August 12, 2023
HÒA BÌNH, Việt Nam (NV) – Nhu cầu sử dụng giun đất khô làm thuốc Bắc lên tới gần 700 tấn mỗi năm, khiến thương lái Trung Quốc sang Việt Nam thu gom đem về chế biến, để lại nhiều hệ lụy cho đất canh tác và người nông dân.
Theo báo VietNamNet hôm 12 Tháng Tám, tại Việt Nam, giun đất chưa được nuôi mà chỉ có trong tự nhiên.
Thời gian qua, do nhu cầu tăng cao từ phía Trung Quốc, tại nhiều tỉnh, thành ở Việt Nam, chủ yếu ở miền Bắc, diễn ra tình trạng người dân rầm rộ kích điện bắt giun đất, khiến các nhà vườn bất an, phải cầu cứu chính quyền.
Máy kích điện giun đất được rao bán la liệt trên Internet với giá khá rẻ, dưới 1 triệu đồng ($42) một cái. Người dùng chỉ cần cắm máy kích xuống đất, bấm nút là phóng ra luồng điện rất mạnh, khiến các sinh vật ở dưới đất phải chui lên, trong đó có giun đất.
Giun đất tươi được bán với giá từ 50,000-80,000 đồng ($2.1-$3.3) mỗi kg. Do vậy, một người mỗi đêm đi kích giun đất bán cho các lò sấy có thể kiếm được hàng triệu đồng (hàng trăm đô la).
Báo Lao Động dẫn lời một chủ lò sấy được nêu tên tắt là Phong ở tỉnh Hòa Bình chia sẻ, trung bình mỗi lò sấy được khoảng 3-4 tạ giun đất tươi mỗi ngày. Thậm chí, có lò sấy được khoảng 1 tấn giun.
Khoảng 10 kg giun tươi sau khi sơ chế đưa vào sấy sẽ thu được 1 kg giun khô bán với giá 800,000 đồng ($33.6). Với lượng giun tươi khoảng 3-4 tạ đưa vào sấy khô, trừ chi phí và tiền nhân công, chủ lò lời được khoảng 2 triệu đồng ($84) mỗi ngày.
Báo VietNamNet cho biết: “Việc kích điện bắt giun đất như hiện nay trở thành vấn nạn. Bởi hành động này không chỉ tận diệt giun đất và các sinh vật có ích khác trong đất, mà còn làm giảm chất lượng đất canh tác, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng phát triển của cây trồng.
Ngoài ra, dễ gây tai nạn ảnh hưởng đến tính mạng của con người và động vật.”
Ông Nguyễn Như Cường, cục trưởng Cục Trồng Trọt, Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn Việt Nam gợi ý việc nông dân chăn nuôi giun đất thay vì kích điện ngoài tự nhiên như hiện nay.
Theo ông Cường, tại Việt Nam hiện chưa có mô hình nuôi giun đất nhưng nông dân một số địa phương đã nuôi được giun quế, hay còn gọi là trùn quế, phục vụ nhu cầu tiêu dùng. (N.H.K)