July 23, 2023
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Nhà xuất bản quốc doanh độc quyền sách giáo khoa vừa loan báo “lãi kỷ lục,” dân chúng liền nổi lên những tiếng kêu rên “tâm tư.”
Ngày Chủ Nhật, 23 Tháng Bảy, tờ Dân Trí có bài viết “Tâm tư khi giá sách tăng, nhà xuất bản báo lãi kỷ lục” của tác giả Bích Diệp bình luận về tin tức kinh doanh lợi nhuận của nhà xuất bản sách giáo khoa trung tiểu học độc quyền của nhà nước.
Nhà xuất bản Giáo Dục trực thuộc Bộ Giáo Dục và Đào Tạo độc quyền biên soạn, biên tập, in ấn và tổng phát hành các loại sách giáo khoa và các xuất bản phẩm giáo dục, phục vụ việc giang dạy, học tập của các ngành học, bậc học tại Việt Nam.
Bài bình luận kể trên dẫn lại các tin tức có từ hai tuần trước cho hay nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam “báo lãi cao kỷ lục trong năm 2022.” Sau khi trừ thuế, tiền lãi còn được 331 tỷ đồng (hơn $7.7 triệu), tăng 15% so với năm 2021 và “gấp rưỡi kế hoạch được Bộ Giáo Dục và Đào Tạo giao.”
Sách giáo khoa tại Việt Nam không mấy năm không có những lời kêu ca về các sai sót không thể chấp nhận được, đặc biệt sách tiểu học, năm nào cũng thấy tăng giá khiến cho các bậc phụ huynh “tâm tư.” Tại nhiều nước, sách giáo khoa năm sau có thể vẫn dùng được sách của năm học trước, nhưng tại Việt Nam, dù là nước nghèo, mỗi năm lại in sách mới bị kêu ca là lãng phí.
Cứ mỗi lần biên soạn và phát hành lại như thế hàng năm, sách giáo khoa lại tăng giá gấp đôi hay gấp ba. Bình luận của một trong những độc giả theo bài viết kể trên của tờ Dân Trí viết như thế này: “Giờ mà không có tiền thì chấp nhận thất học. Học phí không đáng kể nhưng những khoản ngoài học phí thì quá khủng khiếp. Ở thành phố, một đứa con đi học không dưới 5 triệu đồng/tháng trong khi lương bố mẹ cũng chỉ hơn tầm đó một người chút xíu…Ngột ngạt luôn, buộc phải xoay xở đủ việc mới tồn tại được.”
Hiến Pháp Việt Nam thông qua năm 2013, Điều 61 viết rằng: “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực…Nhà nước không thu học phí.” Nhưng trái với những gì viết rành rẽ trên Hiến Pháp, ngày 13 Tháng Chín, 2022, trang mạng của chính quyền trung ương viết: “Hội Đồng Thành Phố Hà Nội đã thông qua hai nghị quyết liên quan đến giáo dục gồm “Nghị quyết về quy định mức học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố năm học 2022-2023….” từ 100,000 đồng đến 300,000 đồng. Cả nước chỉ có tám địa phương miễn học phí 100% cho học sinh là Bắc Ninh, Quảng Bình, Cần Thơ, Đà Nẵng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Quảng Ninh, Bắc Kạn, và Hải Phòng.
Ngày 30 Tháng Mười Hai, 2022, Vietnamnet dẫn kết luận của Thanh Tra Nhà Nước cáo buộc nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam đã “lạm dụng vị trí độc quyền” để toa rập với các nhà thầu giấy in, bán giá giấy đắt hơn dẫn đến giá sách giáo khoa đắt hơn. Toa rập với nhà in để đội giá tiền in, nhà xuất bản này cũng từng bị cáo buộc ăn chia với những nhóm biên soạn sách giáo khoa để ăn tiền “lại quả.” Cuối cùng thì cha mẹ học sinh phải gánh hết những thứ tốn kém có tên và không tên gộp thành giá tiền quyển sách giáo khoa vô cùng đắt đỏ.
Hồi Tháng Hai, Vietnamnet có bài bình luận “Trục lợi từ sách giáo khoa: Tội ác và di chứng không lường,” chỉ trích việc ông Nguyễn Đức Thái, chủ tịch nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam, bị bỏ tù vì đã trục lợi trong việc xuất bản sách giáo khoa, gây thiệt hại lớn lao cho dân chúng. Bề ngoài là “phục vụ” nhưng thực chất bên trong là “vun quén” cho cái túi tham của riêng mìmh trong khi đại đa số quần chúng thì “rơi vào cảnh cùng khốn đốn.”
Vì là bài bình luận trên một tờ báo cánh tay tuyên truyền nối dài của chế độ, tờ Dân Trí, tác giả Bích Diệp chỉ dám đặt câu hỏi lưng chừng là “Nếu các nhà xuất bản chỉ dựa vào việc tăng giá sách giáo khoa nhằm kiếm tìm lợi nhuận, liệu đã đúng với tinh thần ‘giáo dục là quốc sách”/ hay chưa?” Nhờ bài bình luận này, nhiều độc giả có cơ hội bộc lộ những lời kêu rên. (TN) [đ.d.]