Tina lái chiếc xe thuê ở phi trường đi theo những con đường trên triền đồi mãi mới đến được cái địa chỉ trên vùng cao Pennsylvania, nhìn ra biển xanh. Căn nhà là một cái biệt thự giữa một khoảnh đất rộng, cây cối vườn tược trông nom tuơm tất. Walter đon đả mở cửa đón khách. “Thank you for coming. It has been a long time since I left California”.
“Có lẽ tôi là người đến đầu tiên và đến quá sớm dự lễ sinh nhật tuổi 90 của anh. Cho nên chưa thấy có ai”. Tina đáp.
Tina đưa hộp bánh sinh nhật làm quà cho Walter.
“Làm gì còn ai nữa! –“ Cô là người khách mời độc nhất” –“Sao vậy?” –“Đâu còn có ai? Những bạn bè quen biết của tôi, vốn không có mấy người, không còn ai sống. Từ hồi chúng mình biết nhau ở một trường đại học cộng đồng Nam California tôi sống độc thân với bà mẹ. Cô biết là cụ đã mất rồi, hơn chục năm sau khi về đây”.
Khi Walter nhắc đến bà mẹ, Tina không khỏi hãnh diện ngầm vì bà cứ nhờ nàng giới thiệu cho Walter một người bạn gái Việt nam xinh đẹp thùy mị giống như Tina…
-“Còn cháu trai lẫm chẫm biết đi sống sót cùng với cô trong tai nạn xe hơi bi thảm chồng cô lái bây giờ ra sao?
-“Nó đã lấy vợ, có nghề nghiệp vững chãi, cả hai vơ chồng trong ngành kỹ thuật. Vị thế ổn định. Có hai con một trai một gái…
-“Không mấy chốc là sẽ có người đem thực phẩm tới đây. Để mừng sự hiện diện của cô và cho ngày sinh nhật của tôi. Tôi không phải là người biết và thích nấu cơm. Thường tôi ăn đồ hộp hay gọi cơm từ nhà hàng. Đủ các thứ, fast food cũng như cơm quốc tế. Tôi quen với những khẩu vị này từ thời gian làm ở đại học Cộng đồng California tiếp xúc với đủ các sắc tộc. Hôm nay chúng ta sẽ ăn cơm Việt Nam và Trung hoa. Mì sào thập cẩm và bún chả Hà nội. Uống sâm bổ lượng. À tôi còn nhớ những chiếc bánh chưng ngày tết dính răng lạ miệng của Việt nam.
Walter đột nhiên yên lặng. Nhìn qua cửa số hướng về phía biển. Nhỏ giọng như nói một mình. “Thật là phi thường, những người thuyền nhân tị nạn, trong đó có người con gái nhỏ nhắn ít nói, là Tina. Những buổi văn nghệ hào hứng gây quỹ đấu tranh với mấy chục thanh niên nam nữ áo nâu quần kaki đứng chật sân khấu. Mấy cái hình Tina chụp đơn ca và hợp ca với hai ba thiếu nữ khác trong những chiếc áo dài trắng thướt tha…”
**
Sau bữa cơm, trời bên ngoài đã tối hẳn. Walter mở tủ chén đĩa ra lấy hai cái lọc cà phê để trên hai cái tách bê đến đặt lên bàn nước trước chỗ Tina ngồi. “Tôi thường là uống cà phê bấm nút trên cái máy lọc cà phê expresso. Hôm nay có khách quý từ xa, tôi dùng lối pha cà phê filtre học được của Tina thời ở đại học cộng đồng”.
Ngồi nhìn cà phê nhỏ giọt. Thanh thản.
Walter mở hộp bánh sinh nhật. “Tina cắt bánh hộ đi”.
-“Bánh cho ngày sinh nhật của anh mà, làm sao Tina cắt được”. “Tina khéo tay cắt dùm”. “Thôi thì anh cắt đi, Tina phụ”. Tay Walter lạnh ngắt. Tina bất giác nghĩ tới câu người ta hay nói ‘tay lạnh thì lòng ấm’. Và giật mình tự nhủ chưa bao giờ cầm tay một người đàn ông mà nghĩ như vậy. Cũng chưa bao giờ cầm tay một người đàn ông phụ làm việc gì.
Tiếng hát Hà Thanh nhẹ nhàng cất lên trong bài hát Hoa Xuân của Phạm Duy từ chiếc hộp âm nhạc Amazon Alexa. Walter đỡ Tina đứng lên. Từng bước tiến lui dìu dặt trong điệu slow liên tiếp trôi. Nhạc hết. “Tôi thích những bài nhạc êm dịu”. Tôi nhớ giọng của Tina hát bài này trong một đại hội Tết. –“Cám ơn anh, Tina nói nhỏ. Nàng biết Walter để ý mình từ mấy chục năm nay, từ trước khi chồng nàng tử nạn xe hơi. Nhưng gạt sang bên, vì những dạy dỗ gia đình chặt chẽ. Và hãnh diện vì thế.
-“Thái độ bình thản tự tin thường trực của Tina làm tôi ngần ngại. Với cái mặc cảm là đụng vào bức tường thành văn minh cổ điển Đông phương không biết cách vượt. Và sinh ra nhút nhát không dám mở lời. Khác với cái tư thái của thanh niên đất nước này là nếu muốn thì hỏi. Được hay không đâu có sao. Cô biết tôi có PhD về văn minh Đông phương/Việt Nam. Tôi có đọc các bài thơ Trung quốc thời Đường…Các thi phẩm mới cũng như cũ của các tác giả Việt nam. Vì nghe nói hiểu được thơ thì hiểu được bản chất lãng mạn tiềm ẩn của người Việt Nam. Nhưng lý thuyết chỉ là lý thuyết. Cụ thể thì tôi vẫn mù mờ…
“Cho nên thái độ là cứ yên lặng xem sao. Sung sướng khi nhận được các thiệp thăm hỏi chúc mừng Thanksgiving, Giáng sinh và Năm mới của cô. Cho đến sau khi rời công việc cũng vẫn vui tiếp với những thiệp nhận đều đều của cô tôi còn giữ không thiếu một cái. Tôi có một người bạn Việt Nam viết văn làm báo ở New Jewsey cách đây không xa. Khi biết tâm sự của tôi và nghe tôi khoe Tina sẽ sang thăm nhân ngày sinh nhật 90 của tôi, anh đã đưa cho tôi hai bài thơ và đã dịch cho tôi nghe. Nhưng tôi vẫn không hiểu là bao nhiêu. Tina xem có giải thích được thì giúp”. Walter lấy từ dưới cái bàn cà phê một cái bìa đựng giấy rời vàng nhạt đưa cho Tina.
Mở ra là hai tờ giấy in hai bài thơ. Một có tựa đề là Tình già mà anh bảo là bài thơ mới đầu tiên viết bằng chữ abc la tinh của một thi sĩ và nhà hoạt động nổi tiếng Việt Nam đầu thế kỷ 20. Là cụ Phan Khôi.
Tình già
Hai mươi bốn năm xưa,
một đêm vừa gió lại vừa mưa,
Dưới ngọn đèn mờ, trong gian nhà nhỏ,
hai cái đầu xanh kề nhau than thở:
- “Ôi đôi ta, tình thương nhau thì vẫn nặng,
mà lấy nhau hẳn đà không đặng:
Để đến nỗi tình trước phụ sau,
chi bằng sớm liệu mà buông nhau!”
- “Hay nói mới bạc làm sao chớ!
buông nhau làm sao cho nỡ?
Thương được chừng nào hay chừng ấy,
chẳng qua ông Trời bắt đôi ta phải vậy!
Ta là nhân ngãi, đâu phải vợ chồng,
mà tính chuyên thuỷ chung!”
*
Hai mươi bốn năm sau,
tình cờ đất khách gặp nhau:
Đôi cái đầu đều bạc. Nếu chẳng quen lung,
đố có nhìn ra được?
Ôn chuyện cũ mà thôi. Liếc đưa nhau đi rồi,
con mắt còn có đuôi.
Bài thứ hai là một bài thơ Đường 4 câu của Đỗ Thu Nương:
Kim lũ y
Khuyến quân mạc tích kim lũ y
Khuyến quân tích thủ thiếu niên thì
Hoa khai kham chiết trực tu chiết
Mạc đãi vô hoa không chiết chi (*)
Đọc xong bài Đường thi tứ tuyệt Tina định hỏi tên người đã cho Walter hai bài thơ. Nhưng đổi ý, chỉ nói vắn tắt: “Thơ ngôn từ ngắn ngủi cô đọng. Khó hiểu cho nên khó dịch hết ý. Tina xin chịu”.
Thạch Trung Ẩn (ngày 13 tháng 3/2024)
++
(*)Tạm dịch thoát ý của người kể chuyện
Xin anh đừng để dành chiếc áo lụa vàng
Xin anh hãy nắm lấy thời niên thiếu
Hoa nở mà bẻ được thì hãy bẻ ngay
Đừng chờ đến lúc không còn hoa mới bẻ cành