Quyền lực vô hình (hay quyền lực chính trị không diện mạo) là một thực thể đã được nói tới mỗi khi có những biến cố chính trị xẩy ra mà các dữ kiện công bố không giải thích được một cách hợp lý. Thí dụ như trong vụ ám sát tổng thống Kennedy năm 1963. Tuy nhiên cái quyền lực chính trị này đã bị quan niệm “giòng chính” gọi là “thuyết âm mưu” (conspiracy theory), nghĩa là do tưởng tượng, không có gì đáng để ý.
Trong cuộc tranh cử Hillary với Trump, về phía Cộng hòa điều không giải thích được là Donald Trump một người ăn nói bỗ bã, phi chính trị, có thể kể là hồ đồ, và bị tố giác là dâm đãng, coi thường đàn bà, đã thắng tất cả 11 ứng viên thế giá của đảng Cộng hòa. Cũng không giải thích được tại sao Trump, được truyền thông mô tả là đã “chống cơ chế đảng Cộng hòa” (Republican establishment), là có liên lạc với Nga, lại được chấp nhận cho trở thành đại diện chính thức của đảng Cộng hòa tranh chức tổng thống Mỹ. Quyền lực này đã làm cho các đảng viên tên tuổi của đảng Cộng hòa trở thành lố bịch vì phải đổi lập trường liên tục từ chống Trump quyết liệt đển ủng hộ Trump đến chống đối rồi lại trở lại ủng hộ. Cũng không thể giải thích được tại sao cựu tổng thống George W. Bush nhân vật kể như uy tín hàng đầu của một gia đình Cộng hòa nòng cốt lại tiết lộ sẽ bầu cho Hillary Clinton. Và cũng khó hiểu phát ngôn viên Bạch cung Ari Fleischer của tổng thống George W Bush, một người Cộng hòa thuần thành, luôn luôn khẳng định chỉ bầu toàn bộ danh sách công hòa thì vào ngày 5 tháng 11 đã tuyên bố không bầu ai làm tổng thống. Về phía Dân chủ, điều không giải thích được là bà Hillary Clinton, một người được truyền thông và đảng Dân chủ o bế, tô vẽ từ ít nhất là năm 2008 để chắc làm tổng thống, đã bị lâm vào tình trạng không ở thế thắng rõ ràng, nếu không muốn nói là có thể bị thất cử, 5 ngày trước khi bầu cử. Đến nỗi mà khiến cho hầu như toàn bộ hệ thống truyền thông Mỹ và tổng thống Obama cùng gia đình phải xông vào cứu bồ, đập Trump sát ván, đưa đủ loại tin thất lợi cho Trump vào những ngày chót.
Tại sao như vậy? Vấn đề chỉ là Trump đã vận động được một mảng lớn quần chúng, như lời phát ngôn viên Bạch cung Josh Earnest. Cái “mảng lớn” này ông Earnest tránh không nói ra là bao nhiêu, nhưng có triển vọng chặn con đường tới Bạch cung của bà Clinton. Vắn tắt là những thành phần bất mãn và lo ngại về đời sống xã hội chính trị Mỹ với những vấn đề to lớn như thiếu hụt ngân sách, công ăn việc làm, tự do cá nhân vân vân không giải quyết kéo dài. Truyền thông đã đổ tội cho sự ù lì của hệ thống thư lại Washington DC, nghĩa là những nhà chính trị 4 năm có thể thay một lần. Tình trạng này đã được tạm giải quyết bằng khẩu hiệu “thay đổi” (change) và “chúng ta có thể” (we can) trong cuộc tranh cử của ông Barack Obama năm 2008. Với khẩu hiệu này, và với mầu da của ông Obama, cũng như khả năng hùng biện của ông và những chủ trương tiến bộ có sức lôi cuốn toàn cầu, ông Obama đã thành công rực rỡ. Nhưng sau đó thì mọi sự như cũ vì ông đã tự đặt mình vào trong cái khung quyền lực dành sẵn cho ông và những vị tiền nhiệm, để âm thầm đi vào thất bại. Những người ủng hộ ông lúc đầu vì say mê lý tưởng Hoa kỳ đã lùi lại, xa rời ông, như đã thấy trong kỳ bầu cử nhiệm kỳ thứ hai, trừ những người hưởng lợi nhờ vị trí ông làm tổng thống, mà bỏ phiếu cho ông tức là bỏ phiếu bảo vệ công việc của mình.
Donald Trump đã làm sống lại cái khát vọng muốn “thay đổi” ở những người tích cực, cả Dân chủ lẫn Cộng hòa. Để chống lại Trump, Bernie Sanders đã ra tranh cử để lôi những người dân chủ cực tả, rồi đã kêu gọi họ ủng hộ Hillary Clinton chống Trump nhưng không chắc hiệu quả. Elizabeth Warren cũng Dân chủ thiên tả đã diễn xuất chụp hình thống nhất với Hillary để hy vọng những người Dân chủ tích cực theo mình không vi thất vọng mà bầu cho Trump. Tổng thống Bush lớn đã tiết lộ sẽ bỏ phiếu cho Hillary. Báo chí đưa tin bà Laura Bush vợ tổng thống Bush con có thể bầu cho Hillary. Qua những dữ kiện này, có thể nghĩ rằng một quyền lực nào đó đã khiến cho cả những nhân vật Cộng hòa trụ cột cũng bỏ cái nền Cộng hòa của mình để ủng hộ Hillary là người Dân chủ mà toàn đảng Cộng hòa chống đối quyết liệt từ lâu. Sự thắng cử của Hillary là sự khẳng định cái khả năng giữ gìn nguyên trạng hệ thống vận hành chính trị Mỹ, mà các chính trị gia là những tài tử diễn xuất trên sân khấu khi tranh cử. Nhưng sau khi thắng cử thì sẽ thi hành những chính sách được vẽ ra từ hậu trường, chứ không phải là theo những hứa hẹn trên truyền thông.
Câu hỏi còn lại là: cái quyền lực không diện mạo này là ai? Đơn giản lắm. Đó là những thế lực cho tiền và quảng cáo cho các ứng cử viên khi tranh cử. Không phải là những món tiền vài chục đồng đô la móc ra bởi những ban vận động tranh cử, từ túi quần chúng bình thường mà Bernie Sanders nói. Mà là những đại tỉ phú dấu mặt dấu tên. Rõi ra không khó đối với những người biết cách.
Bác sĩ Trần Xuân Ninh
(ngày 6 tháng 11/2011)