Nửa thế kỷ vừa qua tại đất khách quê người tôi đã đi dự nhiều tang lễ và cũng nhiều lễ giỗ thân hữu. Không lần nào đáng ghi nhớ hơn lần này. Chủ nhật giữa tháng tám tới tham dự lễ giỗ phó đề đốc Hoàng cơ Minh. Cấp bậc này phía bộ binh chúng tôi gọi tướng một sao là chuẩn tướng.
Trời San Jose hôm nay không quá nóng nhưng giữa khung trời vắng lặng của một khu đất mênh mông được ban tổ chức dành làm nơi tưởng niệm cho vị anh hùng hải quân đã hy sinh 36 năm về trước. Buổi lễ ngoài trời.
Một bàn thờ được thiết lập với 12 hình ảnh của Kháng chiến quân đã hy sinh. Chính giữa là hình của tướng Minh, người của sông biển nhưng đã tự vẫn trong trận sau cùng nơi rừng núi Hạ Lào.
Sau phần nghi lễ mở đầu, rồi mặc niệm đọc tên và tiểu sử các kháng chiến quân cán bộ đã hy sinh. Có đủ các anh hùng của 3 miền đất nước. Hải quân Hoàng Thế Dân là người tổ chức đã trình diện các đoàn viên Việt Tân mà ông gọi long trọng là các đảng viên.
Sau bài văn tế đến lượt quan khách lên thắp hương. Một vài bài ca kháng chiến và đấu tranh trong phần tiếp tân để chấm dứt chương trình. Quan khách không đông đảo ồn ào vì chỉ gồm các thân hữu tình cảm từ thời Kháng Chiến cho đến Việt Tân ngày nay.
Tôi ngồi cạnh bác Hoàng Cơ Long. Vị luật sư một thời ở Đà Lạt và là huynh đệ quan trọng với họ Hoàng Cơ Kháng Chiến. Bác Long khoe rằng tuổi thực 1932 hơn tôi 1933 là một tuổi. Nhưng giấy tờ thì ông Long sinh 1934, thua tôi 1 tuổi. Tôi hỏi bác Hoàng cơ Minh bao nhiêu tuổi, ông Long nói rằng bây giờ thì cũng ở tuổi như mình. Ngoài 90.
Tôi bèn nhắc lại vài kỷ niệm cũ với ông Minh. Hồi tháng 3 của năm 1975 khốn nạn, từ bộ Tổng Tham Mưu tôi trôi dạt đến căn cứ Cam Ranh của Hải Quân. Có 2 trực thăng đậu dưới sân Cờ. Của trung tướng Thi và thiếu tướng Thân. Các ông từ vùng di tản bay về ghé căn cứ hỏi thăm tình hình. Tôi cũng mới gặp ông Phú từ Nha trang nên cho các ông tướng biết vài tin tức. Lát sau 2 ông lên trực thăng bay đi.
Ông Minh ghé lại hỏi tôi các xếp đi đâu rồi. Trả lời không biết. Nhớ ngày mới vào trường Đà Lạt 1954, xếp Tây dạy Combat một thời nói rằng. Có lúc mạnh ai nấy chạy. Sauve qui peut. Chiến sĩ hãy giữ mạng sống để sẽ chết lần sau. Tôi cũng cho tướng Minh biết là đoàn viên Tổng tham mưu đi với tôi sẽ nhờ tàu hải quân về Sài Gòn. Hẹn sẽ gặp nhau.
Tháng 5-1975 tôi gặp lại tướng Minh ở đảo Guam. Tình cờ được ở chung với 20 vị tướng hải lục không quân. Các vị niên trưởng của tôi phần lớn yên lặng, riêng ông Hoàng Cơ Minh vẫn nóng nảy bồn chồn. Đứng ngồi không yên.
Khi vào Mỹ được tin bác Minh ở DC làm thợ sơn, phần tôi trôi dạt về Illinois cũng làm thợ sơn. Chuyên sơn gầm xe tải khổng lồ. Kiếm sống cho qua ngày. Nào biết làm gì cho hết nửa đời sau. Ngó về quê hương, toàn chuyện các chiến hữu tự sát hy sinh và những bạn trong tù xiềng xích trông theo. Sau 1 năm dài chúng tôi kéo nhau về San Jose. Sinh hoạt với hội cựu chiến sĩ và đọc thơ Cao Tần. Hỡi người chiến binh, một đời anh dũng. Mày lang thang đất lạ đến bao giờ?.
Vào buổi chiều mưa gió tôi được mời đến nhà ông trung tá quân báo Ng Xuân Phác gặp phái đoàn Kháng Chiến đi thuyết khách. Lúc đó tôi đang làm tại IRCC có sự hiện diện của luật sư Đỗ Ngọc Phú giới thiệu với các nhà cách mạng. Ông Minh ngồi yên lặng và chúng tôi nghe đại tá Phạm Văn Liễu trình bày. Già Liễu nói chuyện rất nhiệt thành và lôi cuốn.
Chúng tôi thẩy đều rung động. Tôi để cho con tim đi theo tiếng gọi của ước mơ hoang tưởng và cho bộ óc suy luận phức tạp ngủ yên.
Tôi và bác Nguyễn Xuân Phác, Đỗ ngọc Phú đều hứa hẹn theo Kháng Chiến. Nhưng về sau ông Phác và ông Phú bỏ cuộc. Trái tim tôi vẫn đi theo Kháng Chiến cho đến ngày nay. Bạn bè chỉ dẫn rằng ông bị chúng nó lừa mà vẫn chưa tỉnh.
Xin trả lời rằng suốt đời di tản tôi chỉ muốn hàng ngày có người đến lừa tôi về chuyện núi sông.
Có người lên án tôi là tên đại tá đui mù chạy theo Kháng Chiến đến nay mà chưa mở mắt ra.
Quý vị không biết rằng năm 40 tuổi đến Hoa Kỳ, chạy để trốn cái nhục mất nước, cơn khát vọng kháng chiến như nhập vào hồn người lính bại trận. Không hề suy luận như ngày nay. Người ta về từ Âu Châu, từ Úc Châu và từ Mỹ Châu. Phong trào Kháng chiến thời đó dâng cao như sóng thần. Dù chẳng bỏ nhà đi theo các bạn nhưng bằng tấm lòng và cây viết, tôi xây dựng tình yêu kháng chiến.
Ngày nay, sau 40 năm chia xẻ với các bạn áo nâu, trong cái lễ giỗ bác Minh rất đơn sơ đạm bạc. Mỗi năm vào dịp Tết hay 30 tháng tư vẫn thấy có người treo cờ vàng trên các thương xá. Dù đúng hay sai. Các bạn gọi tôi là tên đại tá ngu dại và mù lòa. Tôi xin chấp nhận chịu cảnh mù lòa để giữ mãi tình yêu, Tình yêu Kháng chiến.
Các bạn trẻ Trần Văn Bá về từ bên trời Âu. Bác Võ Đại Tôn còn sống bên Úc, bác Hoàng cơ Minh đã chết bên Lào. Và những tuổi trẻ lên đường từ Á Châu, Nhật Bản. Hãy ghi nhận tình yêu của tôi. Chúng nó gọi tôi là đại tá chết mà chưa chôn. Quả thực tôi đang thụ huấn khóa Huấn Nhục của trung tâm Dục Mỹ hải ngoại. Các bạn trẻ ngày này làm sao biết được hoàn cảnh của cánh già hải ngoại thời đầu đời di tản.
Nên phải ghi lại đôi lời phân trần cho thế hệ mai sau. Ngàn năm thời giặc Tàu đô hộ ông cha ta đã có bao nhiêu cuộc khởi nghĩa nhưng không thành công. Tám mươi năm bị Pháp cai trị. Từ Bắc đến Nam đã có biết bao nhiêu người nổi lên Cần Vương và Kháng Chiến. Các nhà vua chống Pháp bị lưu đầy và các anh hùng chống Pháp bị tàn sát. Tất cả đều thiếu phương tiện, không có thời cơ. Nhưng tất cả đều đứng lên. Họ là những người không chịu nhục.
Trần Văn Bá, Võ Đại Tôn và Hoàng cơ Minh là những người không chịu nhục.
Người xưa đã nói rằng. Đừng đem thành bại luận anh hùng. Sau cùng, thêm một lần nữa tôi nghĩ đến 36 năm xưa. Khi bị thương nằm giữa rừng núi Hạ Lào, bác Hoàng Cơ Minh trước khi cầm súng tự vẫn, bác đã nghĩ đến chuyện gì.
Cùng với biết bao nhiêu anh hùng dân tộc từ thời Bắc thuộc đến thời Tây đô hộ, ông cha ta đã khởi nghĩa vì không chịu nhục.
Ba mươi sáu năm xưa bác Minh đã lấy cái chết tuẫn tiết với màu đào chảy giữa rừng xanh để rửa nhục.
Hành động của bác đã giữ cho tôi cái tình yêu kháng chiến dù có mang danh kẻ ngu dại mù lòa.
Kháng Chiến hay là chết. Ông Minh đã đưa ra khẩu hiệu lên đường nhưng nó chỉ dành cho riêng ông.
TRÁCH CHI NGƯỜI ĐEM THÂN GIÚP NƯỚC
Giao Chỉ, San Jose.
giaochi12@gmail.com (408) 316 8393