Hai cuốn sách kích thước lớn nhỏ khác nhau, đề tài không giống nhau, từ nay được để cạnh nhau, vì của cùng một tác giả là Bác Sĩ Trần Xuân Dũng, nay ông đã về Trời!.
1- Cuốn sách lớn, kích thước 30x20, dày 500 trang và khá nặng là cuốn “Chiến sử Thủy Quân Lục Chiến - Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa” do Bác sĩ Trần Xuân Dũng cùng một số đồng đội Mũ Xanh biên soạn, ấn hành năm 1997. Nội dung ghi lại tinh thần chiến đấu anh dũng của người lính Việt Nam Cộng Hòa và tình đồng đội gắn bó sống chết bên nhau vì lòng yêu nước.
Tác phẩm “Chiến sử Thủy Quân Lục Chiến - Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa” được Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam của Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh trao tặng Giải Thưởng Văn Học Nghệ Thuật Quốc Khánh năm 1998.
Lúc sang Hoa Kỳ làm việc vào đầu năm 2000, tôi đem theo một thùng sách gồm những cuốn thuộc dạng văn học cần thiết cho công việc, trong đó có cả cuốn “Chiến sử ”.
Cuốn sách có nhiều tư liệu về những biến cố quan trọng xảy ra tại miền Nam như cuộc đảo chánh năm 1963, trận Bình Giả năm 1964, Mậu Thân năm 1968, hành quân Cam Bốt năm 1970, cuộc hành quân Lam Sơn 1971, Quảng Trị 1972, Cửa Việt 1973… Đây là những tài liệu khả tín không thể thiếu trong công việc mới của tôi.
Sau mười mấy năm làm việc, tôi về hưu và trở về Úc, thùng sách nhỏ lần đi đã tăng trưởng thành một tủ sách lớn. Tôi không thể mang hết về Úc, nên đành phải chọn cuốn nào mang về, cuốn nào phải để lại nhờ người quen giữ hộ, trong 10 thùng sách được gửi tàu thủy về Úc, có cuốn “Chiến sử..”
2- Cuốn sách nhỏ có kích thước 20x15, dày gần 700 trang, cũng khá nặng là cuốn “Sống Chẳng Còn Quê”, được in năm 2018.
…..
Ngày 8 tháng 9 năm 2018, gia đình tôi được tiếp đón một “phái đoàn” đồng nghiệp trẻ của Cha tôi ghé thăm. Lần này ngoài các vị tại địa phương như Bác sĩ Bùi Trọng Cường, Bác sĩ Hà Ngọc Thuần, Bác sĩ Trần Trung Hòa và Dược Sĩ Trần Thanh Ngọc còn đặc biệt có hai vị cùng phu nhân đến từ Melbourne, đó là Bác sĩ Trần Quốc Đông và Bác sĩ Trần Xuân Dũng.
Bác sĩ Dũng đến Brisbane để giới thiệu với cộng đồng tại đây cuốn sách mới của ông “Sống Chẳng Còn Quê”.
Cũng khá lâu, từ ngày Mẹ tôi mất đến nay, chúng tôi mới tìm lại được không khí rộn rã nấu nướng đãi khách của những ngày tháng cũ. Cha tôi đã yếu, nhưng hôm ấy có vẻ khỏe và linh hoạt hơn thường ngày, ông nôn nao nhìn ra cửa chờ khách đến.
Nhớ lại hôm gặp ấy, trong căn phòng khách ấm cúng, mọi người hàn huyên chuyện trò vui vẻ. Nhất là Cha tôi được ở bên đồng nghiệp, ông như được sống lại những ngày còn làm việc ở quê nhà trước năm 75. Các em tôi nhộn nhịp bếp núc tiếp thêm các món ăn thức uống.
Ông bà bác sĩ Trần Xuân Dũng rất bình dị và thân thiện. Dù mới gặp lần đầu, bác sĩ Dũng đã chia xẻ với tôi về vinh dự khi ông được nhận giải thưởng Văn Học Nghệ Thuật do Mặt Trận trao tặng. Tình thân như đã từng là chiến hữu với nhau vậy.
Trước đó, tôi chỉ biết bác sĩ Trần Xuân Dũng qua cuốn Chiến Sử, và qua người anh của ông là bác sĩ Trần Xuân Ninh. (Hồi Mặt Trận còn hoạt động, bác sĩ Trần Xuân Ninh là Tổng vụ Phó Tổng Vụ Hải Ngoại. Ông trách nhiệm Ban Truyền Thông và tôi là một trong nhóm các chiến hữu thành viên như Nam Dao, Việt Khanh, V.H. Lân, Nguyệt Như, P.P.Đức …)
Hôm ấy, bà Trần Xuân Dũng biếu Cha tôi hộp bánh Trung Thu bà tự tay làm, và bác sĩ Dũng ký tặng Cha tôi cuốn: “Sống Chẳng Còn Quê”. Hai món quà gói ghém không chỉ tình đồng nghiệp, tình huynh đệ chi binh một thời mà còn là tình của người Việt xa xứ …chẳng còn quê!
Khi nghe tin dữ về bác sĩ Dũng. chúng tôi đã nhắc lại tất cả những kỷ niệm ngọt ngào đáng quý này mà tiếc thương vô hạn!
Nhắc đến lần họp mặt ấy, Cha tôi lại nhớ em trai tôi. Em là người lau chùi nhà cửa, đặc biệt là phòng vệ sinh (vốn chỉ dành cho khách) bóng lộn, thơm tho để tiếp đón khách quý, những người bạn đồng nghiệp của Cha mình.
Em tôi đã mất ba năm nay.
Tôi biết và gặp bác sĩ Trần Xuân Dũng vỏn vẹn chỉ có thế, cho đến khi đọc cuốn “Sống Chẳng Còn Quê” của ông.
Cuốn sách đã cuốn hút tôi từ những chương đầu, vì cách viết (như văn nói, như đang kể chuyện) đến dàn bài..tất cả rất quen thuộc với tôi. Đó là cách “phỏng vấn” mà tôi đã được đề nghị dùng trong chương trình 500 lịch sử truyền khẩu do Hội Bảo Tồn Lịch Sử Văn Hóa Người Mỹ Gốc Việt khởi sự từ năm 2008 tại Hoa Kỳ.
Phần phỏng vấn thường dài khoảng ba tiếng đồng hồ dựa vào một dàn bài gồm các câu hỏi rất chi tiết dành cho người được phỏng vấn như: tên họ tuổi tác, đời sống gia đình thuở ấu thơ: ông bà cha mẹ anh chị em ruột, bà con họ hàng nội ngoại… đến tuổi trưởng thành cùng những biến cố lớn nhỏ xảy đến cho cá nhân, gia đình, sau cùng là cuộc sống hiện tại…
Tất cả các dữ kiện này được khơi lại nhằm tìm gặp những giai đoạn lịch sử của đất nước qua đời sống của mọi tầng lớp người dân trong xã hội với nhiều thế hệ.
Sau ba tiếng đồng hổ, cuộc phỏng vấn nào cũng chan chứa nỗi niềm, nước mắt nụ cười cùng sự cảm thông.
Với “Sống Chẳng Còn Quê”, tôi cũng có những cảm xúc giống như những lần đi phỏng vấn đó. Nhưng tôi không phải đặt bất kỳ một câu hỏi nào, mà chỉ phải hết lòng nghĩ về nỗi niềm của tác giả được trang trải trong gần 700 trang giấy…
Tác giả đã chân thành rành mạch kể lại cuộc đời của ông, gia đình và bằng hữu ..từ thuở ấu thơ, khi hạnh phúc cũng như lúc hàn vi ở miền Bắc, rồi di cư vào Nam…đến tuổi trưởng thành, ra trường, tham gia quân đội, vào tù sau khi miền Nam bị cộng sản cưỡng chiếm, và sau đó là cuộc vượt biển nguy hiểm tìm tự do cùng những ngày đáng nhớ ở trại tỵ nạn.
Độc giả có thể xem “Sống Chẳng Còn Quê” là cuốn hồi ký hay và giá trị. Nhưng ngoài những điều trên, qua từng trang giấy, người ta còn thấy rõ mệnh nước thăng trầm làm đời sống của người dân (trong đó có gia dình tác giả) bị xô lệch, bị hất vào tai ương bất hạnh.
Ông sinh năm 1939, năm khởi đầu thế chiến lần thứ hai. Việt Nam không trực tiếp tham gia cuộc chiến, nhưng đã bị ảnh hưởng nặng nề vì là thuộc địa của Pháp.
Tác giả Trần Xuân Dũng đã có một phần tuổi thơ êm đềm với nếp sống văn minh và không khí tự do (dù ít ỏi) dưới thời thực dân. Nếp sống này đã biến mất khi thế chiến thứ hai chấm dứt.
Cậu bé sáu tuổi Trần Xuân Dũng đã chứng kiến cuộc thay chủ đổi ngôi trên đất nước. Chứng kiến nạn đói Ất Dậu năm 45 khi quân phiệt Nhật bắt dân trồng đay thay lúa. Chứng kiến lúa gạo miền Nam được tới tấp gửi ra miền Bắc cứu đói dưới sự điều hành khẩn cấp và hữu hiệu của chính phủ Trần Trọng Kim lúc bấy giờ.
Nước Nhật bị tàn phá bởi hai quả bom nguyên tử, thế chiến thứ hai chấm dứt, cũng là lúc thực dân Pháp trở lại VN và nước Việt bước vào thảm họa cộng sản.
Ánh mắt tuổi nhỏ ngỡ ngàng trước làn sóng đỏ với những cuộc mít tinh, với những đoàn thể phụ nữ cứu quốc, nhi đồng cứu quốc đanh thép lạ lẫm…và ánh mắt ấy cũng đã sững sờ khi thấy thân phụ bị Việt Minh bắt đi vì là công chức sở Hoả xa thời Pháp thuộc. Từ đó tai họa phủ chụp lên gia đình tác giả.
Tôi luôn nghĩ con người khi ở tuổi trưởng thành mới có thể chịu đựng được gian khổ, còn tuổi thơ…tuổi thơ nên được nhận ân sủng, được tách ra khỏi mọi cực nhọc, bất hạnh…Nhưng hai anh em tác giả đã phải lao vào dòng đời nhiều bất trắc vì thiếu vắng người Cha trụ cột của gia đình.
...Khi thân mẫu ngược xuôi buôn hàng trên những chuyến tàu hỏa sớm khuya…hai anh em tác giả phải đi kiếm củi gánh nước, nhặt từng cuốn vở còn giấy trắng trong đống rác để dành cho việc học; phải bán báo, dù biết tờ báo Cứu Quốc là của Việt Minh, nhưng người anh chưa đầy 10 tuổi vẫn chạy nhanh khắp các ngả đường với tiếng rao:“Báo mới Cứu Quốc, báo mới Cứu Quốc đây” để kiếm tiền mỗi ngày vừa đủ mua gạo cho gia đình, và bữa cơm sẽ thịnh soạn hơn nếu có thêm tiền mua một hai quả trứng về luộc dầm nước mắm…
…Khi thân phụ được thả về, thì thân mẫu tác giả lâm trọng bệnh trong hoàn cảnh hết sức thê lương.
Tôi đã phải gấp cuốn sách lại và để mặc cho nước mắt tuôn chảy…Tôi chập choạng thấy hai anh em tác giả thay phiên nhau chăm sóc Mẹ, và họ đã mất Mẹ khi cả hai chưa thực sự hiểu rõ lằn ranh sinh tử.
“…Bệnh đau bụng của mợ tôi bắt đầu phát nặng…mỗi buổi tối, sau khi bung ngô xong, lửa từ từ tàn đi, anh Ninh đem cục gạch vùi vào trong đống tro còn ấm... rồi dùng tay thử xem nóng lạnh thế nào. Đoạn, anh lấy một miếng giẻ quấn vào, rồi đem cục gạch đặt lên bụng mợ tôi…Mợ tôi thấy bớt đau dễ chiụ…Có hôm viên gạch nguội dần mà mợ tôi vẫn còn đau, anh Ninh lại đem cục gạch vào bếp, vui dưới tro lần thứ nhì, rồi lại đem ra chờm bụng cho mợ…”
“…Anh em tôi thay nhau, lúc nào cũng có một đứa ngồi trong phòng với mợ tôi, mợ tôi chỉ còn da bọc xương… Hôm đó là phiên của tôi…đến khoảng 10 giờ tối, mợ tôi kiệt lực lắm rồi…mợ tôi nằm trên giường… đi tiêu ra máu rất nhiều…Dưới ánh đèn dầu Hoa Kỳ tù mù…tôi lấy một miếng giấy bản khô gấp đôi lại, tôi ngần ngừ chưa biết nên lau thế nào…Mợ tôi chợt nói:Thôi con, để mợ tự chùi.
…phân, máu lầy nhầy được anh tôi hay tôi gom lại đem vất xuống nhà xí. Công việc này chúng tôi đã rất quen.
“4 giờ sáng chúng tôi bị đánh thức. Ba tôi nói cho chúng tôi biết mợ vừa mới mất. Chúng tôi vào phòng. Mợ tôi đã nằm thật yên. Nước mắt cứ trào xuống đầy mặt tôi. Chúng tôi chẳng nói hay hỏi ba tôi điều gì…”
…
Theo từng trang sách, chiến sự lan tràn, người dân chạy loạn vì Tây đốt làng, Việt Minh ruồng bố, bắt bớ, xử tử người ngay giữa chợ, giữa đồng…
Dù làng bị Tây đốt tan hoang, người dân vẫn tìm về, nhưng khi một người bị Việt Minh truy đuổi thì cả gia đình giòng họ đều trốn đi biệt tích.
Hiệp định Geneve năm 1954 chia đôi đất nước, hàng triệu đồng bào miền Bắc đã vào Nam lánh nạn cộng sản trong đó có gia đình tác giả.
…..
Như đã viết ở trên, đọc xong cuốn sách, tôi suy nghĩ nhiều về nỗi niềm của tác giả, và thấu hiểu nỗi thống khổ “Sống chẳng còn quê” của ông!
Quê của tác giả là phần đất chôn nhau cắt rốn, là chốn dung thân dù có cực khổ trăm bề như một phần tuổi thơ ông đã trải qua.
Rồi nạn đói năm Ất Dậu 1945, người dân không bỏ đi, vẫn bám lấy quê mà sống.
Khi làn sóng đỏ cộng sản phủ lên miền Bắc, người dân chạy vào Nam lánh nạn bằng những chuyến tàu của Hồng Thập Tự Quốc Tế với hàng chữ “Your Path To Freedom”, chỉ cần vượt sông Bến Hải đã đến bến bờ hạnh phúc.
Miền Nam với nền tự do dân chủ non trẻ, đã dưỡng nuôi tác giả và cả thế hệ của ông trở thành những người ưu tú hữu ích cho xã hội, là rường cột của đất nước. Thế hệ này đã hiến dâng máu xương của họ để báo vệ miền Nam khi cộng sản Bắc Việt xua quân xâm lăng phần đất tự do cuối cùng này của đất nước!
Suốt gần 20 năm bom đạn, quân dân miền Nam vẫn một lòng với quê hương.
Miền Nam vẫn là của đất nước Việt Nam. Quê nhà Lý Nhân nơi chôn nhau cắt rốn của tác giả, có Mả Bé nơi thân mẫu ông nằm lại, cũng là phần hồn, phần xác của đất nước Việt Nam.
Miền Nam vẫn là chốn dung thân đầy ắp tin yêu và những giá trị đáng sống. Không một ai bỏ đi, dù chiến tranh và phải chết ở nơi này.
Tháng Tư năm 1975, miền Nam bị cộng sản cưỡng chiếm, đã không còn là chốn dung thân nữa. Mọi người bỏ chạy ra biển tìm tự do. Tác giả Y sĩ Thiếu Tá Trần Xuân Dũng bị đi tù cải tạo. Khi ra tù, ông cùng gia đình vượt biên. Chuyến đi thập tử nhất sinh đã đưa gia đình ông đến bến bờ tự do và định cư tại Úc Đại Lợi.
Nhưng thương ôi, cho dẫu nước Úc là chốn dung thân an lành tốt đẹp, nhưng vẫn không phải là quê nhà Việt Nam, không phải là Vinh, là làng Lý Nhân, hay Hà Nội của những lần chạy loạn. Cũng không phải là miền Nam Tự do với Quảng Trị, Quảng Ngãi, Sàigòn…những nơi ông cùng gia đình, bằng hữu và đồng đội đùm bọc, chia sớt ngọt bùi những năm hạnh phúc cũng như khốn khó…vì thế mà ông ngậm ngùi viết những vần thơ:
Nghe chó sủa khuya, thấy não nề
Nhắc đời đất khách kéo lê thê
Ta vì thảm họa miền Nam mất
Sống Chẳng Còn Quê, thác chẳng về.
Có lẽ nhạc sĩ Hà Thúc Sinh cũng có tâm trạng “Sống Chẳng còn Quê, thác chẳng về” như bác sĩ Trần Xuân Dũng qua bài hát “Nếu tôi còn sống mà trở về…”
“…Nếu tôi còn sống mà trở về…Thực lòng muốn sống nơi đây…Cũng không còn chỗ cho một người…Một người còn giống như tôi…Tự do thơm tho trong dòng máu…Hồn tôi không yêu ai lừa dối…Làm sao gai đâm trong thịt tôi…Mà không cất tiếng nói…”
…..
Sau khi đọc xong cuốn sách, tôi nghĩ sẽ viết và chia xẻ với tác giả. Nhưng tôi chần chừ, rồi nạn dịch côvid ập đến. Bây giờ thì không còn cơ hội nữa.
Lần gặp bác sĩ Trần Xuân Dũng đầu tiên năm 2018, bây giờ trở thành lần cuối cùng và là lần duy nhất.
Xin kính tiễn Ông Về Trời Bình An.
PDH 06/23