Hai chữ râu ria là dịch nôm na thoát ý chữ collateral trong nhóm hai chữ collateral damages được dùng nhiều từ sau cuộc chiến Iraq, bởi các chính trị gia và truyền thông Âu Mỹ, để chỉ các thiệt hại gây ra cho dân thường vô tội bởi các cuộc oanh kích truy diệt những kẻ thù địch hay khủng bố. Những thiệt hại này có khi nhiều hơn gấp bội thiệt hại nhắm vào mục tiêu, nhưng vì là không chủ ý gây ra bởi phía thực hiện oanh kích cho nên chỉ kể là thiệt hai râu ria (nghĩa là ngoài lề, bên cạnh, không quan trọng). Nó là “thiệt hại râu ria” đối với người gây ra thiệt hại. Nhưng nó là thiệt hại thật, hay là khủng bố, đối với những nạn nhân. Những dân Pakistan hay Afghanistan hay Iraq bị chết trong những cuộc không kích Mỹ để tiêu diệt Taliban hay chế độ Saddam Hussein nhằm giúp cho những người này không còn bị độc tài áp chế, quả thực là thiệt hại râu ria đối với Mỹ. Nhưng là thiệt hại thật, đau xót cụ thể, vì mất mạng, mất cơ nghiệp sự sản cho những người xấu xố này. Một hệ quả râu ria khác, nhỏ, gần đây nhất, và đã được chú ý nhiều, là vụ người phụ nữ Mỹ, Kayla Mueller bị lực lượng nhà nước Hồi giáo ISIS bắt làm con tin, đã bị chết vì sập nhà trong một vụ oanh kích của không lực Jordan để thi hành lời hưá trả thù “trời long đất lở” của vua Abdullah cho cái chết của phi công Kasaesbeh bị ISIS thiêu sống trong cũi.
Tuy nhiên, khi nói những hệ quả râu ria thì không nhất thiết là chỉ nói đến thiệt hại. Bởi vì hệ quả có thể là hệ quả tốt hay xấu. Thí dụ như trong vụ Charlie Hebdo và tiệm thực phẩm Do Thái bị tấn công sau đó, thì hệ quả râu ria có lợi và tốt, là giúp cho các trường học Do Thái có thêm nhân viên canh gác, 10 người cho mỗi trường. Và các cơ sở DoThái như nhà thờ, trung tâm văn hoá, doanh nghiệp vân vân, được chính phủ Pháp cho lính tuần phòng bảo vệ. Cũng giúp cho người dân Pháp hiểu được rằng là nếu mà người Pháp Do Thái sợ nguy hiểm khủng bố và e ngại tình trạng bài Do Thái gia tăng mà hưởng ứng lời kêu gọi của thủ tướng Do Thái Netanyahu trở về sống ở Do Thái, thì “nước Pháp sẽ không còn là nước Pháp nữa”, như lời một lãnh đạo cao cấp chính phủ Pháp đã khẳng định sau vụ tên Coulibaly tấn công tiệm thực phẩm Do Thái để ủng hộ hai anh em Kouachi đang bị lực lượng an ninh truy bức. Và cuối tháng giêng 2015, đương kim tổng thống Pháp Hollande đã lên tiếng trấn an dân Pháp Do Thái nhân dịp ông dự ngày kỷ niệm 70 năm giải phóng trại tập trung người Do Thái Auschwitz, rằng“nước Pháp là quê hương” của người Pháp Do Thái và ông hứa hẹn sẽ chống phong trào bài Do Thái đã gia tăng “không thể chịu nối”. Ông nói Pháp “sẽ bảo vệ mọi con em và không chấp nhận sỉ mạ, xúc phạm lăng nhục và đập phá”. Ông yêu cầu các nhà cung cấp Internet phải chống sự tăng gia bài Do Thái trên mạng điện tử và không thể lờ đi việc phổ biến trên Internet quan điểm phủ nhận sự kiện Holocaust Đức quốc xã giết người Do Thái, nếu không họ sẽ bị coi là đồng loã và bị phạt. Tóm lại hệ quả râu ria sau vụ Charlie Hebdo là rất thuận lợi cho người Do Thái thì nó lại thất lợi cho người Pháp Hồi giáo, gốc từ các thuộc địa cũ của Pháp. Bởi vì những vụ tấn công vào những thành phần này đã gia tăng, tới độ mà tổng thống Pháp đã phải lên tiếng cảnh cáo.
Nhân tiện thì cần biết rằng tổng số dân Pháp ở chính quốc là khoảng 63 triệu, dân Pháp Do Thái là 550,000 người, và dân Pháp Hồi giáo là 4,7 triệu, tức là 7,5% dân số. Khi 550,000 người được coi là điều làm cho nước Pháp63 triệu dân “là nước Pháp”, thì phải hiểu rằng những người này quan trọng và quý giá như thế nào. Thực thế, chỉ nói riêng về mặt chính trị, gần đây nhất, trước tổng thống Hollande đương nhiệm, Pháp có ông Sarkozy người gốc Do Thái Hung gia lợi, là một nhân vật nổi tiếng nhiều mặt, vì từng được kể là thị trưởng trẻ nhất một thành phố giầu có ngay sát thủ đô Paris, và đã trở thành tổng thống Pháp mặc dầu không tốt nghiệp trường Hành chính ENA nổi tiếng số một nước Pháp như các tổng thống khác.Và nhiều phần là Sarkozy sẽ trở ra ứng cử lại trong kỳ bầu tổng thống sắp tới, nhân danh đảng bảo thủ đối lập với đảng Xã hội đương quyền, mặc dầu đã bị nhiều tai tiếng trong đó có vụ xử dụng tiền ủng hộ tranh cử bất hợp pháp.
Một hệ quả râu ria khác, kể là tốt, cho ban biên tập Charlie Hebdo, là sau cuộc tấn công giết 12 người trong toà báo trào phúng, thì số báo tiếp, gọi là “ số của những người sống sót”, trong ban biên tập đã vọt lên 220,000 số so với con số 30,000 trước vụ tàn sát. Tức là tăng hơn 7 lần, - tuy không phải như con số mấy triệu loan báo đi bởi truyền thông thế giới Âu Mỹ ngay sau khi hai anh em thủ phạm Kouachi bị giết chết, chiều ngày 9 tháng 1/2015. Trong số báo này vẫn tiếp tục có hình hí hoạ giáo chủ Hồi giáo Mohammed. Một tháng sau vụ khủng bố, báo Charlie Hebdo của những người sống sót sẽ ra số thứ hai tiếp theo, nhưng tin tức đầu tiên cho biết là sẽ không có hí hoạ về giáo chủ Mohammed nữa. Không biết có phải vì không còn gì để cười rỡn nhạo báng giáo chủ nữa hay sao, nhưng dù sao thì cũng phải kể là một hệ quả trước mắt khó nói là tốt hay xấu. Bởi vì không hiểu báo này như thế thì có sẽ tiếp tục bán được 220,000 số hay không. Và có vẻ như là không. Bởi vì sau cái khẩu hiệu Je suis Charlie (Tôi là Charlie) truyền đi trên truyền thông biểu tỏ phản ứng quần chúng chống đối vụ bắn giết, vì cho rằng đó là một hành động trấn áp tự do ngôn luận, như các chính trị gia khẳng định kết án, thì sau đó đã có những người khẳng định “Tôi không là Charlie”. Và hình ảnh mới nhất một tháng sau vụ bắn giết, là những giòng chữ “Tôi là Charlie” tại Paris đã mờ nhạt, không tạo chú ý nào, ngoài người phóng viên đưa hình làm tin.
Xem ra thì hệ quả là hệ quả, râu ria hay chính thức, xấu hay tốt, chẳng qua là tùy người nhìn, tùy góc nhìn. Đến đây thì không khỏi chợt nghĩ đến lời một vị thiền sư thời xưa, mà không thiếu gì người cho là vô lý, và khó hiểu. Đó là: đừng luận xấu tốt.
Thạch Trung Ẩn
Ngày 8 tháng 2/2015