1/TXN. Kính chào quý vị thính giả. Chào ĐT, chào NK, chào TV, chào KV. Cuộc tranh cử tổng thống Mỹ kể như trên thực tế đã đến hồi kết thúc, nhưng mà xem ra thì kết quả không dứt khoát tuy rằng đã có rất nhiều gay cấn trồi sụt được kỹ càng khai thác trên truyền thông báo chí Mỹ. Không hiểu các quý bạn có còn muốn bàn về chuyện này hay không, là tùy. Chuyện Đinh thế Huynh, ủy viên bộ chính trị VC, nhân vật số hai kể là sau Nguyễn Phú Trọng sau khi đi TQ về đã được ngoại trưởng Kerry mời sang Mỹ một cách đột ngột, đã tạo nhiều bàn tán trong giới truyền thông hải ngoại, có thể là điều nên đề cập sơ qua, hôm nay. Ngoài ra thì mời các bạn góp ý thêm.
2/ĐT. ĐT xin kính chào tái ngộ qúy vị thính giả. Xin kính chào BS Ninh và anh Nguyên Kim. Thân ái chào TV và KV. Tuần này, thì ĐT có hai đề tài, mong được lãnh hội những ý kiến đóng góp của qúy vị, vì cá nhân ĐT cũng thấy băn khoăn, vì dư luận có nhiều ý kiến trái ngược nhau. Đề tài thứ nhất là để nghị tiền lương hưu trí cho bả Marian Robinson, mẹ vợ của tổng thống Obama, sau 8 năm bà hoàn tất nhiệm vụ trông nom hai cháu ngoại trong Tòa Bạch Ốc. Đề tài thứ nhì là lời tuyên bố củaTT Phi luật Tân, ông Rodrigo Duterte trong chuyến viếng thăm TQ mới đây.
3/NK Trước hết NK xin kính gửi lời chào tới quý vị thính giả đang theo dõi chương trình BCTS với BS TXN, ĐT,TV, KV và NK ngày hôm nay. Xin kính chào Bs N và thân kính chào các chị ĐT, TV và KV... Có một vấn đề hơi lớn, nhưng NK nghĩ mình nên đề cập tóm tắt hôm nay nhân dịp tổng thống Obama mãn nhiệm kỳ. Là thành tích của ông Obama sau 8 năm làm tổng thống, mà bắt đầu là rất vinh quang, được cả thế giới ca tụng và chú ý, được cấp giải hòa bình Nobel khi chưa có thành tích gì. Nhưng về cuối thì đi đến đâu cũng bị coi thường, Từ nước lớn đối tác quan trọng là Tầu không cung cấp thang thích hợp cho nên phải xuống máy bay cổng hậu, đến đồng minh cật ruột Do Thái Netanyahu đi thẳng vào quốc hội đọc diễn văn không thèm chào hỏi chủ nhà ở tòa Bạch cung. Rồi nước loại nghèo như Cuba, ông Obama đã đến không kèn không trống vào một sáng chủ nhật buồn. Thậm chí như loại tép riu Việt cộng Hà nội cũng chỉ cho một chị cán bộ vô danh mặc áo dài dâng hoa, và sau chót là chư hầu Phi luật tân dám mắng mỏ thậm từ. Bàn luận về những chuyện này để tìm ra được nguyên cớ thì chắc là điều lý thú. Nhưng mà quan trọng hơn là thấy được những gì ông Obama đã làm cho nước Mỹ.
4/TV. TV kính chào BS N, chị ĐT, anh NK, thân chào KV, và thân ái kính chào quý vị thính giả cùng các bạn toàn cầu. Nhân NK nói lên tổng kết về thành tích của tông thống Obama thì TV nghĩ rằng cũng nên tổng kết về cuộc tranh cử tổng thống Hoa kỳ năm nay, mà TV thấy là có những điều mà từ mấy chục năm sống ở Mỹ, TV chưa bao giờ thấy. Và để xem rằng chuyện tranh cử Mỹ liệu từ nay sẽ tiếp tục là như thế hay là sẽ khác nhe.
5/KV. Dạ, trước hết thì KV xin được kính chào quý thính giả. KV cũng xin kính chào BS Ninh, chị ĐT, chị TV và anh NK. Tổng kết lại tất cả những quý anh chị vừa đưa ra thì KV thấy từng đó vấn đề cũng là đủ hết giờ rồi đấy cơ, và có thể là thiếu giờ nữa, vì thế cho nên KV không muốn thêm thắt gì nữa cả. Tuy nhiên, tiện đây thì KV cũng muốn nói đến một câu chuyện nhân trong một buổi họp mặt bè bạn vào ngày Hội hóa trang ma quái, tức là (Halloween) có một vị lớn tuổi đã nói rằng dịp này làm ông ngậm ngùi nhớ lại cuộc đảo chính ngày 1 tháng 11/1963 do Mỹ bảo trợ cho mấy ông tướng lãnh VNCH, giết tổng thống Ngô đình Diệm và bào đệ là ông Ngô đình Nhu. Ông nói rằng nếu không có vụ này thì có lẽ miền Nam không mất về tay Việt cộng, và ông đã không sang bên Mỹ này sinh sống để mà biết ngày Halloween là gì. KV đề nghị bác sĩ N mời chị ĐT bắt đầu chương trình bàn chuyện thời sự hôm nay bằng thắc mắc của chị đi cơ.
6/TXN. Đúng rằng cá nhân tôi mà nếu không sang tới Mỹ thì không biết ngày Halloween là cái gì, Lần đầu tiên nhìn thấy những hình ma quỷ, đầu lâu và xương chéo tôi thấy khó chịu dù đã ở tuổi trưởng thành vì đó là những hình ảnh từ nhỏ ở VN tránh không muốn nhìn, vì người lớn bảo là ghê rợn, xui sẻo. Và lần đầu tiên ra phố đúng ngày đó gặp những người lớn trẻ con mặc quần áo đủ kiểu thì tôi thấy thật lố lăng, và nhất là mặt ngớ ra khi họ lại trước mặt chìa tay ra nói “treat or trick” thì mắt ngớ ra không hiểu là gì. Đúng là văn hóa thói tục mỗi thời, mỗi nơi một khác. Khó nói xấu tốt. Nhân cái ý kiến cho rằng miền Nam không sụp đổ nếu tồng thống Ngô đình Diệm không bị lật đổ thì tôi thấy rằng không hẳn đúng. Vì sự suy tàn của một đất nước đành rằng do lãnh đạo, nhưng cũng còn do chính người dân nước đó nữa. Sự nuối tiếc tổng thống Diệm này bây giờ cũng không khác gì cái suy nghĩ cho rằng tổng thống Kennedy là một tổng thống vĩ đại của nước Mỹ. Tôi cho rằng ông Kennedy được tôn kính chỉ vì ông chết non trước khi hết nhiệm kỳ và vì đẹp trai, chứ không hẳn vì tài giỏi. Bởi vì có hai việc lớn ông làm đều thất bại là vụ đổ bộ vào vịnh Con Heo ở Cuba để dẹp Fidel Castro mới chiếm chính quyền chưa có bao nhiêu sức lực mà không xong. Và quyết định đảo chính ông Diệm để đem một đám tướng lãnh đa số bất tài lên cầm quyền, mà việc đầu tiên tôi còn nhớ là cho phép nhẩy đầm trong quân đội nhân ngày Giáng sinh và năm mới bị cấm thời ông Diệm. Bây giở xin mời ĐT.
7/ĐT. Mới đây, ngoại trưởng Mỹ John Kerry có hội đàm với TT Phi Rodrigo Duterte về những thái độ và những lời phát biểu của ông này tại TQ. Ông Duterte đã khẳng định rằng, ngày nào ông còn làm TT Phi, thì Mỹ đừng mong thao túng Phi như trước đây. ĐT thấy rằng, Phi và Mỹ đã là đồng minh trên 7 thập niên, người Phi chịu ảnh hưởng sâu đậm của văn hóa Mỹ, dân Phi nói tiếng Mỹ rất rành, và nhiều người Phi ao ước đất nước mình được trở thành một tiểu bang của Mỹ. Khi xưa, Phi là một nước nghèo, và chậm tiến, nhờ đồng minh Mỹ tới đặt căn cứ quân sự, mở mang công nghệ, và viện trợ rất nhiều, đất nước Phi mới được như ngày nay. Rất nhiều hãng xưởng của Mỹ đặt chi nhánh bên Phi, giúp Phi phát triển kinh tế, ngay cả về quân sự, Phi cũng được trang bị bằng vũ khí của Mỹ, và được sự huấn luyện bởi các chuyên viên Mỹ. Như vậy, thì việc dứt bỏ Mỹ một sớm một chiều, như lời tuyên bố có dễ dàng không ? Và sự kỳ vọng dựa vào TQ để thay thế cho vị trí của Mỹ ở Phi, có phải là hoang tưởng không ? Ngày 20 tháng 10, khi TT Phi đang sang thăm TQ, thì một cuộc biểu tình bài Mỹ xảy ra ở trước tòa Đại sứ Mỹ tại Phi. Ngay sau đó, có cảnh sát Phi tới giải tán biểu tình, và xe cảnh sát đã hung hãn đâm thẳng vào đám biểu tình gây thương vong cho nhiều người. Như vây là mục đích gì ? Có thể đây là đòn vừa đánh vừa vuốt của ông Duterte không ?
8/NK.Nhìn từ xa và tổng quát thì những điều trên là đúng. Nhưng không giải thích được hiện tượng Duterte. Trước hết, Philippines là một thuộc địa của Tây ban Nha từ thế kỷ 16. Đến 1898 thì trở thành thuộc địa Mỹ. Trong thế chiến 2, Phi bị Nhật chiếm. Sau khi Nhật bại trận, Mỹ chiếm lại Phi luật tân và trả cho Phi độc lập năm 1946. Phi trở thành một tiền đồn chống Cộng của Mỹ với căn cứ không quân Clark và hải quân Subic Bay, là hai căn cứ quân sự lớn nhất thế giới ở ngoại quốc của Mỹ. Gọi Phi là đồng minh của Mỹ cũng đúng, mà gọi là một thuộc địa cũ cũng không sai. Cho nên ở Phi có hai loại người: một loại chỉ mong được là Mỹ và một loại không ưa Mỹ, hay là chống Mỹ. Những người theo Mỹ là thành phần khá giả, trung lưu hay giầu có nhờ sự có mặt của Mỹ. Số này hiện nay tính ra là 3 triệu người. Tổng số dân Phi là 99 triệu người. Những người nghèo khổ là những người không ưa Mỹ. Tư tưởng chống Mỹ phát triền dần, và vì thế căn cứ Subic phải dẹp bỏ năm 1991. Là đồng minh của Mỹ 70 năm, nhưng Phi cho tới bây giờ vẫn là một nước nhược tiểu chậm tiến, dù không có chiến tranh. Tài nguyên quốc gia nằm trong tay một số đại tài phiệt. Dân nghèo mạt rệp, sống chui rúc trong các khu ổ chuột tại các thành thị và Manila hay là các vùng quê lạc hậu. Dân khá giả giàu có thì ở khu sang trọng, nhà cao cửa rộng. Người từ ngoài nhìn vào cô thể nghĩ quân đội Phi là được trang bị võ khí Mỹ tối tân nhưng bây giờ truyền thông Mỹ nhân vụ Duterte mới nói rằng quân đội Phi tình trạng thô sơ, yếu kém. Hiện nay con số đầu tư của Mỹ là 4.7 tỷ đô la một năm, tức là không phải con số to tát, chỉ đứng hàng thứ ba. Mindanao là một đảo lớn nghèo, đa số dân là Hồi giáo, mà lạc hậu. Hệ thống đường xá và hạ tầng cơ sở không phát triển cho nên Duterte quay về TC. Và đã ký với TC mười ba tỷ đô la các loại giao kèo. Duterte là loại không ưa Mỹ, và nói thẳng ra là ông ta thích giao thiệp với “người Đông phương” (ám chỉ Tầu) vì không có thói “đến nhà mà chửi người ta” (ám chỉ Mỹ).
Theo NK thì Duterte mạnh miệng là vì thấy vị trí nổi trội của TC hiện nay, mà ông ta muốn o bế làm thân.
Cảnh sát Phi mà dùng xe đâm thẳng vào đám biều tình chống Mỹ chẳng qua là phản ứng của những thành phần thân Mỹ trong cảnh sát và hệ thống quyền lực Phi mà Mỹ có ảnh hưởng từ lâu năm. Cho nên theo NK thì chuyện Phi luật tân còn nhiều hứa hẹn mâu thuẫn rắc rối.
9/TV. Nghe anh NK nói tình trạng quân đội Phi luật tân thì TV nhớ đến các chú các anh, của TV vốn là sĩ quan trong quân đội VNCH, đã than phiền rằng thời VC tổng công kích Mậu thân quân lực VNCH lúc đó chỉ được trang bị bằng súng carbine cổ lỗ sỉ thời thế chiến thứ hai còn dư lại không dùng. Sau khi VC tấn công rồi thì các lực lượng VNCH mới dần dần được trang bị M16 để đối phó với bộ đội VC được xử dụng súng AK tối tân của Nga và Trung cộng. Không quân thì cũng chỉ có máy bay chiến đấu skyraider thời thế đệ nhị chiến. Trực thăng và phản lực cơ chiến đấu hạng thường cũng chỉ được viện trợ sau 1968. Cho nên câu mà anh NK mô tả liên hệ Phi luật tân với Mỹ vừa là thuộc địa vừa là đồng minh quả là không sai.
10/KV. KV nghĩ rằng người Mỹ họ thực tế. Họ viện trợ cho VNCH làm tiền đồn thì để làm tiền đồn. Đánh du kích VC với gươm đao mã tấu thì không cần gì vũ khí tối tân, tốn kém. Súng của thế chiến 2 đủ sài rồi. Lúc VC có súng AK thì mới cho VNCH súng M16. Trực thăng viện trợ cho VNCH là để đổ quân đánh vào những đơn vị, hay căn cứ lớn của VC vào cuối cuộc chiến, với bộ đội từ miền bắc đổ vào, chứ không phải là để đánh du kích nằm vùng. Cái điều đáng nói theo KV, chỉ là hệ thống tình báo của VNCH và Mỹ quá dở, cho nên không biết được tình trạng trang bị của VC mà thôi. Chuyện đó qua rồi, nói thêm cũng không hơn gì được, mà cũng vì mình không đủ dữ kiện để đi vào sâu hơn nữa. Còn đi vào chi tiết qua những tài liệu giải mật thì KV không tin là bao nhiêu, vì những dữ kiện này được đưa ra để biện minh cho chính sách của Mỹ, cũng như giải thích sự thắng trận của VC. Mà dễ dàng nhất là đổ cho VNCH tồi, dở, những người trong cuộc thì đã im lặng hay là đã chết rồi. Số ít ỏi viết hồi ký gần đây thì cũng chỉ cho thấy sự vô tội của chính cá nhân mình, hay là sự thất bại của chế độ mà mình là một thành phần lãnh đạo, hay là đổ tội cho Mỹ, cho nên cũng không có bao nhiêu giá trị. Ngoài ra, thì KV cũng không muốn bắt chước mà dựa vào những tài liệu của các cán bộ VC được cho đi Mỹ học, để viết theo kiểu gọi là khách quan, nhưng mà thật ra là để tuyên truyền cho kẻ thắng. Như Huy Đức viết cuốn Bên thắng cuộc. Hay là những bài viết của những kẻ gọi là bất đồng ý kiến, biết chuyện cung đình VC, mà chỉ có một phần có thể coi là sự thực.
11/TXN.Tôi đồng ý với nhận định của KV. Cuốn Bên thắng cuộc lúc xuất hiện đã được một số người ở hải ngoại, trong đó có các nhà chính trị, nhà bình luận quảng cáo không công cho là cuốn sách khách quan. Tôi có đọc sơ qua. Thì thấy rằng những lời của các lãnh đạo VC trong đó đã được sửa đi để cho thích hợp với tình hình ngày nay. Bởi vì năm 1975 tôi đã đủ trưởng thành, đã ở Sài gòn, đã đi cải tạo và sau khi được thả về đã làm bác sĩ ở VN cho VC cho tới 1978, cho nên biết những người lãnh đạo VC thời đó nói gì và huênh hoang ra sao. Những tuyên bố này tôi biết qua miệng quản giáo trong trại cải tạo mà cũng các báo Nhân dân và Quân đội nhân dân và Saigon giải phóng tôi đọc và nhớ vì khó chịu trong thời gian đi làm. Chứ không như những người chạy năm 1975 và chỉ có tin trên truyền thông Mỹ và VC. Một phần sự thực không phải là sự thực, không nói đến sự thực bị bóp méo để phục vụ mục tiêu chính trị. Trở lại với Duterte và Phi luật Tân, thì số người trung lưu và giầu có theo Mỹ là 3 triệu người. Những người này có một số ở trong quân đội, Cành sát và hệ thống chinh quyền, có thể kể là tích cực bảo vệ nguyên trạng, tức là quyền lợi và địa vị của mình. Cho nên đã có hiện tượng cảnh sát lái xe cán người biểu tình chống Mỹ trước tòa đại sứ Mỹ. Có thể so sánh họ với con số 3 triệu đảng viên VC hiện nay và những đảng viên VC quyền chức. Tích cực bảo vệ nguyên trạng và dẹp chống đối chỉ là tích cực bảo vệ quyền lợi, nhưng sẵn sàng chạy sang Mỹ khi thấy bất ổn. Chuyện chạy đi này không khó khăn bao nhiêu vì nhiều người có quóc tịch Mỹ, hay là song tịch. Đa số còn lại không thích Mỹ trong đó có một thiểu số tích cực chống Mỹ thì không có chỗ nào mà chạy cho nên chỉ có thề sống chết ở Phi luật Tân. Đi vào chi tiết phân tích nữa thì có thể đoán tương lai Phi luật tân ra sao. Nhưng mà mất nhiều thì giờ. Có điều chắc là Mỹ không muốn và không thể bỏ Phi luật tân mà chạy, cho nên tuyên bố của các chính giới đều rất ôn hòa nhún nhịn, và né tránh một số điều kể là “nhậy cảm” để không làm mất lòng người Phi luật Tân. Đồng thời thì truyền thông Mỹ sẽ rỉ rả nói về các thất bại cũng như tham nhũng của Duterte để làm khó dễ, gây chống đối và bất mãnh với Duterte. Chính khách Tầu thì không nói gì bao nhiêu để gây mâu thuẫn ồn ào, mà chỉ chi tiền cho Phi (ít ra là trên giấy tờ giao kèo) và len lấn ngầm. Tóm lại theo tôi nếu ông Duterte còn tại vị -nghĩa là không bị đảo chính hay ám sát- thì sẽ còn có thay đổi tại Phi theo hướng độc lập dần đối với Mỹ như ông Duterte nói. Nhưng mà với điều kiện là có Tầu đỡ lưng viên trợ và giữ cho không bị đảo chính hay ám sát.
12/ĐT. Tổng Thống Obama sắp hết nhiệm kỳ, nên gia đình đang thu vén sửa soạn dời tòa Bạch Ốc. Theo tường trình của Uỷ Ban Ngân Sách Quốc Hội, thì có văn thư đề nghi cho bà Marian Robinson 79 tuổi, mẹ bà Michelle Obama, hươngkhoản tiền hưu là 160K mỗi năm. Lý do là bà Marian Robinsonđã làm tròn nhiệm vụ săn sóc cho 2 cô cháu ngoại là Malia 18 tuổi, và Shasa 15 tuổi, con của TT Obama, trong suốt 2 nhiệm kỳ của Tổng Thống tại Tòa Bạch Ốc.
Theo báo cáo tháng 1 năm 2009, thì bà Robinson dọn vào sống trong Tòa bạch Ốc toàn thời gian, để săn sóc 2 con gái cho vợ chồng TT Obama. Trong thời gian 8 năm này, bà đã được tháp tùng theo gia đình TT đi thăm Senegal, Tanzania, TQ, Ý đại Lởi, và ngay cả được diện kiến Đức Giáo Hoàng. Trước khi vào tòa Bạch Ốc, thì bà chưa hề được đi du lịch.
Dù không danh chính ngôn thuận có chức phận trong tòa bạch Ốc, nhưng nhiệm vụ của bà lại được chấp thuận qua "Civil Service Retirement Act (CSRS).
Chuyện này đã bị nhiều người chống đối, vì cho là không hợp lý. Bà Robinson chỉ săn sóc 2 cháu ngoại của bà, làm công chuyện mà hàng triêu người đàn bà khác, trên thế gian đang làm, mà chẳng đòi hỏi đồng nào. Săn sóc gia đình là phát xuất từ tình yêu, chứ không phải vì tiền. Số tiền hưu 160K mỗi năm đề nghị trả cho bà, cao ngang với cấp giám đốc các hãng xưởng, sẽ lấy từ tiền thuế của người dân Mỹ. Người ta tự hỏi, tại sao người dân Mỹ phải đóng một số tiền lớn như vậy, để trả cho bà săn sóc cháu ngoại?
Ông chủ tịch Ủy ban ngân sách Thượng viện đã từ chối có ý kiến. Còn các bạn thì nghĩ sao ?
13/NK. Theo NK thì chuyện này gây dị nghị trong quần chúng chẳng có gì là lạ. Số lương hưu hàng năm 150,000 đô la so với đa số dân có công ăn việc làm kha khá ở Mỹ hiện nay có thể kể là cao. So với tiến lương hàng năm của tổng thống Mỹ chính thức là 400,000 đô la, 100,000 đô la tiền di chuyển, 50,000 đô la tiền chi tiêu, 19,000 đô la tiền du hí. Mẹ vợ tổng thống mà hưởng lương hưu như vậy kể là hơi quá đáng. Tuy nhiên, đây không phải là biệt lệ. Bà Clinton đã được trả tới 300,000 đô la một bài diễn văn. Ngoài ra thì người ta còn biết rằng bà Hillary Clinton đã cùng với chồng và cô con gái Chelsea lập hội thiện nguyện vô vụ lợi Clinton foundation thu góp hàng nămđược nhiều trăm triệu đô la từ các nước Saudi Arabia, Qatar, Oman và các nhân vật tài phiệt khác. Kêu gọi FBI điều tra về việc này đã bị bộ tư pháp gác bỏ sang bên. Hội thiện nguyện bất vụ lợi Seed Global Health do Vanessa Kerry con gái ngoại trưởng Kerrylập ra đã được cơ quan Peace Corps cung cấp cho 9 triệu đô la tiền của bộ ngoại giao để hoạt động mà không qua đấu thầu. Vân vân... Cho nên tiền lương hưu của bà Marian Robinson do quốc hội cung cấp thì tương đối là minh bạch vì thế nào cũng phải qua một số cứu xét, dựa trên các điều khoản luật lệ mơ hồ tùy nghi diễn dịch. Nhưng mà đó là chuyện khác, phải nhờ đến các luật sư quyền thế bẻ chữ thì mới xong được.
14/TV. Chuyện bầu cử Mỹ thì chúng ta nói đã nhiều và kết quả có là như thế nào đi nữa thì có lẽ rằng tình hình nước Mỹ không thay đổi bao nhiêu, bởi lẽ nếu bà Hillary Clinton thắng thì sẽ là nguyên trạng. Còn Donald Trump mà thắng thì điều quan tâm lớn là sẽ tạo điều kiện cho sự kỳ thị chủng tộc nẩy nở công khai. Đây sẽ là điều nguy hiểm cho sự ổn định và thịnh vượng của nước Mỹ. Cho nên TV đề nghị chúng ta sang vấn đề Việt Nam với chuyện nhân vật số hai trong bộ chính trị VC là Đinh thế Huynh sang Mỹ đi. Câu hỏi của TV là tại sao ông Đinh thế Huynh được ngoại trưởng Kerry gấp rút mời sang Mỹ chỉ hai ngày sau khi đi Tầu về, và tại sao chuyến đi này không được báo chí VC loan báo rộng rãi khi ông lên đường. Thông thường nếu là một chuyến đi có ý nghĩa quan trọng thì VC không thể không loan báo rộng rãi để quảng cáo sự thành công cũng như uy thế của chế độ.
15/KV. KV nghĩ rằng muốn hiểu ý nghĩa chuyến đi của Đinh Thế Huynh thì đơn giản nhất là đọc thông báo chính thức của bộ ngoại giao Mỹ. Trong thông báo này, ngoại trưởng Kerry nhắc đến thành tích của ông và thượng nghị sĩ John McCain đã mở đầu cho việc bang giao giữa VC và Mỹ trong đầu thập niên 1990. Đã nói đến cuộc cách mạng kinh tế của VN, đã đi vào kinh tế tư bản, và VN là một nước phát triển nhanh nhất trong vùng. Kerry mong mỏi bang giao hai nước tương lai sẽ tiếp tục tiến tới có hiệu năng. Kerry nói đến quyết tâm của Mỹ thông qua hiệp ước đối tác xuyên Thái bình dương, tức TPP. Quyết tâm xử dụng hòa bình và theo luật pháp ở biển Nam Hải, tức South China Sea. Sẽ thảo luận về mọi vấn đề, trong đó có vấn đề nhân quyền, vấn đề tự do thành lập nghiệp đoàn và bảo vệ quyền làm người của mình. Về phía Đinh thế Huynh thì xác nhận vai trò của Kerry và McCain trong việc bình thường hóa bang giao hai nước, và khẳng định Kerry là người thân thiết trong số các bạn bè. Hai bên sẽ thảo luận thẳng thắn để đẩy xa hơn nữa tính cách đối tác toàn diện của hai nước, và gia tăng thực chất vào mối quan hệ này. Những điều hai bên nêu ra là rất rõ ràng như thế thôi. Có những bình luận của các nhà chuyên viên và chính trị gia VN được một số cơ quan truyền thông ngoại quốc tiếng Việt đưa lên, nhưng KV không đọc nên không biết.
16/TXN. KV đã tóm tắt rất đầy đủ nội dung thảo luận của chuyến đi Đinh thế Huynh mà bộ ngoại giao Mỹ công bố. Những bình luận của các chuyên gia hay nghiên cứu gia VN trong hay ngoài nước mà có đọc thì cũng không thêm gì, vì tôi thấy chỉ là bàn hươu tán vượn hay là nhân cơ hội mà ca tụng VC có tư thế một chính phủ độc lập có chủ quyền. Các nhà chuyên gia có chữ có nghĩa thì cũng chỉ là nhắc lại những luận cứ sách vở hay báo chí viết ra trong những hoàn cảnh tương tự, mà có biết thì cũng thế thôi, và không có chứng minh được sai đúng. Thí dụ như có người ca rằng chuyến đi này có tầm chiến lược quan trọng. Quan trọng chỗ nào thì giải thích tầm phào. Có người nói rằng TQ là lựa chọn chính trị còn Hoa kỳ là lựa chọn an ninh cho VN, và đấy là lựa chọn khôn ngoan. Nghe thế, không thiếu gì người hỏi rằng làm sao chính trị tách rời khỏi an ninh và do hai phía khác nhau phụ trách. Và không trả lời được. Hay là nhắc lại tiên đoán nghe qua rồi bỏ, đã được đưa ra nhiều lần về những chuyến đi khác của các nhân vật VC rằng chuyến đi sẽ là dấu hiệu của một trận chiến quyền lực tại VN, vân vân. Hay là đề cao vai trò Hoa kỳ trong vấn đề tự do dân chủ nhân quyền VN cũng như sài lại cái nhãn hiệu “đu giây” cho VC mà một người dân thường ở VN cũng hiểu rằng VC chỉ đóng trò cong lưng uốn gối cho các thế lực ngoại quốc chứ chẳng có sức có tài gì để mà đu giây. Cho nên KV không đọc là phải. Theo tôi thì việc ngoại trưởng Kerry mời nhân vật số hai bộ chính trị VC Đinh thế Huynh sang Mỹ chỉ hai ngày sau khi Huynh đi TQ về chỉ là một phản ứng chính trị sau vụ Duterte. Mà mục đích là: 1/khẳng định ý muốn của Mỹ là có mặt về kinh tế và giao thương tại Á châu Thái Bình dương nói chung và VN nói riêng. Một cách hòa bình không đụng đến ai. 2/Để ý đến danh từ South China Sea mà Kerry dùng là tên gọi biển Đông của TC, để tránh đụng vào cái quan điểm địa lý chính trị của TC 3/khẳng định sự tồn tại của TPP, như là một chốt của Mỹ trong trận kinh tế tài chánh ở vùng này mà TC đã chiếm ưu thế. Mà mục đích chỉ là vớt vát cố thủ kinh tế tài chính tại vùng này. 4/Tôi nghĩ cũng nên để ý đến một điểm là ông Kerry chỉ còn là ngoại trưởng trong hơn hai tháng nữa. Những khẳng định chình sách tương lai không có nhiều giá trị, vì chưa chắc được tiến hành. Nhưng nếu mà không khẳng định ý chí cố thủ của Mỹ sau vụ Duterte thì không được, cho nên ý nghĩa chính của vụ mời Đinh thế Huynh rút lại chỉ mang tính phản ứng sau chuyện Duterte tuyên bố rời xa Mỹ.
Đến đây thì chương trình bcts phải tạm ngưng. Xin kính chào tạm biệt quý vị thính giả. Chào ĐT, NK, TV, KV và xin cám ơn quý bạn. Xin hẹn gặp lại quý vị và các bạn trong một kỳ tới.
17/ĐT. Đến đây, ĐT xin kính chào tạm biệt qúy vị thính gỉa. Xin kính chào BS Ninh và anh Nguyên Kim. Thân ái chào TV và KV. Xin hẹn gặp lại các vị, trong kỳ bàn chuyện thời sự tuần tới.
18/ KV. Dạ, KV xin được kính chào tạm biệt quý thính giả. Kính chào quý anh chị và xin hẹn gặp lại vào kỳ tới ạ.
19/NK. NK xin kính gửi lời chào tạm biệt tới quý vị thính giả đang theo dõi chương trình BCTS với BS TXN, ĐT, TV, KV và NK ngày hôm nay. Xin kính chào tạm biệt Bs N và thân kính chào tạm biệt các chị ĐT, TV và KV… Xin hẹn tất cả quý vị và các anh chị trong chương trình BCTS lần tới.
20/TV. TV kính chào BS N, chị ĐT, anh NK, thân chào KV, và thân ái kính chào tạm biệt thính giả cùng các bạn toàn cầu đang theo rõi chương trình bàn chuyện thời sự.