Sau khi bắn chết 12 mạng gồm những người trong ban biên tập tuần báo trào phúng Charlie Hebdo đang họp ăn trưa, và những bảo vệ viên, thủ phạm là hai anh em Said và Cherif Kouachi đã chạy thoát ra ngoài dễ dàng. Một tên hô to “chúng ta đã trả thù được cho tiên tri Mohammed” . Lời hô này đã được phổ biến rộng rãi trên truyền thông nhờ một băng video tài tử thu được của một người hàng xóm. Tại sao thủ phạm lại nói đã trả thù cho giáo chủ Mohammed sau khi giết được ban biên tập?
Để cho quý vị không theo rõi tình hình và tin tức hiểu chuyện, thì xin tóm tắt ngắn gọn ở đây rằng tờ tuần báo này đã từ năm 2005 cho đăng lại 12 tấm hình báng bổ giáo chủ Mohammed của báo Đan Mạch Jyllands-Posten mặc dầu những hình này đã gây phản đối mạnh mẽ trong thế giới Hồi giáo. Năm 2011, báo Charlie Hebdo đã đăng hình chế nhạo giáo chủ trên trang bià và bị ném bom lửa. Năm 2012 trong khi người Hồi giáo đang sôi nổi phản đối khắp thế giới vì cuốn phim Innocence of Muslims (sự vô tội của người Hồi giáo) sản xuất bởi một người Mỹ Do Thái được phổ biến ở Los Angeles, thì báo Charlie Hebdo đăng hình biếm hoạ Mohammed trần truồng trong vị thế dâm đãng, mặc dầu lời khuyên của chính phủ Pháp nên xem lại, và mặc dầu rằng bộ ngoại giao Pháp đã phải tạm đóng cửa20 cơ sở văn hoá và ngoại giao ở một số nước Hồi giáo. Vụ này khiến toà Bạch cung cũng phải lên tiếng đặt vấn đề về khả năng suy xét cân nhắc trong quyết định của tờ báo, cũng như ngoại trưởng Pháp gọi là “đổ dầu vào lửa”.
Tới toà soạn báo Charlie Hebdo ngay sau cuộc bắn giết, tổng thống Pháp Francois Hollande đã lên án “cái hành động man rợ không thể tả này”. Các nhà chính trị thế giới đã coi đó là một hành động khủng bố trấn áp quyền tự do phát biểu, tự do báo chí của văn minh Tây phương, lên án và hô hào chống lại thái độ này.
Đi xa hơn nữa, phóng viên tên tuổi của báo New Yorker là George Packer đã nhận định như sau: “Những tên sát nhân ở Paris hôm nay không phải là kết quả của sự thất bại của Pháp trong việc hội nhập hai thế hệ di dân Hồi giáo từ các thuộc địa cũ. Cũng không vì những biện pháp quân sự của Pháp chống lực lượng nhà nước Hồi giáo ở Trung đông, hay là sự xâm lăng Iraq của Mỹ trước đó. Cũng không phải là một phần của làn sóng bạo lực phá phách, phân hoá xã hội và trống rỗng đạo đức phương Tây- một hình thức ở Paris của hiện tượng New Town hay Oslo. Lại càng khó có thể được hiểu là những phản ứng vì sự bất kính đối với tôn giáo của những hoạ sĩ vẽ tranh khôi hài chế diễu. Đó chỉ là cú đập mới nhất của một cái chủ nghĩa tìm cách nắm quyền lực qua nhiều thập niên khủng bố.”
Người ở xa không biết tình trạng những dân Pháp Hồi giáo nguồn gốc từ các thuộc điạ Pháp ở Bắc Phi sống ra sao thì có thể nghe Packer, nhưng ngay tại Pháp thì không ai không biết những khó khăn đủ loại của những công dân hạng hai này sống trong những khu nghèo khổ. Hai anh em Said và Cherif là gốc Algerie, sinh tại Pháp, nói tiếng Pháp như người Pháp theo như các video thu âm được cho thấy. Cũng khó có thể đồng ý với nhận định của Packer không cho rằng tranh vẽ bất kính với giáo chủ không tạo phản ứng nới các tín đồ tôn giáo thuần thành. Và cũng khó mà tin rằng chính sách của Pháp ở Trung đông và Bắc Phi không có ảnh hưởng lên suy nghĩ của quần chúng. Bởi vì số đông quần chúng Pháp và Âu châu đã chống các cuộc chiến tranh mở ra ở Trung đông, qua các cuộc biểu tình đông đảo được loan đi trên truyền thông thế giới.
Trên những luận cứ không có mấy tính thuyết phục này, Packer đã đi đến kết luận rằng có một chủ nghĩa tìm cách nắm quyền lực bằng khủng bố là chủ nghĩa Hồi giáo Islamism. Ký giả này viết:
“Đối với một số tín đồ, bạo lực dùng để phục vụ cho quyền lực tuyệt đối của chúa Trời, và đó là một loại toàn trị gọi là chủ nghĩa Hồi giáo (Islamism) – chính trị là tôn giáo, tôn giáo là chính trị”.
Sự tin tưởng cá nhân mà không suy nghĩ vào một điều gì đó, kể cả sự tin vào một điều không thực, không có, là tự do của cá nhân đó, hay là quyền của cá nhân đó, không sao cả. Nhưng dùng luận cứ sai để đi đến một kết luận thì không thể không tạo ra những bàn luận. Nhất là khi sử dụng kết luận sai để kêu gọi hành động, để có thái độ thiếu suy nghĩ. Như trong đoạn sau đây:
“Các hoạ sĩ vẽ tranh biếm hoạ chết vì một lý tưởng. Những kẻ sát nhân là những tên lính trong một cuộc chiến chống lại tự do tư tưởng và ngôn luận, chống lại sự bao dung, đa nguyên và chống lại quyền xúc phạm- mọi sự tươm tất đàng hoàng trong một xã hội dân chủ. Do đó tất cả chúng ta phải cố gắng để “là Charlie” không phảichỉ có hôm nay mà là mọi ngày.
Và: “Những hoạ sĩ tử nạn đã can đảm hơn xa nhiều người trong chúng ta, khi chống lại những kẻ thù nguy hiểm chết người của nền văn minh chúng ta, đã chỉ được trang bị bằng biệt tài gây lố bịch tạo tức giận. Nhưng những kẻ sát nhân đã biện minh cho quan điểm của các hoạ sĩ bằng một chung cuộc khủng khiếp: là hành động của họ là một thách thức cần thiết, để duy trì tự do bền vững, và vì thế đến chỗ hy sinh tính mạng. Không có điều này, họ biết rằng chúng ta- nhân loại, kém giá hơn.”
Chúng ta đã biết rằng đông đảo quần chúng đã phản ứng theo cảm quan với khẩu hiệu “tôi là Charlie” để phản đối hành động bạo lực đối với ban biên tập Charlie Hebdo. Nhưng chúng ta cũng biêt rằng đã có những câu hỏi đặt ra sau đó của những người khác phản đối trấn áp tự do ngôn luận, tự do báo chí mà không đồng ý với thiếu suy nghĩ trong phát biểu. Nghĩa là họ không phải là Charlie.
Trong cuộc phỏng vấn trên máy bay từ Colombo (Sri Lanca) đếnManila Phi luật Tân ngày 15 tháng 1/2015, Đức Giáo Hoàng đã bênh vực quyền tự do phát biểu nhưng cho rằng xúc phạm người khác bắng cách sỉ mạ tôn giáo của người ta là sai. Lạm dụng như thế thì có thể xẩy ra phản ứng. Ngài nói: “Tôi nghĩ rằng tự do tôn giáo và tự do phát biểu, cả hai đều là quyền căn bản của con người. Mỗi người đền không những có tự do và có quyền mà còn có bổn phận nói lên điều mình nghĩ vì ích lợi chung. Chúng ta có quyền có cái tự do này một cách công khai mà không xúc phạm”. Để cho rõ ý, quay sang một phụ tá, ngài nói “Đúng rằng chúng ta không được phản ứng một cách bạo tợn, và tôi với anh là bạn tốt với nhau, mà nếu anh nói lời xúc phạm tới mẹ tôi, thì anh có thể ăn một cú đấm, và đó là bình thường”. Ngài thêm: “Minh không thể lấy tôn giáo người khác ra làm trò chơi. Nếu những người đó gây chuyện thì sẽ có chuyện xẩy ra. Trong tự do phát biểu phải có giới hạn”
Lâm Phong
January 17, 2015