Trong cái tuần lễ thứ hai của tháng giêng 2015 truyền thông Âu Mỹ đặc biệt ồn ào vì chuyện tuần báo trào phóng Charlie Hebdo và một siêu thị Do Thái bị tấn công ở Paris, tiếp theo là cuộc biểu tình đông đảo cả triệu người phản ứng, tin thủ tướng Anh David Cameron sang Washington DC gặp tổng thống Obama đã tạo không mấy chú ý. Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ này không phải như bình thường, vì người ta thấy có một bài viết ký chung hai người được đăng trên báo The Times Anh quốc và để trên trang Facebook chính thức của ông Cameron. Bài báo viết “sức mạnh kinh tế là then chốt để đánh bại khủng bố”. Và “an ninh và thịnh vượng đi sóng đôi nhau”. Bài báo còn thêm: “Chúng tôi biết rằng tiến bộ và thịnh vượng không bao giờ là bảo đảm. Chúng tôi tái khẳng định rằng niểm tin ở khả năng có thể bảo vệ những tự do của chúng ta là bắt nguồn ở sức mạnh kinh tế của chúng ta và ở những giá trị mà chúng ta trân quý – là tự do phát biểu, pháp trị và các cơ chế dân chủ vững mạnh”.
Khi mà kinh tế và khủng bố được đề cập đến trong bài viết thì rõ ràng là cuộc bắn giết ban biên tập tuần báo trào phúng Charlie Hebdo ngày 7 tháng 1/2015 đã có tạo ảnh hưởng đối với cuộc gặp gỡ, và tình hình kinh tế Anh Mỹ là vấn đề then chốt thảo luận giữa hai nguyên thủ của hai nước có giao tình khăng khít đặc biệt từ suốt cả thế kỷ 20, dù ngăn cách một biển lớn là Đại Tây Dương. Tổng thống Obama “khẳng định sức mạnh kinh tế là then chốt để đánh bại khủng bố” thì quả rằng là có phần nào như thế. Ít ra là trong cuộc truy diệt hai kẻ sát nhân đã tấn công báo Charlie Hebdo. Để truy lùng hai tên tội phạm, bộ trưởng nội vụ Pháp Cazeneuve cho biết rằng đã có 88,000 nhân viên quân đội, an ninh và cảnh sát được huy động hành quân, với tất cả những phương tiện yểm trợ dồi dào như xe cứu thương, trực thăng vân vân mà không phải nước nào cũng có thể nhanh chóng huy động như thế. Ngoài ra thì còn có tin cho biết rằng sau khi vụ bắt con tin trong một siêu thị Do Thái bởi Amedy Coulibaly, để làm áp lực đòi chấm dứt cuộc truy nã hai tên sát nhân báo Charlie Hebdo là bạn của Coulibaly thì những kêu gọi gia tăng bảo vệ các cơ sở Do Thái đã khiến cho chính phủ phải gửi thêm4,700 nhân viên an ninhtăng cường cho 4000 người đã sẵn canh chừng cho khoảng 700 trường Do Thái, tức là chừng 10 nhân viên an ninh canh cho một trường. Tương tự như thế, ở vị trí cường quốc giầu mạnh nhất thế giới, Mỹ đã có đủ phương tiện nhân sự và kỹ thuật để tìm ra được Osama Bin Laden, thủ lãnh tổ chức Al Qaeda chống Mỹ quyết liệt để mà giết chết tại chỗ rồi vất xác xuống biển cho mất dấu vết, hết làm tụ điểm tập hợp cho khủng bố chống Mỹ và DoThái, dù rằng đã phải bỏ một thời gian khá dài là 10 năm.
Về điểm khẳng định “an ninh và thịnh vượng đi đôi với nhau” trong bài viết của hai vị nguyên thủ Anh và Mỹ thì cũng rất đúng, vì có yên ổn thì mới làm ăn được, sinh ra tiền được. Tuy nhiên điều này chỉ đúng có một phần, và có một chiều. Chiều “có an ninh thì có thịnh vượng”. Nhưng không hẳn đúng ở chiều ngược lại, là thịnh vượng thì nhất thiết có an ninh. Bởi vì vụ khủng bố to lớnlàm mất an ninh đầu tiên đã xẩy ra ở Mỹ, cuờng quốc giầu mạnh nhất hoàn cầu cho tới nay, mà khởi đầu là vụ 911. Vụ này đã làm cho vấn đề khủng bố trở thành quan tâm hàng đầu của Mỹ và Mỹ là nước đã khởi đầu hô hào thế giới tham dự chống khủng bố. Anh quốc cũng đã xẩy ra khủng bố, và gần đây nhất là vụ Charlie Hebdo ở Paris, Pháp quốc. Nói khác đi thì những vụ khủng bố đã xẩy ra ở Mỹ, Pháp và Anh là những nước giầu có, thịnh vượng vào hạng nhất thế giới. Vì thế, trong vấn đề khủng bố, và an ninh, còn nhiều yếu tố khác nữa. Mà trong số những yếu tố bảo đảm an ninh, vấn đề chính sách xã hội chính trị nội bộ cũng như ngoại giao có phần quan trọng không kém yếu tố kinh tế. Chúng ta có thể nhìn thấyxa hơn nữa là những vụ chiếm đóng New York, Oakland mấy năm trước. Nói khác đi cái chiều nghịch thịnh vượng không tất yếu sinh ra an ninh là bởi có những thứ khó mua được bằng tiền, tức là lòng con người (hearts and minds). Ông Obama khi mới lên làm tổng thống đã nhấn mạnh đến điều này, và được hoan nghênh nhiệt liệt trên toàn thế giới. Nhưng chỉ ít lâu sau, ông đã tỏ dấu thất bại, vì đã không làm được bao nhiêu những điều ông nói, và tới bây giờ thì cái thất bại của ông đã nhìn thấy rõ ràng, khi còn hai năm nữa ở vị trí tổng thống. Sự khó khăn này càng to lớn hơn khi nên kinh tế của Mỹ cũng như Anh không có gì là thực sự khởi sắc, khi đang phải lo giải quyết những hệ quả của chiến lược hạ giá dầu để đánh Nga, nhưng cũng không thể không có hệ quả xấu lên kinh tế hai nước Anh Mỹ mà người ta không biết sẽ chịu được bao nhiêu lâu.
Một cách thận trọng mà nói thì bài viết ký tên chung của hai vị nguyên thủ Anh và Mỹ trước khi đi vào cuộc họp chỉ nói lên cái khó khăn chung, cái vấn đề lớn chung, chứ không cho thấy viễn tượng giải quyết gì hết.
Thạch Trung Ẩn
Ngày 14 tháng 1/2015