NK. Để mở đầu chương trình bàn chuyện thới sự hôm nay xin kính mời quý vị nghe bài nhận đĩnh của Lâm Phong nhan đề:
Chuyến đi Mỹ đọc diễn văn trước quốc hội Mỹ của thủ tướng Do Thái Netanyahu
Thông thường, một lãnh tụ chinh phủ ngoại quốc đến thăm Mỹ thường là để gặp người lãnh đạo hành pháp, tức là tổng thống Mỹ, để bàn về những vấn đề đường lối chính sách liên quan đến hai nước. Trong một số trường hợp đặc biệt, để nhấn mạnh đến tương quan hai nước, thì nhà lãnh đạo ngoại quốc có thể được mời ra đọc diễn văn trước quốc hội lưỡng viện. Nhưng trong cái nhiệm kỳ thứ hai, và là nhiệm kỳ chót của tổng thống Obama này, thì đã có một biệt lệ, vì chưa từng bao giờ xẩy ra làm nhiều người thàng thốt. Là thủ tướng Do Thái Netanyahu đã được ông Boehner chủ tịch hạ viện, lãnh đạo phe đa số là đảng Công hoà, mời đến đọc diễn văn trước quốc hội mà không có hội ý trước với Bạch cung như thông lệ. Tin này đã làm cho Bạch cung không tránh khỏi có phản ứng, và cho biết là tổng thống Obama sẽ không gặp ông Netanyahu khi ông này đến Mỹ, với lý do không lấy gì làm vững lắm. Là vì không muốn tạo ấn tượng rằng Mỹ tính ảnh hướng vào cuộc bầu thủ tướng Do Thái sẽ xẩy ra ngày 17 tháng 3! Lý do này được kể là không vững lắm vì ông Obama đã gặp thủ tướng Anh không xa ngày bầu cử ở Anh bao nhiêu. Tiếp theo thì lại có tin rằng phó tổng thống Biden và ngoại trưởng Kerry cũng sẽ không gặp ông Netanyahu, vì rằng đều có chương trình đi ra ngoại quốc trong thời gian thủ tướng Do Thái ở Mỹ. Đi đâu thì cho tới ngày hôm nayvẫn chưa thấy nói rõ.
Điểu đặc biệt trong vụ này là thái độ thủ tướng DoThái Netanyahu. Ông này bất chấp sự bất mãn của Bạch cung, đã nhận lời mời đến đọc diễn văn trước quốc hội Mỹ, trinh bầy quan điểm của Do Thái đối với việc thương thảo giữa Mỹ và Iran về vấn đề võ khí nguyên tử. Nói ngắn gọn là Netanyahu phản đối hiệp ước về nguyên tử với Iran mà Mỹ cùng các nước Âu Châu và Nga đang điều đình chi tiết để ký kết. Cũng trong vấn đề này thì thủ tướng Anh David Cameron ngày 15 tháng 1/2015 đã được mời sang Mỹ thảo luận với tổng thống Obama rồi tiếp đó đã ra trước quóc hội Mỹ đọc diễn văn đề nghị không nên thông qua những biện pháp chế tài đối với Iran có thể làm hỏng diễn tiến cuộc điều đình vì cho Iran cái cớ để rút lui.
Các dân cử tên tuổi thuộc đảng Dân chủ như Nancy Pelosi hay Diane Feinstein vân vân cũng bày tỏ ý kiến rằng Netanyahu không nên sang Mỹ. Trước những phản ứng tuy rất là tự chế và chừng mực này của Bạch cung cũng như của các dân cử đảng Dân chủ, đối với quyết định sang Mỹ của Netanyahu, một vài dư luận truyền thông Do Thái đã cảm thấy rằng cần phải che chắn phần nào sự cứng rắn trâng tráo của ông thủ tướng diều hâu này, bằng cách giải thích rằng Netanyahu đã bị chủ tịch hạ viện Mỹ Boehner tạo ấn tượng cho hiểu lầm rằng lời mời là do sự đồng ý của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hoà Mỹ. Giải thích xuê xoa như vậy thôi, nhưng Netanyahu đã nói rõ rằng ông quyết định qua đọc diễn văn trước quốc hội Mỹ vì coi đó là cơ hội chót để vận động ngăn chặn thoả ước nguyên tử với Iran mà ông cho rằng có hại cho sự tổn vong của Do Thái.
Ngoài ra, Netanyahu cũng bày tỏ sự cứng rắn tới cùng của minh khi từ chối đề nghị lời mời gặp riêng những lãnh đạo dân cử của đảng Dân chủ, mà có ý kiến cho rằng là những người này muốn làm giảm sự gay go giữa Bạch cung với Netanyahu. Nhưng dư luận khác thì cho rằng điểm chính là vì họ không muốn lâm vào tình trạng phải chọn giữa Netanyahu và tổng thống Obama. Chọn Obama thì sẽ không dự họp buổi đọc diễn văn tại quốc hội lưỡng viện của Netanyahu, như phó tổng thống Biden và ngoại trưởng Kerry cùng một số dân cử khác, thuộc đảng Dân chủ, ở cả hai viện đã quyết định. Mà như thế thì kẹt cho họ vì thế lực Do Thái đàng sau vốn ủng hộ họ. Thực tế cụ thể là Obama hai năm nữa sẽ hết quyền lực, cũng như Biden và Kerry, còn họ thì vẫn cần có job dân cử sau khi Obama ra đi.
Thực thế thượng nghị sĩ dân chủ Durbin tiểu bang Illinois đã nói “Chúng tôi tạo cho thủ tướng cơ hội để quân bình cái lời mời chính trị chia rẽ của chủ tịch hạ viện Boehner bằng đề nghị gặp gỡ với các đảng viên Dân chủ quyết tâm gìn giữ sự ủng hộ Do Thái mạnh mẽ. Từ chối của thủ tướng đã làm thất vọng những người trong chúng tôi nhiều thập niên đứng cạnh Do Thái”. Còn trước đó thì cố vấn an ninh quốc gia Susan Rice đã nói chuyến đi của ông Netanyahu là phá hủy cái chất liệu của tương quan Do Thái- Mỹ. Bà nói “Chúng tôi muốn tương quan giữa Mỹ và Do Thái là mạnh mẽ, không suy chuyển, bất kể đảng nào cầm quyền ở nước nào”. Rõ ràng là bà Rice nói đến sự ngả sang đảng Cộng hoà chiếm đa số ở quốc hội Mỹ của Netanyahu, bất chấp đảng Dân chủ đang nắm quyền ở Bạch cung.
Nói cách khác, thì Netanyahu đang xen vào nội trị Mỹ một cách không ngại ngần, nhưng mà các chính trị gia Mỹ thì đã không ai tiện nói ra điều này.
Những khó khăn lủng củng này dù sao cũng chỉ liên quan đến một số cá nhân, đến tổng thống hay là dân cử. Rồi sẽ qua đi. Cái còn lại là tương quan gắn bó chặt chẽ giữa Do Thái và Mỹ không thể nào lay chuyển, mà bất cứ ai ở vị trí dân cử, hành pháp hay lập pháp Mỹ, cũng không thể bỏ qua, vì mối nợ ân tình với thế lực vận động chính trị Do Thái tại Mỹ. Người ta có thể thấy rõ điều này qua phát biểu của Susan Rice cố vấn an ninh thân cận của tổng thông Obama trong vụ Netanyahu, hay qua lời của thượng nghị sĩ Durbin ở trên đã trích dẫn.
Lâm Phong
Ngày 27 tháng 2/2015
----------------
Bàn chuyện thời sự ngày 27 tháng 2 năm 2015
1/ĐT. ĐT xin kính chào tái ngộ quý vị thính gỉa. Xin kính chào BS Ninh và anh Nguyên Kim.
Thưa qúy vị, cách đây ít lâu, ĐT có đươc đọc một tin, mà ĐT tin rằng bất cứ vị nào ở đây nghe được tin này, cũng sẽ có cảm giác khó chịu và bực bội giống như ĐT. Nguyên vào ngày 5 tháng 12 năm 2014, trên một chuyến bay của hãng hàng không Korean Airline, khởi hành từ phi trường JFK tại New York tới Seoul, thủ đô Nam Hàn. Một nữ hành khách tên Heather Cho. ngồi trên hàng ghế thượng hạng, đã nổi trận lôi đình, khi một nữ tiếp viên hàng không đem tới cho cô một gói hạt dẻ macadamia để trong bịch, thay vì được đổ vào đĩa như quy định. Cô CHO là Phó chủ tịch hãng hàng không Korean Airline, đồng thời cũng là con gái của ông chủ hãng hàng hàng không này. Câu chuyện xảy ra, khi máy bay đã cất cánh và dời khỏi phi trường JFK. Vì quá tức giận, cô CHO đã dùng quyền lực bắt buộc phi hành đoàn phải quay trở lại phi trường JFK để tống xuất viên trưởng toán phục vụ, Park Chang-Jin, xuống khỏi máy bay. Vì lý do đó, chuyến bay tới Seoul trễ hết 11 phút.
Theo luật hàng không, phi cơ chỉ đuợc quay trở lại nơi phi trường xuất phát, vì những lý do bất khả kháng. Chuyến bay của Korean Airline như vậy đã vi phạm luật hàng không, tạo nên những bất bình cho các nhân viên phi trường JFK, cũng như sự phẫn nộ của người dân Hàn quốc.
Theo lời khai trước tòa của cô tiếp viên hàng không Kim Do Hee, người đã phục vụ hạt dẻ macadamia cho cô CHO, thì cô và Park Chang-Jin, xếp của cô, 2 người đã phải qùy trước mặt cô CHO để xin lỗi, trong khi cô CHO lớn tiếng thóa mạ cách phục vụ của họ, đồng thời còn mạnh tay xô đẩy hai người và liên tiếp chửi thề
Khi chuyến bay hạ cánh tại Seoul, một nhân viên cao cấp của hãng hàng không tên Yeo Woon-Jin đã bắt buộc cô Kim không được tiết lộ những hành vi của cô CHO cho các nhân viên điều tra nghe.
Ông Park Chang Jin, người trưởng toán phục vụ, bị cô CHO tống xuất ra khỏi máy bay tại phi trường JFK đã nhận xét cung cách đối xử của cô CHO với các nhân viên thuộc quyền, giống như điều đông đám nô lệ.
Trước sự phẫn nộ của công luận Đại Hàn, ông chủ hãng Korean Airline, cha cô CHO đã lên tiếng xin lỗi các nhân viên phi hành đoàn và công luận. Tại phiên toà, khi được hỏi ông có biết con gái ông đối sử quá tàn bạo với các nhân viên thuộc quyền hay không ? Ông trả lời rằng, ông chỉ nghe nói con gái ông đối xử khắt khe với nhân viên thuộc cấp mà thôi.
Cô CHO đã từ chức phó chủ tịch công ty Korean Airline vài ngày sau đó, và cô đã công khai lên tiếng xin lỗi mọi người.
Trong phiên tòa ngày thứ Năm 19 tháng 2, cô CHO bị kết án 1 năm tù giam, vì tội vi phạm luật hàng không, tự ý thay đổi đường bay, và xâm phạm vào việc điều hành chuyến bay. Ông Chánh án nói cách hành xử của cô CHO làm trở ngại cho sự phát triển hàng không, và tạo phiền toái cho các hành khách trong chuyến bay. Ông cũng kết tội cô CHO đã xử dụng chuyến bay như xử dụng chiếc xe hơi cá nhận của riêng cô, và là một hành khách, cô không có quyền điều động và ra lệnh cho phi hành đoàn.
ĐT không nghe nói luật sư của cô CHO có kháng cáo hay không ? và quan tòa có phán quyết việc bồi thường cho 2 nhân viên phi hành đoàn bị cô chà đạp, chỉ vì một lỗi ầm nhỏ bé hay không ? Tuy nhiên, DT rất sững sờ, vì cung cách đối xử, giống như những người da trắng chà đạp lên đám nô lệ da đen vào thế kỷ thứ 19, tại Hoa Kỳ. Nam Hàn là một quốc gia dân chủ, tự do và tiến bộ. Cách hành xử của cô CHO mang đầy tính chất phong kiến, quan liêu và tàn bạo, chứng tỏ nèn giáo dục và văn hóa của Nam Hàn không tiến bộ song hành với kỹ nghệ và kinh tế ! Hoặc là những gia đình quyền lực và giàu có, không giáo dục con cái đúng mức, vì quá nuông chiều chúng. Hoặc là cô CHO có vấn đề tâm thần bất ổn ? ĐT tin rằng câu chuyện này không phải chỉ xảy ra lần đầu tiên. Sở dĩ nó bị dư luận lên án, vì đã xảy ra tại Hoa Kỳ và được giới truyền thông làm ồn ào, chứ nếu xảy ra tại Nam Hàn, thì đã bị chìm xuồng rồi. Quý vị thì nghĩ sao ?
2/NK. Trước hết NK xin kính gửi lời chào quý vị thính giả đang theo dõi chương trình BCTS với bs TXN, ĐT và NK ngày hôm nay.Xin kính chào bs N và thân kính chào hai chị ĐT và TV . Theo NK thì rõ ràng là cái cô Cho này đã hành động quá đáng. NK chỉ nghĩ đơn giản rằng cô này sinh ra là con nhà giầu, kẻ hầu người hạ bao quanh cho nên đã có lối hành xử như vậy. Tù một năm trời đủ cho cô một bài học. Không hiểu ở Nam Hàn nhà tù ra sao chứ như vào trong tù một năm ở Mỹ thì cô sẽ sáng mắt ra nhiều, khi đụng chạm với các loại xi ke ma túy đĩ điếm lưu manh đồng tình luyến ái vân vân…
3/TXN. Xin kính chào quý vị thính giả. Chào ĐT Chào NK. Tôi cũng đồng ý rằng chung chạ trong nhà tù Mỹ với mọi loại người như NK nói thì chắc chắn không phải là một kinh nghiệm thích thú, tuy rằng là có sáng mắt ra. Tuy nhiên, vì cô là con nhà đại gia cho nên nếu biết bỏ ra tiền bạc mua chuộc thì cũng không đến nỗi gì. Chỉ có cái khổ là nằm trong tù mà thôi. Ngoài ra thì tại Mỹ, một số những đại gia giầu sụ mà ở tù thì có thể là được ở những nhà tù quy chế đặc biệt, có đủ các phương tiện thể thao giải trí phục vụ đời sống ngon lành. Nếu ở Nam Hàn cũng có quy chế tương tự thì chưa biết chừng sau một thời gian thì cô Cho sẽ bị chứng mập phì và cao máu, và phải đi Mỹ chữa bệnh, như là Cù Huy Hà Vũ cũng nên. Trong vụ cô Cho nhục mạ hai tiếp viên hàng không này, thì điều đáng nói cũng còn là thái độ của hai tiếp viên, khi họ chịu quỳ xuống xin lỗi. Vì làm như vậy là họ không biết nhiệm vụ của tiếp viên, cho nên họ cũng đáng bị sỉ nhục. Nhưng mà nghĩ lại thì cũng là vì hai người này nghĩ đến tình trạng mất việc làm cho nên chịu nhún trước cô phó tổng giám đốc hãng hàng không. Đấy cũng là cái tâm lý chung của dân các nước nghèo khó, người khôn của khó, trong đó có VN hiện nay.
Đến đây thì xin tạm ngưng chương trình bàn chuyện thời sự hôm nay. Xin kính chào tạm biệt quý vị thính giả và các bạn. Chào ĐT và NK và xin cám ơn hai bạn. Xin hẹn gặp lại tất cả quý vị và các bạn trong một kỳ tới.
ĐT. xin kính chào tạm biệt quý vị thính gỉa. Xin kính chào BS Ninh và anh Nguyên Kim. ĐT xin phép được vắng mặt trong kỳ bcts tuần tới, vì lý do đi công tác xa. Xin kính chào quý vị.
NK. xin kính chào tạm biệt quý vị thính giả đã theo dõi chương trình BCTS hằng tuần với Bs TXN, ĐT và NK ngày hôm nay. Xin kính chào tạm biệt bs N và thân kính chào tạm biệt chị ĐT.