July 3, 2023
LITTLE SAIGON, California (NV) – Ngày Lễ Độc Lập Hoa Kỳ, 4 Tháng Bảy, với những cuộc vui của người dân, bắn pháo bông, sum họp gia đình, học sinh được nghỉ học, công sở đóng cửa nghỉ lễ, đi du lịch tùy thích theo những chuyến đi đã sắp đặt.
Lễ Độc Lập còn ẩn chứa một tinh thần tự do dân chủ, kế thừa từ những người dân di cư tìm tự do trên vùng đất mới cách đây hơn 200 năm. Với người Việt tị nạn, bỏ xứ ra đi tìm tự do lại càng thấm thía hơn cảnh tha hương, phải quần tụ lại trong những vùng đất để sinh sống.
Nhân ngày này, đi một vòng quanh Little Saigon, rất dễ thấy các chợ hay khu thương mại nhộn nhịp, dòng người tấp nập mua sắm chuẩn bị cho dịp sum họp gia đình trong đêm trước ngày lễ khi pháo bông bắn rợp trời.
Ca sĩ Mai Tiến Dũng chia sẻ rằng tuy không đuợc chọn nơi sinh ra nhưng mỗi người có toàn quyền chọn nơi mình đến sống và phát triển. Trong một đất nước cường quyền bạo lực không sống nổi phải ra đi thôi.
“Sự tự do không chỉ quý giá cho bản thân mình thôi, mà còn gấp trăm lần hơn cho con cháu của mình. Bỏ xứ ra đi không phải phản bội quê hương như nhiều người nghĩ, chỉ đơn giản là đi tìm một tương lai tốt đẹp hơn để có thể giúp cho quê hương mình tươi sáng hơn. Tự do chính là tự do phát biểu, tự do ngôn luận, tự do bầu cử,…”
Sơn Điền, một người tù 16 năm tại Việt Nam, nhớ lại như in ngày cùng gia đình đặt chân xuống phi trường San Diego vào Tháng Ba, 1993. Học đến năm thứ hai Đại Học UC San Diego, anh gia nhập vào Chính Phủ Cách Mạng Việt Nam Tự Do ở Mỹ. Sau vụ Trần Trường, anh về Việt Nam tranh đấu cho một xứ sở tự do độc lập, nhưng bị nhà nước cầm tù 16 năm, từ 2000 đến 2016.
Sau khi trở về Mỹ, sự học bị gián đoạn nên anh phải làm nghề tự do, cuộc sống hiện nay tương đối khá đầy đủ, không thiếu thốn gì. Riêng gia đình anh rất thành công, có người em út có bốn bằng đại học cùng lúc, được cựu Tổng Thống Bill Clinton cấp bằng khen danh dự.
Anh nói: “Em rất mong giới trẻ Việt mình ở Mỹ nên tìm hiểu lịch sử về ông cha mình, đã gian khổ như thế nào để có thể đến được đất Mỹ, xứ sở của tự do và miền đất hứa. Mình từ đâu đến, nguyên nhân gì khiến mình không ở nước mình mà phải qua nước khác sống. Hưởng thụ được văn minh của xứ Mỹ này, phải hiểu được lý do chính là vì sao chúng ta có mặt tại Mỹ ngày hôm nay. Và cũng nên nghĩ lại cho hoàn cảnh những người trong nước hiện nay không có được tự do dân chủ thực sự như chúng ta ở đây.”
“Sự tự do khó mà thiếu được đối với con người, chỉ người nào thực sự không có tự do thì tự khắc sẽ hiểu được giá trị của sự tự do, nó là một biểu tượng cao cấp của con người trong một nước có tự do. Hưởng thụ được tất cả những gì tốt đẹp của nước Mỹ, phải nhìn lại quê hương mình, tha thiết với tương lai để xây dựng có được dân chủ nhân quyền, đất nước sẽ tốt đẹp hơn. Nhất là đừng bao giờ quên tiếng mẹ đẻ.”
Cảm ơn nước Mỹ suông thôi chưa đủ, chúng ta phải làm gì?
Những thuyền nhân Việt Nam đầu tiên đến được Hoa Kỳ, là những viên đá lót đường cho thế hệ tương lai, xây dựng cho cộng đồng đi sau một cách tốt đẹp hơn, phải cảm ơn họ. Tự hào về ông cha mình chưa đủ, phải làm thế nào để trả ơn nước Mỹ đã cưu mang người Việt tị nạn.
Cô Mỹ Hạnh, cư dân Fountain Valley, hiện là một nữ doanh nhân rất thành đạt, cho hay con gái cô được giáo dục trong nền tảng Hoa Kỳ nhưng có kết hợp với văn hóa Việt Nam, tức là tự do chọn lựa trong sự học tùy thích, nhưng vẫn phải nhớ cội nguồn của mình là người gốc Việt, luôn nhớ sự đền đáp ơn nghĩa của nước Mỹ, là xứ sở cưu mang ông bà cha mẹ những ngày đầu bơ vơ nơi đất khách, lại tạo điều kiện cho cha mẹ tiếp tục phát triển, mới có điều kiện nuôi dạy con cái học hành đến ngày nay.
“Tôi thường kể chuyện gia đình phải đau khổ như thế nào khi quyết định vượt biển tìm tự do sau 1975, giống y như những bậc tổ phụ nước Mỹ từ thời lập quốc cũng phải dũng cảm tìm tự do sau khi đứng lên chống lại đế quốc Anh. Để có ngày nay, cộng đồng Việt chúng ta phải mang ơn nước Mỹ và người Mỹ rất nhiều, phải giải thích cho con cháu mình hiểu điều này.”
Thầy giáo trẻ Nguyễn Phan Robert, dạy tiếng Việt từ lớp chín đến lớp 12 tại Garden Grove High School, kể rằng gia đình anh đã tỵ nạn qua Mỹ vào cuối Tháng Tư, 1975. Lớn lên ở Hoa Kỳ, rất may anh được đi học và hưởng nhiều phúc lợi của xã hội này.
Từ nhỏ đến lớn, anh được cha mẹ kể nhiều chuyện xưa ở quê hương Việt đầy khói lửa chiến tranh.
“Là một người Mỹ gốc Việt, tự do đối với tôi có rất nhiều ý nghĩa. Khi tôi trở thành giáo sư dạy tiếng Việt, tôi cũng dạy các học trò của tôi về sự may mắn của các em được học hỏi ở những trường công ở Hoa Kỳ. Bằng cấp được thưởng cho các em vì có đầy đủ điểm, chứ không phải là vì tiền hối lộ. Thức ăn trong trường được ăn miễn phí để bảo đảm là các em có đủ chất bổ và dinh dưỡng để có sức học giỏi. Nhà trường có những chương trình sau giờ học để dạy kèm cho các em mà không bắt phải trả thêm tiền.”
“Nước Mỹ có tự do cho mọi người. Dù có nguồn gốc từ nước khác, ai cũng được giữ phong tục của riêng họ. Và chúng ta có cơ hội để chia sẻ văn hóa với nhau để người khác hiểu biết thêm về mỗi dân tộc khác. Nếu chúng ta muốn con em mình và các thế hệ sau này biết quý tự do, thì chúng ta không nên quên quá khứ và dạy cho con em mình những chuyện mà chúng ta và ông bà đã trải qua để các em được hưởng món quà tự do này. Tự do khó tìm mà dễ mất, vậy nên chúng ta phải biết yêu mến tự do của chúng ta hôm nay và lên tiếng cho những người đang thiếu tự do.”
Bà Đào Trần, cư dân Garden Grove, đã làm việc cho hai học khu Westminster và Garden Grove trong 15 năm, cho hay hôm nay đi chợ Costco cùng ông xã, thấy quá đông dân chúng đi chợ mua sắm, mọi người cùng hân hoan hòa trong niềm vui trong ngày Lễ Độc Lập.
Bà nói như thay lời cho nhiều người: “Tôi hiểu rất rõ ý nghĩa của sự tự do, nên tôi rất hiểu khi dân Mỹ vui mừng trong ngày này. Không có độc lập làm gì có tự do, đất nước không độc lập thì người dân không có tự do. Độc lập và tự do đi đôi với nhau. Tuy nhiên để giành độc lập không dễ chút nào, tự do phải trả bằng máu xương của bao thế hệ của nước Mỹ mới có ngày nay, và cho tất cả chúng ta là người tị nạn, được thụ hưởng tất cả những gì độc lập tự do của nước Mỹ. Ngay từ lúc đầu, chúng tôi còn được chính phủ Mỹ giúp đỡ còn nhiều hơn những người Mỹ bản xứ. Chúng ta là người di dân phải mang ơn và biết trả cái ơn này.” [kn]