Lời dẫn của Nguyễn Xuân Diện: Đọc loạt 3 bài kí sự của nhà thơ Nguyễn Bảo Sinh ở đây, có thể người đọc sẽ có cảm nhận khen chê khác nhau. Tôi cũng đọc từng bài ngay khi mỗi bài được xuất bản; rồi lại đọc liền mạch 3 bài. Mỗi lần là một cảm xúc và thậm chí là nhận định khác nhau.
Bất giác, ở lần này, tôi nhận thấy, tất nhiên là theo thiển ý của riêng tôi thì Nguyễn Bảo Sinh qua loạt bài này, đã lẫm liệt treo mình lên, cốt là để người đời được nhìn thấy cái hiện trường nơi ông treo mình là ghê gớm đến thế nào.
Bảo Sinh đã góp phần giải thích “hiện tượng” những nhà báo nhà thơ đã gây sửng sốt cho bạn đọc tử tế mấy ngày vừa qua. Bản phong thần của ông có thêm nhiều tên tuổi, thêm những văn nghệ sĩ và hé lộ xem ra có vẻ còn nhiều lắm. Bảo Sinh cũng thần bút khi phác hoạ chân dung của những người nắm trọng trách ở Hải Phòng: Nếu không có vụ phạm tội giải cứu bị lộ và đi tù, thì với “khí phách” đó, sự “vũ dũng” đó, cung cách thể hiện ăn to nói lớn và đầy vọng tưởng đó, logic tất yếu là kẻ nắm trọng trách tỉnh này hẳn sẽ không chỉ dừng lại ở vị trí cấp tỉnh. Cái rợn người của văn chương Bảo Sinh là ở chỗ đó. Một kẻ tội phạm lộ rõ chân dung ngay khi chưa phạm tội quả tang. Để rồi từ đó mà soi ngược lại bản án của tử tù Nguyễn Văn Chưởng mà người đó có liên quan, sẽ rõ như ban ngày. Như vậy là Bảo Sinh đã chiếu ánh sáng 1000W vào bản án đang gây tranh cãi còn gì! Bắt chước cách nói của nhà thơ vừa “nổi tiếng” mới đây, tôi có thể nói là Bảo Sinh dù cũng đã từng này nọ cùng đám họ nhưng ông ấy không hèn. Còn hơn thế, đại dũng đấy!
Nếu bạn có cảm nhận khác thì xin hãy cho biết ý kiến ở còm men, tôi xin sẵn lòng tiếp thu.
****🍁*****
Nhà thơ Nguyễn Bảo Sinh, 3 lần bát phố Hải Phòng:
BÁT PHỐ HẢI PHÒNG (LẦN I)
Không biết duyên cớ gì tôi được mời nhiều lần xuống dự giao lưu văn nghệ giữa Hà Nội và Hải Phòng tại khách sạn Mác-Xim, phố Lý Tử Trọng do Dương Tự Trọng – phó giám đốc Sở Công an Hải Phòng tổ chức. Dương Tự Trọng học Bách Khoa, người vuông vức, đầy cơ bắp, dáng dấp của một võ tướng, trông phảng phất giống Lã Bố, những tay giang hồ đất Cảng trông thấy đều kính, yêu, nể, sợ. Nhưng không ai ngờ Trọng lại rất thích làm thơ, quý yêu anh em văn nghệ sĩ. Những buổi giao lưu, kẻ sĩ Hải Phòng quý Trọng nên đến rất đầy đủ. Có lần, Trọng tiếp anh em văn nghệ sĩ say sưa từ sáng tới tối. Nguyễn Huy Thiệp thấy mệt quá không chịu đựng được đã nói một câu thẳng thắn, chân thực, đáng yêu làm mọi người sốc:
- Anh Trọng ơi, tôi đi từ Hà Nội lại ngồi giao lưu suốt ngày, xin phép anh ra Đồ Sơn hát karaoke thư giãn, sáng mai mới đủ sức giao lưu tiếp.
Trọng bảo:
- Karaoke ở Hải Phòng là hàng chợ, hàng xịn phải ngay tại trung tâm thành phố.
Thế là Trọng chiều Thiệp và Bát Phố (tức Nguyễn Bảo Sinh - DL), điều ngay một chiếc xe ô tô và hai cảnh sát bảo vệ, tùng rinh đưa đi hát karaoke. Tôi hốt hoảng bảo:
- Anh Trọng cứ để tôi tự đi, miễn quân anh không bắt phạt hành chính là phúc mười đời rồi.
Trọng nghiêm mặt bảo:
- Bác không hiểu cái đinh gì cả. Nếu bác tự đi hát karaoke bị bắt là một lẽ, nếu biết tôi sẽ cứu. Nhưng nay bác là khách của Dương Tự Trọng, đi hát karaoke bị bắt thì Trọng còn mặt mũi nào sống ở đất Cảng này nữa.
Tôi im bặt, mặt bẽn lẽn. Thế là lần đầu tiên trong đời và có lẽ cũng là lần cuối cùng tôi đi hát karaoke trên xe cảnh sát, có công an mang súng ngồi bảo vệ. Ngồi trên xe, rất nhiều lần tôi muốn bắt chuyện với đồng chí cảnh sát bảo vệ mà không biết nói gì. Mọi lần đi hát karaoke với bạn bè thường kể chuyện tiếu lâm, mắt cười hấp háy, lần này thì không khí lại trang nghiêm như đi dự phiên toà.
Tôi và Thiệp mỗi người được một phòng hát riêng, tiếp viên là sinh viên trường nhạc đẹp như cô tiên, nhưng mặt lạnh như kem. Tôi trông thấy cụt hứng ngay. Cô tiên ngồi cạnh tôi hoàn toàn vô cảm, làm gì mẫu số của cô thì làm, còn tử số thì cô say sưa bấm điện thoại, nhắn tin, nghe nhạc:
“Bướm làm tình, tay nhắn tin
Đó là phong cách tuổi teen bây giờ”
Tôi nhìn cô tiên vô duyên quá đành bảo cô thôi và xin mời cô về cho sớm chợ. Tuy có hơi tiếc vì cô trẻ đẹp quá. Cô tiên có lẽ cũng hơi ân hận. Cô bảo:
- Em và bạn do cấp trên điều đi chứ em không phải là tiếp viên nhà hàng.
Cô tiên lại hỏi tôi:
- Bạn của bác có già như bác không?
Tôi bảo:
- Cũng vầy vậy…
Cô tiên thở dài não ruột, than:
- Khổ cho con Nhím bạn em quá!
Thế là cô tiên hồn nhiên, mở toang cửa, chạy tót sang phòng karaoke của Thiệp gõ cửa dồn dập như cảnh sát đến kiểm tra:
- Nhím ơi! Nhanh lên! Tao thoát rồi…
Tôi vội vàng mặc lại quần áo nghiêm chỉnh, hé cửa ra nhìn, thấy hành lang không một bóng người. Sau này tôi mới hiểu, quán được lệnh bảo đảm an toàn cho nhận vật quan trọng đã đóng cửa không tiếp ai, các nhân viên cũng không được bén mảng lên, hai đồng chí công an bảo vệ ngồi gác ở dưới phòng lễ tân. Tôi và Thiệp ra về thấy buồn hẳn chứ không như mọi lần. Mà cũng không hiểu buồn về gì? Tôi và Thiệp xuống quầy lễ tân thanh toán tiền hát. Bà chủ giật phắt mình và lắc đầu quầy quậy:
- Bác Trọng đã nhờ là chúng em vinh dự lắm rồi.
Tôi và Thiệp cố nài nỉ để trả tiền. Bà chủ mặt tái xanh, sợ hãi:
- Nếu lấy tiền của bác thì chúng em chỉ còn có bán xới mà đi. Hai bác thương em, để con em có bát cơm rau, bác cứ vui vẻ về nói với bác Trọng là em đội ơn bác nhiều.
BÁT PHỐ HẢI PHÒNG (LẦN II)
Lần này, Trọng giao cho Đinh Quân lấy ô tô đưa đón tôi. Tôi đi một mình, không cùng Thiệp. Đinh Quân là hoạ sĩ Hải Phòng lập nghiệp ở Hà Nội, lấy vợ là hoa hậu. Đinh Quân là một người mẫu mực. Cái sai sót lớn nhất của Đinh Quân là không có sai sót gì. Đinh Quân nhà cao, cửa rộng, vợ đẹp, con khôn, lại đẹp trai như tài tử: lái xe ô tô giỏi, tiếng Anh thành thục. Đúng là con người của thời đại. Thường những văn nghệ sĩ Hải Phòng đi lập nghiệp ở các nơi thành công hơn ở quê hương.
Xuống Hải Phòng, tôi và Đinh Quân lại đến khách sạn Mác-Xim. Giám đốc khách sạn Mác-Xim là Tuấn. Tuấn say đắm chơi kèn trumpet nên hỗn danh là Tuấn Trumpet. Khách sạn Mác-Xim là nơi đàn em Năm Can như Dung Hà cũng thường tụ tập ở đây.
Mở đầu cuộc giao lưu, Tuấn trình bày tiết mục kèn trumpet. Nghệ sĩ nhân dân Quang Thọ hát và bát Phố đọc thơ. Mọi lần giao lưu, Trọng chỉ uống rượu và ngồi nghe. Lần này, Dương Tự Trọng đứng lên tự trình diễn bài thơ về Hoàng Sa và Trường Sa. Trọng trình bày một cách say đắm, các nét khắc khổ trên khuôn mặt Trọng tan biến hết. Mọi người thấy như có cơn mưa hoa phơi phới bay.
Đọc xong thơ, Trọng chỉ đích danh tôi phát biểu cảm tưởng, tôi hơi bí vì sợ nói thật mất lòng, tôi rất quý cách chơi thơ của Trọng, còn giá trị thơ Trọng cũng giống như hàng vạn bài thơ khác. Nhưng theo phép lịch sự, tôi phải gượng gạo khen đứt lưỡi, chả vờ yêu cầu Trọng đọc lại. Tôi rút bút bi ra ghi ghi chép chép, vờ nhăn trán nhíu mày như bài thơ của Trọng, mở ra những chân trời mới, khiến lòng mình thấy dào dạt, mênh mông sóng xô thuyền ra khơi xa. Tôi đứng dậy, vỗ tay đồm độp, lẻ tẻ có một vài tiếng vỗ theo rời rạc. Trọng bảo sắp có đoàn nhà báo Công an Nhân dân do đại tá – nhà thơ Hồng Thanh Quang dẫn đầu. Hồng Thanh Quang mặt trông rất ái, là nhà thơ nổi tiếng về du dương và nhễ nhại, rất được lòng các cô gái cứng tuổi, chán chồng, mắc bệnh mộng mơ. Chờ khá lâu, Hồng Thanh Quang cùng đoàn nhà báo mới tới. Mọi người ngồi yên vị, Dương Tự Trọng giới thiệu khách mới đến, trách khéo Hồng Thanh Quang đến muộn để Bát Phố cứ nhắc mãi. Tôi giật mình đánh thót vì tôi với Hồng Thanh Quang không ân oán giang hồ, không nặng nợ cơm áo thì nhắc đến nhau làm gì. May ra chỉ loáng thoáng nhớ một lần đại hội báo Công An họp ở Cung Văn hoá Hữu nghị Việt Xô, Hồng Thanh Quang giới thiệu tôi với các đồng nghiệp:
- Đây là nhà thơ dân gian Bát Phố, trước kia ta ghi vào sổ đen nhưng hình như có lẽ đã xoá rồi thì phải.
Được Hồng Thanh Quang cho trắng án nhưng vẫn lo vì Quang chỉ bảo là “hình như” thôi.
“Làm thơ mà không bị tù
Là nhờ kiếp trước đã tu nghìn đời”
Dương Tự Trọng bỗng đứng phắt dậy, trông oai phong lừng lững, mặt nghiêm bảo Hồng Thanh Quang:
- Tôi vừa đọc bài thơ Trường Sa – Hoàng Sa, bác Bảo Sinh khen tuyệt mà sao gửi lên báo An Ninh Thế Giới không đăng, chỉ đăng thơ Hữu Ước. Tôi nghĩ, Bảo Sinh khen thì có giá trị quái gì.
Hồng Thanh Quang rất khéo léo nói:
- Chắc chắn tuần này sẽ đăng trên báo An Ninh Thế Giới cuối tháng.
Dương Tự Trọng bảo:
- Thôi không cần, đã đăng ở báo Quân Đội Nhân Dân rồi.
Trọng bỗng nhìn thấy tôi đang ẩn sau lưng Quang Thọ bèn bảo:
- Tôi đã nghe bác Sinh đọc thơ nhiều lần, chưa lần nào tôi có ý kiến, lần này tôi khuyên bác nên bỏ làm thơ theo tôi, rồi có phúc ta cùng hưởng, có hoạ ta cùng chịu, những người có uy tín trong dân gian như Bát Phố, Trọng rất cần.
Tôi nghĩ, không biết Trọng cần gì, chỉ có phúc thì Trọng hưởng, có họa thì Bát Phố chịu thôi.
“Làm thơ phải biết tránh voi
Tránh voi chẳng xấu cái vòi của thơ”
Thấy tình hình có vẻ căng, Bát Phố nhớn nhác muốn tháo chạy. Bằng con mắt nghiệp vụ, Trọng biết ngay. Trọng phân công một cô sinh viên trường múa xinh như mộng ngồi cạnh tôi, bảo phải giữ bằng được tôi ngủ lại Hải Phòng tối nay. Ngắm mĩ nhân tôi cũng máu, tối nay được ở lại tâm sự cùng nàng, nhưng nỗi sợ dây dưa đến chính trị mạnh hơn. Trọng lại đứng lên hướng về phía Hồng Thanh Quang nói:
- Hữu Ước vẽ tranh con cò bán đấu giá 3 tỷ. Trọng sẽ vẽ tranh trâu chọi Đồ Sơn giá 9 tỷ, có chữ ký của Bộ Chính trị. Quang có dám nhận lời thách đấu không?
Hồng Thanh Quang can khéo:
- Hữu Ước là sếp của mình, Trọng là bạn mình. Xưa nay Quang không hề can thiệp vào nội bộ của Trọng nên việc của báo An Ninh Thế Giới cứ để Quang lo.
Trọng lại nói tiếp:
- Các anh trên ấy áp chế chúng tôi quá lắm.
Hồng Thanh Quang:
- Các anh là quan đầu tỉnh, chúng tôi làm sao có thể áp chế nổi. Nếu như thảo dân Bát Phố thân cô thế cô bị áp chế thì còn nghe được.
Đến đây thì Bát Phố vô sở cầu, cố tìm cách tẩu phi thượng sách, tránh cảnh trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết. Tôi ghé vào tai Đinh Quân nói nhỏ:
- Mình giả vờ đi toa-lét, sau đó mười phút thì Quân xuống đưa mình về Hà Nội nhé.
“Rượu chè, cờ bạc, gái trai
Là thuốc trường thọ ông trời cho ta
Chính trị là thứ tránh xa
Bàn nhiều đoản thọ hoặc là đánh nhau”
Đúng mười phút sau, Đinh Quân xuống mở cửa xe ô tô, tôi chui tọt vào như Thoát Hoan chui vào ống đồng chạy về Tàu.
Xe Đinh Quân đỗ lại gần Nhà Hát Lớn để mua bánh mì tại cửa hàng ngon nhất Hải Phòng. Bát Phố bảo không cần vì muốn chuồn càng nhanh càng tốt. Đinh Quân vốn chu đáo, vẫn mua bánh mì cho anh em ăn, lại thêm cả một gói về gửi quà cho vợ. Ngồi trên xe, tôi luôn mồm giục Quân đi thật nhanh. Quân bảo đi nhanh nữa sẽ bị bắn tốc độ. Đi khoảng một lúc, tôi lại hỏi tới Hải Dương chưa? Quân đùa bảo chắc ở đấy có bồ đợi phải không? Tôi im lặng. Khi đến Hải Dương, Quân mới hỏi sao bác quan tâm đến Hải Dương thế. Tôi bảo vì còn ở đất Hải Phòng sợ Dương Tự Trọng cho quân bắt kẻ trốn giao lưu về xử phạt.
“Lã Bất Vi buôn cả vua
Hồ Xuân Hương chửi cả chùa lẫn sư
Bọn họ gan lớn mật to
Còn ta gan bé nằm lo sập trời”
BÁT PHỐ HẢI PHÒNG (LẦN III)
Đây là lần cuối gặp Trọng trên danh nghĩa phó giám đốc Sở Công an Hải Phòng. Lần này, nhân vật chính là nhạc sĩ Phú Quang. Lúc này Dương Chí Dũng đã bỏ trốn, Phú Quang sáng tác bài ca “Tình mẹ” để tặng mẹ Dương Chí Dũng và Dương Tự Trọng. Xe ô tô không quá cảnh ở khách sạn Mác-Xim mà chở thẳng chúng tôi đến nhà riêng của Dương Tự Trọng.
Khu biệt thự của Dương Tự Trọng cách Cầu Rào khoảng 2 kilômét. Biệt thự này xây theo kiểu Pháp đẹp một cách hoành tráng, uy nghiêm và tế nhị theo kiểu Nhà Hát Lớn, hoa văn, đường nét cầu kì, kiêu sa, duyên dáng. Anh em văn nghệ sĩ Hà Nội vào thăm mẹ Dương Tự Trọng, lúc này Dương Chí Dũng đang bỏ trốn. Ca khúc “Tình mẹ” của Phú Quang thể hiện tình cảm sâu sắc của người mẹ dù con cái có như thế nào chăng nữa.
“Con ta không phải của ta
Tai hoạ của nó mới là của ta
Của chìm của nổi trong nhà
Của ta rồi sẽ lại là của con”
Mẹ Dương Chí Dũng là một người phụ nữ Việt Nam tuyệt vời, khéo léo và sâu sắc hơn Dương Tự Trọng. Trọng và Dũng thành đạt trong quan trường cũng nhờ phúc của mẹ. Cụ người vừa phải, dáng phúc hậu, ăn nói khéo léo, tế nhị, khiêm tốn. Mọi người khen căn biệt thự, cụ nói Xưa đây là mảnh ruộng trồng rau muống, cho không ai nhận. Em Trọng nó phải cải tạo mãi mới tàm tạm như ngày nay.
Cụ tiếp anh em văn nghệ Hà Nội rất sành điệu, rất nghệ thuật và khiêm tốn. Cụ kể khi Dương Chí Dũng bỏ trốn, cụ thấy chung quanh nhà công an đứng canh gác cẩn mật. Nhiều đêm tối, mưa rét căm căm, cụ ra mời từng đồng chí công an vào nhà mình uống nước. Cụ bảo các đồng chí cứ vào hẳn nhà canh gác, đừng e ngại gì cả.
Bài hát “Tình mẹ” của Phú Quang trình diễn rất cảm động, đúng với tâm tình người mẹ làm mọi người rưng rưng cảm động. Mẹ Dương Tự Trọng rơi nước mắt. Sau đó, cụ bổ bưởi, bóc cam, rót nước mời mọi người. Cụ mời khéo đến mức không ai có thể từ chối được. Sau tuần trà nước lễ nghi, chúng tôi lên dự tiệc chiêu đãi ở tầng hai.
Dương Tự Trọng mặt buồn, đứng trước phòng tiệc mời chào từng người, đến lượt Bát Phố, Trọng giới thiệu:
- Đây là nhà thơ khủng của Việt Nam.
Tôi hoang mang, không biết “khủng” là như thế nào, khen hay chê đây?
Sau bữa tiệc giao lưu, khoảng hai mươi người, Trọng phong bì cho mỗi người 3 triệu. Một đồng chí phó Tổng giám đốc công ty Khoáng sản tặng lại tôi cái phong bì vì tôi là người già nhất hội. Mọi lần, Trọng thường theo đoàn về khách sạn Mác-Xim giao lưu, lần này Trọng chỉ tiễn chúng tôi ra đến cổng rồi quay vào nhà ngay.
Mọi người về khách sạn Mác-Xim không có Trọng nên ngơ ngác như rắn không đầu. Có người ghé vào tai tôi bảo:
- Đây là lần gặp và nhận phong bì cuối cùng của Dương Tự Trọng.
Cũng có người bảo nhỏ với anh em văn nghệ sĩ:
- Tất cả những người vào nhà Trọng đều được quay camera đủ cả bốn chiều.
Khi về đến Hà Nội, tôi mới được tin Dương Tự Trọng bị bắt vì tội bố trí cho Dương Chí Dũng bỏ trốn. Hôm sau, báo chí cũng đăng tin Dương Tự Trọng đã bị bắt, đồng thời cũng ghi chú thêm: Dương Tự Trọng là người rất yêu nghệ thuật, thích làm thơ và được anh em văn nghệ sĩ quý mến.
Hình tượng Dương Chí Dũng đứng trước vành móng ngựa hồn nhiên đọc thơ làm mọi người bất bình vì kẻ phạm tội đại hình không ăn năn, sám hối lại nhơn nhơn đọc thơ thì quả là không thể chấp nhận được. Tội ác của Dương Chí Dũng phải trả bằng tử hình thể hiện sự công minh của pháp luật, răn đe không cho cái xấu phát sinh. Đứng về mặt nhà thơ thì Bát Phố thấy hình tượng này rất đẹp, như hình tượng Từ Hải chết đứng vì sai lầm của mình. Bát Phố chỉ tiếc không biết Dũng đọc thơ của ai, nhà thơ nào diễm phúc được Dũng đọc thế?
“Làm thơ được tử tù khen
Sướng hơn Văn Miếu khắc tên mu rùa”
Còn Dương Tự Trọng - Phó giám đốc Sở Công an Hải Phòng - phạm đại tội để cho anh mình là Dương Chí Dũng bỏ trốn, chịu án hai mươi năm tù khổ sai như Jean Valjean cũng chứng tỏ sự minh triết của pháp luật ta, sự bao dung của chế độ với những người có công với cách mạng là cụ thân sinh Dương Tự Trọng – Giám đốc Sở Công an Hải Phòng.
Nghĩa khí giang hồ, dám làm dám chịu của Trọng cứu anh mình cũng là nghĩa khí của Quan Vân Trường tha cho Tào Tháo ở Hoa Dung tử lộ. Nghĩa khí ngang tàng là điều thiêng liêng nhất trong giới giang hồ. Những người có nghĩa khí và yêu nghệ thuật hiển thánh trong giới giang hồ, điển hình như Quan Vân Trường được lập đền thờ ở khắp nơi.
Sau khi bị kết án, Dương Tự Trọng bị giam tại Tam Đảo. Nghe nói anh em văn nghệ sĩ Hà Nội vào thăm nơi Trọng ở rất đầy đủ tiện nghi do Trọng tự bỏ tiền túi ra xây, mãn hạn tù sẽ bị sung công. Trọng vẫn râu hùm, hàm én, mày ngài như xưa.
TRÍCH "QUAN TUẦN PHỦ BÁT PHỐ"
Nguồn: FB Nguyễn Bảo Sinh.
Ảnh: Thủ bút của Bảo Sinh.