Tôi đã có điều kiện theo rõi và chứng kiến 7 cuộc tranh cử tổng thống Mỹ Nixon, Carter-Reagan, Bush lớn, Bill Clinton, Bush con, Obama và Hillary Clinton. Kỳ tranh cử nào cũng có những gay cấn và ít nhiều lôi cuốn với những điều lý thú. Nhưng chưa có cuộc tranh cử nào mà đầy gay cấn, và lại tạo cảm giác khó chịu như cuộc tranh cử Hillary Clinton với Donald Trump.
Tôi lần đầu tiên biết Donald Trump là qua cuộc phỏng vấn với Larry King trên đài truyền hình CNN cách đây chừng hai chục năm hay hơn. Larry King là một phóng viên truyền hình mới nổi của CNN có lối hỏi sắc bén, và cái bộ điệu hung hăng lấn lướt, đeo kính trắng, mặc áo sơ mi và quần dài đeo giây treo chứ không dùng thắt lưng. Tôi không nhớ Donald Trump hôm đó ra sao, nhưng khi Larry chốm lên phía Trump để hỏi một câu gì đó, thì Trump đã nói “Ông đừng chồm lên như vậy, lùi lại đi, mồm ông thối lắm”. Tôi giật mình, nhưng lại khoái cái câu trả lời đốp chát, không ngờ củaTrump (là một doanh gia thành công nhanh chóng) mà dám quạt người phóng viên thế giá của một đài truyền hình mới nổi (mà tôi không có cảm tình). Rồi bẵng đi, cho tới khi có cái khách sạn mới xây đắt tiền Trump tower ở Chicago mà phòng cho thuê là 500 đô la hay hơn, một tối. Cho tới khi ra tranh cử làm đại diện đảng cộng hòa, Trump làm tôi để ý vì tuyên bố người Mễ ở Mỹ là dân nghiện ngập, hiếp dâm vân vân… Và cũng để ý vì các ứng viên Cộng hòa khác đã yên lặng cho tới khi không có phản ứng (một cách phải đạo) không được.
Hillary Clinton là người đàn bà tôi có hảo cảm từ đầu vì chủ trương chăm sóc sức khỏe cho mọi người dân (universal health care) tương tự như các nước Âu châu, mà tôi ủng hộ, và thấy là cần thiết để thay cho hệ thống y tế Mỹ tốn kém mà kết quả tổng quát thua nhiều quốc gia Tây phương khác. Tôi thất vọng khi chương trình của bà bị bác, và cũng không để ý đến bà nữa, dầu là đệ nhất phu nhân, rồi thượng nghị sĩ. Và cũng chẳng quan tâm nhiều đến những chuyện tai tiếng từ thời bà còn ở Arkansas cũng như là ở vị trí đệ nhất phu nhân, vì tôi cho đó là những khai thác chính trị. Cuộc tranh cử năm 2008 quyết liệt và dai dẳng đến phút chót với ông Obama làm đại diện cho đảng Dân chủ, rồi sau đó lại nhận làm ngoại trưởng cho ông Obama, đã làm tôi nghĩ bà là một người làm chính trị chuyên nghiệp. Những bài viết trên các loại báo chí và các cơ quan truyền thông Mỹ về bà tiếp theo đã làm tôi thấy rằng bà là “gà” của một hệ thống quyền lực “vô hình” (mà người Mỹ gọi là expressionless policymakers – những người làm chính sách không diện mạo) đàng sau hậu trường chính trị Mỹ. Tôi đã nghĩ rằng bà chắc chắn sẽ là tổng thống tiếp nối Barack Obama, bất kể mọi tai tiếng hay sai lầm, từ khi chỉ mới có tin bà rục rịch suy nghĩ về sự tranh cử. Bởi vì, nhìn lại diễn tiến của những cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, từ thời tổng thống Bush cha nghiêm chỉnh, đầy khả năng và kinh nghiệm phục vụ nước Mỹ mấy chục năm, nhưng thất cử trước Clinton là một thống đốc của tiểu bang Arkansas mà đời sống cá nhân hoang đàng tì vết, tôi đã thấy rõ sức mạnh của cái hệ thống quyền lực vô hình này kể như là vô địch.
Cuộc tranh cử Hillary Clinton với Donald Trump là một trận thách đố cái quyền lực này. Và đây là điều đáng ngạc nhiên. Tại sao lại có thể nói hệ thống quyền lực này bị thách đố? Bởi vì còn không đầy hai tuần là tới bầu cử, sự chắc thắng của bà Clinton được xây dựng từ nhiều năm đã biến mất. Mặc dầu là tên tuổi và hình ảnh của bà hầu như mọi người đều biết nằm lòng vì được nhắc nhở thường xuyên trên các báo chí đủ loại, từ lá cải đến những tờ kể là quyền thế uy tín, và trên tất cả các hệ thống truyền hình truyền thanh giòng chính toàn quốc từ trước khi bà tuyên bố ý định tranh cử. Trong giai đoạn cuối của cuộc tranh cử, và mặc dầu lối ăn nói bặm trợn của Trump, cái tư tưởng cho rằng bà sẽ là tổng thống tương lai và là tổng thống phụ nữ đầu tiên của Mỹ được bơm vào đầu dân Mỹ từ lâu đã nhạt nhòa đi nói chung, trừ những người tự cột chặt mình với bà Clinton vì những lý do hoàn toàn cá nhân hay phe nhóm quyền lợi.
Sẽ có người vẫn cho rằng bà Hillary Clinton chắc thắng, vì hầu như tất cả truyền thông giòng chính cho tới ngày hôm nay cho là như thế. Rất có thể là bà Clinton sẽ thắng thật. Nhưng đó không phải là chuyện đáng quan tâm. Vì rồi người ta sẽ thấy, Hillary Clinton hay Donald Trump thắng thì cũng thế, không làm thay đổi nước Mỹ bao nhiêu. Tại sao, thì sẽ trình bày sau. Nhưng mà ngay ở đây thì hãy nói tại sao Hillary không chắc thắng và Hillary có thể thua trước đã. Trước hết là tổng thống Obama trong cuộc vận động cho bà Hillary ngày 4 tháng 11/2016 đã nói rằng “Cuộc tranh cử này đáng lẽ không phải là một cuộc đua sát nút. Nhưng mà đã trở thành đặc biệt như thế, tại đây, North Carolina”. Ông đã xử dụng lại tác phong hùng biện lần tranh cử đầu tiên, nói rằng “Đừng chọn sự sợ hãi. Hãy chọn hy vọng”. Ông nhắc lại rằng tại North Carolina, ông đã chỉ thắng Mit Romney trung bình 2 phiếu mỗi quận. Cho nên, tất cả phải đi bầu. Ông nói “Chúng ta trước hết không phải là dân chủ hay cộng hòa. Chúng ta trước hết là con chúa. Chúng trước hết là con người”. Vì thế, một bài tường thuật đã viết ông Obama bảo Trump là vô nhân. Trước đó, trên máy bay Air Force One đến North Carolina, phát ngôn viên Bạch cung Josh Earnest nói với truyền thông rằng những phát biểu khoa đại của Trump rất là “tạo xáo trộn” (disturbing) nhưng ông sẽ chờ đến sau khi có kết quả bầu cử ngày thứ ba thì mới giải thích tại sao và như thế nào sự khoa đại này được vang truyền đi. Ông chỉ nói là “Trump đã khai thác sự lo lắng, về kinh tế và các vấn đề khác trên một mảng quần chúng cử tri Mỹ rộng lớn”
Ngoài ra, thì tờ New York Times, lá cờ đầu và kể là uy tín có khả năng xoay chuyển nếu không nói là ảnh hưởng mạnh đến quan niệm chính trị Mỹ, đã chính thức ủng hộ Hillary Clinton ngày 24 tháng 9/2016. Tiếp theo đó là những bài báo nói về những thiếu sót hư bại của Trump, giải thích Trump không đáng làm tổng thống. Chỉ bốn ngày trước khi bầu cử, New York Times đã cho đi một tường thuật dài nhan đề “Những tên tuổi lớn vận động cho bà Clinton làm nổi bật tình trạng cô lập của Donald Trump”. Trong bài có ghi lại phát biểu của Trump ở Ohio rằng “tôi không có đàn guitar, không có piano, không có gì, chỉ có một mình tôi”, để nhấn mạnh sự cô lập của Trump. Trong khi đó trong những cuộc vận động của Hillary thì có J. Lo, Jay Z, và vô số đại tài phiệt khác tham dự đóng góp.
Một tờ báo bề thế khác là Washington Post đã đăng một bài bình luận khác ngày 5 tháng 11 nhan đề là “đảng Cộng hòa quyết chí mở một cuộc chíến tranh toàn diện. Hậu quả khôn lường” để chỉ trích đảng Cộng hòa và Trump. Bài viết rằng“cuộc chiến này tấn công thẳng vào nền dân chủ Mỹ, mà bề ngoài tưởng là chỉ nhắm vào bà Hillary Clinton nhưng thật ra là để phá hoại toàn bộ hệ thống của chúng ta”.
Xem như vậy thì có thể nói rằng trong những ngày cuối, hầu như toàn bộ hệ thống truyền thông Mỹ hỗ trợ bà Hillary Clinton, không kể nhân vật đứng đầu hành pháp là tổng thống Obama và gia đình, và tấn công Donald Trump quyết liệt. Đây là điều chưa từng xẩy ra trong lịch sử tranh cử tổng thống thống Mỹ mà tôi biết. Câu hỏi là tại sao phải như thế trong khi thông thường vào thời gian này, kết quả kể như là tương đối phân định thắng bại, không có những quýnh quáng vớt vát từng phiếu. Như trên đã nói, phát ngôn viên Bạch cung Josh Earnest đã chỉ ra, nhưng né tránh không giải thích tại sao mặc dầu những phát biểu phi chính trị mà truyền thông nhất tề rọi đèn, Trump tiếp tục là mối lo cho Hillary Clinton cho tới phút chót. Đó là: tác động của Trump có ảnh hưởng vào một mảng lớn quần chúng bất mãn và lo lắng cho tương lai cuộc sống. Không ai, kể cả truyền thông là tiếng nói của quyền lực vô hình, không biết cái mảng lớn đó là bao nhiêu, và chỉ có thể biết sau khi bầu cử.
Do đó, như trên đã nói, cuộc tranh cử tổng thống 2016 là một thách đố cái quyền lực vô hình chưa bao giờ thất bại.
Bác sĩ Trần Xuân Ninh
(ngày 5 tháng 11/2016)