Nghe tin anh về thăm quê và muốn gặp tôi, tôi vui mừng chảy nước mắt, những giọt lệ tưởng đã khô giòng từ sau ngày đất nước đã mất vào tay những người gọi là anh em của bờ kia vỹ tuyến.
Lê đôi nạng gỗ qua đường đê và lối đất đỏ đường làng đến quán anh nhắn sẽ gặp, lòng tôi bồn chồn bao nỗi ứơc ao của ngày xưa. Tôi còn nhớ những đêm băng rừng, vượt suối, trong gót hành quân, sương lạnh giăng giăng, anh và tôi rất thèm một điếu thuốc lá nhưng phải theo kỷ luật đời lính, ta lặng lẽ qua đường rừng, tay ghìm nòng súng phòng khi đụng chạm với họ vì những lối đi xuyên rừng sâu là địa hạt của họ. Những ngày dừng bước chốn biên khu, chúng mình khoe nhau hình người yêu duyên dáng và mơ ngày về phép. Lại có những lúc trong mịt mù khói súng anh vừa kiểm duyệt tình hình chiến trận qua máy thu thanh vừa ra lệnh xung phong hoặc yểm trợ. Bao nhiêu là kỷ niệm vui buồn của đời quân ngũ. Ngày tôi bị thương được vận tải vào chiếc trực thăng cấp cứu, anh ân cần dặn tôi gắng sức, đôi mắt anh nhạt nhòa vì khói súng hay vì lo cho tôi. Ngày cuối khi Saìgòn mất, ta lạc nhau và tôi vắng tin anh từ dạo ấy.
Thế mà thấm thoát đã mấy mươi năm qua rồi. Tôi vẫn cầu mong anh bình an và ước mong một ngày ta sẽ gặp lại.
Không ngờ hôm nay mơ ước nầy đã thành. Tin anh về lại làng mình khiến bao nhiêu người bàng hoàng vì bặt tin anh lâu quá.
Đứng ngoài hiên quán nhỏ ở đầu làng, tôi nhìn vào quán. Quanh quán, trong làn khói thuốc tỏa mờ, chỉ có đôi ba bàn là có người ngồi nhâm nhi ly cà phê nóng hay bồng bềnh với vài viên đá lạnh.
Giữa quán tôi thấy có một người đàn ông ngồi đăm chiêu trước một chén trà nghi ngút hương. Quần tây còn giữ nếp, áo xanh màu lá rừng, gương mặt vẫn phong trần và cặp kính cận vẫn nằm nghiêng nghiêng trên sóng mũi như ngày xưa. Anh ngồi đó như một thư sinh qua làng chừng như chờ đợi ai đâu đấy.
Sao lòng tôi bỗng ngại ngùng, chẳng biết mình có muốn đến bắt tay chào anh không.
Tôi tự hỏi bao năm qua, bao nhiêu là thay đổi trên sóng đời, không biết tâm tình bằng hữu và chiến hữu của anh và tôi còn gần gũi như ngày xưa không nhỉ.Tôi nghe người bảo anh về từ xứ Mỹ xa xôi. Bây giờ anh và tôi là hai cuộc đời, hai nếp sống khác nhau, hai phương trời đông tây cách biệt. Anh xem ra vẫn nguyên lành như ngày nào, chắc vẫn còn thích vẫy vùng bầu trời bao la, còn tôi đời rất phong sương với đôi nạng gỗ dù đôi tay vẫn cầm được ngòi bút để viết văn và mài cọ vẽ, viết bài tâm tình và họa tranh quê hương và dân mình để kiếm ăn qua ngày.
Phân vân mãi, tôi đến quyết định là hãy để ngày xưa còn lại là ngày xưa, vì tôi muốn giữ hình ảnh thân yêu của tình chiến hữu huynh đệ chi binh như ngày nào. Nếu gặp lại thì anh như cánh chim trời, còn tôi như cây đa, bến cũ, con đò, dạn dày gió bụi. Dù ta có hàn huyên chuyện ngày xưa, thì cuộc đời cũng ít nhiều thay đổi tâm tánh hai người. Tôi muốn giữ mãi trong tâm hồn ánh mắt chứa chan lo lắng của anh khi đưa tôi lên chiếc trực thăng về tổng y viện Cộng Hòa. Toi sợ bẽ bàng nếu anh thuộc loại Việt Kiều về lại quê hương mà quên lòng quê hương. Tôi sợ anh nhìn tôi với ánh mắt thương hại dù đôi nạng chỉ làm chậm bước của tôi nhưng không chùng ý chí và chẳng mang đi những hoài bảo nghệ sĩ tính của tôi. Rốt cuộc, tôi nghe mình buông tiếng thở dài và thầm lặng quay bước trở lại bờ sông và căn nhà của mình. Nơi đó, tôi nâng niu tấm thẻ bài quân đội Việt Nam Cộng Hòa của ngày xưa và ngồi mơ lại một thời tung hoành ngang dọc bên nhau, hai nòng súng cận kề, hai điếu thuốc lập loè trong đêm, cùng mơ ngày thanh bình về với quê hương.Tôi thầm lặng chúc anh một cuộc viếng thăm làng quê với bao điều vui, nếm lại hương vị quê nhà, cánh đồng vàng lúa, bờ đê chiều với người dân quê lững thững quang gánh trên đường về xóm, theo sau là đàn trâu nghé, xa xa văng vẳng tiếng sáo diều vịnh hồn quê hương bất diệt.
Và với vài giọt lệ ứa, tôi cảm ơn tình anh một lần về thăm người bạn thiết của một ngày xưa hạnh phúc dù gian nan khói lửa đầy trời quê hương.
Tôi cảm thấy an bình với quyết định của mình, hãy để dĩ vãng xuôi dòng, và giữ lại những gì trong sáng êm đềm làm nền tảng cho cuộc hành trình của những ngày còn lại của cuộc đời thế nhân,
Huỳnh Anh Trần-Schroeder
2- NGƯỜI VỀ
Chống đôi nạng gỗ bên quán lá,
Nhìn bóng người về tự phương xa,
Phong trần thuở đó ai còn nhớ,
Chẳng biết người về có nhớ ta?
Khói thuốc tỏa mờ trên góc mái,
Như trong rừng lá gió thu lay,
Bao nhiêu kỷ niệm ngày binh lửa,
Sau nhịp hành quân mắt nồng cay.
Giờ đây khói tỏa mờ dư ảnh,
Nhìn bóng người xưa, nhớ mộng lành,
Anh bảo thanh bình ta gặp lại,
Nắng rạng, tình người hết mong manh.
Đăm chiêu, anh ngước nhìn lối vắng,
Âm thầm tôi đếm những mùa trăng,
Nhìn đôi nạng gổ, buồn da diết,
Hai lối đường đời vẫn cách ngăn.
Thôi nhé người về, nắng chiều thưa,
Tìm về quá khứ, nhớ người xưa,
Một lần cũng thỏa ân tình nặng,
Nạng gổ, chim trời, đời gió mưa.
Huỳnh Anh Trần-Schroeder