồi nào tới giờ - hay ít ra là từ sau đại chiến thế giới thứ hai - vẫn luôn luôn trước sau như một ủng hộ Do Thái. Ông Obama trước khi làm tổng thống có lập trường khác với lập trường Do Thái, ít nhất là trong vấn đề Do Thái liên tục chiếm đất của Palestine ở phiá Tây ngạn sông Jordan để lập các trại định cư Do Thái. Nhưng sau khi làm tổng thống và gặp ông Netanyahu thì ông Obama đã dụt lại và kể như hoàn toàn theo quan điểm Do Thái trên thực tế, mà chỉ khác quan điểm Do Thái ở trên miệng, một cách sơ sơ. Ông Netanyahu đã là lãnh tụ ngoại quốc ra vào Bạch cung nhiều nhất và ông Obama đã trong lúc trò chuyện ngoài buổi họp chính thức, đã không tránh khỏi buột miệng nói với tổng thống Pháp rằng là kinh nghiệm giao tiếp của ông với Netanyahu rất khó khăn, và không ngờ câu này đã bị thu vào máy. Cho nên, nếu mà Netanyahu có coi ông Obama như pha trong vụ này thì cũng không có gì là lạ. Và chúng ta có thể thấy là tuy không dấu sự bất đồng với Netanyahu, nhưng phía chính phủ cũng đã phát biểu rất tự chế, rất chừng mực, và luôn luôn khẳng định rằng sự ủng hộ đối với Do Thái là không thay đổi. Susan Rice cố vấn hội đồng an ninh của ông Obama nói thái độ của Netanyhu làm hư hại chất liệu tương quan Mỹ Do Thái, thì ngoại trưởng Kerry sau đó đã dụt , nói chính phủ hoan nghênh việc ông Netanyahu đọc diễn văn, tuy rằng là trong hoàn cảnh “bất thường”. Và chính phủ đã phải phái bà Samantha Power, đại diện Mỹ tại Liên Hiệp quốc đến hội nghị thường niên của tổ chức vận động chính trị Do Thái AIPAC mà Netanyahu tham dự, để khẳng định lập trường Mỹ về vấn đề nguyên tử Iran là không để cho Iran có võ khí nguyên tử. Các dân cử Dân chủ trong vụ này cũng bị lâm vào tình trạng khó khăn là phải chọn lựa đứng về phiá ông Obama là người đứng đầu đảng và chính phủ hay là theo Netanyahu. Bởi vì nếu theo ông Obama mà không tham dự nghe diễn văn của Netanyahu thì sẽ làm phật ý thế lực chính trị Do Thái, rất quan trọng cho cái ghế dân cử của họ. Tuy vậy đã có 49 người quyết định không tham dự. Con số 49 này dù sao cũng là nhỏ vì chỉ bằng 1/10 tổng số dân cử. Có một dân biểu đặc biệt là bà Nancy Pelosi, nguyên chủ tịch khối đa số đảng Dân chủ hạ viện trước khi Boehner thắng thế, đã tham dự nghe diễn văn, nhưng không vỗ tay tán thành, và đã có lúc có thái độ không đồng ý. Tin BBC cho biết rằng bà Nancy nói có lúc bà muốn khóc, vì thấy diễn văn cuả Netanyahu “có tính chất kẻ cả và coi thuờng trí thông minh của dân Mỹ”.
8/ NK nghĩ rằng bà Pelosi nói thành thực lòng mình, vì rằng nhìn những hình Netanyahu trong nhiều dịp xuất hiện trên truyền thông thì NK thấy bộ mặt ông này có vẻ cao ngạo không coi người đối thoại ra gì, kể cả trong trường hợp người đối thoại là nhân vật đứng đầu hành pháp Hoa kỳ là tổng thống Obama. Vụ Netanyahu đọc diễn văn ở quốc hội Mỹ tuy gây bàn tán nhưng vấn đề đơn giản, mà tóm gọn lại chỉ là thái độ coi thường tổng thống Obama của các dân biểu Cộng hoà mà đứng đầu là dân biểu Cộng hoà, chủ tịch hạ viện Boehner, và thái độ kẻ cả của thủ tướng Do Thái đối với chính giới Mỹ mà nữ dân biểu Nancy Pelosi đã nói ra. Vụ bắn chết Boris Nemtsov có lẽ nhiều tình tiết éo le ly kỳ hơn. Chị TV và bác sĩ N có thấy thế không?
9/TV. Trong chính trị thì TV thấy rằng dù là một chuyện đơn giản, nhiều khi nói vậy hay thấy vậy mà không phải vậy. Tinh tiết éo le ra sao trong vụ Boris Nemtsov bị bắn chết thì TV không rõ. Mà TV chỉ biết rằng ông Boris Nemtsov là một nhân vật chính trị nổi tiếng ở Nga từ thời cố tổng thống Boris Yeltsin thập niên 1990. Ông từng là phó thủ tướng, là thống đốc, và là dân biểu. Ông thân cận với ông Yeltsin và chủ trương đổi mới, thân Tây phương. Nemtsov đã có một thời kỳ kể là người có thể kế vị cho ông Yeltsin trước khi Putin nổi trội lên và trở thành lãnh đạo của Nga. Trong những thời gian về sau này thì ông là một trong những nhân vật đối lập với Putin, tuy không phải là ở vị trí thứ nhất. Bởi vì vi trí này đã do ông Alexei Navalny trẻ hơn, năm nay 38 tuổi chiếm giữ, vì là người đứng ra tố cáo Putin và phe cánh tham nhũng và đã tổ chức những cuôc biểu tình đòi dân chủ to lớn. Ông Navalny này đã được báo Wall Street Journal năm 2012 cho là nhân vật mà Putin sợ nhất. Ông đã ra ứng cử thị trưởng Mạc tư khoa năm 2013 và bị thua một nhân vật tay chân của Putin. Ông Boris Nemtsov cũng là người tố Putin và phe đảng tham nhũng. Ông chống chiến tranh Ukraine và sát nhập Crimea vào liên bang Nga. Ông đã bị bắn chết lúc 11.40 đêm, khi cùng người bạn gái đi bộ về nhà sau bữa ăn tối ngày thứ sáu, 27 tháng 2/2015 trên chiếc cầu Moskvoretsky bắc ngang sông Moskva, cách điện Kremlin chừng 100 mét. Ong Nemtsov được biết là đang giúp tổ chức một cuộc biểu tình ở Mạc tư khoa ngày chủ nhật mồng 1 tháng 3 để chống chính sách can thiệp của Putin vào Ukraine và đang sửa soạn để in một cuốn sách với hình ảnh chứng cớ Putin ủng hộ quân ly khai vùng đông nam Ukraine chống lại chính phủ Kiev. Với những tin chính trị tóm lược như vậy, người ta có thể dễ dàng nghĩ ngay rằng Nemtsov đã bị Putin giết. Tuy nhiên đã có nhiều dư luận bàn tán khác nhau. Vì thế, bàn về chuyện này cho ra lẽ thì có lẽ phải xem xét nhiều tình tiết, mà có thể là li kỳ éo le như NK nói.
10/TXN. Hãy cứ bắt đầu với những điều đơn giản trước. Boris Nemtsov là nhân vật chính trị kỳ cựu, 55 tuổi, trẻ hơn Putin nhưng có thể kể như là cùng thời Putin, và đã bị Putin vượt qua trong sân khấu chính trị Nga vào cuối thập niên 90. Tiếp theo, thì Nemtsov đã là người chống đối Putin, tố giác Putin và bè đảng tham nhũng. Gần đây, Nemtsov chống chính sách Putin ở Ukraine, và đang là người đứng ra tổ chức một cuộc biểu tình mà có thể là rất lớn chống cuộc chiến này vào ngày chủ nhật 1tháng 3. Tin cũng cho biết rằng Nemtsov sẽ cho xuất bản một cuốn sách chỉ ra những bằng chứng sự can dự của Nga vào Ukraine mà cho tới nay Nga luôn luôn bác bỏ. Với chừng đó yếu tố thì giả thiết dễ nổi lên nhất là Nemtsov bị Putin trừ khử. Những tin tức Âu Mỹ đầu tiên cho người đọc cái ấn tượng đó, ít nhất là với chi tiết nhấn mạnh rằng Nemtsov đã bị giết một cách nhanh chóng, không để lại dấu tích, có tính chất chuyên nghiệp của những cơ quan an ninh tình báo, ở ngay cách bờ tường điện Kremlin chừng 200 thước, là chỗ mà kể là có bố trí rất nhiều máy ghi hình nhất nước Nga. Nhưng mà ngay sau đó thì điện Kremlin đã lên tiếng. Phát ngôn viên của tổng thống Nga cho biết ông Putin đích thân coi sóc vụ điều tra. Và ông Putin đã gửi thư thăm hỏi chia buồn với bà mẹ của Nemtsov. Còn tổng thống Obama thì tuyên bố với hãng Reuters rằng cuộc ám sát cho thấy một khung cảnh mà “tình trạng tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do thông tin, những quyền căn bản của con người và tự do dân sự ở nước Nga ngày nay tồi tệ hơn rất nhiều so với thời cách đây 4, 5 hay 10 năm trước đây”. Người nghe tuyên bố này có thể thấy rõ ràng đó là một lời kết tội mạnh mẽ như là đối với một nước tiểu nhược, chứ không phải là như đối với một nước ngang hàng. Và dĩ nhiên hàm ý thủ phạm là chính phủ Putin. Bây giờ nói về những tình tiết ly kỳ tạo suy nghĩ thì có thể kể như sau: 1/Một ủy ban điều tra vụ sát nhân được lập tức thành lập và đưa ra đầy đủ các giả thiết, lý thuyết, về nguyên nhân giết người, ngoài nguyên nhân được dấy lên bởi truyền thông Âu Mỹ là Putin tính bịt miệng kẻ đối lập 2/. Ghen tuông, do những người tình cũ của cặp Nemtsov Duritskaya thực hiện. Ông Zhirinovski, một lãnh tụ xu hướng quốc gia cực đoan Nga tán thành giả thiết này, vì nói rằng Nemtsov là người chuyên đổi người tình, và đổi vợ. 3/Nemtsov bị những người Hồi giáo giết vì lập trường của ông trong vụ tuần báo trào phúng Chairlie Hebdo ở Paris 4/Nemtsov bị chính những kẻ theo ngoại quốc chống Nga giết để “khiêu khích” nhằm dẫn tới sự xáo trộn chính trị tại Nga. Luận cứ này không phải là chỉ từ Putin mà còn là của những bên ngoài chính phủ, như Gorbachev đang ở Đức. Tất cả những luận cứ này đều có kẻ bênh người chống, có điều có lý, có điều là câu hỏi để suy luận, nhưng mà không hay là chưa có dữ liệu cụ thể nào để chứng minh. Thí dụ như người ta hỏi trong trường hợp nào mà người mẫu Duritskaya đã nhanh chóng cặp đôi với Nemtsov không rời, từ khi gặp nhau ở Thổ Nhĩ Kỳ cách đây ba năm. Và nguời ta biết rằng Thổ nhĩ kỳ là nơi mà đủ các loại nhân viên tình báo và an ninh Âu Mỹ Nga Hồi giáo vân vân hoạt động. Hay là cô Duritskaya chờ Nemtsov ở một quán cà phê rồi đi ăn tối và sau đó đi bộ về khuya ngày 27 tháng 2 thì liệu có ai biết? Phải chăng là Cơ quan an ninh Nga theo rõi Nemtsov thường xuyên qua tín hiệu điện thoại lưu động rồi phái sát thủ tới giết? Cô Duritskaya đã cho biết là cô không thấy có dấu hiệu gì bất thường. Vậy câu hỏi là có phải chính cô Duritskaya thông báo cho một người nào đó chủ mưu ám sát để ra tay đúng lúc? Lý do gì khiến cô Duritskaya lại hấp tấp đòi rời khỏi Nga và tố giác cô bị an ninh Nga vô cớ giữ lại Nga, để rồi sau đó thì đã nhanh chóng bay ra khỏi Nga khuya thứ hai tức là 3 ngày sau khi người tình của cô bị bắn chết? Vân vân…
11/NK. Những câu hỏi tương tự như bác sĩ N vừa nêu ra có thể còn nhiều nữa và chưa có hay không có câu trả lời. Thí dụ như Putin cho lệnh giết Nemtsov thì có lợi gì và hại gì? Liệu Putin có cần giết Nemtsov hay không khi mà ông này được dân chúng Nga coi là người thân Tây phương và ham vui. Trong khi Putin đang được đa số dân chúng ủng hộ, ở tỷ số trên 80%, vì chính sách Ukraine của Putin khôi phục tư thế nước Nga và chống lại sự bành trướng của Âu Mỹ. Hỏi như vậy thì thấy luận cứ cho rằng Nemtsov bị những thành phần thân Âu Mỹ hy sinh Nemtsov để đổ tội cho sự độc tài độc ác của Putin không hẳn là dễ dàng bác bỏ. Ngoài ra thì tính chất chuyên nghiệp của vụ ám sát không phải là chỉ dấu đặc thù của an ninh mật vụ Nga mà còn có thể là vì do những thành phần thuộc lực lượng đặc nhiệm ngoại quốc thi hành. như trong cuộc chiến ở Syria, Iraq, Afghanistan, hay lật đổ chính phủ thân Nga Yanukovych hồi tháng 2/2014 ở Kiev dẫn đến sự xáo trộn tại Ukraine kéo dài đến nay.
Tóm tắt thì NK nghĩ rằng vụ ám sát Nemtsov ly kỳ hơn vụ Netanyahu, bởi vì bàn tán thì nhiều mà trả lời thì chưa có hay là sẽ không có. Ai nghĩ thế nào, hay là tin phía nào thì cho những suy diễn từ phía đó là đúng. Khác với vụ Netanyahu, bàn tán ra sao thì cũng chỉ cho người ta thấy một điểm nổi bật là thế lực chính trị của Do Thái bao trùm lên chính giới Mỹ, mà những người lãnh đạo Cộng hoà cũng như Dân chủ đã đều đua nhau xác định nhiều lần, dù rằng có đồng ý với chuyến đi đọc diễn văn trước quốc hội của Netanyahu hay không.
12/TV. Nếu vậy thì những bàn tán khai thác sự chia rẽ giữa Mỹ và Do Thái trong vụ Netanyahu của truyền thông Iran phải chăng chỉ là hoang tưởng?
13/TXN. Trước những bàn tán liên tục từ mọi góc trên truyền thông Mỹ về vụ Netanyahu, thì truyền thông Iran cũng đưa ra nhiều nhận định của các giới chức chính trị và chuyên gia, mà một số cho rằng sự chia rẽ Mỹ Do Thái là một dấu hiệu Do Thái bị cô lập và thái độ cứng rắn kẻ cả của Netanyahu sẽ làm cho quần chúng Mỹ xa lìa Do Thái . Theo tôi thì đây chỉ là một thông điệp chinh trị nhất thời cho quần chúng Iran nhằm chỉ ra cái yếu của Do Thái để tăng sự tự tin của dân Iran. Bởi vì như chúng ta thấy, mặc dầu những bất mãn về thái độ của Netanyahu, các chính trị gia Mỹ từ tổng thống Obama trở xuống, đều khẳng định đi khẳng định lại rằng sự ủng hộ của Mỹ đối với Do Thái là không lay chuyển.
Hay nói cho đúng là các chính trị gia Mỹ khó thoát ra khỏi vòng ảnh hưởng của lực lượng vận động chính trị Do Thái. Còn dân chúng Mỹ thì vốn chẳng mấy ai quan tâm đến chính trị - và con số này kể như là trên một nửa - để mà có thái độ chính trị đối với Do Thái hay là một nước nào khác. Những người có để ý đến chính trị phần nào thì lấy tin từ truyền thông mà các công ty lớn là trong ảnh hưởng Do Thái, hay là nghe theo các chính trị gia mà họ ủng hộ. Do đó nghĩ như một số dư luận Iran về chuyện dân Mỹ xa lià Do Thái thì đúng là hoang tưởng.
Đến đây thì chương trình bcts hôm nay phải tạm ngưng. Xin kính chào tạm biệt quý vị thính giả. Chào NK, chào TV. Cám ơn hai bạn. Xin hẹn gặp lại quý vị và các bạn trong một kỳ tới.
14/ NK xin kính gửi lời chào tạm biệt tới quý vị thính giả đã theo dõi chương trình BCTS hằng tuần với Bs TXN, TV và NK ngày hôm nay. Xin kính chào Bs N và thân kính chào chị TV.
15/TV. TV kính chào BS N, anh NK, và thân ái kính chào tạm biệt quý vị thính giả cùng các bạn toàn cầu đang theo rõi chương trình BCTS. Xin hẹn gặp lại quý vị trong một chương trình kế tiếp.