Sau khi hai anh em Said và Cherif Kouachi lúc 11.30 sáng ngày 7 tháng 1/2015 xông vào toà soạn tuần báo trào phúng Charlie Hebdo gọi tên ra bắn chết từng người trong ban biên tập đang họp ăn trưa, tổng cộng 12 mạng kể cả nhân viên bảo vệ, thì phản ứng của các nhà chính trị đã nhất loạt lên án hành động này là khủng bố. Nhưng mà quan trọng hơn, là đã cho rằng đây là một hành động bịt miệng, ngăn cấm tự do phát biểu và tự do báo chí, là quyền thiêng liêng của người dân các nước văn minh, tự do dân chủ Âu Mỹ.
So với các tờ báo khác của Pháp, như tuần báo Paris Match với mục đích thông tin giải trí, có số phát hành 684,000, tuần báo trào phúng Le canard enchainé lập trường trung lập 422,000, Le Monde thiên tả 323,000, Le Figaro thiên hữu 329,000, L’humanité của đảng Cộng sản Pháp, hết tiền sau khi khối Liên sô sụp đổ, được một nhóm tài phiệt mua lại, để gọi là giữ cho có sự đa nguyên trong báo chí, biến thành L’humanité chủ nhật, có số lưu hành 52,000 số, tuần báo trào phúng Charlie Hebdo với số lưu hành 30,000 là vào loại chót không đáng kể. Với cái chết đột ngột của đa số ban biên tập với 4 hoạ sĩ nòng cốt, Charlie Hebdo vụt trở thành nổi tiếng toàn thế giới, biểu tượng cho tự do phát biểu và tự do báo chí bị giập tắt bởi bạo lực quá khích.
Ông Nikolas Sarkozy, cựu tổng thống Pháp một nhiệm kỳ, gốc Do Thái Hung gia lợi, và là nhân vật kể như là đối lập hàng đầu sẽ ra tranh cử tổng thống Pháp trở lại, đã nhanh chóng phát biểu trong một diễn văn ngắn rằng cuộc tấn công vào báo Charlie Hebdo là “một cuộc tấn công man rợ và trực tiếp vào một trong những lý tưởng được tôn trọng nhất trong nước cộng hoà của chúng ta: đó là tự do phát biểu”.
Nữ thủ tướng Đức, bà Angela Merkel tuyên bố rằng “Cái hành động kinh tởm này không phải chỉ là một cuộc tấn công vào sinh mạng của dân Pháp và nền an ninh của Pháp, mà nó còn là một cuộc tấn công vào sự tư do phát biểu và tự do báo chí, là những yếu tố cốt lõi của nền văn hoá tự do dân chủ của chúng ta, không có cách nào biện minh được.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã phát biểu bằng hai thứ tiếng Anh và Pháp kết án hành động khủng bố này và tuyên bố Mỹ luôn luôn dứng cạnh Pháp chống cực đoan để bảo vệ tự do ngônluận và tự do báo chí.
Quần chúng, choáng váng thương hại và xúc động vì gần như toàn ban biên tập của một tuần báo nhỏ trào phúng không có bao nhiêu tên tuổi bị giết chết, trừ vài người không dự họp ăn trưa, và giận dữ vì luận điểm cho rằng những kẻ quá khích muốn trấn áp tự do phát biểu và tự do báo chí, cảm thấy chính mình bị tấn công, đã nhanh chóng phản ứng. Nhiều ngàn người đã biểu tình ngay tối hôm thứ tư, mang những biểu ngữ “tôi là Charlie” và “không sợ”. Khải hoàn môn Paris đã chạy hàng chữ điện sáng “Paris là Charlie”vào ngày 9 tháng 1/2015.
Những tin tức đưa ra về 4 hoạ sĩ nòng cốt trong đó có chủ biên của tờ báo bị giết chết đã vẽ những người này thành những anh hùng chết vì ý tưởng của mình, với chủ trương châm chọc không buông tha, nể vì bất cứ điều gì, để gọi là tạo ấn tượng và suy nghĩ, và để thi hành quyền tự do phát biểu tuyệt đối, qua những biếm hoạ và lời viết mà chính ban chủ biên đã tự mô tả là “ngu xuẩn và độc ác” . Tờ báo đã được cho là không kiêng nể gì bất cứ đạo nào từ Thiên chúa giáo đến Do Thái giáo, đến Hồi giáo. Nhưng thực tế, người ta biết rằng đa số các biếm hoạ là nhắm vào Hồi giáo và giáo chủ Mohammed.
Có người đã kể rằng Maurice Sinet, một phóng viên của tuân báo Charlie Hebdo đã bị đuổi với lý do chống Do Thái, vì trong một bài báo về chuyện con một chính trị gia vào đạo Do Thái trước khi cưới một cô gái Do Thái thừa hưởng một gia tài lớn, ông ta đã thêm một câu ngắn người này “sẽ tiến xa trong đời”. Do đó luận cứ bênh vực quan điểm tự do ngôn luận tuyệt đối của tờ báo đã không khỏi bị có người thách đố.
Ngoài ra thì nhìn rộng hơn vào thực tế, người ta biết rằng có những người viết trên mạng ca tụng hành động của mấy kẻ sát nhân là anh hùng đã bị bắt vì tội khuyến khích bạo loạn, xáo trộn. Tự do ngôn luận là phải có. Nhưng khi thi hành quyền tự do ngôn luận này thì phải suy nghĩ. Vì thế, mới có rất đông người tham dự cuộc biểu tình đoàn kết tại Paris mà theo các đánh giá khác nhau là từ trên 1 triệu đến 3,7 triệu người, tổ chức vào chủ nhật 10 tháng 1/2015, tức là chỉ có 3 ngày sau cuộc tấn công vào báo Charlie Hebdo. Để xác quyết tự do ngôn luận và chống bạo lực khủng bố, nhưng những người biểu tình không nhất thiếtchủ trương “tôi là Charlie”, nghĩa là đồng ý với quan điểm phát biểu bất chấp, không suy nghĩ của tờ báo. Có lẽ vì thế mà trước cuộc tấn công tàn sát ngày 7 tháng 1/2015, Charlie Hebdo chỉ là một tờ báo nhỏ, với số lưu hành hàng tuần 30,000 tức là chỉ bằng 1/20 hay ít hơn, những tờ báo tên tuổi khác. Nghĩa là không có bao nhiêu dân Pháp thích chủ trương báo Charlie Hebdo để đọc.
Lâm Phong
Ngày 15 tháng 1/2015