Từ lâu tôi đã rất ngạc nhiên và bức xúc với việc tại sao vùng đất hạn hán Bình Thuận, Ninh Thuận cứ mãi chịu cảnh thiếu nước, đến mức có năm cừu, bò không có cỏ để ăn, còn người dân thì phải dùng cả nước ô nhiễm nặng để sinh hoạt?
Phát triển không thể đồng đều tuyệt đối, nhưng đừng chênh lệch đến mức khiến một bộ phận dân cư nào đó sống với cảm giác họ bị lãng quên, hoặc tệ hơn nữa, bị bỏ rơi.
Vì thế, khi nghe Quốc hội đồng ý đầu tư một hồ thủy lợi với sức chứa hơn 50 triệu mét khối nước, thú thực là tôi thấy lòng có chút nhẹ nhõm.
Sáng nay chủ đề của "Hội đạp xe" chúng tôi bỗng xoay quanh khu rừng 600 ha sắp bị phá, để làm cái hồ đang nói tới. Một thành viên trong nhóm, thay cho việc đưa ra quan điểm, đã kể lại chuyện sau đây.
Theo như anh nghe được từ một người tham gia đầu tư làm thủy điện, thì thứ mà họ nhằm đến không phải là nhà máy phát điện sau này (vừa bé bát gạo, vừa lâu đồng tiền), mà là số gỗ của khu rừng bị phá để làm lòng hồ và mặt bằng công trình.
Một khối lượng gỗ khổng lồ, toàn gỗ quý, mới là món lợi chính đáng để đầu tư công sức chạy chọt.
Kể xong anh kết luận: Mục tiêu vẫn là gỗ các ông ạ.
Tôi nghe vậy, bèn bảo với anh:
-600 ha rừng sắp bị phá để làm hồ Ka Pét chắc chắn là rừng tràm, rừng keo chứ Quốc hội còn lâu mới cho động đến rừng đặc dụng, rừng nguyên sinh. Quốc hội cũng nhiều người thông minh, tử tế, thương xót môi trường chứ ông.
Mọi người lập tức đồng ý với tôi. Gỗ nhóm tứ thiết, bét cũng phải gỗ thông...mới có giá, chứ tràm hay keo đều là gỗ tạp, chỉ làm giấy hoặc ván ép, giàn giáo...là cùng.
Về nhà tôi bèn vào đọc các báo, để thật yên tâm và giật mình với những thông tin về khu rừng. Hóa ra, dù đã được điều chỉnh, thì trong số 600 ha có tới gần 140 ha là rừng đặc dụng. Rừng đặc dụng quý báu ra sao, có vai trò gì với sinh thái thì bạn hoàn toàn có thể biết trong vòng vài phút. Số rừng còn lại, đều có tuổi từ trăm năm trở lên. Có nhiều cây gỗ lim, gỗ căm xe, bằng lăng vài trăm tuổi, cao tới 30 mét, tỏa tán che phủ một diện tích lớn.
Để hình dung về độ cổ xưa và ổn định sinh thái của khu rừng, chỉ cần biết rằng đại bàng, loài chim khổng lồ và cực kỳ khó tính, tất nhiên cũng vô cùng quý hiếm, đã chọn làm nơi sinh sống.
Nhưng quan trọng là khu rừng đã gắn bó với cả một cộng đồng cư dân tới mức có thể ví nó với máu thịt họ.
Không ổn. Rất không ổn các ngài dân biểu ạ. Quốc hội cần ngay lập tức cho dừng dự án đó lại, tìm phương án khác.
Tôi tin rằng luôn có phương án khác tốt hơn, với khả năng khoa học và công nghệ hiện nay. Đã có lúc tôi nghĩ, liệu có thể làm hồ chứa, tích nước ở ngay vùng cát cháy? Chắc chắn phức tạp, tốn kém hơn, nhưng khi còn có thể trả bằng tiền thì vẫn chưa phải là đắt nhất?
Chả hiểu sao tôi đặc biệt bất an với thông tin sau đây của Vnexpress:
"Khu rừng sẽ được bán đấu giá cho đơn vị khai thác gỗ".