Chiều Thứ Bẩy 30 tháng 8/ 2014. Tôi đang ngồi đọc tin tức. Nhìn bộ mặt Tổng Thống Obama đăm chiêu với cái đầu tóc bạc hoa râm mà nghĩ đến những phê bình nhao nhao của truyền thông và các chính trị gia của đảng Cộng Hoà và tuyên bố của ông là “ chúng tôi chưa có chiến lược gì” đối với lực lượng Nhà nước Hồi Giáo IS, cũng như những diễn giải bào chữa của ban truyền thông Bạch Cung. Nhớ lại cách đây mấy năm ông Obama tóc đen, tươi trẻ đầy sức sống tranh cử Tổng Thống Hoa Kỳ với hai chữ WE CAN. Mà nghĩ vẩn vơ về cuộc đời, về quyền lực và danh vọng. Thì có chuông điện thoại cầm tay kêu. Đầu bên kia có tiếng nói: “ Cho tôi nói chuyện với Bác sĩ Ninh, Bác sĩ Trần Xuân Ninh.” Tôi trả lời nhanh ( tôi vốn có tật nói nhanh): “tôi đây. Tôi Trần Xuân Ninh”. Phía bên kia trả lời ngắt quãng. “ Tôi là Dự… Bác sĩ Trần Quang Dự… “ Tôi nói: “Vâng, Chào anh Dự. Âm hiệu không rõ. Để tôi bỏ đường giây này và dùng điện thoại bàn gọi cho anh.” Lúc nói chuyện lại, anh Dự xin lỗi nói bây giờ tai nghe hơi lãng, Tôi cười thầm, vì nghĩ rằng chuyện lãng tai này đâu có xẩy ra riêng cho anh. Tôi biết anh Dự gọi tôi để nhắc bài viết cho tập Kỷ Yếu Bệnh Viện Bình Dân phải nộp trước tháng 9/2014. Hôm nay đã là cuối tháng 8. Tôi đã định không viết, bởi vì không biết sẽ viết gì.
Tôi không đi thực tập nhiều ở Bệnh Viện Bình Dân. Chỉ có vài tháng qua khu Ô- Rờ- Lờ với Bác Sĩ Trương Minh Ký, vài tháng khu Tiết Niệu với Giáo Sư Ngô Gia Hy, có một số ngày trực gác đủ để biết một Nội Trú đặc biệt- Hà Thúc Nhơn- Hà Thúc Nhơn người cao cao, da mai mái, môi thâm vì hút thuốc là liền miệng, dễ nổi cáu bất tử, và mất ngủ kinh niên. Hầu như mỗi đêm khuya về sáng mà phải đi qua phòng ăn nội trú xuống trại xem bệnh thì đều thấy Nhơn ngồi trong đó một mình, ôm cây đàn Lục Huyền Cầm Tây Ban Nha chơi nhạc cổ điển. Cái chết bất đắc kỳ tử của Nhơn khi phục vụ ở Quân Y Viện Đà Nẵng, sau khi ra trường đã tạo ra nhiều bàn tán. Có cả thêu dệt phong thần.
À mà không tôi còn có thời gian 6 tháng làm Nội Trú tại Khoa Răng Hàm Miệng- Khẩu Xoang- với Giáo sư Trịnh Văn Tuất ở Nhà Răng. Như có lần kể, tôi đi làm Nội Trú với Giáo sư Tuất sau khi “láo” với Giáo Sư Phạm biểu Tâm trong buổi chia Nội Trú đi thực tập các chuyên khoa, mà hỏi Giáo Sư Tâm, Khẩu Xoang (Stomatologie) là gì, để bị Giáo Sư Tâm khuất phục bằng lời giải thích ôn tồn, mặt không đổi sắc. Và sau đó tôi cum cúp theo bảng phân công làm Nội Trú Nhà Răng.
Tôi nghĩ nếu mà viết đến Nhà Răng cho tập Kỷ Yếu Bệnh Viện Bình Dân thì chắc không lạc đề, vì Nhà Răng nằm trong Bệnh Viện Bình Dân, ngay mặt trước, phía trái từ ngoài nhìn vào. Cũng sẽ không dư vì chắc không mấy ai nghĩ tới Nhà Răng để viết. Và nhiều phần là không trùng hợp. Vì một Nha Sĩ ở Nhà Răng có khả năng viết lách, thời đó ở Nam California mà tôi biết, có chứng kiến câu chuyện. Người Nha Sĩ này đang trong tình trạng vô năng do tai biến mạch máu não.
Giáo sư Tuất là Giáo Sư Thạc Sĩ, Khoa Trưởng Nha Khoa Đại Học Sàigòn thời đó. Ông nước da ngăm ngăm, vẻ chất phác, giọng nói khề khà, tư thái xuề xoà. Khác hẳn với một Giáo Sư Nha Khoa khác ở Nhà Răng, ông Lê Trọng Phong, da trắng, mặt vuông, xương xương, nói năng sát phạt.
Đó là một buổi Giáo Sư Tuất đi nghe trình bệnh trong Nhà Răng. Bệnh nhân là một em bé gái. chừng 4,5 tuổi, mặc đồng phục sơ mi trắng, váy xanh, tôi đoán là học sinh một trường tư thục lớn ỏ đường Phan Đình Phùng (mà bây giờ tôi không còn nhớ tên) hay một trường bà sơ. Bé ngồi trên ghế, yên lặng sợ sệt. Một nửa mặt sưng húp lên tới mắt. Giáo sư Tuất có vẻ nghiêm trọng, cho gọi các sinh viên Nha Khoa lại đông đủ quanh ghế rồi mới bắt đầu khám bệnh, nhẹ nhàng, dùng cái gương tròn nhỏ xem xét răng miệng bệnh nhân. Rồi giảng giải vừa bằng tiếng Việt vừa bằng tiếng Pháp. Nhìn qua tôi biết là trường hợp đau răng hàm trên, cấp tính, sinh ra cellulite (cellulitis). Điều trị chỉ là trụ sinh và chữa lỗ sâu răng, nếu có. Đối với tôi không có gì đặc biệt là mấy. Nên cũng không nhớ chi tiết giáo sư đã nói gi. Chỉ nhớ giáo sư kết luận trường hợp này rất nặng, có thể chết. Rồi đặt câu hỏi tại sao. Không ai trả lời. Ông yên lặng nhìn tôi mà không lên tiếng. Tôi bối rối vì là Nội Trú Y Khoa mà không trả lời được trước đám sinh viên Nha Khoa thì quê xệ. Đột nhiên trời xui đất khiến tôi nhớ đên lời dậy của bà nội tôi, là một bà lang ta nhà quê, thường ôm thúng với mẹt thuốc ta ra phiên chợ làng để bán. Lúc đó tôi mới lớn, mặt có vài mụn trứng cá. Một cái ở khoé mũi, khó chịu. Tôi nặn cái ngòi ra mà không được, đành chịu. nhưng vùng quanh cái mụn trứng cá bị sưng đỏ mấy ngày. Bà nội tôi thấy thế mới dậy cho một bài y khoa, bảo rằng không được nặn những mụn quanh miệng và mũi trong khoảng bằng cái bàn tay úp vào miệng và mũi. Nhất là cái đinh râu ở cằm hay ở môi. Vì có thể chết người. Và bà cụ kể ra mấy trường hợp người này người kia trong làng bị chết vì thế. Trong lúc bí lối tôi trả lời đại, vắn tắt (vì không biết gì hơn): “Tương tự như cái nhọt đầu đinh (furoncle) ở quanh miệng” Giáo sư Tuất gật đầu nói đúng và giảng luôn, không vặn thêm. Rằng là bệnh nhân chết vì nhiễm trùng máu (septicémic – sepsis), qua hệ thống các tĩnh mạch thông thương (veines emissaires- emissary veins) nối các tĩnh mạch ngoài đầu với các tĩnh mạch trên màng não trong đầu và Tĩnh Mạch Cổ Trong (veine jugulaire interne-internal jugular vein). Nhìn bệnh nhân kỹ hơn, tôi thấy vùng quanh tĩnh mạch cạnh mũi, gốc mũi và mắt có vẻ hơi đỏ. Và hiểu rõ thái độ nghiêm trọng của Giáo sư Tuất. Xong bài giảng, giáo sư bảo tôi nếu có thể được thì anh phải đến nhà theo rõi bệnh này chiều nay hay sáng mai, sau khi cho mua thuốc uống bây giờ. Để nếu cần thi phải cho nằm bệnh viện khi có dấu hiệu nặng thêm vì nhiễm trùng máu. Rồi ông quay lại bà mẹ đứa bé, sau khi đám sinh viên đã tản đi. Chỉ tôi nói:“ Anh Ninh sẽ trông nom cho cháu bé”. Tôi không khỏi có phản ứng bực bội trong lòng mà không dám nói ra, đối với ông giáo sư lắm chuyện này: “ đến nhà để theo rõi bệnh nhân”? Nhà bệnh nhân ở đâu? Xa hay gần? Tôi đến đó bằng gì? Chẳng lẽ bẳng cái xe mô by lét vàng cọc cạnh của tôi mà mỗi khi mở máy thì phải đẩy lấy đà rồi nhẩy lên xe ngồi và đạp dúi theo mấy vòng cho nó nổ?
Cả đoàn sinh viên đi theo Giáo sư Tuất sang thăm bệnh khác. Còn lại tôi bên chiếc ghế bệnh nhân. Đứa bé thật ngoan. Yên lặng. Nhìn sang bà mẹ. Đó là một thiếu phụ chừng trên 20 tuổi, mặt trái xoan, da trắng, trang điểm vừa phải nhưng hấp dẫn. Đôi mắt ướt lệ trên khuôn mặt trái xoan thật xinh, vì nghe Giáo sư Tuất nói tình trạng bệnh nặng của con gái. Nàng mặc một chiếc áo dài màu xanh ngọc thạch. Nàng nhờ tôi hết sức giúp. Nàng kể hoàn cảnh đơn chiếc, chồng là một sĩ quan đã chết trận. Chỉ có một mẹ một con sống với nhau. Nỗi bực dọc đối với lời Giáo sư Tuất bảo tôi đến nhà theo dõi tình trạng đứa bé tan biến. Tôi hỏi địa chỉ, thì được biết ở một căn nhà trên gác trong một chung cư nhỏ góc đường Hồng Thập Tự và Cao Thắng. Chẳng xa Bệnh viện Bình Dân bao nhiêu, tôi tự nhủ. Và nghĩ rằng điạ điển ngày thật thuận lợi vì tôi sẽ không phải lo vấn đề di chuyển bằng gì. Nếu muốn thì đi bộ từ nhà thương tới, còn không nữa thì đậu cái xe mô by lét cà khổ đâu đó góc đường rồi đi bộ vào cho khỏi lộ cái tẩy của một sinh viên Y Khoa nghèo kiết xác là tôi. Tôi viết toa, dặn dò cách sử dụng cho nguòi mẹ rồi hẹn một cách mơ hồ- cho ra vẻ- rằng nếu có thì giờ (tuy tôi biết chắc rằng tôi sẽ có thì giờ) thì sáng mai chừng 11 giờ tôi sẽ lại thăm bé, vì trong đầu nhẩm tính phải sau khi làm việc bệnh viện xong để hy vọng có thì giờ nói chuyện nhiều.
Cả chiều hôm đó, tôi cứ vẩn vơ nghĩ đến cái mầu xanh ngọc thạch thật đẹp, của chiếc áo dài, Và khuôn mặt trái xoan với hàm răng đều đặn trắng bóng, đối với tôi thật hiền dịu và dễ thương vô cùng. Tôi vốn yêu mầu xanh lá cây. Nhưng không phải là mọi mầu xanh lá cây. Bởi có những màu xanh lá cây rất nhà quê, vàng quá hay chói quá, vô duyên. Mầu xanh chiếc áo đẹp thanh thoát nhẹ nhàng. Nó tôn khổ người và nét mặt. Tôi băn khoăn tự hỏi không hiểu hai mẹ con nhà này sống bằng gì. Và làm sao mà đứa bé có thể học trường tư, mặc váy đầm đồng phục khi bố chết. Hỏi thế, tôi lại càng cảm mến người thiếu phụ trẻ tuổi đơn chiếc lo cho đứa con gái nhỏ, bởi vì tôi lớn lên trong cái tâm thức quý trọng những người vợ trẻ phải làm mẹ hiền, qua câu thơ Chinh Phụ Ngâm:
Ngọt bùi thiếp đã hiếu nam
Dậy con đèn sách thiếp làm phụ thân.
Và cũng bởi vi tôi thuộc câu tục ngữ nói về tình mẹ cho con: “Cha chết, ăn cơm với cá. Mẹ chết liếm lá giữa chợ”
Cho đến ngày hôm sau, 11 giờ sáng. Thì đúng là cái chung cư nhỏ gọn ghẽ và nghe nói có nhiều “ca ve” ở. Trong sân chung cư có chỗ đậu xe. Nhưng tôi đã để cái mô by lét ở xa. Đi bộ tới gõ cửa căn nhà trên gác đúng hẹn 11 giờ. Một lát mới có tiếng lịch kịch mở cửa. Người thiếu phụ hiện ra. Chưa trang điểm. Còn mặc bộ quần áo ngủ. Tôi hơi thất vọng,vì trước khi đến đã nghĩ rằng sẽ được nhìn lại bộ mặt trang điểm trang nhã cái chiếc áo dài xanh ngọc thạch hôm trước. Người mẹ nói tình trạng cháu bé khá nhiều, đã được bà ngoại đón về ngủ từ tối hôm trước và chưa mang lại. Phía trong phòng ngủ, chợt có tiếng động nhỏ. Người đàn bà nhìn vào trong. Tôi thoáng thấy sau cánh cửa không khép kín có bóng một người đàn ông. Tôi hiểu tại sao đứa bé được bà ngoại đón về chiều hôm trước. Không còn gì nấn ná, tôi ra về và dặn dò mang đứa bé đến Bệnh Viện Bình Dân khám lại khi hết thuốc uống. Với một hy vọng mơ hồ mong manh thấy lại cái ấn tượng thật đẹp mầu xanh buổi đầu.
Tôi không còn nhớ mấy ngày sau đứa bé được mang khám lại. Mặt nó đã hết sưng, giáng điệu linh hoạt như bất cứ một đứa bé nào khoẻ mạnh cùng tuổi. Người mẹ không mặc chiếc áo dài màu xanh bữa nào. Nàng chìm vào trong đám đông đảo những bệnh nhân trong Nhà Răng. Nhưng tôi không quên cái mầu xanh ngọc thạch vô cùng đẹp trang nhã đó.
Một dạo sau đó ở Sài gòn, mỗi khi đi phố, không hiếu sao tôi hay để ý tìm xem chỗ nào bán thứ vải áo dài mầu này. Cho tới sau khi du học ở Mỹ về, đi một vòng mấy tháng quan sát du học tại các bệnh viện ở Anh, Pháp, Đức, Ý và sau cùng ghé qua Bangkok chơi, lúc nào tôi cũng để ý tìm mua vải may áo dài làm quà cho cô em gái. Nhưng đã không thấy cái mầu thật đúng mà phải mua hàng khác, gần đúng, vì không thật sự vừa ý như mầu ngọc thạch thanh thoát phơi phới của cái áo dài nhìn thấy hôm ở Nhà Răng Bệnh Viện Bình Dân đi khám bệnh với Giáo Sư Trịnh Văn Tuất.
Trần Xuân Ninh
(Tối 31 tháng 8/ 2014)